Vụ báo Pháp Charlie Hebdo bị khủng bố tấn công mới đây gợi ra nhiều bàn luận về tự do ngôn luận
Khi tôi đọc tin về vụ việc những kẻ
Hồi giáo cực đoan đã nã súng giết chết các nhà báo, họa sỹ làm việc tại
báo Charlie Hebdo ở Pháp, đầu tiên tôi thấy buồn cho những người bị chết
và cả những kẻ sát nhân. Sau đó, tôi lại thấy lo ngại vì vụ việc này
rất dễ trở thành ngòi nổ kích động hận thù giữa các tôn giáo, sắc tộc,
quốc gia.
Thế nhưng, người Pháp đã hành xử đầy dũng cảm và văn minh. Ngay khi
những kẻ khủng bố chưa bị bắt, họ đã xuống đường tuần hành trong hòa
bình để phản đối bạo lực và cũng để thể hiện ý chí bảo vệ nền tảng của
nền cộng hòa, đó là quyền tự do của người dân mà linh hồn là quyền tự do
ngôn luận. Biểu tình ôn hòa chính là cùng nhau thực hiện quyền tự do
ngôn luận để lên tiếng về một vấn đề xã hội.
Hồi tôi đi học ở bên Pháp, đài truyền hình vẫn hay chiếu cảnh các
diễn viên, nghệ sỹ hóa trang thành tổng thống Jacques Chirac để châm
biếm, chế giễu các chính sách của ông. Để so sánh, ta có thể nhìn vào
việc mạng máy tính hãng Sony Pictures bị tấn công bởi tin tặc khi hãng
này làm bộ phim “The Interview” để châm biếm nhà độc tài Kim Yong Un của
Bắc Hàn. Báo đài Bắc Hàn cũng đồng loạt đe dọa bạo lực với hãng Sony.
Qua đó để thấy chế độ cộng hòa chính danh của nước Pháp và chế độ độc
đảng toàn trị tại Bắc Hàn chế độ nào có tự do hơn. Xét cho cùng, lãnh
đạo cũng chỉ là một người đứng ra gánh vác việc công để phục vụ người
dân.
Việc hơn 40 nhà lãnh đạo trên thế giới cùng xuống đường biểu tình thể
hiện tình đoàn kết với dân Pháp cho thấy quyền tự do ngôn luận là một
quyền phổ quát của nhân loại mà không chế độ nào, nhân danh bất kỳ cái
gì có thể bác bỏ được. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Điều 19 Tuyên
ngôn nhân quyền quốc tế của Liên Hiệp Quốc đã xác quyết rất rõ điều này.
Căn nguyên vấn đề
Ngay cả điều 25 hiến pháp 2013 của Việt Nam cũng công nhận: “Công dân
có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp,
lập hội, biểu tình.” Thế nhưng lại thòng thêm phần sau là: “Việc thực
hiện các quyền này do pháp luật quy định.” Và trên thực tế thì luật pháp
đã thủ tiêu các quyền thiêng liêng này của người dân Việt Nam hoặc nhà
cầm quyền không dám ra luật. Đến giờ phút này vẫn chưa có một tờ báo tư
nhân ở Việt Nam. Chỉ cần nhìn vào đó là đủ biết thể chế chính trị ở Việt
Nam là dân chủ hay độc tài.
Thời Pháp thuộc đã có báo chí tư nhân như: Nam Phong, Nông Cổ Mín
Đàm, Tiếng Dân, Gia Định báo,… có các nhà xuất bản tư nhân như Nam Đồng
thư xã, Quan hải tùng thư… Ta có thể thấy những người lãnh đạo đảng cộng
sản hiện tại còn kìm kẹp dân nặng nề hơn thời Pháp thuộc. Vậy ý nghĩa
của giải phóng dân tộc có còn không? Dân quyền có được tự do hơn không?
Blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải mới được nhà chức trách Việt Nam trả tự do năm ngoái.
Chúng ta – con người khác với con vật ở chỗ chúng ta có suy nghĩ và
có thể biểu đạt suy nghĩ đó. Bị tước mất quyền tự do ngôn luận, tự do
báo chí, tự do biểu đạt nghĩa là chúng ta bị tước đoạt quyền làm một Con
Người, chữ Con Người viết hoa với tất cả vẻ đẹp và thiêng liêng của nó.
Tại sao các quyền tự do của công dân bị vi phạm, hạn chế như vậy?
Thật ra, gốc của vấn đề là dân đã bị tước đoạt quyền làm chủ cho nên
quyền con người hay quyền công dân quy định trong chương hai của hiến
pháp đương nhiên sẽ không thể bảo đảm được.
Quyền làm chủ quan trọng nhất chính là quyền được quyết định các vấn
đề quan trọng của quốc gia qua trưng cầu dân ý, quyền bầu ra lãnh đạo,
quyền phúc quyết hiến pháp, quyền sở hữu đất đai, tài sản.
Dân đã bị tước đoạt quyền bầu ra lãnh đạo quốc gia khi có một đảng tự
cho họ quyền được cai trị đất nước. Do đó, để duy trì quyền lợi, quyền
lực bất hợp pháp của mình, lãnh đạo đảng đó sẽ không ngần ngại vi phạm
quyền tự do của công dân.
Công lý ở đâu?
Khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, nhiều người bạn của tôi trong
Câu lạc bộ Nhà báo tự do đã bị bắt như anh Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày),
chị Tạ Phong Tần, anh Phan Thanh Hải. Đến giờ này chị Tạ Phong Tần vẫn
đang bị giam cầm trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Gần đây, giáo sư Hồng Lê
Thọ, anh Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm), nhà văn Nguyễn Quang Lập,… đều bị nhà
cầm quyền bắt vì thực hiện quyền tự do biểu đạt chính kiến.
Mỗi người khi phát ngôn đều phải chịu trách nhiệm về lời nói, bài
viết của mình. Nếu tổ chức, cá nhân nào cảm thấy quyền lợi bị tổn hại vì
phát ngôn của người khác thì có thể kiện ra tòa. Tuy nhiên, điều quan
trọng là tòa án phải độc lập để có thể xét xử công bằng. Trong một chế
độ chính trị mà tòa án, viện kiểm sát, công an đều là của một đảng thì
những người phản đối việc tước đoạt quyền làm chủ của người dân, phản
đối việc độc quyền nhà nước của đảng đó chắc chắn sẽ không thể được tòa
án của đảng đó xét xử công bằng.
Ngày xét xử các thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo tự do, tòa đã ngăn
cản các luật sư, các bị cáo bào chữa, giới hạn thời gian nói của họ một
cách bất hợp pháp. Tôi còn nhớ trước khi tòa tuyên án, hàng chục công an
đã vây xung quanh chị Tạ Phong Tần để phòng ngừa bị chụp hình, một sỹ
quan trùm một tấm mền lên đầu chị Tần, đồng thời dùng tay bịt miệng để
ngăn cản chị lên tiếng phản đối phiên tòa bất công.
Nhiều blogger ở VN trong đó có bà Tạ Phong Tần (phải) vẫn đang bị giam cầm ngặt nghèo, theo tác giả.
Quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, thậm chí ở một nơi thiêng liêng biểu tượng cho công lý của quốc gia – tòa án, là như thế!
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lên án việc thảm sát các nhà báo
Charlie Hebdo là “dã man”, thế việc bắt bớ các trí thức, nhà văn thực
hiện nghĩa vụ công dân, lên tiếng phản đối bất công xã hội ở Việt Nam có
thể dùng từ gì để miêu tả? Là “đạo đức”, là “văn minh” chăng?
Thiết nghĩ chỉ có pháp luật chuẩn mực, bắt đầu từ hiến pháp dân chủ,
mới có thể giới hạn quyền của chính quyền và bảo đảm dân quyền. Điều đó
chỉ có thể đạt được qua thể chế cộng hòa chính danh, nơi dân có quyền
bầu ra lãnh đạo qua bầu cử tự do và công bằng. Khi dân có quyền làm chủ
rồi thì mới có thể thật sự có được các quyền căn bản khác, trong đó có
quyền tự do ngôn luận. Bài viết phản ánh quan điểm riêng và thể hiện lối hành văn của tác
giả, một nhà vận động cho dân chủ hóa, nhân quyền và là cựu tù nhân
chính trị ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét