Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

VNTB- Bà Trần Thị Hồng: Chúng tôi chỉ có quyển kinh thánh thì lấy gì để đối đầu với họ…!

Hàn Giang
16.4.16
Bà Trần Thị Hồng bị đánh đập, hành xử thô bạo ngày 14/4/2016 (ảnh: Nguyễn Ngọc Lụa)

(VNTB) – “…tôi nói những điều mà chính quyền Việt Nam cũng như công an tại Gia Lai vi phạm về tự do tôn giáo, bằng chứng là việc kết án và bỏ tù chồng tôi (Mục sư Nguyễn Công Chính) với bản án 11 năm. Họ đã từng đánh đập, dùng nhục hình chồng tôi trong trại giam. Rồi những anh em, đồng đạo của chúng tôi cũng bị bắt giam và cũng có số người đồng đạo khác bị đánh đập trọng thương…tôi chỉ nói những điều họ vi phạm tự do tôn giáo…”, lời bà Trần Thị Hồng chia sẻ với Phái đoàn lưu động Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ vào hôm 30/3/2016.


Ngày 14/4/2016, cộng đồng mạng facebook ở Việt Nam cũng như báo đài “lề trái” loan tải thông tin vợ Mục sư Nguyễn Công Chính là bà Trần Thị Hồng ( trú tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã bị công an, an ninh ở Gia Lai bắt giải về phường Hoa Lư và đánh đập, hành xử một cách thô bạo gây căm phẫn những ai quan tâm đến tự do Tôn giáo ở Việt Nam nói chung và vụ việc nhà Mục sư Chính nói riêng. Theo bà Hồng, sở dĩ bà bị đánh đập và hành xử thô bạo là do phía công an Gia Lai muốn làm rõ việc bà đã tiếp đón phái đoàn lưu động về Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ gồm: ông David V. Muehlke, Tùy viên chính trị của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam: ông David Saperstain, Đại sứ Lưu Động về Tự do Tôn giáo Quốc tế: ông Garrett Harkins, Tuỳ viên chính trị của Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn và bà Victoria L. Thoman vào ngày 30/3/2016.
Việt Nam Thời Báo đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Hồng để làm rõ hơn về vụ đánh đập, hành xử thô bạo này.
PV (VNTB): Được biết hôm qua 14/4/2016, bà đã bị lực lượng công an, an ninh ở Gia Lai đánh đập. Vụ việc đầu đuôi là như thế nào mong bà chia sẻ?
Bà Trần Thị Hồng: Khoảng 8h30 ngày 14/4/2016, lúc ấy tôi chuẩn bị đưa con đi học, tôi vừa mở cửa đi ra thì có ông tổ trưởng tổ dân phố kèm thêm một tốp người khác bảo tôi lên phường Hoa Lư để làm việc. Tôi trả lời họ rằng: nếu mà làm việc thì cho tôi chút thời gian để tôi sắp xếp việc nhà rồi tôi sẽ lên. Đi như vậy sao được, tôi còn con nhỏ không bỏ được, gia đình neo đơn, chồng tôi thì bị bắt rồi nên tôi nói họ phải thông cảm cho tôi để tôi sắp xếp rồi tôi sẽ lên. Họ không chịu, họ nói chị (chị Hồng) không hợp tác với chúng tôi. Tôi nói chuyện hợp tác hay không hợp tác tôi không có biết nhưng mời thì tôi sẽ lên, có điều giờ tôi chưa thể lên được. Miệng thì tôi nói nhưng tôi thấy phía sau lưng mình có hai, ba phụ nữ đứng sát lưng mình là tôi biết rồi. Tôi nói với họ là giờ muốn sao? Muốn đánh đập, trấn áp tôi phải không? Tại sao lại làm vậy với tôi vì những sự việc thế này đã xảy ra rồi khi họ muốn một điều gì đó. Họ huy động một lực lượng đứng trước nhà tôi rất là đông, trước đây cũng vậy. Tôi nói như vậy và họ nhào vào, hai người nắm hai cánh tay và hai người nắm hai cái chân khiêng tôi đi. Tôi vùng vẫy nhưng họ mạnh quá nên tôi không chống cự được. Họ đẩy tôi lên một chiếc xe con rồi đưa tôi lên Ủy ban phường Hoa Lư, họ khiêng tôi như vậy lên tới lầu 3. Họ đóng cổng lại, có người phụ nữ ào tới đánh vào mặt tôi. Tôi nói tại sao đánh tôi? Tôi la lên thì họ ghìm đầu tôi xuống, trói tay tôi lại. Tôi la lên, nói đây là một sự vi phạm. Họ nói tôi phải giải trình vụ việc ngày 30/3/2016 vừa qua, tôi đã gặp phái đoàn lưu động về Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ. Tôi nói với họ là tôi không làm việc và tôi cũng không có gì để nói cả. Nếu mà mời tôi và đánh đập tôi như thế này thì tôi không bao giờ nói cả. Tôi nói với họ như vậy, tôi không bao giờ làm việc với một cách hành xử như thế này. Khi họ giẫm lên chân tôi, tôi khóc vì đau, tôi lại la lên nhưng chẳng có ai ngoài những bức tường và 3 nam 3 nữ tổng thảy là 6 người. Đến 11h thì tôi đuối sức lắm rồi, khóc cũng không nổi nữa. Họ đưa một người vào để quay phim chụp hình, khi quay phim họ để 2 người phụ nữ kẹp hai tay của tôi. Đến 11h30 phút, họ nói với tôi rất thô tục là “mày đi ra ngoài đi”. Lúc này tôi không đi nổi nữa rồi, chỉ bò ra khỏi phòng cho đến chổ cầu thang thì tôi trụ đứng dậy để đi xuống. Sau đó, có hai người phụ nữ túm nách tôi đưa tôi lên chiếc xe con và đưa về tới cổng nhà rồi lôi tôi xuống lề đường, chạy xe đi. Người dân thấy tôi đi không nổi nên đã dìu tôi vào nhà.
PV (VNTB): Bà có bị thương tích gì không?
Bà Trần Thị Hồng: Những chỗ họ đánh như ở chân và đầu gối giờ nó sưng lên, bầm tím và đen lại, đầu thì nó cũng đau. Tôi có bảo con tôi đi mua thuốc để uống chứ giờ đi cũng không được. Mà có đi thì họ canh giữ, mỗi khi mình đi rất là khó.

Bà Hồng nhờ bà con hàng xóm đưa vào nhà (ảnh: nguyễn Ngọc Lua)
PV (VNTB): Bà có nhớ tên một người công an nào đó đã đánh bà hay không?
Bà Trần Thị Hồng: Không. Tuy rằng tôi biết cũng có một vài người họ đại diện công an phường nhưng mà có ông tổ trưởng tổ dân phố đại diện nơi tôi ở và tôi chỉ biết ông đó thôi. Còn những người còn lại là những công an thành phố, công an tỉnh, tôi không biết tên phần họ cũng không mặc đồ sắc phục. Khi họ canh gác tôi cũng vậy, họ chỉ mặc đồ bình thường thôi.
PV (VNTB): Lúc lên Ủy ban phường Hoa Lư làm việc với bà, những công an cũng không giới thiệu tên, chức vụ trước khi làm việc với bà?
Bà Trần Thị Hồng: Không. Họ không hề giới thiệu tên, vừa lên là họ phủ đầu rồi. Họ trấn áp nói là phải giải trình vụ việc ngày 30/3/2016, tôi nói chuyện với phái đoàn quốc tế như thế nào? Tôi chỉ nghe loáng thoáng vậy thôi bởi lúc đó tôi đau quá, tôi chỉ la và kêu cứu.
PV (VNTB): Bà có thể chia sẻ cuộc gặp giữa bà và phái đoàn lưu động Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ nói những vấn đề gì?

Bà Hồng đón tiếp phải đoàn lưu động Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ tại nhà hôm 30/3/2016 (ảnh: Nguyễn Ngọc Lụa)
Bà Trần Thị Hồng: Ngày 30/3/2016, để gặp phái đoàn quốc tế về Tư do Tôn giáo Hoa Kỳ rất khó khăn. Trên đường đi tôi gặp sự cản trở từ phía chính quyền, những vết bầm mà họ đánh tôi ngày hôm ấy vẫn còn. Khi tôi bị cản trở trong việc đi lại thì buộc tôi phải quay về nhà, phái đoàn sau đó cũng về đến nhà tôi. Trong cuộc gặp này, tôi nói những điều mà chính quyền Việt Nam cũng như công an tại Gia Lai vi phạm về tự do tôn giáo, bằng chứng là việc kết án và bỏ tù chồng tôi (Mục sư Nguyễn Công Chính) với bản án 11 năm. Họ đã từng đánh đập, dùng nhục hình chồng tôi trong trại giam. Rồi những anh em, đồng đạo của chúng tôi cũng bị bắt giam và cũng có số người đồng đạo khác bị đánh đập trọng thương…tôi chỉ nói những điều họ vi phạm tự do tôn giáo. Nếu họ không vi phạm, không làm những điều đó thì tôi cũng chẳng có cớ gì để nói. Gia đình tôi cũng muốn yên lặng để lo cho công việc mục vụ, không muốn đối đầu với chính quyền. Chúng tôi chỉ có quyển kinh thánh thì lấy gì để đối đầu với họ nhưng họ không để chúng tôi yên nên bắt buộc chúng tôi phải lên tiếng.
PV (VNTB): Bà bị đánh vì vụ việc liên quan, vậy phía Đại sứ quán Hoa Kỳ có biết hay không? Họ phản ứng thế nào?
Bà Trần Thị Hồng: Có. Ngay chiều 14/4/016, có đại diện trong Đại sứ quán Hoa Kỳ gọi điện hỏi tình hình của tôi. Tôi đã trình bày rõ ràng nguyên nhân tôi bị đánh hôm nay là do vụ việc hôm ngày 30/3/2016 tôi gặp phái đoàn. Và trước khi gặp phái đoàn tôi cũng nói với họ rồi, ai mà đến gặp tôi thì phía chính quyền địa phương, bản thân tôi họ không bao giờ để yên. Tôi nói rõ ràng vậy nên rất cần sự quan tâm của cơ quan Nhân quyền, quan tâm đến tình trạng của mẹ con tôi hiện nay.
PV (VNTB): Và bà đã báo vụ việc lên công an tỉnh Gia Lai chưa?
Bà Trần Thị Hồng: Hôm 14/4/2016, họ có nói với tôi, họ chính là công an tỉnh Gia Lai. Tôi có nói họ đã là công an thì phải mặc thường phục để công dân biết tên, cấp bậc …chứ làm gì mà mặc đồ bình thường thế này. Những rõ ràng, họ là những người đã đánh đập, hành hung tôi thì tôi nghĩ họ biết điều đó chứ không phải không biết đâu.
PV (VNTB): Từ trước giờ bà đã bị hành hung, sách nhiễu như thế này lần nào chưa?
Bà Trần Thị Hồng: Nhiều lắm rồi. Tôi nghĩ đây không phải là lần đầu tiên và cũng không phải là lần cuối cùng. Đơn cử, năm 2013, trên đường đi thăm chồng tôi tại trại gian An Phước (Bình Dương) mẹ con tôi bị áp tải vào một nơi hoang vắng đánh đập, làm nhục giữa đêm. Rồi lúc thằng con út của tôi khi tôi mới sinh nó chưa đầy mấy tiếng đồng hồ, đang còn nằm trong bệnh viện mà họ cũng lôi tôi ra, họ đối xử tôi rất tàn nhẫn.
PV (VNTB): Mỗi lần bị sách nhiễu, hành hung bà có làm đơn tố cáo gửi phía công an hay không? Phía công an họ trả lời đơn từ của bà như thế nào?
Bà Trần Thị Hồng: Chưa. Thậm chí tôi làm đơn gửi đến chính phủ luôn. Đơn cử lúc chồng tôi bị bắt, hành hung, đánh đập trong trại giam tôi có làm đơn gửi lên Viện kiểm sát, Công an thành phố rồi Chính phủ nhưng rồi bao nhiêu lá đơn họ im luôn, không thấy trả lời.
PV (VNTB): Bên giáo hội có lên tiếng việc bà hành hung chưa?
Bà Trần Thị Hồng: Có. Đặc biệt trong Giáo hội đã gửi đơn đến các cơ quan nhân quyền để mà lên tiếng, còn trong nước thì Giáo hội chúng tôi cũng gửi đơn đến các cấp ở Gia Lai nhưng rồi họ vẫn im luôn. Tuy họ không trả lời nhưng bên phía giáo hội của tôi vẫn cứ gửi mỗi khi bị đàn áp.
PV (VNTB): Một lời nhắn gửi của bà trước việc công an, an ninh Gia Lai đã bắt bớ, hành hung bà?
Bà Trần Thị Hồng: Tôi muốn nhắn gửi đến những người đại diện cho các cơ quan quyền lực ở Gia Lai hãy ngưng lại những việc làm của họ. Chúng tôi muốn mình được yên để đi rao giảng mục vụ, đem lời Chúa đến người dân. Chúng tôi không có muốn gây sự chia rẽ, đoàn kết gì cả. Mong họ cảm nhận được những việc làm của họ là vi phạm đến quyền tự do tôn giáo cũng như quyền tự do đi lại, quyền được nói của tôi. Tôi cũng mong các cơ quan nhân quyền, các hội đoàn, cá nhân trong và ngoài nước lên tiếng, giúp đỡ cho gia đình chúng tôi một sự công bằng.
VNTB cám ơn những chia sẻ của bà Trần Thị Hồng.
Xin được nói thêm, Mục sư Nguyễn Công Chính là chồng của bà Trần Thị Hồng tên khai sanh là Nguyễn Thành Long (SN 1969) là trưởng Giáo hội Lutheran, một giáo hội theo Tin lành ở Việt Nam. Năm 2011, ông Chính bị bắt theo tội trạng “ Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo Điều 87 Bộ luật Hình sự và bị kết án 11 năm tù giam.
Phát biểu với BBC về bản án đối với mục sư Chính, ông John Sifton, Giám đốc về Vận động cho châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, nói hành động của chính phủ Việt Nam cho thấy Việt Nam “vẫn không tôn trọng tự do tôn giáo”.
Cùng thời điểm này, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đã đề nghị Bộ Ngoại giao đưa Việt Nam vào danh sách Các quốc gia gây quan ngại về tự do tôn giáo (CPC).
Từ khi ông Chính bị bắt, cuộc sống vợ và bốn đứa con vô cùng khó khăn. Theo bà Hồng, vì những lần chứng kiến cảnh mẹ bị hành hung, bắt bớ thô bạo nên những đứa con của bà bị ảnh hưởng tâm lý và đứa con đầu năm nay 13 tuổi có nguy cơ bị mắc chứng bệnh trầm cảm nặng, ít nói.
http://www.ijavn.org/2016/04/vntb-ba-tran-thi-hong-chung-toi-chi-co.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét