GS Nguyễn văn Tuấn
Việt Nam được xếp hạng 12 trên thế giới về chất lượng giáo dục, và với hạng này, chất lượng giáo dục Việt Nam vượt cả Mĩ và Úc (1). Ngạc nhiên? Đó là bảng xếp hạng do nhóm OECD làm, chứ không phải của một nhóm “lơ tơ mơ” nào đâu nhé. Đây có lẽ là một bản tin làm liều thuốc an thần cho rất nhiều người trong ngành giáo dục. Nhưng như người ta thường nói, một phát ngôn mạnh cần phải có những bằng chứng rất tốt. Ngay cả là OECD thì chúng ta cũng phải xét chứng cứ, dữ liệu, chứ đừng bao giờ tin vào hào quang của họ. (Hào quang có khi là giả tạo, dỏm). Tôi e rằng bằng chứng về xếp hạng của OECD chỉ là loại bài tập thống kê, chứ chẳng có ý nghĩa gì trong thực tế.Đánh giá và xếp hạng một nền giáo dục, không nói ra ai cũng biết là, đòi hỏi nhiều nỗ lực và dữ liệu. Dữ liệu phải từ đầu vào (input), qui trình (process), và đầu ra (output). Mỗi tiêu chí cần phải có nhiều chỉ số định lượng. Quần thể đánh giá phải là tất cả cấp học, từ tiểu học đến trung học. Đề tài đánh giá phải là tổng thể các môn học, chứ không thể tập trung vào 1-2 môn nào đó. Ấy thế mà OECD đánh giá bằng con đường tắt. Họ làm hết sức đơn giản, chỉ dựa vào 1 đầu ra: họ dùng kết quả kiểm tra PISA môn toán và khoa học của 76 quốc gia tham gia vào chương trình kiểm định PISA. Do đó, nói là “toàn cầu” đã là không đúng với sự thật. Một nền giáo dục đâu thể nào đánh giá qua chỉ 2 điểm toán và khoa học của một nhóm học sinh 15 tuổi và chỉ của một năm học. Thật là ngớ ngẩn đến khó tin!
Ngay cả điểm PISA cũng có nhiều vấn đề. Tôi đã download toàn bộ cơ sở dữ liệu PISA của Việt Nam để xem qua cho thoả tính tò mò. Rất nhiều số liệu là “missing data” (do các em học sinh làm bài không được), nên họ phải sử dụng kĩ thuật “imputation” để lấp vào các giá trị khống. Nói cách khác, nhiều số liệu cấp học sinh chỉ là kểt quả của mô hình thống kê, chứ không phải thu thập thực tế từ học sinh. Kĩ thuật imputation là phương pháp khoa học chính thống, nhưng áp dụng cho tình huống quá nhiều missing data thì rất nguy hiểm. Ngoài ra, còn có nhiều vấn đề khác mà tôi đã trình bày trong bài nói chuyện trong Câu lạc bộ “Cà phê Thứ Bảy” ở Sài Gòn hồi năm ngoái (2), và một bài báo trên Tuần Việt Nam (3). Vấn đề không chỉ đơn giản là điểm trung bình nước A cao hơn nước B; vấn đề còn là mức độ khác biệt giữa các học sinh trong một nước, và đó mới phản ảnh một phần chất lượng. Nói tóm lại, có rất nhiều vấn đề về phương pháp trong dữ liệu PISA mà chúng ta phải dè dặt.
Người ta có câu “Garbage in, Garbage out” – đầu vào là rác, thì đầu ra cũng là rác, bất kể sử dụng phương pháp thống kê hay toán học tinh vi nào. Do đó, xếp hạng chất lượng giáo dục dựa vào điểm PISA của 2 môn học (toán và khoa học) từ một nhóm học sinh 15 tuổi là sai ngay từ căn bản, sai từ ý tưởng đến phương pháp. Tiếng Anh có chữ “simplistic”, rất thích hợp cho loại xếp hạng này. Đối với người làm toán hay thống kê loại “connoisseur” thì họ có thể thích làm xếp hạng như thế, nhưng với người có đầu óc khoa học và có suy nghĩ thì đó chỉ là một dạng làm “exercise” mà thôi. Vậy xin các nhà báo và giới quản lí giáo dục đừng quá tốn thì giờ cho loại “trò chơi con số” (mượn chữ của ông tổ cộng sản là V. Lenin) như kiểu xếp hạng của OECD.
===
(1) http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/236947/viet-nam-vuot-my–uc-xep-thu-12-bang-xep-hang-gd-toan-cau.html
(2) Bài nói chuyện CLB Cà Phê Thứ Bảy:
https://drive.google.com/file/d/0Bz8CAKvRzYwlbXY2U2oycjEyejA/view
(3) http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/152507/pisa-cung-chong-chenh-nhu—-thap-nghieng.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét