Mẹ Nấm, viết từ Nha Trang - RFA
Như những người khác, quan tâm đến tình hình chính
trị, xã hội, tôi nhận thấy có rất nhiều người xung quanh mình cũng có
chung mối quan tâm như tôi. Tuy nhiên, vì đặc thù công việc, hoàn cảnh
mưu sinh khác nhau, đa phần chỉ đọc để biết, nếu có đặt vấn đề thì chỉ
giữ trong lòng hoặc chỉ chia sẻ trong vòng thân quen chứ ít khi bày tỏ
vấn nạn một cách công khai, đặt vấn đề tại sao, vì đâu và liệu chính
chúng ta có thể làm gì để thay đổi tình trạng này ngay tại vị trí của
mình.
Theo dõi tình trạng công an sử dụng bạo lực với
công dân cách đây vài năm, điều tôi có thể rút ra đó là vấn nạn này ngày
càng trở nên nghiêm trọng, và luật pháp lại không nghiêm minh trong khi
xử phạt các công an viên đã đánh đập người dân, thậm chí là đánh chết.
Trong số 31 ca tử vong tại đồn công an theo thống
kê sơ bộ trên báo chí từ năm 2007 đến nay, một số ca không qua xét xử,
một số ca không có thêm thông tin. Mức án nặng nhất cho việc công an
(dân phòng) đánh dân đến chết (tại trụ sở) hiện là 8 năm tù giam và tội
danh ở từng vụ cũng được định đoạt khác nhau.
Có vụ được xét xử với lý do “dùng nhục hình”, vụ khác lại là “làm chết người trong khi thi hành công vụ”.
Tệ nhất là những vụ có kết luận “tự
tử” trong đồn (hoặc nhà tạm giữ, trại giam) thì hầu như đều không được
đưa ra xét xử dù gia đình nạn nhân có khiếu nại và không đồng ý với
những giải thích chưa thoả đáng.
Nạn nhân không những bị chết oan mà còn chết trong
tình trạng danh dự bị xúc phạm với kết luận "tự tử". Kết luận điều tra
này tạo ra hình ảnh nạn nhân có tội, thấy ân hận phải tự tìm cái chết để
thoát trước khi bị xét xử đúng luật.
Ca điển hình của tình trạng này chính là trường hợp của nạn nhân Nguyễn Công Nhựt (Bình Dương).
Có một số vụ án được dư luận quan tâm và toà án
buộc phải xem đó như “án điểm”, tuy mức án xử phạt chưa thoả đáng, nhưng
thực tế cho thấy sự kiên quyết đi đến cùng của gia đình và sự quan tâm
của công luận cũng là yếu tố quyết định liệu công lý có được thực thi
hay không.
Chính vì lý do này mà tôi luôn muốn những người có
kinh nghiệm có điều kiện chia sẻ với nhiều người khác những gì họ đã
trải qua, càng có nhiều người thảo luận thì càng có thêm nhiều kiến thức
để bảo vệ nhau.
Rất nhiều lần làm việc với công an, gặp nhiều
người, đối diện với nhiều thái độ, nhiều cách cư xử khác nhau của họ tôi
nhận ra rằng, phần lớn công an tin mình có quyền lực và họ không thấy
sai khi bảo vệ sự nghiệp của họ bằng đủ biện pháp trong đó có cả bạo
lực.
Đơn cử như việc công an và dân phòng đánh đập các
blogger Trịnh Kim Tiến, Paulo Thành Nguyễn, Phạm Văn Hải, Nguyễn Ngọc
Như Quỳnh ở trên xe hôm 19/04/2014 để ngăn chặn và trấn áp không cho
chúng tôi và các bạn trong Mạng Lưới Blogger Việt Nam (MLBVN) thực hiện
buổi café Nhân Quyền thảo luận về vấn nạn công an sử dụng bạo lực với
dân tại quán Swing là một ví dụ cụ thể.
Ngay trong đồn công an Lộc Thọ, trung tá Huỳnh Văn
Sang còn cho rằng những công an viên đánh người đã bị cách chức, bị xử
lý theo pháp luật như vậy chưa đủ sao?
Nói như vậy có nghĩa là công an mặc nhiên coi
chuyện đánh dân là hợp pháp? Và nếu bị phát hiện thì chuyện xử lý là đã
đủ để xem như hình thức xử phạt công bằng? Chính ông Sang liên tục nhắc
đi nhắc lại với tôi: “nên nhớ những người bị công an đánh đều là tội
phạm”. Và tôi cũng đã thẳng thắn trả lời: “Vậy đánh tội phạm là đúng?
Luật pháp để làm gì? Và như lúc nãy tôi có phải là tội phạm không sao
công an và dân phòng đánh tôi?”
Chính mắt tôi đã thấy tay an ninh thường phục đánh
liên tiếp vào đầu Paulo Thành Nguyễn, tát vào mặt Trịnh Kim Tiến trước
sự chứng kiến của công an ngay trong đồn công an Lộc Thọ, và họ giả lả
ngó lơ.
Họ liên tục đập bàn, quát nạt khi chúng tôi dùng lý lẽ để phản đối.
Điều này cho thấy tâm lý chung là công an dễ dàng sử dụng bạo lực khi đuối lý, bất lực và để chứng tỏ họ có sức mạnh.
Chưa đủ, một đại tá an ninh tên Trần Hoàng Hà tại
Nha Trang còn tuyên bố đầy vẻ đe dọa và thách thức với blogger Paulo
Thành Nguyễn: "Còn quay lại Nha Trang là còn bị đánh nữa".
“Stop Police Killing Civilians” – “Chấm dứt tình
trạng công an đánh chết dân”, chính câu này đã làm hầu hết công an tham
gia trấn áp buổi café Nhân Quyền lần 3 của MLBVN thấy khó chịu và bực
tức. Có người trong số họ còn doạ sẽ kiện vì câu này đề cập chung đến
công an và họ nằm trong số đó.
Với tôi, khẩu hiệu này chính là một vấn nạn, giống
như vấn nạn xì ke ma tuý, trộm cướp, tham ô, tham nhũng... và bất cứ ai
quan tâm đều có cách thể hiện của mình để góp phần chấm dứt nó bằng các
câu như “Chấm dứt tình trạng xì ke ma tuý”, “Chấm dứt tình trạng trộm
cướp”, “Chấm dứt tình trạng tham ô, tham nhũng”.... Bất cứ ai quan tâm
đều có cách thể hiện của mình để góp phần chấm dứt nó.
Anh an ninh tên Dương làm việc với tôi có nhắc tôi
rằng, vấn nạn tôi quan tâm là một chủ đề lớn, trong khi điều mà tôi thể
hiện qua câu khẩu hiệu trên lại chỉ là một góc nhìn phiến diện, và qua
nhiều lần làm việc với tôi về nhiều vấn đề anh nghĩ rằng tôi chọn cách
thể hiện chưa đúng.
Tôi tôn trọng quan điểm của anh. Nhưng đó phải được
xem là quan điểm cá nhân và không phải là "quan điểm" luật pháp. Vì thế
tôi không tranh cãi với anh, tôi chỉ nhắc lại chuyện cách đây 4 năm,
năm 2009, khi tôi bị bắt liên quan đến vấn đề khai thác bauxite. 4 năm
sau, thực tế đã chứng minh dự án có vấn đề và tôi lại thấy góc nhìn của
tôi lúc ấy là đúng.
Muốn có một góc nhìn đúng sao không để chúng tôi
thảo luận và quan sát rồi hãy chứng minh chúng tôi nói sai. Và chuyện
đúng sai hoàn toàn không đồng nghĩa với đúng luật và sai luật. Hơn nữa,
phán xét nó là trách nhiệm của toà án chứ không phải của công an. Tự do
thực sự theo quan điểm của tôi là mọi người có quyền bày tỏ công khai
điều mình nghĩ mà không bị cơ quan chức năng kiếm cớ gây sự rồi trấn áp
thế này.
Tôi có nhiều bạn bè, mỗi người một mối quan tâm,
một cách thể hiện, hầu như chưa bao giờ chúng tôi thúc giục hay áp đặt
nhau phải làm gì trước mỗi vấn đề mình quan tâm, bởi nhận thức là cái
không thể ban tặng khi người ta có đủ trí khôn và đủ điều kiện tiếp cận
thông tin.
Với chủ đề thảo luận về tình trạng công an sử dụng bạo lực với dân được
thông báo một cách công khai của Mạng Lưới Blogger Việt Nam và cách hành
xử của lực lượng an ninh trong ngày 19/04/2014 đã cho tôi thấy rằng,
bạo lực là biện pháp cuối cùng được sử dụng khi không thể viện dẫn lý lẽ
để bảo vệ sự đúng đắn. Hay nói một cách khác, khi sợ hãi, người ta sẽ
dùng nắm đấm để khẳng định sức mạnh của mình.
Chính điều này càng thúc giục tôi đi tới, để nói và chia sẻ với nhiều
người thêm biết về quyền của mình và vượt qua sợ hãi từ những sinh hoạt
bình thường nhất.
Và tôi biết tôi sẽ không bao giờ cô đơn. Chung quanh tôi vẫn luôn có
những người bạn đồng hành can đảm, những người cùng quan tâm, cùng ước
muốn hết lòng hỗ trợ.(Mẹ Nấm, Nha Trang 23/04/2014)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét