Trần Vinh Dự, Đàm Quang Minh -VOA
Thực trạng nhiều trường đại học/cao đẳng hoạt động không khác gì các lò mổ và góp phần tạo ra một đội quân cử nhân thất nghiệp hùng hậu như vậy là hết sức đáng sợ. Bí ẩn tiếp theo là vậy các tân tú tài của chúng ta có biết điều đó hay không? Có cơ hội để biết những điều đó hay không? Họ là những nạn nhân vô tội của tình trạng thiếu thông tin hay là những tội đồ lười biếng?Đây là bí ẩn rất khó trả lời về mặt định lượng/thống kê.
Ma trận thông tin
Việt Nam không phải không có các đại học/cao đẳng công lập lâu năm, chất lượng tốt. Những trường này thì hầu như ai cũng biết. Đáng tiếc là số này quá ít và vì thế quá khó chen chân. Mặc dù đã được cảnh báo là điểm chuẩn cao nhưng Đại học Y Hà nội vẫn có số lượng đăng ký dự thi là 10.000 thí sinh dù trường chỉ có kế hoạch tuyển 1.000 sinh viên. Hay cá biệt hơn như ngành Xét nghiệm Y học của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có chỉ tiêu là 40 sinh viên nhưng có tới 2.022 thí sinh đăng ký. Tỷ lệ chọi lên tới 1/50,55 trong kỳ tuyển sinh 2014. Vì thế điểm chuẩn đầu vào có thể nói là không tưởng khi những thí sinh có điểm chuẩn 26.5/30 vẫn có thể trượt đại học. Bên cạnh đó các trường uy tín cũng luôn có điểm chuẩn cao như Đại học Dược Hà Nội(27/30), Đại học Bách Khoa Hà Nội (Toán – Tin – Điện tử: 24.5/30); Đại học Y Tp. HCM (26/30); Đại học Ngoại thương (Kinh tế đối ngoại: 26,5/30).
Xét về mặt tỷ lệ, các trường này chỉ đóng góp một phần rất nhỏ vào con số cử nhân tốt nghiệp hàng năm mà thị trường lao động cần. Vì thế chúng không mang tính đại diện cho hệ thống các trường đại học/cao đẳng của Việt Nam.Về mặt tổng thể, Việt Nam hiện có 207 trường Đại học, trong đó 154 là đại học công lập, và 53 trường đại học ngoài công lập. Việt Nam cũng có 185 trường cao đẳng công lập, 29 cao đẳng ngoài công lập. Đó là chưa kể 167 trường cao đẳng nghề kể cả công lập và ngoài công lập.
Với kỷ nguyên thông tin hiện nay, tìm kiếm thông tin về các trường này không khó. Trên thực tế, nhiều trường THPT, đặc biệt là các trường ở thành phố, đều tổ chức các hoạt động “tư vấn mùa thi” nhiều lần trong năm cho học sinh lớp 12 với sự xuất hiện của đại diện nhiều trường đại học/cao đẳng. Tiếp cận để tìm hiểu thông tin của bất cứ trường đại học/cao đẳng nào của Việt Nam rõ ràng là việc trong tầm tay của các học sinh THPT.
Tuy nhiên, nhiều thông tin không có nghĩa là các tân tú tài có các thông tin tốt, vì chất lượng thông tin là vấn đề lớn phải bàn. Các chương trình tiếp sức mùa thi là một thí dụ. Hàng năm có hàng loạt các tờ báo lớn và nhiều tổ chức khác triển khai chương trình này. Cách làm của họ là quảng cáo để các trường đại học/cao đẳng nộp tiền để “lấy chỗ” tham gia. Khi đến các trường THPT, mỗi đại diện một trường cũng chỉ được giới hạn thời lượng “tư vấn” khoảng 5 phút với các câu hỏi được mớm sẵn. Các trường phải tranh thủ thời gian này để nói tốt về trường mình càng nhiều càng tốt. Các trang mạng (website) của các trường cũng không phải là nguồn thông tin khách quan, vì không có lý do gì các trường nêu các điểm yếu của mình trên website. Thế nên thông tin thì nhiều, nhưng thông tin trung thực, khách quan thì ít.
Nhưng chuyện các trường quảng cáo hay về mình chẳng lẽ không phải là câu chuyện chung ở mọi nước? Đương nhiên rồi. Nhưng cái mà Việt Nam thiếu là các nguồn thông tin, các đánh giá, các báo cáo trung lập, cập nhật, và đầy đủ (chỉ có trung lập không thôi thì không giải quyết được gì, mà phải kèm cả đầy đủ và cập nhật thường xuyên).Ví dụ như US News & World Report của Mỹ, đây là hệ thống xếp hạng tất cả các trường từ cao đẳng đến đại học trên toàn nước Mỹ. Hệ thống đánh giá này có thông tin chi tiết từ số lượng sinh viên, học phí, đánh giá của người học, đánh giá chất lượng theo từng chuyên ngành và đối sánh với các trường khác. Bên cạnh việc có đầy đủ thông tin, US News & World Report còn đưa ra tư vấn giúp người học chọn trường phù hợp với lực học, sở thích và điều kiện tài chính chứ không chỉ chạy theo xếp hạng.
Quay lại với Việt Nam, những hệ thống đánh giá một cách độc lập và trung thực như thế này là hoàn toàn chưa có. Những báo cáo giáo dục chỉ dừng lại ở những nhận định chung chung hoặc vĩ mô mà không hề chứa đựng thông tin cần thiết nào giúp người học có thể biết được chất lượng của mỗi trường đại học, cao đẳng. Chấp nhận đánh giá theo các chuẩn quốc tế cũng có thể là một giải pháp nhưng có lẽ phần lớn các trường không muốn phô bày thực trạng của mình cho xã hội nên chỉ có duy nhất một trường đại học tư thục tham gia đánh giá độc lập của một tổ chức đánh giá đại học quốc tế.
Nghìn năm mê muội chạy theo bằng cấp
Thông tin dở không có nghĩa là các thanh niên trẻ của chúng ta vô tội. Với văn hóa chuộng bằng cấp được hun đúc qua nhiều thế hệ, các tân tú tài (và phụ huynh của họ) đều khát khao có một tấm bằng đại học.
Điều này đã nằm trong “gen văn hóa” của người Việt, và là một đặc điểm của khái niệm xã hội bằng cấp (credential society) mà Randall Collins (giáo sư xã hội học của University of Pennsylvania) mô tả trong cuốn sách “Xã hội bằng cấp: một lý thuyết xã hội học lịch sử về giáo dục và phân tầng xã hội” xuất bản từ năm 1979[i].Theo mô tả của Collins, xã hội bằng cấp là loại xã hội dựa chủ yếu vào bằng cấp để tuyển dụng lao động mà coi nhẹ năng lực thực sự của cá nhân. Ở đó con người được đánh giá giá trị bản thân, giá trị của sức lao động phụ thuộc vào bằng cấp mà họ đạt được cao hay thấp, nhiều hay ít. Vì thế, mọi người đều phải cố gắng đi học, không phải với mục đích phát triển năng lực hay kiến thức, mà chỉ đề giành lấy một tấm bằng nhất định nào đó.
Hiện thực này bám rễ trong văn hóa Việt Nam từ hàng nghìn năm nay. Trong một xã hội nông nghiệp phong kiến, cách duy nhất để tiến thân và có “mặt mũi” với đời là làm quan, mà muốn làm quan thì phải đỗ đạt. Trong mô hình xã hội thời bao cấp cũng không khác là bao, muốn thăng tiến nghề nghiệp thì phải làm việc cho nhà nước, và phải có bằng cấp. Vì thế, qua hàng nghìn năm dưới xã hội bằng cấp, người Việt đã hình thành văn hóa chuộng bằng cấp.
Thực tế cuộc sống nay đã khác nhiều. Ngoài khối hành chính nhà nước và các doanh nghiệp quốc doanh đang trong lộ trình teo nhỏ lại. Các doanh nghiệp nhà nước chiếm chủ lực với 57% vào năm 2001 thì theo báo cáo mới nhất chỉ còn chiếm 32,4%, tức là tốc độ giảm trung bình khoảng 2%/năm trong 13 năm qua. Theo xu thế, tỷ trọng này sẽ tiếp tục giảm mạnh nếu thực hiện đúng cam kết về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Do đó, nhu cầu tuyển dụng lao động nằm phần lớn trong khu vực ngoài nhà nước. Những công việc năng động nhất cũng phần lớn đang nằm trong khối phi nhà nước (bao gồm khối tư nhân và nước ngoài).
Một đặc điểm bất biến của khu vực tư nhân là hướng tới hiệu quả. Có nghĩa là dù bằng cấp gì, nếu không làm được việc thì cũng không thể giữ được vị trí của mình trong doanh nghiệp. Khác với khu vực công của Việt Nam, nơi bằng cấp là tấm vé vào cửa, khu vực tư có sự lựa chọn tự do hơn, theo đó bằng cấp chỉ là một tiêu chí đánh giá, phần còn lại là năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng, thái độ, và khả năng học hỏi cái mới. Chính vì thế, khi xã hội dịch chuyển dần theo hướng khu vực phi nhà nước ngày càng quan trọng, thì xét về mặt người tuyển dụng lao động, sức nặng của bằng cấp giảm dần. Nói cách khác, xã hội Việt Nam hiện nay đã ít nhiều xa rời phiên bản “xã hội bằng cấp” theo mô tả của Collins.
Tuy nhiên, văn hóa trọng bằng cấp, không phải ở phía người tuyển dụng mà từ phía người tham gia lực lượng lao động, vẫn còn. Lý do là sự dịch chuyển về văn hóa bao giờ cũng có độ trễ do với sự phát triển của thực tế kinh tế. Vì thế dẫn đến tình trạng là những tân tú tài, vừa từ nhu cầu tự thân, vừa dưới áp lực của phụ huynh, vẫn mải miết đi kiếm bằng đại học, kể cả từ những trường dởm theo cách mô tả của chúng tôi là những “lò mổ tú tài”. Đơn giản là trong cách nghĩ của họ, dù là bằng đại học dởm vẫn hơn một bằng cao đẳng, và dù là một bằng cao đẳng dởm vẫn hơn một bằng trung cấp.
Và thế là hình thành hai gọng kìm bóp chặt từ hai phía. Một bên là nhu cầu có bằng cấp, bất kể từ trường đại học/cao đẳng nào. Một bên kia là tình trạng hỗn độn của thông tin dẫn tới chuyện khó có cách sàng lọc các trường tốt khỏi các “lò mổ tú tài”. Hai gọng kìm này xiết lại, đẩy hàng loạt các tân tú tài vào các “băng chuyền” giống như một đàn gà đi vào lò mổ.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét