Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Khủng hoảng Biển Đông: Việt Nam nên liên minh với Mỹ ?


Chiến hạm USS Cowpens trên Biển Đông (U.S. Navy / Josiah Connelly)
Chiến hạm USS Cowpens trên Biển Đông (U.S. Navy / Josiah Connelly)

Thanh Phương  -RFI

Vào lúc mà nguy cơ chiến tranh Việt Trung tái diễn đang gia tăng, ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi Việt Nam phải tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc để tăng cường hơn nữa quan hệ với Hoa Kỳ, nhất là về quân sự. Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ từ Hà Nội, nhà bất đồng Nguyễn Thanh Giang cho rằng Việt Nam cần dựa vào những thế lực của thế giới tiên tiến, phải lập liên minh với Hoa Kỳ, kể cả về mặt quân sự, để không bị mất Biển Đông, bị mất độc lập.
Nhưng để có thể tăng cường quan hệ với Mỹ, trước hết Việt Nam phải thoát ra khỏi sự ràng buộc với Trung Quốc. Vấn đề là hai nước, đúng hơn là chế độ Hà Nội và Bắc Kinh, đang có mối quan hệ như thế nào. Đây phải chăng là quan hệ giữa hai chế độ có cùng ý thức hệ Cộng sản ? Đối với ông Nguyễn Thanh Giang, thực chất không phải như thế.


Về quan hệ giữa hai chế độ Bắc Kinh và Hà Nội, trong bài viết tựa đề “ Sợi xích nào trói chặt Hà Nội vào Bắc Kinh” đăng trên trang mạng Ba Sàm ngày 22/05 vừa qua, nhà báo Võ Văn Tạo cũng đã viết : “Lâu nay, đôi khi các học giả chẳng cần viết cụ thể cái ý thức hệ mà Việt Nam và Trung Quốc “có chung” là cái gì, hầu ai như cũng hiểu đó là “ý thức hệ XHCN”, hay “lý tưởng cộng sản”. Và hầu như ai cũng tin đó là sợi dây liên kết chặt chẽ chóp bu hai nước, là sợi xích trói chặt Hà Nội vào Bắc Kinh từ nhiều thập kỷ nay.
Nhưng thực tế, theo nhà Võ Văn Tạo, không phải là như thế và ông cho rằng “những luận điệu hoa mỹ “4 tốt”, “16 chữ vàng” do Bắc Kinh rêu rao để ru ngủ, che đậy bộ mặt thật bành trướng hiểm độc, được Hà Nội hợp xướng phụ họa, đầu độc nhân dân.” Kết luận của ông là “không phải ý thức hệ, mà chính quyền lực và lợi ích vị kỷ của “vua tập thể” mới là sợi xích trói chặt Hà Nội dưới chân Bắc Kinh”.
Nhưng thật ra trong ban lãnh đạo Hà Nội, các phản ứng trước hành động xâm lấn vùng biển Việt Nam không hoàn toàn đồng nhất. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trên nguyên tắc là nhân vật lãnh đạo số 1 của Việt Nam, cho tới nay chỉ mới lên tiếng gián tiếp qua bài phát biểu bế mạc hội nghị trung ương Đảng ngày 14/05, với vài dòng về Biển Đông mà chẳng dám nhắc đến tên Trung Quốc: “Đặc biệt là, tình hình Biển Đông hiện đang diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt, tăng cường đoàn kết, cả nước một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.”
Về phần chủ tịch nước Trương Tấn Sang, thay vì đưa ra một tuyên bố long trọng với tư cách nguyên thủ quốc gia, thì đã đợi đến ngày 17/05 mới phát biểu về tình hình Biển Đông nhân lúc tiếp xúc với các cử tri ở Sài Gòn.
Trong bộ ba lãnh đạo tối cao của Việt Nam, chỉ có thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là lên án Trung Quốc mạnh mẽ nhất, đặc biệt là qua tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Miến Điện ngày 11/05. Đặc biệt, nhân chuyến viếng thăm Manila ngày 21/05, ông Dũng đã thẳng thừng lên án Trung Quốc “đe dọa nghiêm trọng hòa bình”và đã tuyên bố Việt Nam “nhất định không chấp nhận đánh đổi chủ quyền lãnh thổ, biển đảo để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viễn vông, lệ thuộc nào đó”. Thủ tướng Việt Nam còn tuyên bố Hà Nội đang xem xét khả năng kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế.
Tuyên bố cứng rắn của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gây sự chú ý và người ta hy vọng đấy sẽ không phải là những lời nói xuông, như ý kiến của ông Nguyễn Thanh Giang.
Nhưng một khi đã thoát khỏi sự kềm tỏa của Trung Quốc, liệu Việt Nam có dễ dàng được Hoa Kỳ và các nước dân chủ khác chấp nhận như đồng minh thực thụ hay không, điều có còn tùy thuộc vào việc Việt Nam có quyết tâm thay đổi dân chủ, theo lời ông Nguyễn Thanh Giang.
Trong bài viết tựa đề “ Việt Nam thoát thế kẹt ở Biển Đông thế nào?”, đăng trên VietnamNet ngày 13/05/2014, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường (iSEE) cũng đã cho rằng Việt Nam cần tự thoát khỏi tình thế này bằng cách tự đổi mới mình.
Theo ông Lê Quang Bình, Mỹ và Việt Nam có chung lợi ích đó là tự do hàng hải và ổn định ở Biển Đông. Tuy nhiên, vẫn có những rào cản để Mỹ và Việt Nam trở thành đồng minh. Ông Bình cho rằng “Mỹ muốn Việt Nam là liên minh để duy trì vai trò lãnh đạo ở Châu Á, nhưng không muốn gánh vác trách nhiệm bảo vệ Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh khác biệt về chế độ chính trị và giá trị quốc gia.”
Cho nên tác giả bài viết cho rằng, “ việc Việt Nam cải tổ theo hướng thúc đẩy nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, và một xã hội dân sự phát triển chắc chắn sẽ kết nối Việt Nam với các nước phát triển. Khi đó, sự ủng hộ Việt Nam sẽ mạnh hơn nhiều”.
Chưa biết giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam có sẽ chuyển biến theo chiều hướng như thế hay không, nhưng trước mắt có vẻ như mối quan hệ khắng khít với Đảng Cộng sản Trung Quốc dường như đã bắt đầu rạn nứt do vụ giàn khoan HD-981. Bằng chứng là Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 23/05 vừa qua đã đăng một bài lên án máu “ đại Hán” hung hăng của Trung Quốc, với tựa đề “ Nói một đằng, làm một nẻo”.
Tác giả bài báo viết: “ Có thể nói, những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông vừa gia tăng các hành động gây hấn, vừa cố gắng “la làng” nhằm tạo hình ảnh là nạn nhân đã đặt Trung Quốc vào thế tự “vạch mặt” mình, “nói một đằng làm một nẻo”, đây là bản chất của những nhà đương cục Trung Quốc. Dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữa nước, hơn ai hết hiểu được “bụng dạ” thật, của “ông láng giềng” này. “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, nhân dân Việt Nam quyết không sợ, đoàn kết một lòng, với tất cả lực lượng và trí tuệ, bảo vệ vững chắc từng “tấc biển” của Tổ quốc.”
Giọng điệu của bài báo bắt đầu phảng phất thời kỳ những năm 1978-1979, khi mà Hà Nội không ngớt lên án “bọn bành trướng Bắc Kinh”. Nhưng vấn đề là Trung Quốc ngày nay mạnh hơn rất nhiều so với Trung Quốc thời ấy và Việt Nam sẽ khó có thể đương đầu với một cuộc chiến tranh mới, nếu không có sự hỗ trợ của một thế lực khác, mà thế lực đó hiện nay chỉ có thể là Hoa Kỳ.
Để được Hoa Kỳ nói riêng và quốc tế nói chung ủng hộ mạnh mẽ trong cuộc đối đầu hiện nay với Trung Quốc, Việt Nam phải có những thay đổi căn bản, đó là nội dung chính trong bài trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, của giáo sư Jonathan London, hiện giảng dạy City Universiy of Hong Kong. Hiện nay, ông Jonathan London đang ở Việt Nam, trả lời RFI qua Skype ngày 24/05 vừa qua, trước hết ông cho biết cảm nhận về không khí của xã hội Việt Nam hiện nay trong bối cảnh căng thẳng Việt- Trung:

Giáo sư Jonathan London
26/05/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét