Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Có phải ghét Trung Quốc là nguy hiểm cho dân tộc?

NGUYỄN TƯỜNG THỤY -RFA


Yêu ghét là trạng thái cảm xúc thường xuyên của con người. Ai tử tế, làm điều tốt cho họ thì họ yêu. Ngược lại, làm điều ác, điều xấu thì bị ghét.
Con người gắn liền với quốc gia, dân tộc nên tình cảm con người cũng bị quan hệ với các quốc gia, dân tộc khác chi phối. Vì vậy mới có chuyện yêu dân tộc này, ghét đất nước kia.
Tại hội nghị của Chính phủ với địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 ông Phùng Quang Thanh thừa nhận rằng ở Việt Nam “từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc”.


Đó là một sự thật. Sẽ không có phản ứng gì nếu sự thật đó không trở thành nỗi lo lắng của ông, tới mức coi đó là “nguy hiểm cho dân tộc”:
“Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc”.
Không phải bây giờ, người VN mới ghét TQ. Cũng cần phải phân biệt, TQ ở đây là các thế lực phong kiến Trung Hoa xưa và tập đoàn cầm quyền cộng sản Bắc Kinh ngày nay, chứ không phải là người TQ nói chung. Người VN vốn thân thiện với người Hoa. Người Hoa làm ăn sinh sống ở VN rất hòa đồng với người VN. Họ coi VN là Tổ quốc thứ hai của mình.
Lịch sử chiến tranh của VN về cơ bản là lịch sử chống xâm lược từ các thế lực bành trướng Phương Bắc. Đây là chiến tranh chống xâm lược chứ không phải là xung đột do hiềm khích giữa hai bên. Trong các cuộc chiến tranh đó, người Việt Nam đã chịu quá nhiều đau khổ.
Trong nửa cuối thế kỷ 20, mặc dù quan hệ VN-TQ được coi là hữu hảo dựa trên nền tảng gọi là chủ nghĩa quốc tế vô sản, đất đai của cha ông vẫn tiếp tục mất về tay Trung Cộng. Trong cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979 của TC trên toàn tuyến biên giới, chúng đã tàn sát hàng chục vạn đồng bào, chiến sĩ ta, phá hủy toàn bộ cơ sở vật chất ở những nơi chúng đến…
Có thể viết hàng vạn trang sách cũng không thể kể hết tội ác của nhà cầm quyền TQ xưa và nay đối với người Việt Nam. Vì vậy, ghét TQ là tâm lý đương nhiên của người Việt. Nói ra điều này không phải là để thù hận mà để nhớ, để cảnh giác với bản chất bá quyền của chúng, để tri ân cha ông đã đổ bao nhiêu xương máu gìn giữ non sông này. Không thể quay lưng lại với lịch sử, với tiền nhân.
Thù hận và căm ghét là hai khái niệm khác nhau. Thù hận là khái niệm phi nhân bản, còn căm ghét là một trạng thái cảm xúc chính đáng của con người.
Vậy, tâm lý “ghét Trung Quốc” có nguy hiểm cho dân tộc không?
Ai dám bảo tiền nhân không ghét TQ? Ngày xưa, trước họa xâm lăng của giặc Nguyên, vua Trần Nhân Tông đã mở Hội nghị Bình Than để bàn kế sách chống quân Nguyên. Trần Quốc Toản, vì còn ít tuổi không được dự nên đã bóp nát quả cam lúc nào không biết. Sau ông về tập trung hơn một nghìn gia nô và thân hữu tham gia kháng chiến, chiến đấu rất dũng cảm. Binh sĩ đời Trần đều xăm lên tay hai chữ “Sát Thát” để biểu thị quyết tâm chống xâm lược. Trần Quốc Tuấn đã viết Hịch tướng sĩ, một áng hùng văn bất hủ mà ngày nay đọc lại, ta vẫn thấy hừng hực khí thế chống xâm lược, bảo vệ bờ cõi. Nếu không ghét TQ, liệu vua tôi, tướng sĩ đời Trần có những hành động ấy không. Chính tinh thần “ghét Trung Quốc” của quân dân đời Trần đã tiếp cho quân dân đời Trần sức mạnh, tạo nên hào khí Đông A.
Sau kháng chiến 10 năm gian khổ, Lê Lợi đuổi được quân Minh về nước. Nguyễn Trãi viết Đại cáo Ngô hào sảng. Cụ kể tội quân xâm lược:
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.
Cụ chẳng nể nang, khiếp sợ gì, gọi thẳng vua Minh (Minh Tuyên Tông) là “thằng nhãi con”.
Có thể kể thêm ra đây nhiều minh chứng nữa để chứng tỏ rằng, nếu không có tinh thần ghét kẻ thù, VN đã không bảo vệ được biên cương, bờ cõi của cha ông để lại.
Chẳng cần Trung Quốc phải đe, hay giọng tuyên truyền nào đó khuyên bảo, ai cũng biết TQ xưa nay vẫn là nước láng giềng mà láng giềng thì không thay đổi được. Chẳng cần phải đe, ai cũng biết xưa nay, VN nhỏ còn TQ thì lớn gấp rất nhiều lần. Mặt khác, thời xưa, chỉ có 2 nước với nhau, mạnh hiếp yếu, chẳng có liên minh quốc tế, chẳng có nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Mới biết, khí phách tiền nhân, trong thời đại này chúng ta không bén gót.
Có thể ai đó phản biện khi họ dẫn ra lời tiếp theo của ông Phùng Quang Thanh: “Chúng ta tăng cường an ninh quốc phòng là để tự vệ, khi nào buộc phải tự vệ thì chúng ta mới tự vệ”. Tức là, lúc TQ đem quân sang xâm chiếm, thì chúng ta mới ghét, còn khi chưa thì phải yêu (hay không ghét). Xin thưa, nếu không có sự chuẩn bị về tinh thần, tư tưởng, để đến khi kẻ thù mang đại binh tiến vào bờ cõi rồi mới “ghét” e không kịp nữa rồi.
“Ghét TQ là nguy hiểm cho dân tộc”, Câu này có thể người thường nào đó nói một cách tùy hứng, nhưng phát ngôn ra từ miệng ông chỉ huy cao nhất của quân đội VN thì ai cũng sửng sốt. Không thể hiểu nổi, khi ông Bộ trưởng Quốc phòng nói như thế, tinh thần chiến đấu của sĩ quan, binh sĩ VN sẽ ra sao khi đối mặt với đạo quân xâm lược Trung Quốc?
VN đã gánh những hậu quả vì không ghét Trung Quốc. Có phải vì định hướng không được ghét TQ mà cách đây đúng 41 năm, ngày 19/1/1974, Trung Cộng đã chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa mà không sợ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phản ứng. Có phải vì không được ghét TQ mà ngày 14/3/1988, các chiến sĩ Trường Sa nhận lệnh không được chống cự (như lời Thiếu tướng Lê Mã Lương đã tiết lộ), phơi mình để cho TC nã đạn vào, hứng lấy cái chết tức tưởi mà vô ích?
Người lính luôn được xác định kẻ thù, đối tượng tác chiến trong mỗi giai đoạn. Có như thế, mới có kế hoạch xây dựng quân đội, huấn luyện quân phù hợp với đối tượng tác chiến, địa hình chiến đấu… Sau chiến tranh 1979, VN xác định  “Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất”. Vậy, với tinh thần không ghét TQ, không hiểu đối tượng tác chiến hiện nay của quân đội VN là gì, kẻ thù của nhân dân VN là ai?
Sức mạnh cơ bắp có thể bắt con người giam vào ngục tối nhưng không thể bắt con người ghét hay yêu. Tình cảm của con người không thể định hướng được. Mỹ và Việt Nam vốn là cựu thù. Trong cuộc đọ súng với người Mỹ, VN được TQ viện trợ tới mức tối đa. Khi ấy, TQ là đồng minh còn Mỹ là kẻ thù. Nhiều người VN chết bởi đạn bom Mỹ và ngược lại. Chiến tranh là như vậy. Nhưng chẳng cần lấy trưng cầu, chắc ai cũng biết, nếu được chọn một trong hai, chắc chắn số người ghét TQ sẽ áp đảo so với số người ghét Mỹ. Có định hướng phải ghét Mỹ, yêu TQ cũng không thể thay đổi mối tương quan ấy.
Không thể không ghét TQ khi họ đã gây nên bao đau thương cho dân tộc VN từ hàng ngàn năm nay và cho đến bây giờ, chúng chưa từ bỏ dã tâm xâm lược? Sao cứ phải yêu kẻ mà miệng này nói hữu hảo nhưng lưỡi kia luôn kích động chiến tranh “Hãy giết hết bọn giặc Việt Nam để làm vật tế cờ cho trận chiến Nam Sa”?
Dù nói ra hay không thì ai cũng biết, TQ vẫn là mối nguy cơ lớn nhất (nếu không nói là duy nhất) đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của VN. Nếu có chiến tranh nổ ra, chắc chắn là chiến tranh đến từ TQ chứ không phải từ Lào, Căm Pu chia hay Mỹ. Vậy mà ông Bộ trưởng quốc phòng lại lo lắng tâm lý ghét TQ là nguy hiểm cho dân tộc. Điều ngược lại mới đúng, tức là yêu TQ mới nguy hiểm cho dân tộc. Không hiểu khi người chỉ huy cao nhất của quân đội “tâm tư” như thế thì tinh thần và sức chiến đấu của sĩ quan, binh sĩ VN sẽ ra sao nếu chiến tranh nổ ra, có hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hay không?
16/1/2014
NTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét