Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

Nga giúp TQ trở thành ‘Vua Biển Đông’?

BBC


Căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng thời gian gần đây dâng cao do thái độ quyết liệt của Bắc Kinh trên biển Đông 

“Nga có thể biến Trung Quốc thành ông vua ở biển Đông,” đó là tiêu đề bài phân tích chi tiết được đăng trên trang mạng chuyên về quan hệ chính trị quốc tế nationalinterest.org hồi cuối tháng Hai 2015.


Theo tác giả Harry J. Kazianis thì nhân vật có thể khiến cho biển Đông sôi sùng sục không ai khác ngoài Tổng thống Nga Vladimir Putin; Tình hình Ukraine rất có thể là chất xúc tác đẩy Trung Quốc lên vị thế thống trị ở vùng biển này nhờ vào vũ khí và công nghệ Nga, nếu như phương Tây trang bị vũ khí cho Ukraine.
Căng thẳng đang dâng cao tại vùng châu Á – Thái Bình Dương trong lúc Trung Quốc tiếp tục thay đổi địa thế với việc xây mới, mở rộng các đảo, bãi đá ở biển Đông, thậm chí xây cất các bãi đáp máy bay, cảng ra vào cho tàu biển, các trạm radar và thậm chí cả các điểm phóng hỏa tiễn chống tàu biển.
Mục tiêu thì quá rõ, tác giả bài viết bình luận, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ trở thành bá chủ biển Đông nếu như các đảo mới được dùng cho mục tiêu tự nhiên, qua đó tuyên bố được chủ quyền.

Vì sao lại là Nga?

Trong những năm tới, nếu như Trung Quốc kết hợp được các công nghệ quân sự tân tiến có sẵn của mình, như hỏa tiễn tuần du tầm xa đạt độ chính xác cao, với các căn cứ mới được xây cất trên các hòn đảo ở biển Đông thì rất có thể đó sẽ là một cơn ác mộng cho Hoa Kỳ và các đồng minh, vốn đang làm mọi điều có thể để đảm bảo quyền có thể tiếp cận được tới các vùng then chốt ở châu Á – Thái Bình Dương.
Được hầu hết các chuyên gia quân sự phương Tây gọi là A2/AD (Vùng không được tiếp cận – “Anti-Access, Area Denial”), Trung Quốc đang dần tạo ra những điều kiện khiến cho các lực lượng của Hoa Kỳ, Nhật Bản và các đồng minh khác bị tổn thất nặng một khi xảy ra xung đột ở các chuỗi đảo.

Trung Quốc hiện dùng phi cơ SU-27 mua của Nga tuần tiễu trên vùng trời ở biển Hoa Đông
Trung Quốc trong mấy năm qua đã phát triển mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ năm, mẫu hệ thống hỏa tiễn đạn đạo đối hải phức tạp và các căn cứ tấn công trên biển bằng hỏa tiễn tuần du. Các hệ thống đó không phải là thứ dễ làm đối với bất kỳ quốc gia nào. Nếu như Bắc Kinh tìm được một bên sẵn sàng hợp tác, một quốc gia đã có sẵn các công nghệ đó thì sự hợp tác sẽ đem lại cho Bắc Kinh cú nhảy vọt cần thiết để có được những hệ thống vũ khí tân tiến cần thiết cho A2/AD nhiều năm trước khi Trung Quốc có thể tự làm được.
Về phần mình, Nga đang muốn báo thù về cuộc khủng hoảng Ukraine, rất có thể sẽ muốn đứng vào vai trò hỗ trợ đó.
Tác giả Harry J. Kazianis đưa ra một bối cảnh giả định: Phương Tây quyết định đã đến lúc trang bị vũ khí cho Ukraine. Nga quyết định cần phải phản công, và không chỉ phản công ở châu Âu. Khi đó, ông Putin sẽ muốn tìm kiếm trên toàn cầu xem đâu là nơi mà Nga có thể sử dụng một cách tốt nhất để phản công, và không nơi nào tốt hơn là tăng cường quan hệ đối tác với Trung Quốc, một quốc gia có khả năng làm tổn hại thực sự tới các nỗ lực “xoay trục” của Mỹ ở khu vực biển Đông.

Nga có thể giúp gì cho Trung Quốc nếu hai bên hợp tác?

Trung Quốc đang muốn tăng cường khả năng tạo vùng không tiếp cận trên không, và có những đồn đoán là Bắc Kinh sẽ lấy phi cơ SU-35 của Nga, mà việc mua bán sẽ được chính thức hóa một khi phương Tây cấp vũ khí cho Ukraine.
Với khả năng hoạt động rộng hơn so với loại phi cơ PLAAF-SU-27/J-11 hiện nay, SU-35 sẽ khiến Trung Quốc có khả năng triển khai các chiến đấu cơ phản lực tân tiến trong thời gian dài hơn ở biển Hoa Đông và biển Đông, cải thiện được mức độ hiệu quả của việc tuần tra trên biển ở nơi gần đây được tuyên bố là Vùng Định dạng Phòng không ở biển Hoa Đông (ADIZ), và có thể giúp Bắc Kinh thiết lập một vùng ADIZ ở biển Đông.
Loại phi cơ này sẽ áp đảo được hầu hết các chiến đấu cơ khác ở Á châu (chỉ thua F-22 và F-35), và lấp được chỗ trống cho tới khi Bắc Kinh có thể cho ra được chiến đấu cơ theo thiết kế thế hệ năm của mình.
Nếu như Trung Quốc trang bị cho loại phi cơ này những vũ khí đối hải tân tiến rồi đặt chúng ở các bãi đáp máy bay vừa xây cất tại bãi Gạc Ma (Johnson Reef) hay đá Chữ Thập (Fiery Reef), thì tức là sẽ có một loại vũ khí mới, có khả năng xác lập vùng cấm tiếp cận hoàn toàn đủ sức đẩy các lực lượng khác ra khỏi vùng nước cần được kiểm soát.

Tàu ngầm Nga sẽ giúp Trung Quốc tăng khả năng hoạt động ngầm dưới mặt nước và kiểm soát tốt hơn khu vực A2/AD muốn có
Trên biển, vẫn nhờ vào sự hợp tác với Nga, Trung Quốc có thể sẽ tăng cường được năng lực hoạt động ngầm dưới mặt nước nhờ vào việc mua các tàu ngầm mới. Vấn đề này đã được gắn liền với các tường thuật trên truyền thông về khả năng mua SU-35 từ mấy năm qua.
Công nghệ tàu ngầm mới sẽ đóng vai trò then chốt cho sức mạnh Trung Quốc, không chỉ về khả năng triển khai tàu nhiều chức năng dưới biển mà còn bởi Bắc Kinh rất có thể sẽ cóp nhặt, sao chép công nghệ mới từ những con tàu này. Chưa kể Trung Quốc cũng có vẻ quan tâm tới việc cải thiện công nghệ chống tàu ngầm (ASW), vốn là điểm yếu của Bắc Kinh.
Tuy hiện chưa có lời nhắc cụ thể nào về thỏa thuận tàu ngầm giữa Nga và Trung Quốc, nhưng rõ ràng là Moscow có thừa kinh nghiệm để giúp đỡ cho Trung Quốc trong lĩnh vực này. Nếu xét đến các nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc duy trì khả năng tiếp cân vào những vùng không phận mà Trung Quốc coi là A2/AD chủ yếu là dựa vào việc các tàu ngầm Mỹ đi vào khu vực mà không bị phát hiện, thì sự hợp tác Nga-Trung trong lĩnh vực này có thể củng cố mạnh mẽ cho các kế hoạch A2/AD của Trung Quốc.

Liệu có điều gì khiến Nga lưỡng lự không?

Cuộc khủng hoảng Ukraine rõ ràng là chất xúc tác mạnh mẽ cho sự hợp tác công nghệ quốc phòng giữa Trung Quốc và Nga, tuy nhiên, sự hợp tác đó đã từng xảy ra trong quá khứ với việc Moscow đã trả một cái giá đắt. Nga rõ ràng sẽ cân nhắc một cách khôn ngoan về những gì đã xảy ra trước đây để thấy liệu việc bán vũ khí cho Trung Quốc có gây ra những thách thức gì về mặt dài hạn hay không.

Trung Quốc đã mua của Nga hai lô hàng, mỗi lô 24 chiếc SU-27 hồi thập niên 1990
Vụ mua bán phi cơ lớn giữa Moscow và Bắc Kinh hồi thập niên 1990 liên quan tới SU-27 Flanker thế hệ bốn, là loại phi cơ hiện vẫn đang rất được chuộng. Khi đó, Moscow đã không bán các thiết bị quân sự dùng công nghệ tân tiến cho Bắc Kinh kể từ sau khi hai bên căng thẳng với nhau do các vụ đụng độ đường biên.
Khi Liên Xô sụp đổ vào cuối 1991, ngành công nghiệp vũ khí của Nga đã rơi vào cảnh khó khăn. Nga có rất nhiều vũ khí có thể giúp Trung Quốc vượt qua được nhiều bước phát triển công nghệ quân sự, cho nên việc hợp tác có vẻ là điều hợp lý.
Về phần mình, có được công nghệ quân sự tân tiến nhất là điều vô cùng quan trọng và tới 1991, Bắc Kinh đã coi đây như điều quan trọng hàng đầu. Các chiến lược gia Trung Quốc đã kinh ngạc về tốc độ áp đảo các lực lượng Iraq mà phía Hoa Kỳ thể hiện trong Cuộc chiến Vùng Vịnh lần thứ nhất. Các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc nhận thức được rằng hầu hết những vũ khí mà họ có được đã là đồ cổ lỗ, và công nghệ Nga tuy chưa tân tiến bằng của Mỹ vẫn sẽ giúp họ tiến tới hiện đại hóa tốt hơn.
Hồi 1991, Moscow bán cho Bắc Kinh lô hàng gồm 24 phi cơ SU-27 trị giá khoảng 1 tỷ đô la. Năm 1995, Trung Quốc mua 24 chiếc SU-27 nữa từ Nga và lô hàng được giao vào 1996. Cùng năm, Trung Quốc và Nga tăng cường quan hệ đối tác khi Bắc Kinh trả khoảng 2,5 tỷ USD để được cấp phép sản xuất thêm khoảng 200 chiếc SU-27 tại Công ty Máy bay Thẩm Dương.
Hợp đồng này có một điều khoản quan trọng là phiên bản SU-27 của Trung Quốc, trong đó có dùng các thiết bị nhập khẩu từ Nga gồm thiết bị hàng không, radar và máy, sẽ không được phép xuất khẩu đi nước khác. Nga khi đó lo rằng Trung Quốc sẽ sao chép công nghệ hoặc học lỏm đủ về SU-27 để đến một ngày sẽ đem bán cho bên thứ ba và do đó sẽ khiến Nga thiệt hại nhiều tỷ đô la bán chiến đấu cơ phản lực.
Đáng tiếc cho Nga là thỏa thuận này đã kết thúc trong tai họa. Sau khi lắp được khoảng 100 chiếc phi cơ gì đó, Trung Quốc đã hủy hợp đồng vào năm 2004. Bắc Kinh nói các phi cơ loại này không còn đáp ứng tiêu chuẩn của mình. Ba năm sau, Trung Quốc hoàn toàn vứt bỏ hợp đồng sang một bên và phát triển một loại chiến đấu cơ mới, J-11. Chiếc phi cơ này trông hoàn toàn là bản sao của SU-27. Trung Quốc bác bỏ việc mình sao chép và nói chiếc máy bay hầu như toàn dùng các thành phần tự chế tạo và Trung Quốc đã tự phát triển được thiết bị hàng không, thiết bị radar của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét