Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

Tưởng niệm Gạc Ma 2015: Một đàn con xít và một bầy con lợn

J.B Nguyễn Hữu Vinh -RFA

Sáng thứ 7, ngày 14/3/2015 tại bờ hồ Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, không chỉ một số người dân Hà Nội, những người dân quan tâm đến biến cố Đảo Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam rơi vào tay giặc, mà cả nhiều người từ các tỉnh khác và kiều bào từ ngoài nước đã tập trung khá đông để tưởng niệm ngày mà 64 chiến sĩ đã buộc phải làm bia cho giặc trên hòn đảo này của Tổ Quốc.


Nước Hồ Gươm lặng im không một gợn sóng nhỏ, những hàng cây ven bờ đứng im trầm mặc như mặc niệm, đau xót trong ngày tang thương của đất nước, dân tộc bởi họa bành trướng Cộng sản Tàu.
Lẽ ra, ngày này không chỉ hệ thống tuyên truyền, báo chí của nhà nước phải nhắc nhở người dân về một phần lãnh thổ đã và đang rơi vào tay giặc, họ cần nói cho dân biết rằng những chiến sĩ, con dân Việt đã đổ máu xương và tính mạng để bảo về đất nước nay đang nằm dưới biển sâu. Lẽ ra, chính nhà nước phải tổ chức các nghi lễ tưởng niệm đối với những vong hồn anh linh các liệt sĩ này để chứng tỏ họ không vong ơn, bội nghĩa.
Thế nhưng, điều đau đớn là thực tế đã không phải vậy mà là ngược lại. Nghiệt ngã thay, thái độ của nhà nước đã được thể hiện rõ hơn qua những hành động sáng nay.
Một đàn con xít và một bầy… con lợn
Thay cho các hành động kệch cỡm năm xưa như dưới trời mưa rét đưa một đám thiếu nữ hở hang khoe đùi lắc mông trước tượng đài vua Lý Thái Tổ hoặc một đám đàn bà “nửa người nửa ngợm nửa đười ươi” nhảy nhót “Con bướm xinh” trong những ngày tê tái lòng người dân Việt đau thương. Hoặc bẩn thỉu hơn, hèn hạ và kệch cỡm hơn là cho mấy viên công an giả dân thường cầm loa, kéo dây ra “cắt đá để sửa chữa tượng đài”… thì sáng nay, một đám áo đỏ với cờ búa liềm và mang các cháu măng non chiếm lĩnh trận địa từ sớm trước tượng đài Vua Lý để nhảy nhót và loa gào rống những bài hát ngô nghê, vô nghĩa trong không khí trang nghiêm, kỵ giỗ như hôm nay. Chiếc loa hết lần này đến lần khác hò hét điệu nhảy “Một đàn, một đàn con xít… Anh nhớ thương em…”.
Xót xa, đứng từ xa, tôi nhìn đám màu đỏ đang nhung nhúc nhảy nhót trong ngày kỵ giỗ hôm nay, tôi chợt liên tưởng đến đám pêđê nhảy múa sexy trong một đám tang nào đó mà tôi đã xem qua.
Những người đến tưởng niệm, khách qua đường cũng như người nước ngoài đi qua khu vực này nhìn đám người đỏ lòm trước mặt vua Lý với ánh mắt ái ngại và thương hại. Họ đang hành động như vô thức trước nỗi đau,  sự mất mát không có gì có thể bù đắp của dân tộc bởi tội ác bọn xâm lăng. Họ đang thể hiện thay cái đảng đang xúi họ làm những việc phản nghịch này trước anh linh các liệt sĩ đã ngã xuống cái thái độ vong ân, bội nghĩa và phản trắc của mình.
Những chiếc cờ búa liềm: Như có bác Hồ… hay có bác Lê Đức Anh?
Khi những người tham dự tưởng niệm đang trên bờ hồ, hàng loạt xe công an các loại tập trung kêu loa gọi giải tán không tập trung trên hè “làm cản trở giao thông”.
Những người đến tưởng niệm giúp nhau thắt dải băng trên đầu với hàng chữ “GẠC MA – 1988″ và tập hợp bên đường thành hàng dọc, nhiều người tỏ ra phân vân khi sân tượng đài đã bị chiếm giữ, một người nói với tôi điều đó. Tôi nói với họ: “Đất nước này, mảnh đất chữ S này, nơi nào mà chẳng đẫm máu các anh hùng, liệt sĩ. Các liệt sĩ Gạc Ma đã 27 năm nay bị chính nhà nước Cộng sản đẩy ra khơi làm bia cho Tàu Cộng, bây giờ vong linh họ bị cố tình lãng quên còn vương vất chưa có nơi chốn nào thì bất cứ chỗ nào, chúng ta đều có thể tưởng niệm đến họ chẳng cần chi tượng đài”.
Khi biết những người tưởng niệm chẳng cần phải đến tượng đài, đám an ninh dẫn một đám mặc áo đỏ mang cờ búa liềm đến chặn ngang ống kính máy ảnh, máy quay, giăng ngang vỉa hè đi trước dòng người đi tưởng niệm. Một vài đứa hung hãn nhảy vào cướp băng rôn của những người đi tưởng niệm rồi bỏ chạy thục mạng. Một số đứa cố tình khiêu khích bằng những lá cờ búa liềm che khuất mặt cả ông già, trẻ em… Thậm chí một vài đứa còn khiêu khích bằng cách chỉ tay gào thét vào mặt những người già, những người lớn tuổi bằng tuổi ông, cha chúng nó. Bên cạnh đó, đám an ninh dày đặc luôn thầm thì chỉ đạo.
Nhưng, những hành động đó chỉ càng thể hiện sự ấu trĩ và ngông cuồng, hung hãn  thiếu hiểu biết của đám an ninh chỉ đạo và những con rối này. Những người tưởng niệm vẫn im lặng, không lớn tiếng và không mắc mưu khiêu khích, Họ bảo nhau: Hôm nay là ngày đại giỗ của cả đất nước, chúng ta đến đây để tưởng niệm chứ không phải để cãi nhau hoặc gây rối. Những hành động của ai như thế nào thì nhân dân đều biết”.
Và họ im lặng đi, không hò hét, không hô hoán, chỉ với vòng băng trên đầu và những bông hoa trên tay.
Chừng như những hành động phá đám kia chưa đủ phá đi sự linh thiêng của không khí tưởng niệm bên bờ hồ yên tĩnh, đám an ninh chỉ đạo cho đám tiểu yêu kia dàn hàng ngang cờ búa liềm và hò hét loạn xạ: “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.
Đến đây thì vỡ trận, đoàn người đi im lặng, nhiều người vốn đang nghiêm trang cũng phải bật cười như mếu. Tôi đi bên cạnh một tiểu yêu đang hò hét rất to câu hát trên, tôi nói với nó: “Cháu nên sửa chữ vui thành Tàu để thành “Như có bác Hồ trong ngày Tàu đại thắng” cháu ạ. Bởi hôm nay, là ngày đại thắng của Tàu, còn đất nước ta mất biển đảo là ngày đại bại, còn bọn xâm lược mới đại thắng”. Nó im bặt, chạy lên nói với mấy đứa và đám tiểu yêu cũng thôi không lôi “bác Hồ” của chúng vào hò hét nữa.
Mấy cháu bé thấy mấy đứa đưa cờ búa liềm lên che mặt, thì các cháu đưa lên câu khẩu hiệu “Bè lũ nào đã ép 64 chiến sĩ làm bia đỡ đạn cho Tàu ở Trường Sa” “Đả đảo bè lũ đã tước súng để 64 liệt sĩ bị Tàu tàn sát”. Quả đúng là “cái sảy nảy cái ung”, những người dân đi bên vỉa hè rất ngạc nhiên và hỏi nhau: tại sao bên câu khẩu hiệu kia lại là cờ đảng? Rõ ràng, đảng chỉ đạo chửi vào tên nào đã ép các chiến sĩ buông súng chịu chết chứ ai. Và râm ran câu trả lời cho những người chưa hiểu. Một người dân đi bộ qua bờ hồ nghe giải thích xong thì chua chát: “Thế thì lũ khốn ấy phải hát “Như có Lê Đức Anh trong ngày Tàu đại thắng chứ”.
Bó tay. Quả là dân ta lắm người thâm thúy và hiểu biết.
Một kết thúc có hậu!
Khi đoàn người kéo về tượng đài Cảm tử, đám công an, dân phòng quây dày đặc xung quang bằng hàng rào sắt và xe công an. Hôm nay, họ không tổ chức cho đám công nhân và thanh niên quàng áo mưa tưới nước vườn hoa như lần tưởng niệm trước, mà đám thanh thiếu niên lại kéo sang nhảy nhót “một bầy con xít” ở đây.
Đoàn người tưởng niệm vẫn cứ sang đường và đến trước tượng đài Cảm tử. Hai lẵng hoa đi đầu thành kính dâng cao.
Đám thanh niên được tụ tập hò hét cũng dạt sang một bên, những người tưởng niệm tiến đến trước tượng đài xếp hàng ngang quay lại, đằng sau lưng vẫn là cái bảng đỏ chữ vàng của Đoàn thanh niên Hồ Chí Minh với nội dung quái quỷ gì đó. Chợt thấy một sĩ quan công an – người mà tôi đã gặp rất lâu và có nhiều ấn tượng khi vào Trại Lộc Hà ngày 2/6/2012 khi đi biểu tình chống Tàu – Tôi nói với anh ta: “Anh cất cái bảng kia đi cho người ta đặt hoa tưởng niệm để người ta giải tán. Nếu không thì sẽ còn dài đấy”. Anh ta nói: “Xong thì bà con về luôn anh nhé”. Tôi bảo: “Thì họ về chứ ở đây làm gì”. Anh ta nhanh chóng kéo tấm bảng kia đi, và đoàn người đặt hoa, thành kính xếp hàng trật tự trước tượng đài Cảm tử.
Một viên sĩ quan an ninh, mặc thường phục mà chúng tôi thường thấy trong các cuộc trấn áp, chúng tôi yêu cầu anh ta cho tắt loa và im lặng để tưởng niệm. Anh ta mặc cả với một người trong đoàn: “Các anh đừng để các khẩu hiệu quá khích đưa lên nhé”. Người này bảo: “Anh cứ chỉ xem, cái nào quá khích, chúng tôi thu ngay”. Anh ta không chỉ được câu khẩu hiệu nào. Nhưng, tiếng loa thì im bặt. Đặc biệt, đám cô hồn áo đỏ biến mất như ma trơi gặp bình minh.
Một người đứng lên phát biểu về ý nghĩa ngày tưởng niệm, sự kiện Gạc Ma đã bị giấu nhẹm 27 năm nay và nói lời tri ân với những người con đã bỏ mình vì Tổ Quốc. Một phút mặc niệm vong linh các liệt sĩ với không khí im phăng phắc, động đến tận đáy lòng.
Sau tưởng niệm, mọi người im lặng, trật tự giải tán với nỗi trầm tư.
Tôi nói với viên sĩ quan an ninh đứng bên cạnh: “Nếu như các anh biết cách, thì cuộc tưởng niệm sẽ hết sức ý nghĩa và tốt đẹp. Những hành động nhảy nhót, phá đám hôm nay do các anh tổ chức, chẳng có tác dụng gì hơn, là trát cứt vào bộ mặt nhà nước. Bởi người dân Việt ai cũng biết rằng những kẻ bày đặt, chỉ đạo, sắp xếp và tham gia gào lên những bài hát như một đàn con xít mà nhảy nhót ở kia trong ngày giỗ kỵ của cả đất nước thì đó chỉ là một bầy con lợn”.
Anh ta im lặng.
Tôi nói tiếp: “Các anh cho mấy đứa áo đỏ kéo cờ búa liềm, hát như có bác Hồ… vừa rồi chỉ là những hành động ngu xuẩn và phản cảm, chà đạp lên lòng tự trọng của đất nước, của dân tộc mà thôi. Tôi cho rằng không ai chấp nhận được điều đó”.
Anh ta trầm ngâm rồi đáp lại: “Vâng, chúng ta sẽ gặp nhau và nói về vấn đề này. Hành động và cách làm của mỗi người, mỗi lúc một khác. Nhận thức là một quá trình anh ạ”.
Vâng, tôi biết, nhận thức là một quá trình.
Nhưng, cái “quá trình” ấy đã hơn 85 năm, gần một thế kỷ qua đi rồi mà đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không nhận thức được thế nào là lòng dân thì đó mới là đại họa cho dân tộc.
Hà Nội, 14/3/2015. Ngày kỷ niệm Gạc Ma vào tay giặc.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
nguyenhuuvinh’s blog
http://www.rfavietnam.com/node/2496

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét