Boxitvn
Ngô Thị Hồng Lâm
Lịch cho thân nhân tiếp tế thăm nuôi từ gia đình đối với những người
đang bị giam giữ tại trại giam B5 công an tỉnh Đồng Nai trong tháng vào
các ngày 10 – 20 – 30.
Ngày 6/6/2014, công an Đông Hà và công an Đồng Nai
đến nhà bà Nguyễn Thị Anh Thư – mẹ ruột của Lê Thị Phương Anh – đọc lệnh
khám nhà do bà làm chủ nhà, nhưng đã bị bà Nguyễn Thị Anh Thư từ chối
lệnh này, bởi lệnh này sai luật hiện hành không đúng đối tượng. Trước
khi rút đi, viên công an Đồng Nai Huỳnh Liên Sơn đã dặn miệng với bà
Nguyễn Thị Anh Thư: “ngày 14/6/2014 chị hãy vào thăm nuôi Phương Anh.
Chị cứ đưa cả 3 cháu vào cho nó gặp mẹ nó và chúng tôi sẽ lo tiền cho
chị lượt ra”. Viên công an này còn ra lệnh cho thuộc cấp cùng đi xem tờ
lịch trên tường để biết đó là vào ngày thứ mấy của tuần. Nó là ngày thứ 7
cuối tuần. Viên công an Huỳnh Liên Sơn dặn chắc như đinh đóng cột: thứ 7
chúng tôi sẽ tiếp chị tại trại giam B5!
Ngày 12/6/2014, bà Nguyễn Thị Anh Thư đã đem 3 đứa
con của Lê Thị Phương Anh và thêm đứa con gái của bà là em kế của cô Lê
Thị Phương Anh (học lớp 10) đi cùng để phụ với bà giữ 3 đứa nhỏ lên tàu
hỏa từ Quảng Trị vào Biên Hòa. Chiều 13/6/2014 tàu vào tới ga Biên Hòa.
Suốt hành trình, mấy đứa trẻ ói mật xanh, mật vàng và mệt mỏi. Đem theo 3
đứa cháu nhỏ, một cái gánh trách nhiệm và tình thương với chúng hết sức
nặng nề. Bơ vơ một mình giữa sân ga Biên Hòa. Trời thì mưa rào không
ngớt.
Bà Nguyễn Thị Anh Thư điện thoại cho thuộc cấp của
công an Huỳnh Liên Sơn là viên công an điều tra Đồng Nai tên Hoài ra sân
ga đón bà và 4 đứa trẻ nhỏ. Nhưng tất cả mười mấy cuộc điện thoại của
bà chuông reo hoài mà không người nhấc máy. Thất vọng, bà quay ra điện
vào máy của tôi để báo tình hình của bà. Tôi bỏ hết công việc, mặc dù
đang mưa cũng đội trời mưa đi ngay lên Biên Hòa, không thể để bà và các
cháu bị bơ vơ.
Ra khỏi nhà, tôi đi mua 4 hộp cơm sườn đem theo cho 4
người nhà bà Nguyễn Thị Anh Thư. Tôi đến ga Biên Hòa lúc 18 giờ, đưa
cơm cho bà và các cháu ăn xong là đi tìm chổ ngủ cho bà Nguyễn Thị Anh
Thư và các cháu. Chiều xuống, bé gái út bắt đầu khóc đòi mẹ. Bà ngoại bế
trên tay vẫn khóc, vẫn bứt rứt. Mọi người đều nín thở không dám nhắc
đến mẹ nó! Khóc một hồi rồi nó mệt lả đi trong giấc ngủ thổn thức trên
tay bà ngoại.
7 giờ sáng 14/6/2014, bọn trẻ đi đường mệt nên gọi
mãi mà chúng không dậy nổi. 7 giờ 30 gọi lần nữa thì chúng thức. Cho
chúng ăn xong, gọi xe chở bà Nguyễn Thị Anh Thư cùng 4 đứa bé đến cổng
trại giam B5 Đồng Nai là lúc 8 giờ.
Người gác cổng nói: “Nếu ông ấy hẹn bà thì bà có giấy
hẹn không? Hôm nay thứ 7 không làm việc”. Bà Nguyễn Thị Anh Thư cho
biết: ông Huỳnh Liên Sơn đã hẹn tôi đem 3 đứa nhỏ vào đây ngày hôm nay
sáng thứ 7”. Người gác cổng trả lời tiếp: ”Thế thì bà gọi điện cho ông
ấy đi, ông ấy phải báo với chúng tôi thì mới giải quyết cho bà vào”. Bà
Anh Thư cho biết là không biết số điện thoại của ông Huỳnh Liên Sơn. Số
của ông Hoài (CS điều tra) gọi cả mấy chục lần không nghe máy.
Tôi lên tiếng rất ôn tồn: việc đưa những đứa trẻ đi
hàng ngàn cây số là chuyện rất vất vả. Đến giờ phải cho chúng nó phải ăn
no, đến giờ chúng nó phải đi tiêu, đi tiểu phải cho nó đi. Bây giờ các
anh vào hỏi thượng cấp xem họ có tiếp “con mẹ” Anh Thư và 3 đứa trẻ nhỏ
như đã hứa không? Nếu không thì cho biết để chúng tôi còn phụ với bà ấy
đưa chúng ra tàu về lại Đông Hà. Có tiếp dân thì cũng phải xong trước 16
giờ chiều để bà ấy còn kịp về đúng giờ tàu chạy. Nếu trễ giờ thì bà ấy
phải ở lại.
Đến đây thì một người gác cổng chạy xe vào trong để
hỏi. Một lát quay ra nói rằng, hẹn chừng 10 phút sẽ ra có người ra đón
bà vào. Chờ đến 8 giờ 15 cũng không thấy ai ra đón. Tôi nhắc tiếp với
người gác cổng. Họ lại phán cứ chờ! Lại ngồi chờ. Đến 8 giờ 40, bà Anh
Thư điện thoại cho CS điều tra Hoài, thì ông ta biểu đưa điện thoại cho
người gác cổng nghe để cho một mình bà Anh Thư vào. Kể cả cháu gái út
2,5 tuổi cũng không cho đem theo, mặc dù cháu đang còn đeo dính mẹ và bà
ngoại. Đúng lúc này thì họ dẫn Phương Anh đi ngang. Phương Anh mặc bộ
đồ màu đỏ (cách chỗ chúng tôi đứng ở cổng chừng 30 m). Bà Anh Thư bất
ngờ nhìn thấy và gọi cả mấy người cùng nhìn thấy nhau được 5 phút.
Bà Anh Thư đi vào trong lúc 8 giờ 50. Bà ngoại vừa đi
khỏi, con bé bắt đầu mếu. Dì nó bế nó cũng không cho, tôi bế thì lại
càng không được, chỉ cho mỗi con chị bế. Con chị bế nó xiêu vẹo thấy
muốn ngã cả 2 chị em. Nó vẫn cứ khóc đòi theo bà ngoại.
Đến 9 giờ 40 có một viên công an tuổi còn trẻ, lối
ngoài 30, người cao, đậm mặc thường phục đi cùng bà Anh Thư ra cổng trại
giam để đón đoàn người có 1 bà ngoại, 1 con dì cùng 3 đứa trẻ nhỏ, đứa
bé nhất mới 2,5 tuổi vào trong hang sói với hy vọng họ cho bọn trẻ gặp
mẹ nó như họ đã hứa! Khi bà đi ra cách cổng khoảng 30 m, thằng cu tí
thấy bóng bà ngoại từ xa chạy đón bà ngoại. Nó đang chạy vào thì con chó
màu vàng đi đằng sau viên công an vọt chạy tới vồ nó. Thằng bé hốt
hoảng, mặt tái xanh tái xám quay ngược lại chạy thục mạng ra cổng. Tôi
dậm chân nạt con chó, nó vẫn dồn đuổi theo thằng bé, thằng bé vừa bỏ
chạy vừa hét lên sợ hãi. Bà ngoại nó la con chó nhưng chẳng ăn thua. Nếu
như viên công an kia sống có tình người, có đạo đức, có lòng yêu trẻ
thì anh ta sẽ đuổi theo la con chó, con chó sẽ phải nghe theo lời chủ mà
dừng lại. Nhưng không, anh ta cứ điềm nhiên đi bên cạnh người đàn bà
đang gào thét con chó. Vì có tôi đứng chận trước mặt nên con chó không
dám vồ thằng bé mà bỏ chạy. Tôi xót xa ôm thằng bé vào lòng! Nếu như
trong cuộc chạy trốn con chó hôm nay, vì sợ, vì hốt hoảng mà thằng bé té
vấp ngã sứt đầu mẻ trán thì không biết viên công an nọ có bị lương tâm
cắn rứt hay không?
Khi mọi người ra đến cổng, tôi nói với viên công an
kia một cách gay gắt rằng “Anh sống không có tình người. Để mặc một con
chó của mình rượt đuổi 1 đứa bé chạy thục mạng trong sợ hãi. Không biết
anh có con không? Sống thất đức chắc gì ông trời cho có con?”. Nét mặt
bà Anh Thư lúc này tràn đầy hy vọng là sẽ bọn trẻ sẽ được xà vào lòng mẹ
nó và bà cũng được ôm đứa con gái mình trong lòng một giây phút ít ỏi.
Trời ơi, thật tội nghiệp cho nỗi lòng người mẹ thương con! Bà nhanh nhẩu
tay bế đứa bé út, tay dắt thằng cu tí, con dì thì xách giỏ đồ, con bé
lớn thì đi theo sau giống hệt dòng người tị nạn năm nào!
Viên cảnh sát có vẻ hầm hè với tôi. Tôi biết ngay đây
là một trò cù cưa mặc cả nên nói với Anh Thư: Thôi hy vọng mà làm gì,
không cần gặp nữa, cho bọn trẻ đi về kẻo trời mưa xuống lại trễ tàu, mắc
mưa nó lại bệnh. Nhưng bà Anh Thư vẫn bước chân đi với bản năng làm mẹ
của phụ nữ tràn đầy hy vọng giây khắc hiếm hoi được ở bên con mà không
cần nghe tôi nói gì.
Như vậy là đã 10 giờ trưa, nghe bà Anh Thư kể lại:
“Vào đến nơi họ bảo tôi bà Lâm là gì với bà? Bà Lâm này là đồng bọn của
Phương Anh, bà đừng có nghe bà Lâm. Phương Anh 1 thì bà Lâm tới 10 đó.
Bà Lâm nhận tiền nước ngoài rồi cho bà bao nhiêu tiền? Bà đừng có nghe
mấy người đó xúi dục. Bà vào Biên Hòa bà đã đi những đâu? Ai đón bà ở
sân ga? Thằng rể bà đâu, bà về bảo nó đừng có đi lang thang mà con gái
bà chết đó. Vì nó bị tâm thần nên mới không bắt nó, chứ không là bắt
rồi!”.
Hết giờ làm việc, công an đi mua 5 hộp cơm về. Có 3
hộp cho 3 đứa bé thì có 1 cái đùi gà. Còn lại 2 hộp thì ít đồ ăn hơn. Vì
mệt và nhớ con gái nên bà Anh Thư không ăn hộp cơm mà họ đã mua cho bà.
Đến đầu giờ làm việc buổi chiều luật sư Dũng cho 3 đứa bé 500.000 đồng
và họ bảo bà Anh Thư cho bọn trẻ đi về đi, không giải quyết cho các cháu
gặp mẹ và cũng không hỗ trợ tiền xe cho bà vì bà Lâm làm ồn ào ngoài
cổng. Lần sau bà đi một mình không gặp mấy người đó thì chúng tôi giải
quyết cho mấy đứa gặp mẹ nó. Bà gọi tắc xi vào đây đón về đi. Lúc này
thoáng thấy bóng quần áo màu đỏ của Phương Anh đi ngang, bà dặn với theo
Phương Anh: “Con không được hủy luật sư Nam nghe không?”, thì viên công
an đang ở cạnh bà đưa tay bịt mồm bà lại không cho nói tiếp. Giống như
đã bịt mồm cha Lý trong phiên tòa.
Bà Anh Thư gọi tắc xi vào tận sân trại giam B5 và đưa
bọn trẻ ra sân ga để mua vé và chờ đến giờ tàu chạy. Một nhóm người
theo dõi xe tắc xi chở bà vào đến tận sân ga Biên Hòa. Họ lảng vảng ở
sân ga.
À ra thế, họ đem tôi ra để vu khống. Họ nói lấy được.
Họ quen cách nói một mình một chợ. Họ bảo tôi nhận tiền của nước ngoài
rồi cho bà Anh Thư bao nhiêu? Tôi xin trả lời trước công luận rằng: tôi
không quen vợ chồng Lê Anh Hùng và Lê Thị Phương Anh. Nhưng tôi ủng hộ
những việc làm chính đáng của họ với đất nước. Từ trước tới nay chưa một
lần tôi nhận tiền của người nước ngoài gửi cho tôi. Nếu họ nói tôi nhận
tiền của nước ngoài thì tôi nhận của người nào? Nhận bao nhiêu? Nhận
ngày nào, tháng nào? Họ phải có bằng chứng. Nếu không có là họ đã nói
LÁO. Họ đã VU KHỐNG với tôi một cách trắng trợn.
Công an Đồng Nai nên nhớ rằng đồng tiền tôi làm ra từ
mồ hôi nước mắt của tôi. Cho ai là quyền của tôi. Đồng tiền của tôi
không phải là đồng tiền bẩn từ tham nhũng, hay đi buôn bán ma túy phi
pháp, hay nhận hối lộ mà có. Tuyệt vời hơn nữa lại có cô em nuôi cho thì
tôi càng không có được diễm phúc này. Cả 2 vợ chồng tôi sống rất lương
thiện. Tôi sống bằng những kiến thức Đông y thường thức chăm sóc người
già tại nhà riêng của họ. Những người bị tai biến mạch máu tôi chăm sóc
họ đều hồi phục trở lại và đã trở thành một thương hiệu, nên không lúc
nào tôi thiếu việc làm. Anh em khó khăn tôi giúp được gì tôi giúp ngay
bằng cả tấm lòng. Ông Tô Hải đau một trận liệt giường tôi cũng đã từng
nuôi và chăm sóc bằng những kiến thức đông y của mình, cho đến nay ông
ấy đã phục hồi. Đó là điều có thật! Công an trại giam B5 Đồng Nai nhớ
nhé. Đừng ngậm máu phun người!
Vài dòng tường thuật lại với cộng đồng về tư cách của công an trại giam B5 Đồng Nai.
N.T.H.L.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét