Vi Anh
Một cộng sản Bắc Việt nòi ưa nổ, dốt văn minh Miệt Vườn, không hiểu
lối sống của người Miền Nam lại được Tổng Bí Thư Nguyễn phú Trọng điều
vào nắm đầu thành uỷ Saigon, căn cứ địa của Nam kỳ Cộng sản đảng, mới
vừa ồn ào tuyên bố trước Quốc Hội Đảng cử Dân bầu. “Rằng thì nà” y muốn
Saigon trở lại thành “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Y đã chỉ đạo các ban bệ của
Uỷ Ban TP/HCM, một là xuất cả ngàn tỷ đồng tiền thuế của dân Saigon để
lót lề đường bằng đá hoa cương khu Catinat người Pháp gọi là tiểu Paris.
Hai là tàn phá văn hoá vật thể của Saigon với lịnh đốn hàng trăm cây to
bóng mát ở đường Tôn Đức Thắng tức là đường Cường Để của Saigon trước
1975. Ba là xây cất cao ốc làm khách sạn nhiều sao cho mướn ngay trong
khuôn viên thư viện lớn nhứt và lịch sử văn hoá kỳ cựu của Saigon. Suy
nghĩ và hành động của Bí Thư Đinh la Thăng rõ ràng là hành động cào bằng
văn hoá vật thể của người Việt ở Miền Nam. Giống như CS Bắc Việt hồi
mới cưỡng chiếm được Saigon ra lịnh tịch thu sách vở đem đốt vậy. Nên
người Việt Nam từ trí thức đến bình dân khắp nước, ở Bắc, ở Trung, ở Nam
và ở hải ngoại nhứt là dân Miền Nam lên tiếng, biểu tình chống Đinh la
Thăng.
Một, xuất 1.000 tỷ Đồng mua, mướn lót đá hoa cương vỉa hè Quận 1 Saigon,
là việc làm màu mè, râu ria không cần thiết, một bắt chước không đúng
chỗ, chỉ có lợi cho cán bộ đảng viên CS rút ruột công trình mà hại cho
dân chúng trong di chuyển và buôn bán. Saigon còn nhiều chuyện cần làm
hơn. Chống ngập khi mưa hay nước lớn. Giải quyết nạn kẹt xe, tai nạn xe.
Giải quyết việc cung cấp nước sạch cho cư dân khỏi uống nước dơ, nước
nhiễm mặn do hệ thống đường ống bể, sét cũ cả trăm năm rồi. Giải quyết
nước thải hôi thúi sông rạch, khói thải khiến người dân ra đường mang
khẩu trang như vào phòng mổ. Hơn là lót đá hoa cương vỉa hè ở Quận 1.
Ngay những thành phố lớn, giàu như Paris, Berlin, New York, San
Francisco người ta cũng chỉ lót đá xanh trên vỉa hè những đường lịch sử,
vào công viên thôi.
Hai, ra lịnh đốn cây to bóng mát biến thành phố trơ trụi, làm hư lá
phổi của Saigon. Tin cho biết Đinh La Thăng bắt chước Thành Uỷ Hà nội
cho đốn hơn 2.000 cây một cách vô lương tâm, vô ý thức trong dự án thay
thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội. Y chỉ đạo cho cơ quan quản lý đường sắt
TP/HCM ra thông báo sẽ đốn hạ 300 cây cổ thụ trên đường Tôn đức Thắng để
phục vụ cho dự án giao thông gồm tuyến tàu điện ngầm, cầu Thủ Thiêm 2,
nhà ga Ba Son. Trong đó có hàng cây 100 năm tuổi trên đường Tôn Đức
Thắng. Đầu năm 2016, TP/HCM sẽ tiếp tục đốn hạ 70 cây xanh tại trung tâm
thành phố để thi công tuyến tàu điện ngầm Bến Thành – Suối Tiên, đoạn
công trình từ ga Nhà hát TP đến ga Bến Thành. Trước đó những hàng cây
trên tuyến đường Nguyễn Huệ, trước Nhà hát TP cũng bị đốn hạ để xây dựng
phố đi bộ, đồng thời là ga Nhà hát TP. Hàng cây xanh thuộc công viên
23/9 (giao lộ Trần Hưng Đạo-Phạm Ngũ Lão) và đường Lê Lợi cũng bị đốn hạ
và di dời; trong đó có nhiều cổ thụ cao hơn 15 m.
Ba, cắt đất trong khuôn viên của Thư viện Khoa học thành phố để giao
cho một doanh nghiệp tư nhân xây cao ốc 20 tầng, cao khoảng 80m để làm
văn phòng và khách sạn cho mướn là hành động rõ rệt cào bằng văn hoá
Saigon, bộ mặt của văn minh Miệt Vưòn của dân Miền Nam. Như đã biết Thư
viện này là một biểu tượng văn hoá, văn học, lịch sử của Saigon nói
riêng, của Miền Nam nói chung. Nó là hậu thân của Thư viện các Đô đốc,
Thống đốc Nam Kỳ (hay Thư viện Soái phủ Nam Kỳ thời Pháp thuộc khi Nam
kỳ là Pháp Quốc Hải Ngoại) được thành lập theo sắc lệnh của Phó Đô đốc
Ohier vào năm 1868. Thời đệ nhứt Cộng Hoà ngày 01-07-1957, theo công
lệnh số 544/GD-CL của Bộ giáo dục, nó là Tổng Thư viện trực thuộc Viện
Đại học Sài Gòn chuyển sang thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc Gia Giáo
Dục. Ngày 04-08-1964, Nghị định số 1354/GD/PC/ND, Tổng Thư viện Sài Gòn
trực thuộc Nha Văn Khố và Thư viện Quốc Gia; Thư viện Nam Phần chuyển
sang trực thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Thời Đệ nhị Cộng Hoà Thủ tướng
Trần Văn Hương đã đặt viên đá đầu tiên để khởi công và công trình hoàn
thành vào cuối năm 1971. Ngày 23-12-1971, Thư viện Quốc Gia được khánh
thành và đi vào hoạt động tháng 2-1972. Đây là thư viện lớn nhất Việt
Nam vào thời bấy giờ, có kiến trúc hiện đại kết hợp với tính dân tộc.
Lúc này thư viện có 53 nhân viên phục vụ với khoảng 100.000 bản tài
liệu.
Thời CSVN sau 30/04/1975, Thư viện Quốc Gia Sài Gòn đổi tên thành Thư
viện Quốc Gia II trực thuộc Bộ Văn hóa theo quyết định số 1018/VH/QĐ ký
ngày 01/11/1976. Thư viện đã tiếp nhận được nguồn bổ sung tài liệu
phong phú của Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học Kỹ thuật
Trung Ương, Thư viện kết nghĩa Hòa Bình.
Ba chỉ đạo nói trên của Bí Thư Thành uỷ La Thăng cho thấy ý đồ xóa bỏ
những danh lam thắng cảnh, những biểu tượng, di sản văn hoá vật thể và
phi vật thể của Saigon Hòn Ngọc Viễn Đông. Chớ không phải y thực hiện
nguyện vọng mong muốn TP Hồ Chí Minh trở về vị trí Hòn Ngọc Viễn Đông,
số 1 Đông Nam Á. Hành động y cũng cho thấy y quá dốt về văn minh Việt
Nam và văn minh thế giới.
Các trang mạng xã hội trong nước, các trí thức yêu nước đồng loạt lên
tiếng cho rằng việc xẻ đất để xây cao ốc trong khuôn viên thư viện là
một việc làm đi ngược lại với việc bảo tồn lịch sử dân tộc, và xem
thường văn hóa của một đất nước.
Đài RFA loan tải ý kiến bất bình, phản đối của một số trí thức trong
nước. “Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam cổ, trung
và cận đại, nguyên trưởng phòng Văn học Việt Nam cổ cận đại khi nghe
thông tin này đã thốt lên rằng: “Thế thì đau đớn quá. Nghĩa là thời buổi
này người ta không cần văn hóa và khoa học nữa rồi. Một tuyên ngôn
trắng trợn, xóa bỏ văn hóa rồi còn gì. Chỉ có thể nói được thế thôi. Nếu
quả thật bán đi để tiêu, mà sách vở thì cho, nhét vào chỗ khác thì là
một việc xóa bỏ văn hóa. Ngạc nhiên và quá đau xót.”
“Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu văn hóa VN
bày tỏ: “Nếu việc này có thật thì tôi không đồng ý, tôi phản đối chủ
trương đó.” Nhắc đến câu nói của ông Đinh La Thăng, Giáo sư Ngô Đức
Thịnh nhấn mạnh rằng muốn Sài Gòn quay trở lại là Hòn Ngọc Viễn Đông,
nhưng một trong những yếu tố làm nên Hòn Ngọc Viễn Đông chính là hàng
cây xanh, là thư viện. Và ông đặt câu hỏi rằng: “như thế, có phải [Ô. La
Thăng] đang đi ngược lại với lời mình nói hay không?”
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, một người Nam sống ở Saigon qua ba thơi kỳ
Pháp, Việt, Mỹ nói rằng,“khi người Pháp xây dựng Sài Gòn, thì đã đi
trước tất cả, từ Hồng Kông cho đến Singapore còn thua kém nhiều. Để có
được Hòn Ngọc Viễn Đông của Đông Nam Á là Việt Nam lúc bấy giờ, họ đã
xây dựng những kiến trúc cũng như quy hoạch những con đường trong đó
nhiều cây xanh. Ông nói “Tôi nghĩ là kiến trúc lớn như vậy thì không
phải chỉ có toà nhà, mà là cả một khuôn viên. Bất cứ một công trình nào
xây thì cũng sẽ phá tổng quan của kiến trúc đó. Tôi nghĩ là ý thức của
vấn đề, về văn hóa cũng như lịch sử rất kém. Phải tôn trọng tất cả những
kiến trúc có giá trị vừa văn hóa vừa lịch sử. Thư viện đó mà không tôn
trọng thì vấn đề học tập sẽ rất kém, không phát triển được.” Theo ông,
việc không gìn giữ được những yếu tố lịch sử văn hóa đã chứng tỏ một tầm
nhìn rất thấp của những người lãnh đạo đất nước./.(Vi Anh)
https://vietbao.com/p123a252057/bi-thu-thang-cao-bang-van-hoa-sai-gon
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét