Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

‘Tự ái rởm’ hay là chuyện ‘Giận Tàu, chém chữ Nho’

Tuấn công thư phòng

Hoàng Tuấn Công
Bài viết Thưa ông Bộ trưởng Văn hóa, đâu là phần chìm của văn hóa ngoại lai? của tác giả Xuân Dương đăng trên báo “Giáo dục Việt Nam”, chúng ta có thể xem như một trong những trường hợp tiêu biểu cho hiện tượng “Giận Tàu, chém chữ Nho”, bài ngoại cực đoan, gây nhiễu loạn thông tin và ngộ nhận về văn hóa truyền thống dân tộc hiện nay. Sau khi đồng tình chủ trương “truy bắt” sư tử Tàu, bình hoa Tàu tùy tiện đưa vào các di tích và lên án việc sử dụng chữ Hán trên hoành phi, câu đối, bia đá  ở các ngôi đền chùa, đặc biệt là loại mới trùng tu, xây dựng, tác giả XD đặt ra câu hỏi:


“Mốt lai căng đang tràn ngập mọi hang cùng, ngõ hẻm, đang len lỏi vào các cơ quan công quyền, vào tận chốn thờ tự linh thiêng vì sao vẫn chưa làm thức tỉnh những người có trách nhiệm ở ngành Văn hóa. Vì sao ngành này và các địa phương mới chỉ để ý đến mấy con sử tử đá mà không chú ý đến những điều sâu sắc hơn, nhạy cảm hơn như hoành phi, câu đối, bia đá… trong di tích?”

Như vậy, chỉ xem cách đặt tên bài viết “Thưa ông Bộ trưởng, đâu là phần chìm của văn hóa ngoại lai ?” và trích đoạn trên cũng đủ hiểu, tác giả Xuân Dương xem chữ Hán là phần chìm của tảng băng “văn hóa ngoại lai”“mốt lai căng” mà Việt Nam cần bài trừ triệt để (!)
Chúng tôi xin được trao đổi đôi điều, những điều mà lẽ ra không cần phải nhắc lại nữa.
1.Chữ Hán có phải là “lai căng”,“văn hóa ngoại lai” cần phải bài trừ không?
Chưa có bằng chứng nào cho thấy người Việt cổ từng có chữ viết (hiểu theo đúng nghĩa) Không văn tự này thì văn tự khác, chúng ta đều phải sử dụng chữ viết của dân tộc khác. Bởi thế không có cơ sở để nói rằng chữ Hán xâm lăng, triệt tiêu chữ của người Việt.
Điều đặc biệt là trong không ít cuộc chiến tranh giữ nước, người Việt đã biến chữ Hán-chữ vốn do kẻ đô hộ, xâm lược ấy truyền sang với mục đích đồng hóa, thành một thứ vũ khí lợi hại để đánh và chiến thắng chính kẻ thù truyền kiếp phương Bắc. Trong cuộc kháng chiến chống Tống, Lý Thường Kiệt đã thực hiện kế “Tiên phát chế nhân” soạn bài hịch “Phạt Tống lộ bố văn” bằng chữ Hán, kể tội nhà Tống, thu phục được nhân tâm vùng quân sĩ sẽ đi qua, rồi đem quân đánh sang tận đất Tống, phá thành Ung Châu, triệt hạ kho lương chuẩn bị để xâm lược Đại Việt. Khi giặc Tống xâm lăng, bài thơ thần “Nam Quốc sơn hà” lại vang lên làm giặc phương Bắc rụng rời… Những giai thoại đối đáp chữ nghĩa giữa sứ ta và sứ Tàu khẳng định chữ Hán đã được ông cha ta tiếp thu nhuần nhuyễn, uyên thâm không thua kém gì bên “Thiên triều”. Trong khởi nghĩa Lam Sơn, khi vây hãm thành Đông Quan lâm vào thế bế tắc, Lê Lợi đã mưu “phạt tâm công” dùng những bức thư chữ Hán lời lẽ vừa cương quyết vừa mềm mỏng, khôn khéo để dụ Vương Thông đầu hàng, tránh đầu rơi máu chảy và bảo vệ vẹn nguyên kinh thành. Khi thiên hạ đại định, “Bình Ngô đại cáo” bằng chữ Hán lại vang lên sang sảng tự hào: “Núi sông bờ cõi đã chia, Phong tục Bắc Nam cũng khác…” “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, Song hào kiệt đời nào cũng có…” (Bản dịch)
Cho tới tận bây giờ, những thư tịch cổ bằng chữ Hán của các triều đại phong kiến Việt Nam vẫn tiếp tục đứng về phía dân tộc Việt Nam khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, tố cáo với thế giới sự ngang ngược của Trung Quốc. Và nhiều, rất nhiều ví dụ khác không thể kể hết.
Chữ Hán có nguồn gốc ngoại lai, nhưng yếu tố ngoại lai đã được ông cha tiếp thu có sáng tạo, và đã trải qua hàng ngàn năm bồi đắp, chắt lọc, trở thành bản sắc truyền thống dân tộc Việt Nam. Nó khác hẳn kiểu bắt chước, sao chép, vay mượn một cách sống sượng, kệch cỡm của văn hóa lai căng.
Vậy lý do gì ông Xuân Dương xếp chữ Hán vào diện “lai căng”, “ngoại lai” cần bài trừ ?
2.Vì sao hoành phi câu đối lại viết bằng chữ Hán ?
Trong bài viết, ông Xuân Dương luôn thắc mắc, tại sao hoành phi, câu đối trong các đình chùa, miếu mạo, đặc biệt loại mới xây dựng lại không viết bằng chữ Quốc ngữ: “Không nói đến các di tích được trùng tu, rất nhiều công trình tưởng niệm các danh nhân, đình, chùa mới xây dựng những năm gần đây (ví dụ chùa ở đảo Bạch Long Vĩ,  khu lưu niệm danh nhân Cao Bá Quát – Phú Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) hoành phi câu đối đều bằng tiếng Hán. Bao nhiêu trong số chín mươi triệu người Việt ngày nay có thể đọc và hiểu những chữ đó?  Chẳng lẽ phải viết bằng chữ Hán thì công trình mới có giá trị lịch sử?”(HTC nhấn mạnh)
Xin thưa: hoành phi, câu đối viết bằng chữ Hán vì nó vốn sinh ra để viết bằng chữ Hán, sinh ra bởi đặc điểm, cách “chơi” của chữ Hán; và hàng ngàn năm qua cha ông ta vẫn viết bằng chữ Hán chứ không phải bất cứ một loại văn tự nào khác. Cao Bá Quát được người đời suy tôn là ông “Thánh” chữ Nho (“Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán…”; “Thần Siêu, thánh Quát”). Bởi vậy, việc sử dụng hoành phi, câu đối chữ Nho để tưởng niệm (không phải “lưu niệm” như ông Xuân Dương viết) ông “Thánh chữ” là việc làm hoàn toàn hợp lý. Chỉ có người muốn đưa chữ Quốc ngữ-thứ chữ Tây đã “bóp chết” chữ Nho (Hán cổ) để “tưởng niệm” Cao Bá Quát mới là điều đáng nói.
Với chuyện hoành phi câu đối trong chùa ở đảo Bạch Long Vĩ dùng chữ Hán cũng hết sức bình thường và hợp lý. Bởi đó là nét đẹp truyền thống trong văn hóa và kiến trúc cổ truyền dân tộc, hình ảnh đã in sâu vào tiềm thức của mỗi người. Ngoài đảo xa muôn trùng sóng gió mà lại hiện diện một ngôi chùa Việt có nét đẹp cổ kính, gần gũi như vốn đã tồn tại ở đó hàng trăm năm thì còn gì bằng? Nếu sử dụng chữ Quốc ngữ, thì hàng trăm năm sau, ngôi chùa vẫn chỉ mới như ngày hôm qua. Đình chùa, miếu mạo có nét cổ kính, một chút thâm trầm, bí ẩn cũng tạo được hiệu ứng tâm linh so với những nét quá mới và phô bày lồ lộ trước mắt.
Trở lại vấn đề đang bàn. Do nghĩa lý sâu xa, ý tại ngôn ngoại của chữ Hán, bức hoành phi chỉ cần 3 đến 4 chữ, đôi câu đối mỗi vế 5 hay 7 chữ đã nói lên được rất nhiều điều mà chữ Nôm, chữ Quốc ngữ khó nói được, hoặc phải diễn giải ra tới cả trang giấy. Mỗi chữ Hán dù ít nét hay nhiều nét đều được viết trong một ô vuông. Thư pháp chữ Hán đã có hàng ngàn năm tuổi, kết hợp nghệ thuật điêu khắc, sơn son thếp vàng, mỗi bức hoành phi, câu đối chữ Hán với đầy đủ chương pháp, lạc khoản, trở thành bức thư họa khắc gỗ lộng lẫy. Bởi vậy, hoành phi, câu đối chữ Hán không chỉ biểu đạt nội dung, mà hình thức của nó còn tham gia vào không gian kiến trúc nội thất đình chùa, miếu mạo, tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật chạm khắc gỗ hài hòa với những long ly, quy phượng, hoa văn, hương án, tượng thờ…
Nói về chữ Quốc ngữ, xưa ông bà ta gọi là “chữ Tây” vốn sinh ra để viết theo hàng ngang, nay đưa vào câu đối viết theo hàng dọc là bắt chước cách viết chữ Hán. Mặt khác một chữ Quốc ngữ có khi ít ký tự, nhiều ký tự, thòi ra, thụt vào trên hoành phi, câu đối rất thô, cứng và vô hồn. Trong khi đó thư pháp chữ Quốc ngữ lại chưa đủ “pháp” để vừa đảm bảo giá trị văn bản, vừa có yếu tố mỹ thuật. Càng kệch cỡm hơn khi chữ Quốc ngữ cũng được sơn son, thếp vàng, xung quanh chạm khắc vân mây, rồng hóa, đặt phía trên cửa võng làm theo lối cổ. Nó phá vỡ tính thống nhất trong phong cách kiến trúc, bài trí nội thất của đền chùa, di tích. Có lẽ chính bởi vậy mà đã có một thời khi sử dụng chữ Quốc ngữ viết câu đối, người ta phải “gò” các con chữ cái La tinh vào khuôn khổ ô vuông hoặc hình tròn rồi tìm cách viết cho nó na ná giống như chữ Hán để dễ coi hơn. Vậy là “Mèo lại hoàn mèo”. Thậm chí mèo chẳng ra mèo, chuột chẳng ra chuột. Dân gian có câu: “Trò nào trống nấy”. Nếu chỉ xét riêng về yếu tố mỹ thuật và nguyên tắc phục cổ trong kiến trúc đền chùa thì cách làm “tân cổ giao duyên” mà ông Xuân Dương ca ngợi mới đáng gọi là lai căng khó chấp nhận.
Ông Xuân Dương cho rằng hoành phi, câu đối phải viết bằng chữ Quốc ngữ bởi “Bao nhiêu trong số chín mươi triệu người Việt ngày nay có thể đọc và hiểu những chữ đó?” (tức chữ Hán-HTC). Tuy nhiên, lại phải hiểu rằng, chữ trên hoành phi câu đối trong đền chùa không thuộc loại bắt buộc phải phổ cập. Nội dung của nó trước tiên là để thờ thần, phật, tiên, thánh, tiền nhân… Nếu cần, chỉ một phiến đá kích thước chừng 50×70 đã có thể làm sơ đồ, phiên âm, dịch, giải nghĩa rõ ràng nội dung các bức hoành phi câu đối Hán Nôm trong một ngôi chùa hay đền miếu.
Với chữ Hán, nhìn vào mặt chữ có thể biết được nghĩa. Tuy nhiên, nhiều chữ đồng âm, dị nghĩa phiên âm Hán Việt, viết bằng chữ Quốc ngữ rất khó phân biệt. Ca ngợi vua tôi bằng chữ Hán mà viết bằng chữ Quốc ngữ: “Quân tắc cổ, thần tắc cổ…; Thượng ung tai, hạ ung tai…” thì khác gì những lời chửi rủa ? Bức đại tự “Đại hùng bảo điện” viết bằng Quốc ngữ ông Xuân Dương ca ngợi mọi người đều đọc được, thực chất chỉ là phiên âm Hán Việt. Bởi vậy đọc được rồi, liệu có bao nhiêu người hiểu “Đại hùng bảo điện” nó là cái chi? Để hiểu được, liệu có thể diễn giải nội dung chừng nửa trang giấy rồi khắc chữ lên đó làm “hoành phi” không? “Bảo điện” thờ Phật thì trước hết phải viết bằng chữ Hán-thứ chữ và nghĩa nhà Phật dùng để suy tôn đức hiệu của Phật (Đại Hùng) chứ? Rồi “Thần công mạc trắc”, hay “Vân lai tập hội” nghĩa là gì? Ngay như 4 chữ “Cao sơn cảnh hành” trên đền Hùng nếu phiên âm Hán Việt và viết bằng chữ Quốc ngữ, già trẻ, lớn bé đều có thể đọc được. Nhưng trong khi các nhà Hán học còn ngồi “bàn nát” xem đọc là “cảnh hành” hay “cảnh hạnh” và nó có nghĩa là gì thì liệu mấy người đọc Quốc ngữ hiểu được? Hay cuối cùng vẫn là những người biết đọc chữ Hán mới hiểu ? Hơn nữa, không đọc được chữ Hán là do không được dạy, không được học, không thèm học chứ đâu phải tại thứ chữ đã gắn bó với dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm ?
Làm đình, làm chùa tức là kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống. Việc vứt bỏ chữ Hán đã có hàng ngàn năm lịch sử để thay vào một thứ chữ tuy được gọi là Quốc ngữ nhưng cũng là ngoại lai, với mẫu tự La tinh và cách ghép vần đa số theo tiếng Tây gốc Gaulois; cũng theo chân một kẻ xâm lược đô hộ khác, nhưng mới chỉ thành chữ Quốc ngữ trước 1945. Chữ này vốn không ai dùng để viết hoành phi, câu đối. Vậy cái nào lai căng, kệch cỡm hơn cái nào? Nếu ông Xuân Dương hoặc ai đó thấy cái hay, cái đẹp của chữ Quốc ngữ trên hoành phi câu đối trong đền chùa xin cứ dùng, không ai cấm. Không nên chỉ trích, thúc giục Bộ văn hóa, chính quyền TP Hải Phòng dùng cái mới để triệt tiêu cái cũ, coi sự hiện diện của chữ Hán trên “hoành phi, câu đối, bia đá… trong di tích“lai căng”,“trái với đạo lý dân tộc” (!)
3.Hoành phi, câu đối viết bằng chữ Quốc ngữ có thoát được chữ Hán “lai căng” không ?
Phương án thay thế “văn hóa ngoại lai”“mốt lai căng” chữ Hán của ông Xuân Dương là dùng chữ Quốc ngữ. Thế nhưng, tên nước “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” rồi mấy chữ “Độc lập- Tự do-Hạnh phúc” hay bản thân tên tác giả Xuân Dương, “Đại hùng bảo điện” hay “Vạn đức từ tôn” viết bằng chữ Quốc ngữ mà Xuân Dương ca ngợi có tính dân tộc kia đều là từ Hán Việt. Từ Hán Việt ấy ở đâu ra ? Là do ta dùng chữ Hán, đọc theo cách phát âm của ta. Từ Hán Việt mang nghĩa chữ Hán, nó chỉ khoác cái áo phát âm Việt mà thôi. Nói một cách nôm na, cái “thằng” chữ Hán “lai căng” mà ông Xuân Dương cho rằng “trái với đạo lý dân tộc” và cần bài trừ kia chính là bố đẻ ra “thằng con” từ Hán Việt. Vậy, nếu đã kính “ông con”, sử dụng “ông con”, ta có khinh thường, hay “triệt hạ” được “ông bố” không ? Được! Bằng cách nào? Chỉ cho phép “thằng con” Hán Việt ở lại định cư, còn đuổi “ông bố” chữ Hán về nước. Hay! Vậy bức hoành phi có mấy chữ “Đại hùng bảo điện”, hay “Vạn đức từ tôn”, tên ông Xuân Dương rồi mấy địa danh Hoàng Sa, Trường Sa, Song Tử Tây, Bạch Long Vĩ…kia nghĩa là gì nhỉ? Không biết ! Vậy muốn biết phải hỏi ai bây giờ? Hỏi “mẹ” từ Việt. Nhưng “mẹ Việt” chỉ ghi âm từ Hán chứ không ghi nghĩa. Làm sao bây giờ? Chỉ còn mỗi một cách là hỏi “bố đẻ” ra nó, hỏi chính cái “thằng” chữ Hán “lai căng” kia ! Nghĩa là ta phải tra “Hán Việt từ điển”. Nếu tra Từ điển, tự điển của Đào Duy Anh, của Thiều Chửu (vốn cũng phải tham khảo từ điển Tàu)…mà vẫn chưa thông, ta còn phải tìm sang tận bên Tàu trực tiếp hỏi “lão” “Khang Hy từ điển”, hỏi “Từ nguyên” hay “Hán ngữ đại từ điển”…của “Tàu khựa” nữa kia. Nếu ai đó nói rằng, mấy chữ “Đại hùng bảo điện” hay “Hoàng sa, Trường sa”…ấy có gì mà không hiểu nghĩa. Vâng, nhưng nhờ đâu mà hiểu? Cũng là do những người được học chữ Hán dạy cho ta, hoặc tra cứu từ điển chữ Hán mới hiểu được mà thôi. Còn nếu nói “cùng” rằng, tôi không thèm biết nghĩa Hán của nó là cái gì, chỉ biết nó là địa danh, nhân danh mà thôi. Cũng được. Đó là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, không nên hô hào, tuyên truyền cho người khác hoặc con cháu cũng phải có cái đức giống mình.
Cha ông ta từng sáng tạo ra chữ Nôm. Thế nhưng chữ Nôm lại cũng được hình thành trên cơ sở các bộ chữ Hán và phép cấu tạo chữ Hán. Mặt khác, rất nhiều chữ mang tiếng là chữ Nôm nhưng thực chất là Hán 100%. Ví dụ: thần, phật, đạo đức, học, hành, bút, mực (mặc) phúc, đức, nhân, tâm,v.v…Vua Quang Trung là người chủ trương triệt để sử dụng chữ Nôm, kể cả trong các văn bản hành chính Nhà nước.Thế nhưng, cái tên Nguyễn Huệ và niên hiệu Quang Trung, rồi thành Phượng Hoàng Trung đô xây dựng ở Nghệ An vẫn phải viết bằng chữ Hán 100% đó thôi.
Cuối cùng, như trên đã nói, hoành phi, câu đối vốn không phải của người Việt mà là cách “chơi” xuất phát từ Tàu. Vậy, ai đó có dám bỏ, và có thể bỏ hết, không dùng hoành phi câu đối nữa không? Có cho rằng những “Ẩm thủy tư nguyên”, “Mộc bản thủy nguyên” “Đức lưu quang” phía trên bàn thờ tổ tiên nhà mình là “lai căng”, là “trái với đạo lý dân tộc” không? Có dám đổi cái tên ý nghĩa, đẹp đẽ của mình hoặc đặt tên cho con cháu mình là cột, kèo, thúng, mủng, dần, sàng được không ? Hay là nói như các cụ, “Kiêng cái nhưng ăn nước?”
4.Yếu tố ngoại lai có làm mất bản sắc và suy yếu dân tộc hay không?
Văn tự hay ngôn ngữ suy cho cùng chỉ là hình thức, phương tiện biểu đạt. Nội dung của nó mới là bản sắc. Rượu gạo Việt Nam đựng trong vỏ chai Mao Đài Trung Quốc vẫn mang hương vị Việt Nam, đâu có biến thành rượu Mao Đài? Các cụ nhà ta xưa học chữ Hán, thi bằng chữ Hán, làm quan “bằng chữ Hán”, sáng tác thơ văn, chép sử bằng chữ Hán…thậm chí nghi lễ, thiết chế trong triều cũng theo phép Hán…Thế nhưng các cụ đâu có biến thành người Hán ? Những tác phẩm văn chương bằng chữ Hán đó vẫn chứa đựng giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. “Bắc hành tạp lục” của Nguyễn Du có 131 bài thơ chữ Hán thì 122 bài viết ngay trên đất Trung Quốc, lấy những điều mắt thấy tai nghe bên Trung Quốc làm đề tài, cảm hứng. Thế nhưng, nội dung những bài thơ chữ Hán đó vẫn mang tình cảm, tư tưởng của một người Việt Nam, đâu có thành của Trung Quốc? Rồi Truyện Kiều, từ câu chuyện có nguồn gốc Tàu 100%, Nguyễn Du bám sát từng chi tiết nguyên tác, “chuyển thể” thành thơ Nôm (cấu tạo bởi chữ Hán) sao vẫn mang tâm hồn Việt ?
Vua Quang Trung nổi tiếng với câu nói: “đánh cho nó phiến giáp bất hoàn, đánh cho nó chích luân bất phản, đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” phần đa đều là dùng từ Hán, ông vẫn đánh tan 20 vạn quân Thanh đến từ quê hương xứ sở của chính cái chữ Hán kia như thường! Lê Lợi ngày cày ruộng, đêm đọc sách Hán, mười năm nếm mật nằm gai, có cả “Quân trung từ mệnh tập” do ông sai mưu sĩ viết bằng chữ Hán…Vậy mà vẫn khiến kẻ xâm lược tự xưng là “Thiên triều” kia phải dùng chính chữ Hán của “Thiên triều” mà “quỳ gối dâng tờ tạ tội”! (“Đô đốc Thôi Tụ quỳ gối dâng tờ tạ tội, Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng…”-Bình Ngô đại cáo)… Bản thân Lê Lợi về cuối đời còn thân chinh đi đánh giặc, làm thơ chữ Hán với lời tuyên bố đanh thép: Ta già gan sắt vẫn còn đây (Lão ngã do tồn thiết thạch can)…
Văn hóa hay ngôn ngữ của một dân tộc văn minh không phải là cái ao tù. Nó trở thành dòng sông lớn nhờ tiếp thu được lưu lượng nước từ các nhánh sông nhỏ để cuộn chảy đời đời không dứt…Dòng sông lớn ấy vẫn mang tên và bản sắc của chính mình chứ không bị thay bởi cái tên hay sắc màu, hương vị của những khe ngòi đã chảy vào và góp thêm sự lớn mạnh cho nó.
Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên vốn là các nước đồng văn (cùng sử dụng chữ tượng hình) như Trung Quốc. Hiện nay, ở Hàn Quốc và Nhật Bản chữ Hán vẫn được sử dụng trong Quốc ngữ. Chúng ta có thể tham khảo thống kê của Wikipedia, ở Nhật Bản: Đến năm 1981 thì lượng chữ Hán thông dụng được điều chỉnh lại gồm khoảng 1945 chữ thường dùng, khoảng 300 chữ thông dụng khác dùng để viết tên người. Đến năm 2000, các chữ Hán dùng để viết tên người được điều chỉnh thêm, số lượng tăng lên trên 400 chữ“. Còn ở Hàn Quốc: “Năm 1972, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã quy định phải dạy 1800 chữ Hán cơ bản cho học sinh”.
Vậy người Hàn Quốc và Nhật Bản sử dụng chữ Hán do họ thấy cần thiết, hay do họ không yêu nước và không có tinh thần tự hào dân tộc? Hay do người Nhật Bản, Hàn Quốc không có mâu thuẫn gì với Trung Quốc? Trong 4 nước đồng văn với Trung Quốc trước đây, hiện chỉ có Việt Nam, Triều Tiên, chữ Hán không còn sử dụng trong Quốc ngữ. Vậy, Việt Nam và Triều Tiên có giàu mạnh hơn so với Nhật Bản và Hàn Quốc không? Tên nước Nhật Bản 日本 (phát âm theo tiếng Nhật là Nihon) được viết hoàn toàn bằng chữ Hán (Kanji) và hiểu theo nghĩa Hán là gốc của mặt trời. Tên núi Phú Sĩ -biểu tượng và niềm tự hào của người Nhật cũng được viết bằng chữ Hán là 富士, (đọc theo tiếng Nhật là Fuji). Vậy, người Nhật bản có sợ mình bị nô dịch về văn hóa không? Nhật Bản, Hàn Quốc thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc bằng cách bài chữ Hán, vứt bỏ hoàn toàn chữ Hán trong bộ chữ Quốc ngữ, hay họ tìm cách khuất phục Trung Quốc bằng những thương hiệu như Toyota, Kubota, Sony, Nokia, Huyndai, Samsung… rồi tàu ngầm, máy bay, xây dựng đồng minh chiến lược, củng cố sức mạnh quốc phòng…?
4.Những ý tưởng nguy hiểm và sự nhiệt tình đáng lo ngại:
Theo ý của ông Xuân Dương, cần phải loại bỏ hoàn toàn chữ Hán khỏi các di tích. Tuy nhiên, ông tỏ ra là một người am hiểu luật pháp: “Sẽ là trái Luật Di sản khi đòi hỏi phải thay toàn bộ chữ Hán trong các di tích đã có hàng trăm năm tuổi, (nếu không “trái Luật Di sản”, hàng ngàn bia đá, rồi lớp lớp hoành phi câu đối trong các di tích-những thông điệp của quá khứ sẽ chịu thảm họa như thế nào trước ý tưởng của ông Xuân Dương?-HTC) nhưng sẽ là vô trách nhiệm đối với vận mệnh quốc gia và trái đạo lý dân tộc nếu những công trình văn hóa tâm linh được xây từ ngày thống nhất đất nước đến nay và từ nay về sau lại chỉ có chữ Trung Quốc. Nhà nước cần đưa vào Luật Di sản, hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật bắt buộc sử dụng chữ tiếng Việt trong trong tất cả các công trình văn hóa tâm linh xây mới trên lãnh thổ Việt Nam, có thể chọn thời điểm thi hành từ 1975 đến nay. Đây không chỉ là ý kiến của cá nhân người viết mà là của mọi người.”
Không hiểu tại sao cũng là chữ Hán, nhưng trước năm 1975 lại không bị ông Xuân Dương xem là “lai căng”, còn sau năm 1975 lại cần phải bài trừ và bị coi là “trái với đạo lý dân tộc”? Ông căn cứ vào đâu để lập ra cái mốc đó? Các di tích, đền chùa miếu mạo vốn bị tàn phá rất nhiều (do bàn tay con người, do chiến tranh, thời gian…). Bởi vậy số lượng trùng tu (thực chất là xây dựng mới trên nền cũ) sau năm 1975 chiếm số lượng rất lớn (Ví dụ: Nhà Thái học Văn miếu Quốc tử giám được xây dựng hoàn toàn mới, bắt đầu năm 1999 với rất nhiều hoành phi, câu đối chữ Hán). Vậy, khi đề nghị “bắt buộc sử dụng chữ tiếng Việt trong trong tất cả các công trình văn hóa tâm linh xây mới trên lãnh thổ Việt Nam, có thể chọn thời điểm thi hành từ 1975 đến nay” ông Xuân Dương có tính đến hậu quả của việc đoạn tuyệt với truyền thống dân tộc và gây tốn kém cho đất nước như thế nào không? Đề xuất về văn hóa truyền thống của ông Xuân Dương sao đơn giản và giống như chính sách đối với người nhập cư vậy?
Sự lầm lẫn, đánh đồng Trung Quốc xâm lược, Trung văn ngoại ngữ với chữ Hán cổ (chữ Nho), đánh đồng việc tiếp thu yếu tố ngoại lai có chắt lọc, sáng tạo với văn hóa lai căng sống sượng của ông Xuân Dương khiến ta phải lạnh gáy! Vì sao? Vì trong quá khứ, người ta đã từng phạm những sai lầm không thể tưởng tượng được, và hậu quả tai hại của nó không thể sửa chữa:
-Đánh đồng giai cấp bóc lột, tầng lớp địa chủ, cường hào, ác bá với những người giàu có được học hành, thông minh chăm chỉ, khôn khéo làm ăn tích tụ được ruộng đất; đồng nghĩa những kẻ ngu dốt, siêng ăn nhác làm với những thân phận bị áp bức, bóc lột; đánh đồng quan hệ chủ-thợ với chủ-tớ…Thế là bắt bớ, đánh giết…kinh hoàng !
-Phản phong, bài trừ mê tín dị đoan thì quy cho tất cả những gì thuộc về phong kiến đều xấu xa, lạc hậu; đồng nghĩa đình chùa, miếu mạo, tôn giáo tín ngưỡng với mê tín dị đoan…Thế là phá hết, đốt hết…Biết bao nhiêu đình chùa, miếu mạo, tín ngưỡng của làng Việt cổ truyền, thờ cúng các bậc anh hùng, hào kiệt có công với nước bị đốt phá hoặc dỡ ra làm trường học…
-Sách vở, thơ văn chữ Nho của cha ông bị đồng nghĩa với sách bói toán, tướng số, mê tín, dị đoan; bị coi là sản phẩm của “phong kiến lạc hậu” cần phải bài trừ. Thế là bia đá làm cầu, nung vôi; hoành phi, câu đối, sắc phong, thần phả, gia phả,…chữ Hán bị đốt hết…
Vậy mà đến tận bây giờ vẫn còn những người cầm bút vạch đường, chỉ lối, thúc giục Bộ văn hóa thông tin truyền thông phải chống văn hóa “lai căng”“ngoại lai” bằng cách bài trừ chữ Hán. Đồng thời, quy kết việc sử dụng chữ Hán trong các công trình văn hóa tâm linh là ” vô trách nhiệm đối với vận mệnh quốc gia và trái với đạo lý dân tộc”. Quá khứ đã từng diễn ra những câu chuyện tàn sát, bức tử văn hóa Việt không thể tin nổi. Vậy ai dám chắc một ngày, tinh thần yêu nước, độc lập tự chủ chống Trung Quốc đi đôi với bài trừ “hoành phi, câu đối, bia đá… trong di tích” theo quan điểm của ông Xuân Dương lại không trở thành hiện thực ?
Lợi ích “thoát Trung” chưa thấy đâu, nhưng hậu quả của việc bài chữ Hán, không thèm dùng chữ Hán của ông Xuân Dương đã hiện ra nhãn tiền. Ví như trong bài viết, ông Xuân Dương đã nhầm lẫn, không phân biệt được hai từ Hán Việt “tưởng niệm” và “lưu niệm” khác nhau thế nào. Ở Phú Thị-Gia Lâm chỉ có Nhà “tưởng niệm” Cao Bá Quát, chứ không có nhà “lưu niệm” Cao Bá Quát. Người ta chỉ gọi là “lưu niệm” một khi Cao Bá Quát từng sống trong ngôi nhà đó, hoặc hiện ở đó vẫn lưu giữ, trưng bày những đồ đạc ông dùng lúc sinh thời, ít nhất là còn có bút lông, nghiên mực, bút tích các tác phẩm chữ Hán…Mặt khác, ông Xuân Dương bàn về chữ Hán nhưng lại không phân biệt được chữ Hán cổ viết trên hoành phi, câu đối (ông bà ta còn gọi là chữ Nho) trong văn ngôn (mà ngày nay dù ở ta hay ở Tàu đều đã trở thành tử ngữ), với chữ Hán trong văn bạch thoại (sinh ngữ, còn gọi Trung văn hay Hán ngữ hiện đại). Văn ngôn và văn bạch thoại khác nhau rất nhiều (về chữ nghĩa, ngữ pháp). Người Trung Quốc hiện nay có thể đọc được chữ trên hoành phi, câu đối Hán nhưng về nghĩa thì chưa chắc đã hiểu (vì họ chỉ hiểu một số từ ngữ Hán cổ thông dụng). Muốn hiểu “Luận ngữ” hay “Kinh thi” họ cũng cần phải có người chuyên nghiên cứu Hán cổ, dịch và chú giải bằng Hán ngữ hiện đại. Chữ Hán viết trên hoành phi, câu đối của người Việt Nam không dùng theo nghĩa và ngữ pháp của Hán ngữ hiện đại (“chữ Trung Quốc” hay “ngoại ngữ” theo cách gọi của ông Xuân Dương). Nói cách khác chúng ta dùng chữ Hán theo cách của cha ông ta từng dùng, từ thời “Triệu, Đinh, Lý, Trần, bao đời xây dựng độc lập; Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương” (Bình Ngô đại cáo).
Ông Xuân Dương sợ rằng Trung Quốc vin vào cớ tìm thấy chữ Hán trên các đảo để đòi chủ quyền. Tuy nhiên, nếu sợ như vậy thì phải phá chữ Hán trên hoành phi câu đối trong các Hội quán Phúc Kiến, Triều Châu… ở Phố cổ Hội An trước. Mấy trò “khảo cổ học” kiểu như tìm thấy di cốt của người Trung Quốc ở các đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì Việt Nam đã từng đáp lại rất thuyết phục rằng: ngay tại Gò Đống Đa của kinh đô nước Việt, số di cốt của người Trung Quốc còn lớn hơn nhiều. Mặt khác nếu muốn khẳng định chủ quyền, người ta hoàn toàn có thể viết hoành phi câu đối chữ Nôm bằng thư pháp chữ Hán thời Lê Trung hưng, chứ không dứt khoát phải viết bằng Quốc ngữ. Bởi chữ Nôm nhìn qua giống chữ Hán, nhưng người Trung Quốc hoàn toàn mù tịt. Còn thư pháp chữ Hán thời Lê của ta rất độc đáo, không giống bất cứ một trường phái thư pháp nào bên Trung Quốc. Mặt khác trên các đảo của Tổ quốc, chùa không phải là công trình kiến trúc duy nhất. Một phiến đá lớn khắc tên chủ quyền Việt Nam còn trường tồn hơn nhiều ngôi chùa gỗ.
Do không hiểu chữ Hán trên hoành phi câu đối là chữ thế nào, ông Xuân Dương đã tỏ ra gay gắt, bức xúc, so sánh với chữ Trung Quốc trên các biển quảng cáo nhà hàng, khách sạn. Từ đó, ông đưa ra những câu hỏi khó: tại sao cả thành phố Hải Phòng, cả Bộ Văn hóa lại tùy tiện để cho các công trình tâm linh trên đảo này sử dụng chữ Trung Quốc?”. Rồi “Quảng cáo hàng hóa, dịch vụ còn bắt buộc phải viết chữ nước ngoài bé hơn và phải đặt dưới chữ Việt, tại sao ở chốn tâm linh lại không bắt buộc như vậy?”.
Ông Xuân Dương coi chữ Nho trên hoành phi câu đối “chốn tâm linh”“trái đạo lý dân tộc” và phải tuân thủ theo quy định như dùng “chữ Trung Quốc” (với tư cách là một ngoại ngữ) trong “quảng cáo hàng hóa dịch vụ”. Phải chăng tất cả kho tàng tư liệu Hán Nôm rồi những Bia văn miếu Quốc tử giám, Bia Vĩnh Lăng-Lam Kinh, Mộc bản Kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm…thứ là Bảo vật Quốc gia, thứ thành Di sản thế giới, đều bị  xếp vào diện đồ Tàu “lai căng” cần phải bài trừ? Liệu cụ Chu Văn An còn “an” được trong Văn miếu Quốc tử giám, hay cũng phải bật dậy ôm hai bức hoành phi “Vạn thế sư biểu”“Truyền kinh chính học” bằng chữ Hán mà chạy bởi quan điểm cực đoan của ông Xuân Dương?
Việt Nam có cụ An Chi là người có công trong việc nghiên cứu từ nguyên tiếng Việt, giúp chúng ta hiểu đúng và dùng đúng tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, có người (thức giả hẳn hoi) do không hiểu đã mỉa mai, gọi cụ là “anh Tàu” (vì cho rằng cụ thân Trung Quốc nên nhiều từ “thuần Việt” cụ vẫn cứ tìm cách “gán” hết cho nguồn gốc Tàu). Trong bài Từ nguyên của những từ chỉ quan hệ thân tộc cụ An Chi kết luận: Cứ như trên thì toàn bộ các từ chỉ quan hệ thân tộc của tiếng Việt đều thuộc gốc Hán. Nhưng ta cũng chẳng cần phải tự ái rởm vì tiếng Pháp gốc vốn là tiếng Gaulois đã bị tiếng Latinh bình dân thay thế 100% mà dần dần trở thành tiếng Pháp hiện đại nhưng vẫn là một ngôn ngữ đã sinh ra một nền văn học rực rỡ và phong phú”.
Chúng tôi xin mượn ý kiến của cụ An Chi khả kính để kết thúc câu chuyện “Tự ái rởm hay chuyện “Giận Tàu chém chữ Nho” ở đây. Chúng tôi cũng xin lỗi và lấy làm tiếc vì đã khiến bạn đọc mất thời gian vào một câu chuyện đã quá cũ. Một vấn đề đã có hướng giải quyết đúng đắn từ thời cụ Đào Duy Anh biên soạn “Hán Việt từ điển” để phục vụ cho việc học Quốc văn ![1]
HTC/18/9/2014

 [1]- Khi đang hoàn thành bài viết này, HTC được đọc bài Bàn về việc sử dụng chữ Hán và nguy cơ nô dịch văn hóa  của ông Xuân Dương trả lời bài Cần nhìn nhận về hệ thống tư liệu chữ Hán ở nước ta như thế nào? của ông Nguyễn Thanh Phong trao đổi về bài Thưa ông Bộ trưởng Văn hóađâu là phần chìm của văn hóa ngoại lai? (đều đăng trên báo GDVN). Nhật xét khách quan của chúng tôi là: hầu hết ý kiến của ông Nguyễn Xuân Phong là đúng; ông Xuân Dương càng viết càng để lộ những lỗ hổng kiến thức và sự lầm lẫn các khái niệm về văn hóa, lịch sử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét