VNTB
Viết Lê QuânTác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB
Cơ hội “thoát Trung” cho một Việt Nam đang chịu phụ thuộc quá sâu đậm vào nền kinh tế Trung Quốc đang có dịp được cải thiện, nếu thực tâm giới lãnh đạo Hà Nội muốn vậy.
Trong vài năm trở lại đây, kinh tế Trung Quốc bắt đầu xuất hiện mầm mống của khủng hoảng. Và trong vài tháng gần đây, thông tin u ám về kinh tế quốc gia này trở nên khá dồn dập, ít ra trên mặt báo chí.
Vết xe đổ
Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ Paul Krugman (từng đạt giải Nobel kinh tế năm 2008) đưa ra dự báo cho rằng thời kỳ “vết xe Nhật Bản” đang đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc. Các nhà phân tích tài chính thuộc ngân hàng Merrill Lynch của Mỹ đặt ra câu hỏi: liệu có phải Trung Quốc sẽ sớm đi theo vết xe đổ của Nhật Bản?
Câu trả lời là có, và hậu quả đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ lớn hơn rất nhiều so với nỗi lo của Krugman.
Năm 1992, các chuyên gia phân tích của Merrill Lynch đã sớm nhận ra dấu hiệu của những “bong bóng kinh tế” làm tê liệt nền kinh tế Nhật Bản. Còn bây giờ, những dấu hiệu tương tự đang diễn ra ở Trung Quốc: hệ thống tài chính thiếu vốn, tăng trưởng mất cân đối và năng lực sản xuất dư thừa không hiệu quả … Thậm chí, hiện nay Trung Quốc còn phụ thuộc vào xuất khẩu nhiều hơn so với Nhật Bản những năm 1990.
Đáng lo ngại nhất là khu vực ngân hàng. Vấn đề khiến các nhà phân tích của Merrill Lynch lo lắng là Bắc Kinh thiếu các hành động thực sự hiệu quả trong khi nguy cơ và tốc độ phát triển nợ xấu của Trung Quốc hiện cao hơn Nhật Bản rất nhiều. Tỷ lệ nợ xấu đang được cho là đã chạm ngưỡng hai con số.
Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, trong nửa đầu năm nay, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại tại các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã lớn hơn cả năm 2013. Nói cách khác, trong những năm gần đây, Trung Quốc đang tích lũy nợ xấu và tạo ra bong bóng kinh tế, thay vì kiềm chế nó.
Vào năm 2012, chính một cựu lãnh đạo ngành thống kê Trung Quốc đã phải thừa nhận rằng số liệu công bố trước đó về nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc là “không chính xác”. Theo báo cáo, số nợ này chỉ khoảng 1.450 tỷ USD, nhưng thực chất phải đến hơn 2.000 tỷ USD. Cho đến cuối năm 2013, lần đầu tiên Ngân hàng trung ương Trung Quốc mới chịu tiết lộ con số tương đối xác đáng về nợ của các chính quyền địa phương: chẵn 3.000 tỷ USD. Tức chỉ trong ba năm, loại nợ này đã tăng gấp đôi.
Trung Quốc có 4.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối để giải quyết vấn đề nợ xấu. Tuy nhiên, bất cứ động thái nào biến số trái phiếu kho bạc Mỹ, nợ của châu Âu và trái phiếu Nhật mà Trung Quốc đang nắm giữ thành tiền mặt cũng sẽ khiến thị trường tài chính toàn cầu rung chuyển. Trung Quốc sụp đổ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường hàng hóa thế giới cũng như tất cả các ngành, từ sản xuất đến công nghệ cao. Các nước phụ thuộc vào xuất khẩu, từ Úc đến Nhật Bản và Brazil, đều sẽ bị ảnh hưởng. Rất có thể, đây sẽ là một cú đánh bất ngờ với nền kinh tế Mỹ cũng như châu Âu vốn đang ngày càng mong manh.
Trong khi Trung Quốc vẫn chưa có động thái cụ thể nào trong việc giải quyết nợ xấu, kinh nghiệm của Nhật Bản đã chứng minh, phát triển bền vững về kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào một hệ thống ngân hàng ổn định. Nếu như cuộc khủng hoảng nợ ngày càng kéo dài, nó sẽ đẩy Trung Quốc rơi vào “thập kỷ mất mát” khó có thể cứu vãn.
Chỉ là “in tiền”
Dấu hiệu suy trầm rõ rệt nhất của hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã vừa xuất hiện.
Bloomberg dẫn thông tin từ Sina.com cho biết Trung Quốc vừa bơm 500 tỷ nhân dân tệ (tương đương 81,4 tỷ USD) vào 5 ngân hàng lớn nhất nước này trong bối cảnh Thủ tướng Lý Khắc Cường đẩy mạnh các biện pháp kích thích để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“Điều này giống như in tiền”, Shen Jian-guang, chuyên gia kinh tế đến từ Mizuho Securities Asia Ltd., nhận định. Động thái này sẽ có tác động tương đương với việc cắt giảm 50 điểm cơ bản đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng cho tất cả các ngân hàng.
Mặc dù Sina không nêu tên cụ thể, 5 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc là Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Xây dựng, Bank of China và Bank of Communications.
Tình hình hiện thời rất có thể khác biệt nhiều với năm 2008 – khi Trung Quốc bơm gần 700 tỷ USD để cứu hệ thống ngân hàng nước này khỏi sụp đổ. Tuy nhên vào thời điểm ấy, nợ xấu chưa phải vấn đề quá nan giải như giờ đây.
Bắc Kinh sẽ còn cầm cự được bao lâu nữa?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét