Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Trung Quốc : Chế độ muốn giới trẻ quay về ‘chính đạo’ thời Mao

media 
 
Học sinh tại một trường học của quân đội Trung Quốc ở Bắc Xuyên.AFP
 
Trong dòng thời sự quốc tế đa dạng, nhật báo Le Figaro ngày 01/04/2015 đã nhìn sang Trung Quốc, nhưng trên bình diện giáo dục, với một bức hình ảnh và tựa trang nhất : « Khi tuổi trẻ Trung Quốc trở lại ‘chính đạo’ của Mao.



Tờ báo nêu lại các chủ trương đối với thanh thiếu niên để các em giữ vũng tư tưởng, ý thức hệ, như việc quân đội Trung Quốc mở 150 trường học, nhận các em từ 6 tuổi, giáo dục tư tưởng, để nâng uy tín, đánh bóng lại đảng và duy trì ảnh hưởng của đảng ở Đại học.
Ngoài ra các sinh viên vừa tốt nghiệp được huy động về nông thôn lao động ở các nông trại ‘kiểu mẫu’, không khác gì thời Mao.
Đặc phái viên của Le Figaro đã đi đến một trường học ở Đường Sơn, ở cửa phất phới một lá cờ thật to, trên tường là khẩu hiệu : « Phải phát huy tinh thần Hồng Quân ở mọi nơi ».
Tác giả bài báo còn mô tả lại cảnh các em bị đánh thức từ 6g30 sáng bằng tiếng kèn, dọn dẹp ngay giường chiếu, xếp chăn mền với cách thức mà đàn anh trong quân đội hướng dẫn.
Trường học kiểu này – gần 150 trường – là do các gia đình ‘quý tộc cộng sản’ tài trợ. Đề án hình thành từ năm 2007 ở nhiều tỉnh thành Trung Quốc. Le Figaro nhận thấy trường học là trọng tâm của đảng Cộng sản Trung Quốc để lấy lại uy tín và duy trì ảnh hưởng lâu dài.
Hiệu trưởng trường ở Đường Sơn, giải thích với tác giả bài báo một cách tự hào : ‘Sẽ không tránh khỏi một số học sinh của chúng tôi sẽ trở nên những nhà tỷ phú. Mỗi người đều tìm thành công, phú quý trong thế giới này, nhưng ít ra ở đây, học sinh học được sự tương trợ lẫn nhau và các em sẽ chia sẻ sự giàu có tìm được ».
Tác giả bài viết cho là những người còn hoài bão, đang hy vọng thuyết phục thanh niên Trung Quốc mà phần đông đêu có những mơ ước, cung cách sống trái ngược với họ ở thời đại toàn cầu hóa này. Nhưng dẫu sao thì họ cũng là hy vọng cuối của đảng để lấy lại uy tín.
AIIB : Trung Quốc vẽ lại bản đồ tài chánh thế giới
Nhìn về Châu Á hôm nay, Trung Quốc rất được chú ý. Le Monde đã dành bài xã luận và nguyên một trang ở mục kinh tế để nói về vị thế kinh tế của Trung Quốc và ngân hàng đầu tư mới mà Trung Quốc mở ra – AIIB – với nhiều nước từ Âu sang Á tranh nhau gia nhập.
Dưới tựa đề « Trung Quốc muốn chính tay vẽ lại hệ thống tài chính quốc tế », Le Monde điểm lại là sau khi thiết lập một ngân hàng của nhóm các nước đang trỗi dậy gọi là BRICS, Trung Quốc giờ đây thành lập một ngân hàng đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở ở Châu Á.
Đây là ngân hàng trực tiếp cạnh tranh với Ngân hàng Phát triển Châu Á chịu ảnh hưởng của Mỹ và Nhật Bản. Điều này khiến Washington lo ngại.
Thế những độ xác tín của định chế tương lai này càng được tăng cường với sự gia nhập của những nước lớn tại Châu Âu và khoảng 20 nước Châu Á .
Le Monde nhắc lại là một trong những đề án ưu tiên của AIIB là ‘con đường tơ lụa mới,’ vẽ ra đường bành trướng của Trung Quốc về phía Tây và phía Nam.
Le Monde đánh giá là khi lôi cuốn các quốc gia Châu Âu và Châu Á vào đề án ngân hàng phát triển hạ tầng cơ sở AIIB, Bắc Kinh rõ ràng đã làm lay động một hệ thống chịu ảnh hưởng của Mỹ.
Nhưng tại sao các nước Châu Âu, đồng minh của Hoa Kỳ, được Trung Quốc mời mọc lại chịu tham gia ? Tính toán của họ là thà có tiếng nói từ bên trong còn hơn là đứng bên ngoài.
AIIB : Phương tiện mua chuộc các láng giềng châu Á
Le Monde cũng nêu bật một khía cạnh khác của ngân hàng tương lai này là Bắc Kinh qua đó mua chuộc cảm tình của các láng giềng Châu Á. Tờ báo cho là còn quá sớm để đo lường tính chất mở rộng của Ngân hàng AIIB. Nhưng sáng kiến này là một phương tiện để Bắc Kinh tích lũy vốn cảm tình trong một vùng mà Trung Quốc bị nhìn một cách đầy ngờ vực.
Tờ báo nhắc lại là Ngân hàng AIIB nằm trong đề án con đường tơ lụa mới được trình bày năm 2013, và nhằm gắn vào đầu tàu Trung Quốc các nền kinh tế trong khu vực, và qua những hạ tầng cơ sở mới tạo điều kiện phát triển thương mại, du lịch…
Tờ báo còn nhắc lại phát biểu của ông Tạp Cận Bình, ngày 28/03 ở Diễn đàn kinh tế Bác Ngao, tổ chức ở Hải Nam, là Trung Quốc sẽ nhập 10.000 tỷ đô la hàng hóa trong 5 năm tới và đầu tư ở ngoài 500 tỷ.
Đối với Le Monde, đề án con đường tơ lụa mới này không phải là không có dụng ý : tại Diễn đàn Boao, Chủ tịch Trung Quốc nêu lại quan điểm của ông về kiến trúc an ninh mới ở Châu Á, có thể tóm lược là muốn thay thế hệ thống liên minh của Mỹ, dựa trên nguyên tắc ‘an ninh cho mọi người’, bằng ‘an ninh kinh tế’ mà Trung Quốc sẽ là nhà cung cấp hàng đầu.
Nhưng Le Monde cũng nhìn thấy là quan niệm này, một sự phồn thịnh chung dưới trướng của Bắc Kinh, không thuyết phục được một số láng giềng, từ Việt Nam đến Philippines, Ấn Độ, vốn vẫn cảnh giác về những mưu đồ của Trung Quốc.
Theo đánh giá của Le Monde, thiết lập Ngân hàng AIIB làm công cụ cho đề án con đường tơ lụa mới, Bắc Kinh làm cho Hoa Kỳ và Nhật hụt hẫng. Nhật Bản bấy lâu nay sử dụng Ngân hàng Phát triển Châu Á mang lợi về cho mình.
Bây giờ thì các hạ tầng cơ sở mà bắc Kinh hứa hẹn, nối liền các nước trong vùng, sẽ có lợi cho Trung Quốc trên nhiều mặt : khi xuất khẩu mô hình của mình, Trung Quốc cũng hy vọng bán ra hàng dư thừa, sản xuất quá tải của mình – thép, nhôm…, tạo việc cho các tập đoàn khổng lồ của nhà nước, cung cấp việc làm cho một phần dân chúng, vì những công trình to lớn của Trung Quốc đều sử dụng nhân công Trung Quốc.
Trong bài xã luân, Le Monde nhận thấy là trong trận đấu lớn để giành thế thống trị kinh tế thế giới thế kỷ 21 này, thì Trung Quốc đã ghi được nhiều điểm trước Hoa Kỳ. Không phải chỉ có vấn đề GDP, mà còn quan trọng hơn nữa là vấn đề ai sẽ áp đặt những chuẩn mực, cung cách hoạt động kinh tế trong những năm tới.
Và Trung Quốc đã thắng một cách minh bạch, áp đặt được một định chế đa phương mới, Ngân hàng AIIB mà Washington chống đối.
Tướng lãnh Thái không nới gọng kềm
Về Châu Á, báo Les Echos chú ý đến Thái lan, tỏ vẻ không mấy tin tưởng vào giới lãnh đạo ở Bangkok, chạy hàng tựa « vố chơi xỏ của giới quân phiệt Thái Lan.
Tờ báo trở lại việc Thủ tướng Thái, dưới sự thúc ép của nhiều nước, vào hôm qua chấp nhận bãi bỏ thiết quân luật áp đặt từ tháng 5/2014. Nhưng đồng thời hôm qua thì người hùng của chế độ cầm quyền Thái thông báo sẽ bàn hành một sắc lệnh dựa theo một điều khoản Hiến Pháp, cho phép ông toàn quyền quyết định trên mặt an ninh.
Đối với Les Echos, lãnh đạo Thái Lan bỏ đi thiết quân luật, một hành động vừa được phương Tây hoan nghênh, nhưng tiếp tục siết chặt gọng kềm, vì cảnh sát, quân đội vẫn có thể tiếp tục tự do bắt người, với lý do đưa ra là phải hành động nhanh nếu không kẻ tình nghi có thể trốn thoát.
Miến Điện : Hy vọng hòa bình
La Croix hôm nay nhìn thấy hy vọng hòa bình ở Miến Điện, tựa trang thế giới, sau khi dư thảo ngưng bắn ở Miến Điện được chính quyền và 16 lực lượng vũ trang sắc tộc chấp thuận.
La Croix trích thông tin từ phía phiến quân, cho biết là chính phủ Miến Điện đã nhượng bộ nhiều. Đánh đổi với việc lực lượng nổi dậy ngưng tuyển mộ thêm quân, chính phủ đã cam kết công nhận những vùng lãnh thổ nơi các sắc tộc sinh sống và bản sắc của họ, để rồi tiến tới việc cho họ quyền tự trị rộng lớn hơn, quyền khai thác tài nguyên ở lãnh thổ của họ. Điều mà cho đến nay chính quyền vẫn không chấp nhận.
Bài báo kết luận : Nếu hòa ước được ký trong vài tháng tới đây, thì đất nước 65 triệu dân này, rất giàu tài nguyên, từ khí đốt cho đến đá, gỗ quý, sẽ tìm lại được một sự thanh thản mới và đóng một vai trò quan trọng trong vùng. Người láng giềng Thái Lan theo La Croix, có vẻ e ngại là sức mạnh kinh tế của Miến Điện sẽ làm xáo trộn ván bài ở Đông Nam Á.
Trang nhất các báo
Tít mở đầu bản tin báo Pháp tiếp tục xoay quanh kết quả cuộc bầu cử cấp tỉnh vừa qua mà đảng Xã hội gặp thảm bại, nhưng hôm nay thì tập trung chú ý trên phản ứng của Thủ tướng Manuel Valls.
Le Monde ghi nhận trong hàng tựa : Sau thất bại, Valls vẵn giữ hướng đi. Le Figaro nói đến « Lời thú nhận của Valls : Thuế đã bóp nghẹt kinh tế (Pháp) ».
Về Quốc tế, hồ sơ được bàn thảo nhiều là thương lượng về hạt nhân Iran mà Le Figaro xem đấy là « chuyện dài nhiều tập », một tựa ở trang quốc tế, trong lúc Libération nói đến cuộc « đàm phán cực nhọc ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét