Tạp bút – Caubay
Tháng Tư lại về, năm nay nơi tôi ở có vài
cơn mưa nhẹ đổ về bất chợt làm tôi nhớ cơn mưa Sài Gòn ngày ấy. Những
ngày cuối tháng Tư năm 1975, trời Sài Gòn u ám, mưa lất phất nhẹ trong
cái xôn xao, hỗn loạn của một thành phố đang hồi vô chủ. Nỗi sợ hãi, bi
thương, tiếc nuối trong lòng người lan tỏa vào không gian. Rờn rợn như
cái rùng mình cuối cùng của một sinh vật trước khi đi vào cõi chết.
Thành phố như một ổ kiến bị phá vỡ. Con hẻm nhỏ khu nhà tôi có đông
người hơn từ cả tháng qua, đồng bào tỵ nạn từ miền Trung vào, từ Tây
nguyên tràn xuống. Nhốn nháo, vội vã và nỗi âu lo hiển hiện trên khuôn
mặt mỗi người. Người ta lui tới tìm nhau thì thầm, bịn rịn. Đồng thời
bạn bè, chòm xóm cũng bắt đầu trao nhau ánh mắt thăm dò và cái mầm nghi
kỵ đã đâm chồi.
Sáng ngày 30 tháng Tư tiếng súng nổ đì
đùng. Vài người lính miền Nam chạy vào trong hẻm cởi bỏ quân phục…Ngoài
đừờng phố những người hơi bạo gan và hiếu kỳ đứng hai bên nhìn đoàn xe
tăng Liên Xô phủ đầy lá, mang cờ đỏ sao vàng và cờ nửa xanh nửa đỏ
nghiến lên những tiếng kêu đầy hăm dọa trên mặt đường. Xung quanh vài
chiếc xe gắn máy chạy theo phất cờ, cánh tay họ đeo băng đỏ, nét mặt “hồ
hởi, khẩn trương”. Người trên xe là bộ đội Việt cộng với vẻ mặt còn ngỡ
ngàng đến ngờ nghệch và những kẻ lăn xăn chạy theo là người của thời
cuộc, bọn nằm vùng và cả những kẻ mang tên ngày – bọn người “30 Tháng
Tư”. Đó là lần đầu tiên tôi đối diện với Việt cộng còn sống. Việt cộng,
cũng là đồng bào của tôi, mà như có cái gì rất xa lạ, bí hiểm, man man
rợ rợ của rừng thiêng chết chóc.
Đó là một kết thúc và cũng là một bắt
đầu. Kết thúc của một xã hội tự do dẫu từng ngày phải trải qua chiến
tranh đầy máu lửa và bắt đầu những thảm kịch đầy nước mắt. Phỏng tôi có
cần phải nhắc lại từng thảm cảnh đó và có đủ giấy mực để ghi lại hay
không? Thảm kịch liên tục xảy ra trên đất nước chúng ta 41 năm qua và
hôm nay hậu quả của nó đã trực tiếp ảnh hưởng lên mọi người. Phía này
phía kia, ai cũng là nạn nhân. Nạn nhân của mất mát, ly tán, tù tội, đọa
đày. Nạn nhân của sự ngu muội, sa đọa, chai mòn lương tâm…
Một chút hồi tưởng lại những ngày xa xưa.
Ngày đó, cũng như hầu hết các người trẻ khác, tôi cũng mang nhiều hoài
bão. Hoài bão lớn nhất là một ngày hết chiến tranh, đất nước thống nhất
trong tự do, thương yêu, đoàn kết và nhân tài cả nước sẽ sánh vai nhau
góp phần xây dựng tổ quốc. Tôi mơ một ngày kia nước mình sẽ văn minh,
giàu mạnh như nước Nhật, nước Mỹ… Trong cảnh hừng hực của chém giết và
hận thù, ước mơ của tôi chỉ là điều xa vời, nhưng đó là sự thực mà tôi
nghĩ không chỉ có ở riêng tôi.
Tôi tin rằng do những năm dài chiến
tranh, ngày 30 tháng Tư năm 1975 trong tận cùng trong đáy lòng của mỗi
người dân Việt vẫn có không gian cho một tiếng thở phào nhẹ nhõm. Với
người dân Miền Nam, chiến tranh đã hết; cái đang đến dù mơ hồ, bấp bênh,
đe dọa nhưng bóng ma bất ổn, chết chóc đã đi qua. Thôi thì lịch sử đã
sang trang và hãy cố hy vọng cho một ngày mới, niềm hy vọng ấu trĩ, mong
manh của người chờ phép lạ.
Nhưng rồi những gì đã xảy ra như mọi
người đều thấy. Thay vì là ngày thống nhất, ngày 30 tháng Tư chỉ ghi
thêm một dấu mốc đau lòng trong lịch sử dân tộc. Làm sao gọi là thống
nhất được khi mọi thứ chưa qui về một mối. Về mặt lãnh thổ, hải đảo vẫn
còn trong tay giặc, biên giới đất liền bị mất thêm và về mặt nhân tâm,
lòng người vẫn còn ngăn cách. Giấc mơ về một đất nước hòa bình, hàn gắn,
đoàn kết, xây dựng đã không tới. Thay vào đó là đọa đày, phân biệt,
khủng bố. Dù không còn tiếng súng nhưng tiếng kêu khóc oan khuất trải
dài khắp nước mỗi ngày, kéo dài cho đến tận hôm nay.
Người ta thường truyền nhau câu nói của
ông Võ Văn Kiệt khi về hưu, rằng “ngày 30 tháng Tư có cả triệu người vui
và cả triệu người buồn.” Cả triệu người buồn thì dĩ nhiên rồi, dẫu nay
có người đã quên đi, một cách vô tình hay cố ý. Nhưng trong số những
người vui, có bao nhiêu người vẫn cứ vui nếu qua năm tháng họ biết được
sự thực của quá khứ? Có người nào có lòng trăn trở về thực trạng của đất
nước hôm nay mà vẫn cứ vui? Tôi tin con số đó rất nhỏ nhoi, chỉ giới
hạn trong những người mất nhân tính.
Hôm nay tôi là một trong số những người
may mắn, sự may mắn có phần chua chát của một kẻ đã thoát được ra khỏi
quê hương mình. Đời sống của tôi trên xứ người đã ổn định, dù vậy trong
lòng tôi vẫn không. Tôi ray rức về thực trạng nước nhà chỉ đơn thuần vì
tôi là người Việt Nam. Đất nước tôi là một phần của cuộc đời tôi vì thế
tôi không thể nào thờ ơ khi nghĩ về. Tôi tin rằng tình cảm ấy xuất phát
từ nền giáo dục mà tôi hấp thụ từ tấm bé. Tôi yêu đất nước tôi một cách
tự nhiên, không mưu cầu và toan tính nào cho cá nhân. Không có gì to tát
hay khoa trương khi nói lên điều này.
Bây giờ là những ngày cuối tháng Tư năm
2016, niềm ray rức ấy lại về như sự tuần hoàn của máu. Những ngày này,
người tỵ nạn ở hải ngoại hoài niệm về một đại tang, người trong nước
tiếp tục oằn mình dưới sự áp bức của cường quyền. Chắc rằng ngày 30
tháng Tư năm nay rồi cũng sẽ như 41 năm qua. Trong nước nhà cầm quyền
cộng sản lại tổ chức ăn mừng chiến thắng, ngoài nước đồng bào sẽ tổ chức
tưởng niệm ngày Quốc hận… Phải làm gì để ngày 30 tháng Tư đi vào lịch
sử mà không trở về hằng năm dằn vặt chúng ta? Ai là người sẽ xoa dịu vết
thương này trong lòng dân tộc? Thực tế cho thấy nhà cầm quyền cộng sản
không có đủ lương tri để làm điều đó. Thế thì phần còn lại là của tất cả
chúng ta, những người con nước Việt trong và ngoài nước.
Nhưng làm gì, với ai, sức lực nào… là
những câu hỏi mà tôi thường gặp, tuy cay đằng nhưng rất thực tế. Là một
người dân không tham gia tổ chức chính trị nào, tôi cũng mơ hồ về một
câu trả lời, chỉ biết chắc một điều như nhạc sĩ Việt Khang đã viết: “Tôi
không thể ngồi yên khi nước Việt đang ngả nghiêng.” Xin hãy đừng bàng
quan, hãy làm một điều gì đó dù nhỏ nhoi cho đất nước, cho đồng bào. Xin
nguyện cầu cho một ngày thống nhất đích thực. Ngày đó người dân cả nước
nắm tay nhau không có phân biệt, không thù hận. Chỉ như thế mới có thể
làm phai mờ ngày 30 tháng Tư trong lòng mỗi chúng ta.
San Diego, 4-22-2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét