Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Bùi Chí Vinh – Lạm bàn về chuyện “hiền tài là nguyên khí quốc gia”

Bùi Chí Vinh

Trong đời ít nhất chúng ta cũng từng được nghe ai đó nhắc đến câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Câu nói thoạt tiên có vẻ như một sự khẳng định chắc nịch, một xác tín không phải bàn cãi như 1 cộng 1 là 2 bởi… hiền tài của một quốc gia đâu phải dễ kiếm. Phải có địa linh mới có nhân kiệt, phải có hiền tài thì nguyên khí quốc gia mới thực sự vững bền.
Nhưng đáng tiếc trên thực tế, phàm khi câu nói “hiền tài là nguyên khí quốc gia” được cất lên thì thường là khi đất nước đang… khan hiếm hiền tài. Chuyện khan hiếm này nếu ở một bộ lạc hoang sơ, một xứ sở bán khai, một hòn đảo bị cô lập… internet thì chẳng có gì thắc mắc. Nhưng nếu phát xuất từ một quốc gia từng có 4000 năm văn hiến, từng có bề dày lịch sử chống ngoại xâm truyền thống như ở Việt Nam thì có lẽ đáng để cho chúng ta báo động.


Xin thưa, vì một lý do rất giản dị: Nước ta từ xưa tới nay chưa bao giờ cạn kiệt hiền tài. Cho tôi mạn phép được xài từ ngữ “hiền tài” ở đây bao gồm luôn cả chữ “thiên tài” lẫn “nhân tài” không giới hạn. Hiền tài như chúng ta hiểu và biết, đó phải là những con người xuất chúng, cái đầu luôn đi trước thời đại, cái tâm luôn rung động trước nỗi đau của nhân dân, mỗi hành vi của kẻ hiền tài luôn vì sự tồn tại của thập loại chúng sinh và quên đi “cái tôi” vị kỷ. Kẻ hiền tài “quái” và “siêu” như thế nên những ai có nhãn quan bình thường, có cặp mắt thực dụng không thể nào nhìn ra hoặc phát hiện được. Thậm chí đối với họ, có khi kẻ hiền tài trở thành “đối tượng an ninh” đáng ngờ vực, một chính khách “cõi trên” hoặc một người mang tư tưởng “tâm thần”.
Để thoát khỏi cái bẫy trần gian ô trọc của cuộc đời, kẻ hiền tài được mệnh danh “là nguyên khí quốc gia” ấy sẽ xuất xử ra sao? Trong đạo Nho ngay từ xưa bà mẹ Mạnh Tử đã biết cách dạy con nên người hữu dụng cho xã hội bằng cách tôn trọng tuyệt đối nguyên lý “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Thuở Mạnh Tử còn nhỏ, nhà nghèo phải dọn ra chợ, bà mẹ hết hồn khi thấy con tập mua tập bán. Bèn thử dọn nhà đến gần trường học thì con sớm chiều học chữ ê a. Ấy chính là tu thân. Lớn lên cư xử đúng mực nhân nghĩa lễ trí tín với người trên kẻ dưới. Ấy chính là Mạnh Tử tề gia vậy. Chao ôi, nếu không có một bà mẹ vĩ đại biết đào tạo “chất người” ngay từ “nhân chi sơ tính bản thiện” thì làm sao sau này có thầy Mạnh Tử kinh bang tế thế gầy dựng đạo Nho cho các bậc quân vương.
Rõ ràng cái công lớn phát hiện ra hiền tài đầu tiên nằm ở… gia đình. Ở giáo dục gia đình chứ không phải từ “mắt xanh” của các hoàng đế. Một quốc gia hùng mạnh thực sự là một quốc gia có người đứng đầu biết tôn kính những bậc hiền sĩ, thánh nhân. Sách sử ngày xưa từng ghi chép chuyện nhà vua phải vái chào kẻ sĩ trước lúc hai bên hội kiến chứ không phải như ngày nay “vua chèo còn chẳng ra gì – quan chèo chi nữa khác chi phường tuồng” (thơ Nguyễn Khuyến).
Cũng cần phải mở ngoặc đơn chỗ này, hiền tài dùng để nói chung những kẻ phi thường, những bậc cứu tinh trong mọi lãnh vực chứ không riêng gì trong lãnh vực văn hóa. Sự gián đoạn hiền tài giống như một thời đại khóc than. Minh quân Lê Lợi đánh thắng quân Minh và có được Bình Ngô Đại Cáo nhờ biết sử dụng hiền tài Nguyễn Trãi. Quang Trung Hoàng Đế đánh tan tác quân Thanh nhờ biết nghe mưu thần Ngô Thời Nhiệm, ẩn sĩ Nguyễn Thiếp. Và ngược lại những triều đại có “hôn quân vô đạo” thì còn lâu mới ló dạng hiền tài.
Như đã nói ngoài sự bị nghi ngờ là “đi trước thời đại”, các bậc hiền tài còn bị cả một hệ thống đồng loại dèm pha đố kỵ vu khống không ngừng. Thời phong kiến nhà Nguyễn, thiên tài Cao Bá Quát là một trường hợp đơn cử cụ thể nhất. Lúc còn bé Cao Bá Quát tắm truồng dưới ao bị vua quan bắt, vua ra câu đối “Nước trong leo lẻo cá đớp cá” họ Cao đối lại rằng “Trời nắng chang chang người trói người”. Còn bé mà chí khí đã kinh dị. Lớn lên bị đày đọa phải tham gia khởi nghĩa giặc Châu Chấu, khi bị giam cầm vẫn hào sảng khạc hai câu “Một chiếc cùm lim chân có Đế – Ba hàng xích sắt bước thì Vương” rõ là khẩu khí của bậc đế vương giáng phàm vậy. Đến khi chết vẫn khinh khoái ngữa cổ đọc hai câu đối để đời “Ba hồi trống giục, đù cha kiếp – Một lưỡi gươm đưa, bỏ mẹ đời”. Thời đó, chữ nghĩa văn tự của Cao Bá Quát cũng bị tru di tam tộc, nếu không có nhân dân nghe, không có người hâm mộ chép thì giờ đây chúng ta đâu thấy được sự vĩ đại của bậc hiền tài bị đời ruồng bỏ.
Cuối cùng mọi thứ cũng rất công bằng. Chính vì “hiền tài là nguyên khí quốc gia” nên chế độ cai trị nào không dám sử dụng hiền tài thì đất nước ấy không có… nguyên khí. Thiên tài hoặc nhân tài có chết đi thì sản phẩm, phát minh hoặc tác phẩm của họ (bằng cách nào đó) vẫn được truyền khẩu từ đời này sang đời khác trong khi những kẻ từ chối họ, không dám sử dụng họ sẽ phải chịu luật nhân quả “bia miệng ngàn năm”.
Sự thiệt thòi ở đây không còn thuộc về cá nhân hiền tài qua định mệnh sống chết, mà thuộc về sự bất hạnh của một thể chế tự bịt mắt mình cố tình không nhìn thấy những người xuất chúng.
27-5-2014
BCV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét