Lê Phan – Nguoiviet
Trong các cuộc chiến một trong những nạn nhân sớm nhất thường là sự thật. Nhưng có những cuộc chiến mà sự thật còn bị chà đạp nhiều hơn các cuộc chiến khác.Hiện nay chẳng hạn, cuộc chiến ở miền Đông Ukraine đang là cuộc chiến mà sự thật thường bị bỏ quên. Tuần rồi, một toán phóng viên đài BBC đã tường thuật là một câu chuyện trên truyền thông Nga nói về cái chết của một em bé 10 tuổi vì bị pháo kích của quân đội Ukraine là hoàn toàn bị đặt.
Trong một bài tường thuật ngắn, một phóng viên đài BBC đã cố tìm kiếm cho ra gia đình của em bé gái 10 tuổi mà theo tin tức truyền thông Nga đã chết vì đạn pháo kích của quân đội Ukraine bắn vào Donetsk hôm tháng 3 vừa qua.
Nhưng những người dân địa phương mà cô phóng viên hỏi không ai từng nghe thấy chuyện đó xảy ra chứ đừng nói là chứng kiến. Không ai có thể giúp chỉ cho biết gia đình em bé là ai và bây giờ họ ở đâu. Tệ hơn nữa, những người dân địa phương còn nói là không nghe tiếng pháo kích mà được nói đã giết chết em. Khi cô phóng viên tìm đến nhà xác địa phương, viên chức phụ trách cả quyết không có một thi thể nào như vậy đã được đem tới cơ sở của ông. Và khi cô phóng viên hỏi, “Thế khu này có nhà xác nào khác không?” ông ta đã nhún vai rồi trả lời “nyet.” Các viên chức hoặc là nói không biết gì về vụ này, hoặc là từ chối không giúp nhà báo tìm gia đình của em.
Sau cùng, cô phóng viên cho biết là họ đang trong một phái đoàn báo chí quốc tế được cho phép thăm vùng Donetsk và vì thế trong toán phóng viên có rất nhiều phóng viên của truyền thông Nga. Thấy cô cứ hỏi mãi, một thành viên trong một toán quay phim, mà rõ ràng là từ truyền thông Nga, (mặt ông này đã được làm cho nhòa đi) đã lặng lẽ bảo với cô phóng viên đài BBC là cô bé đó “không có thật” và do đó đã không chết. Khi cô phóng viên gặng hỏi tại sao tin đó được loan ra, một người trả lời, “Chúng tôi phải cho phát.”
Rất nhiều phương tiện truyền thông Nga đã cho loan câu chuyện này vào cuối tháng 3 vừa qua, dẫn nguồn tin từ các lãnh tụ của các nhóm ly khai thân Nga trong cái gọi là nước Cộng Hòa Nhân Dân Donetsk.
Tờ Washington Post, trong một blog về câu chuyện này, nhắc lại là câu chuyện này cũng làm cho người ta nhớ lại một vụ hồi mùa Hè năm ngoái khi một đài truyền hình nhà nước Nga đã cho phổ biến một câu chuyện cáo buộc là quân đội Ukraine đã tra tấn và sau đó cột một em bé 3 tuổi lên thập tự giá ở thành phố Slovyansk ở miền Đông. Không ai có thể tìm được bằng cớ cho một vụ như vậy. Được cái may là câu chuyện kỳ cục đến nỗi không ai có thể tin nổi và sau cùng hầu hết mọi người đều chấp nhận đó là giả mạo.
Nhưng cuộc chiến ở Đông Ukraine nào phải là cuộc chiến duy nhất mà người ta đã bịa đặt dựng lên một câu chuyện để tuyên truyền.
Cuộc chiến ở Việt Nam trong những năm của thập niên 1960-1970 đã tràn ngập những chuyện bịa đặt để tuyên truyền, để lung lạc tinh thần đối phương.
Nhưng sự thật nhiều khi đã bị bóp méo không phải vì cố tình mà vì bị lợi dụng. Chúng tôi có một người bạn người Anh, một nhà quân sử. Có một lần ông nói là trong khi dạy cho các quân nhân Anh về truyền thông ông thường lấy thí dụ tấm hình vụ Tướng Nguyễn Ngọc Loan và việc ông xử bắn tên đại úy đặc công Việt cộng tên là Nguyễn Văn Lém, tự Bảy Lốp. Trước hết điều ông nhắc nhở đến là thực sự khoảng cách giữa Tướng Loan và người bị ông bắn không gần như chúng ta tưởng. Ông đã tìm nguyên bản đoạn phim đó và cho thấy là chỉ vì góc cạnh của tấm hình “still” lấy từ đoạn phim nên chúng ta có cảm tưởng là ông Loan đã dí súng vào bắn. Nhà quân sử giải thích, “Chỉ khoảng cách đó là đủ làm cho chuyện khác hẳn ra. Sự việc người ta vẫn diễn dịch là Tướng Loan đã dí súng vào bắn kẻ địch trong khi thực ra ông chỉ chĩa súng bắn vào hắn đã làm cho tàn bạo hơn là sự thật.”
Hơn thế, chính Eddie Adams, tác giả của tấm hình bất hủ đó đã viết trên tạp chí Time hồi năm 1998, “Hai người đã chết trong tấm hình đó: người nhận viên đạn và Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Ông tướng giết người Việt Cộng; tôi giết ông tướng với cái máy camera của tôi. Hình ảnh là vũ khí mạnh nhất trên thế giới này. Người ta tin vào nó; nhưng những tấm hình có nói láo, ngay cả khi không bị sửa đổi. Chúng chỉ là một nửa sự thật… Điều tấm hình không nói là “Bạn sẽ làm gì nếu bạn là ông tướng ở thời gian và không gian đó trong cái ngày nóng bỏng đó, và bạn bắt được một kẻ xấu sau khi hắn đã bắn chết hai hay ba người Mỹ?… Tấm hình này thực sự đã phá hoại đời ông. Ông không bao giờ đổ lỗi cho tôi. Ông bảo tôi là nếu tôi không chụp tấm hình đó, người khác sẽ chụp, nhưng tôi rất đau lòng về những gì xảy ra cho ông và cho gia đình ông trong một thời gian dài… Tôi gửi hoa khi tôi nghe tin ông qua đời và viết ‘Tôi xin lỗi. Nước mắt đang tràn mắt tôi’.”
Eddie Adams là một nhà báo có lương tâm. Anh bị cắn rứt vì tấm hình anh chụp đã bị lợi dụng bởi phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ, đã bị hệ thống tuyên truyền Cộng Sản thổi phồng lên và người ta dùng nó để tuyên truyền chống lại quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Eddie Adams cũng là một nhà báo Hoa Kỳ với một truyền thống lâu đời tôn trọng sự thật, nên anh càng tức tối khi tấm hình của anh đã bị bóp méo bởi phe phản chiến. Anh tức vì anh biết rằng trong cuộc chiến đó anh chỉ có thể tường thuật được một nửa câu chuyện. Nửa câu chuyện bên kia bị phe Cộng Sản kiểm soát và họ nào có ngại gì trong việc bóp méo sự thật.
Trong khi Eddie Adams buồn phiền vì một tấm hình bị hiểu nhầm, phía Cộng Sản đã không ngần ngại dùng đủ mọi thủ thuật tuyên truyền, bởi họ là những người tin tưởng là cứu cánh biện minh cho hành động.
Một nhà báo Tây phương còn có mặt ở Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 có một lần cười bảo với tôi, “Tấm hình chiếc xe tăng mang cờ giải phóng đâm vào cổng Dinh Độc Lập là bịa đặt.” Tôi ngạc nhiên hỏi, “Tại sao bịa đặt?” Anh ta trả lời, “Lúc đó cổng Dinh Độc Lập đã mở toang hoang, còn ai canh giữ nữa đâu mà phải đâm vào cho nó đổ mới đi vào được Dinh Độc Lập.” Rồi anh thêm, “Theo tôi, một là họ dàn cảnh cho nó ngoạn mục, hai là mấy ông lính Việt Cộng không biết lái xe, tông vào cổng, bị ai đó chụp nên mấy anh chàng tuyên truyền bèn lợi dụng để dùng nó như là tiêu biểu cho sự đâm đổ chế độ miền Nam.”
Quả là có lý lắm bởi người Cộng Sản đã chưa bao giờ ngần ngại bịa đặt ra chuyện không có thật. Hồi tháng 10 năm 2009, Giáo Sư Phan Huy Lê, một nhà sử học lão thành, đã gây chấn động khi ông viết một bài trên Tạp Chí Xưa & Nay với nhan đề, “Trả lại sự thật hình tượng Lê Văn Tám.” Trong đó ông viết, “Về câu chuyện Lê Văn Tám, tôi xin được tóm lược một cách đầy đủ lời kể và lời dặn của Giáo Sư Trần Huy Liệu mà tôi đã lĩnh hội như sau: Nhân vụ kho xăng của địch ở Thị Nghè bị đốt cháy vào khoảng tháng 10, 1945 và được loan tin rộng rãi trên báo chí trong nước và đài phát thanh của Pháp, đài BBC của Anh; nhưng không biết ai là người tổ chức và trực tiếp đốt kho xăng nên tôi (Giáo Sư Trần Huy Liệu) đã “dựng” lên câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch cách đấy mấy chục mét. Giáo Sư Trần Huy Liệu còn cho biết là sau khi ta phát tin này thì đài BBC đưa tin ngay, và hôm sau bình luận: Một cậu bé tẩm xăng vào người rồi tự đốt cháy thì sẽ gục ngay tại chỗ, hay nhiều lắm là chỉ lảo đảo được mấy bước, không thể chạy được mấy chục mét đến kho xăng.”
Những độc giả còn trẻ hoặc chưa từng sống dưới chế độ của Hà Nội thì có lẽ không thể hiểu nổi được sự kinh hồn của trái bom này. Bởi huyền thoại mà Giáo Sư Trần Huy Liệu đã dựng lên đã được tiếp tục thổi phồng và sau này đã được những người Cộng Sản coi như là chuyện thật. Nay đột nhiên chuyện thật đó đã bị lật tẩy thì liệu những huyền thoại khác có còn đáng tin nữa chăng?
Một nhà bình luận đã chỉ ra là điều quan trọng khi làm tuyên truyền là lãnh đạo phải hiểu đó chỉ là tuyên truyền. Cái khổ là khi họ quên mất tuyên truyền chỉ là tuyên truyền thôi. Lúc đó là lúc mà họ bắt đầu xây lầu đài trên cát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét