Basam
The EconomistNgười dịch: Trần Văn Minh
30-05-2015
Khi Trung Quốc tự khẳng định là một cường quốc hải quân và không quân, và khi Mỹ phản ứng lại, nguy cơ đối đầu càng gần hơn
Các quan chức Mỹ đang mất dần kiên nhẫn với Trung Quốc. Ngày 22 tháng 5, phó tổng thống Joe Biden đã nói thẳng. Ông cảnh báo sinh viên tốt nghiệp đại học hải quân về “đường nứt địa chấn mới” đang nổi lên giữa các cường quốc. Ông cho biết, Trung Quốc đang thách thức tự do hàng hải ở Biển Đông bằng việc bồi đắp các rạn san hô đang tranh chấp với “quy mô lớn”. Hai ngày trước đó, Mỹ đã thể hiện sự bực bội bằng cách gửi một máy bay do thám tới gần một trong những rạn san hô, là nơi Trung Quốc đang xây dựng một phi đạo. Các chuyến bay bí mật như thế là thông thường, nhưng lần này thì khác. Chiếc máy bay cũng mang theo một đội người của CNN, và họ đã phát ra phản ứng gắt gỏng của hải quân Trung Quốc thông qua làn sóng truyền thanh bằng tiếng Anh như sau: “Hãy rời khỏi khu vực ngay lập tức để tránh những tính toán sai lầm”.
Các quan chức và phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phản ứng một cách giận dữ trước cuộc tấn công ngôn từ của Mỹ (được phụ thêm với cảnh quay sống động của CNN trong chuyến công tác của máy bay do thám trên đá Chữ Thập, cho thấy cát được những tàu hút bùn Trung Quốc hút từ dưới đáy biển và phun lên hòn đảo đang thành hình). Ngày 25 tháng 5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ chấm dứt “hành vi khiêu khích”. Hoàn Cầu Thời báo, một tờ báo nhà nước nổi tiếng với quan điểm cứng rắn, cho rằng cuộc chiến sẽ “không thể tránh khỏi” nếu Mỹ tiếp tục phàn nàn về việc xây dựng đảo. Ngày 24 tháng 5, tờ Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản, đã cảnh báo Mỹ rằng những kẻ “làm tổn thương người khác” có thể “kết cuộc sẽ gây tổn thương cho chính họ”.
Đáng tiếc, những lời lẽ gay gắt đó cho đến nay vẫn không thể so sánh với những hành vi quân sự nóng nảy ngay trong hoặc trên biển. Cả Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng tránh xung đột. Nhưng để làm rõ lập trường của mình, Mỹ đang xem xét các bước đi có thể được Trung Quốc xem là mối đe dọa. Các chuyến bay do thám của Mỹ, cũng như sứ mạng tương tự của các tàu hải quân, cho đến nay vẫn giữ khoảng cách tối thiểu 12 hải lý (22km) tính từ các rạn san hô mà họ đang theo dõi. Đó sẽ là giới hạn bên ngoài về chủ quyền của Trung Quốc nếu các rạn san hô thực sự là đảo (tức là, vĩnh viễn nhô trên mặt biển) và thực sự của Trung Quốc. Hiện nay, Ngũ Giác Đài đang xem xét liệu có nên thách thức giới hạn này.
Trung Quốc từ lâu đã cho biết họ sở hữu hầu hết các rạn san hô và hòn đảo ở Biển Đông, và cũng khẳng định chủ quyền mơ hồ trên hầu hết vùng biển này. Các nước khác quanh vùng biển này phản đối tuyên bố chủ quyền đó (Việt Nam và Philippines đều nói họ sở hữu đá Chữ Thập). Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh luận chủ quyền, nhưng họ nói tranh cãi nên được giải quyết một cách hòa bình, không gây ảnh hưởng đến tự do hàng hải. Cảnh báo của Trung Quốc đối với máy bay do thám Mỹ cho thấy họ đang cố gắng áp đặt các hạn chế lên giao thông quân sự.
Mặc dù với lời than phiền ngày càng công khai của Mỹ, vẫn chưa thấy thay đổi trong nhịp bước điên cuồng của những nỗ lực bồi đắp đảo của Trung Quốc trên nhiều rạn san hô (ảnh ghi là các bức ảnh do một máy bay Mỹ do thám về công việc bồi đắp trên đá Chữ Thập). Ngày 26 tháng 5, Bộ Quốc phòng Trung Quốc phát hành “sách trắng” về chiến lược quân sự. Sách này nói rằng, đất nước nên xây dựng một “lực lượng hải quân hiện đại” để bảo vệ “quyền và lợi ích hàng hải” của Trung Quốc, bao gồm cả ở Biển Đông. Ông Ash Carter, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết một ngày sau đó rằng, hành động của Trung Quốc trong khu vực cho thấy họ đã vượt ra khỏi “chuẩn mực quốc tế làm nền tảng cho cấu trúc an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc lo ngại rằng Trung Quốc cuối cùng có thể tuyên bố một “Khu vực Nhận dạng Phòng không” (ADIZ) trên Biển Đông – đòi hỏi các máy bay phải tự xác định mình với nhà chức trách Trung Quốc trước khi bay vào. Trong tháng 11 năm 2013 Trung Quốc gây báo động cho toàn khu vực bằng cách thiết lập một ADIZ trên biển Hoa Đông, bao gồm quần đảo do Nhật Bản tuyên bố chủ quyền (xem bản đồ). Họ cho biết lực lượng vũ trang của họ có quyền sử dụng “các biện pháp phòng thủ khẩn cấp” đối với những kẻ không tuân thủ. Mỹ đã nhanh chóng gửi hai máy bay B-52 không vũ trang qua khu vực mà không thông báo cho Trung Quốc. Một số chuyên gia Trung Quốc tin rằng Trung Quốc không có vẻ sắp sửa tuyên bố một ADIZ ở Biển Đông bởi vì sẽ càng khó khăn hơn để thực hiện trên một khu vực rộng lớn như vậy. Tuy nhiên, vào ngày 26 tháng 5, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước ông sẽ quyết định xem có nên thành lập vùng ADIZ, một phần dựa trên cơ sở “phải chăng và đến mức độ nào an ninh của vùng trời bị đe dọa” – một cảnh báo rõ ràng nhắm tới Mỹ.
Các học giả Trung Quốc nói rằng thử nghiệm quyết tâm của Trung Quốc có thể là điều nguy hiểm. Nếu Mỹ đưa một tàu hải quân đến gần một trong những rạn san hô, họ “rất có thể sẽ buộc Bắc Kinh phải đáp trả một cách mạnh mẽ”, ông Zhu Feng, thuộc Trung tâm nghiên cứu hợp tác Biển Đông tại Đại học Nam Kinh cho biết. Ông nói, không nhà lãnh đạo Trung Quốc nào muốn bị xem nhát như “thỏ đế”.
Tuy nhiên, Mỹ cũng không muốn như vậy. Cũng đỡ phần nào khi các nước láng giềng của Trung Quốc bắt đầu lên tiếng mạnh mẽ hơn về vấn đề này. Vào tháng 4, mười thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là tổ chức thường phải chịu đau khổ nếu chọc giận Trung Quốc, đã gọi công cuộc xây dựng đảo là mối đe dọa cho “hòa bình, an ninh và ổn định”. Các nước ASEAN hoan nghênh sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Nhưng sau hậu trường họ cũng yêu cầu Mỹ tránh làm gia tăng căng thẳng. Không có quốc gia châu Á nào muốn bị buộc phải lựa chọn rõ ràng giữa ủng hộ Mỹ hoặc Trung Quốc. Đối với Mỹ, tránh gặp phiền toái sẽ rất khó khăn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét