Phạm chí Dũng – Nguoiviet
Ngân Hàng Thế Giới (WB), một tổ chức tài chính quốc tế được coi là có uy tín và vẫn thường tự đánh giá là khách quan trong các định chế cho vay vốn, vừa phóng ra một khuyến nghị hoàn toàn bất thường, nếu xét đến bối cảnh định chế cho vay đã và đang được WB xúc tiến theo chiều sâu với một số nhóm lợi ích ở Việt Nam.WB dưới cái bóng của phó thủ tướng
Trang thông tin chinhphu.vn cũng góp một bàn tay trong ý đồ nhiệt tình bất thường của WB. Trong một cố gắng khuếch tán mục tiêu tăng giá điện của Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) mà theo kế hoạch lên đến 9.5% thay vì dưới 5% như trước đây, trang này đã dẫn nguyên văn bản báo cáo và những đề xuất hoạt bát hiếm thấy của WB về “tính cấp thiết” để EVN phải tăng giá điện.
Khuyến nghị tăng giá điện của WB xuất hiện trong bối cảnh chi nhánh WB tại Việt Nam đã có buổi thuyết trình dự thảo báo cáo cuối cùng về xây dựng kế hoạch cải thiện tình hình tài chính cho EVN và các đơn vị thành viên. Buổi thuyết trình này lại chỉ diễn ra vài ngày sau khi diễn ra hội nghị tổng kết của EVN ngày 14 Tháng Giêng để từ đó phát sinh hàng loạt đề xuất của tập đoàn đầy tai tiếng dân sinh này với Bộ Công Thương về “bổ” hàng loạt thứ thuế như thuế tài nguyên, chi phí trồng rừng, chi phí tiền sử dụng đất của các hồ thủy lợi… vào giá thành sản xuất điện.
Cơ chế “thuế hóa” giá thành như trên càng khiến người dân thêm một lần phẫn nộ: Vào năm ngoái, chỉ riêng chuyện EVN cả gan hạch toán các công trình bể bơi và sân quần vợt vào giá thành sản xuất điện cũng xứng đáng cho một cú cách chức đồng loạt toàn bộ ban lãnh đạo tập đoàn tồi tệ này.
Nhưng cuối cùng và theo thói thường ở Việt Nam, những thứ to tát nhất vẫn chui lọt lỗ kim. Cùng với lãnh đạo ngành công thương vốn bị xem là “bảo kê” cho nhiều đợt tăng giá điện vô tội vạ của EVN từ năm 2011 đến nay, một nhân vật trực tiếp chịu trách nhiệm về lĩnh vực điện lực cũng có mặt và chủ trì trong cuộc thuyết trình trên.
Đó là Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải, một quan chức hội tụ nhiều dư luận về sai phạm và trách nhiệm cá nhân trong hoạt động điều hành kinh tế.
EVN 9.5%, WB 20%!
Dẫn ra nhu cầu điện năng của Việt Nam sẽ vẫn cao (dự kiến là 12% trong giai đoạn 2015-2020), WB tính toán rằng với mức tăng trưởng đó, tổng vốn đầu tư cho các dự án điện sẽ phải vào khoảng $7.5 tỷ/năm, lớn hơn nhiều so với mức đầu tư những năm gần đây ($2.5 – $2.6 tỷ).
Từ đó, WB cho rằng việc giá điện đã không tăng từ Tháng Sáu, 2013 và biểu giá điện hiện đang dưới giá thành khiến mục tiêu nói trên “không thể đạt được, nếu không có biểu giá mới phù hợp và giá điện cũng sẽ là ‘nút thắt’ quan trọng cần tháo gỡ để cải thiện tình hình tài chính của EVN.”
Cuối cùng, các phân tích của báo cáo WB tung ra một khuyến nghị chưa từng có: Từ nay đến nửa cuối năm 2016, cần thiết phải tăng giá bán điện lên mức cao nhất có thể trong khung 10% theo quy định tại Quyết Định 2165/QĐ-TTg cho mỗi chu kỳ sáu tháng.
Đầy đủ và mẫn cán, “khuyến nghị” trên bộc lộ rõ ý đồ của WB là EVN cần tăng đến 20% giá điện trong năm 2015, thay vì “chỉ” 9.5% như EVN đề xuất.
Kẻ “bù lỗ vào dân”
Tuy nhiên, báo cáo của WB lại hoàn toàn không đề cập, hoặc như một thái độ cố tình bỏ qua, câu chuyện nguồn gốc lỗ lã và tư thế tội đồ của EVN.
Từ nhiều năm trước, EVN đã trở thành một trong những quán quân doanh nghiệp độc quyền nhà nước quẳng tiền đầu cơ vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm… mà đã dẫn đến số lỗ khủng khiếp lên đến gần 40,000 tỷ đồng, theo một báo cáo mới nhất (những báo cáo cũ thể hiện số lỗ “chỉ” là 20,000-30,000 tỷ đồng).
Trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam ngập chìm khó khăn và suy thoái năm 2011, 2012 và lan đến cả năm 2013, EVN vẫn lạnh lùng và đều đặn tăng giá điện như một chủ trương bất thành văn: “bù lỗ vào dân.”
Báo cáo mới nhất của ngành điện cho thấy trong ba năm qua, nhờ vào việc tăng giá điện liên tục, EVN đã “xử lý” xong tới 37,000 tỷ đồng lỗ, chiếm 97% tổng lỗ.
Tuy nhiên, lỗ cũ chưa dứt thì nay EVN lại tiếp tục lồi thêm khoản lỗ khủng chưa biết khi nào mới cân bằng được.
Tổng Giám Đốc EVN Phạm Lê Thanh thừa nhận hiện tổng cộng lỗ của EVN đã lên tới 16,800 tỷ đồng, vẫn chưa có nguồn cân đối được.
Từ năm 2012, EVN và lãnh đạo Bộ Công Thương đã “đánh tiếng”: Để giải tỏa hết các khoản lỗ, EVN cần phải tăng giá điện liên tục đến sớm nhất năm… 2020.
Cuối năm 2014, EVN đã đề xuất các phương án điều chỉnh giá điện bán lẻ, với mức tăng 9.5%. Tuy nhiên, cho đến nay, các kế hoạch cụ thể này vẫn được Bộ Công Thương giữ trong bóng tối.
Câu hỏi còn lại và rất đáng làm rõ là tại sao WB lại quá nhiệt huyết trong “khuyến nghị” EVN cần tăng giá điện.
Danh tiếng và động cơ
Tất cả đều có lợi ích cá nhân của mình.
Một trong bằng chứng về lợi ích của WB là chương trình hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện – giai đoạn 2 (DPL 2) mà WB “hỗ trợ” EVN.
Cũng cần nhắc lại, vào năm 2012, EVN và WB tại Việt Nam đã ký hiệp định tín dụng cho dự án phân phối điện hiệu quả cho Việt Nam. Tổng chi phí dự án là $800 triệu, trong đó WB đóng góp $449 triệu và $30 triệu đến từ Quỹ Đầu Tư Sạch (CTF), Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Úc (AusAID) cung cấp $8 triệu, khoản đầu tư $313 triệu còn lại là vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam.
Cho vay càng nhiều càng có lợi, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái và ngày càng khó đẩy tiền ra khỏi ngân hàng để luân chuyển vốn và thu lợi.
Còn nếu khách hàng vay thuộc loại “tiềm năng” về khả năng thanh toán thì càng mau thu hồi vốn.
Muốn nâng cao khả năng thanh toán cho ngân hàng, một khách hàng như EVN phải tìm nhiều cách để móc túi các “thượng đế” của mình. Về “năng lực” này thì hoàn toàn không nên nghi ngờ, bởi một khi EVN đã tiến hành trót lọt cơ chế nhập khẩu điện từ doanh nghiệp Trung Quốc từ những năm 2007 đến nay với giá nhập cao gấp ba lần giá sản xuất điện trong nước, không có gì là không thể đối với nhóm lợi ích bạt mạng vong quốc này.
Và cũng không cần giải thích thêm về động cơ và động lực khiến cho WB mong muốn đến thế nào để EVN tiếp tục chiến dịch “bù lỗ” trên đầu 90 triệu dân chúng Việt Nam.
Cùng với Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) và ngân hàng HSBC, WB cũng chính là tổ chức tài chính quốc tế liên tục đưa ra những dự báo về “triển vọng sáng sủa” của nền kinh tế Việt Nam suốt từ năm 2012 đến nay, bất chấp vô số điểm nghẽn và tương lai mờ mịt mà giới điều hành kinh tế của đất nước này gây ra cho tới nay.
EVN lại là một trong những điểm nghẽn ghê gớm mà góp phần tích cực đẩy cả chế độ chính trị xuống vực sâu. Hồi cuối năm 2013, tập đoàn này đã đồng loạt xả lũ thủy điện tại 15 hồ, khiến cho một vùng mênh mông các vùng từ Đắk Lắk đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình… bị chìm ngập trong rốn nước chết. Cả thảy có đến hơn 50 mạng dân lành đã bị cuốn theo nước lũ.
Rất nhiều dư luận đã nói thẳng rằng chỉ cần một trong những tác hại như EVN xảy ra ở các nước phát triển, chính phủ sẽ phải từ chức. Bài học đồng loạt từ chức của chính phủ Bulgaria vào đầu năm 2013 trước cơn sóng phản kháng phẫn nộ của người dân đối với việc tăng giá điện là hình ảnh tàu lai dắt cho chế độ chính trị ở Việt Nam.
Chẳng lẽ WB, và hơn thế chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức tài chính quốc tế được xem là uy tín này, lại không hề biết đến những hậu quả và di chứng nghiệt ngã mà EVN đã gây ra cho dân chúng và nền kinh tế của đất nước vừa túng quẫn vừa khốn quẫn này?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét