Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Khi nào Việt Nam thay đổi



Nguyễn Hưng Quốc  -VOA

Một câu hỏi người Việt Nam thường đặt ra với bạn bè và với chính mình là: Khi nào Việt Nam thay đổi chế độ?
Trước hết, cần nói ngay: Một câu hỏi như vậy, không ai có thể trả lời được. Trong chính trị, mọi tiên đoán đều rất phiêu hốt. Trước năm 1990, trong nhiều thập niên, nhiều người tiên đoán chế độ cộng sản nhất định sẽ sụp đổ. Nhưng nó vẫn tiếp tục vững mạnh và vẫn tiếp tục đe đoạ thế giới. Đến năm 1989, trong lúc mọi người đều không ngờ, nó lại sụp đổ, hơn nữa sụp đổ theo kiểu dây chuyền: từ Ba Lan và Hungary, nó lan sang tất cả các nước khác, ở Đông Âu, kể cả Đông Đức và Nga. Ngay sau đó, người ta những tưởng chế độ cộng sản ở các nước còn lại, từ Trung Quốc đến Việt Nam, Cuba, Lào và Bắc Hàn sẽ sụp đổ. Nhưng không. Nó vẫn sống đến tận bây giờ. Cũng vậy, trước năm 2011, không ai, kể cả chính phủ Mỹ và Pháp, Anh, vốn có mạng lưới tình báo dày đặc ở Trung Đông, có thể tiên đoán được cuộc cách mạng Ả Rập làm nhiều chế độ độc tài phải cáo chung trong một thời gian rất ngắn.


Rút những kinh nghiệm ấy, tôi nghĩ, chúng ta cần dè dặt và khiêm tốn trong việc tiên đoán sự kết cuộc của chế độ cộng sản tại Việt Nam.
Ở đây, tôi chỉ phân tích một số khả năng có thể xảy ra. Còn việc lúc nào những khả năng ấy thành hiện thực thì không dám bàn.
Thứ nhất, liên quan đến việc Trung Quốc mang giàn khoan đến thềm lục địa của Việt Nam và liên quan đến tiến trình dân chủ hoá ở Việt Nam, theo tôi, có hai khả năng:
Một, nếu Trung Quốc chỉ đem giàn khoan ấy nhấp nhứ vài tháng rồi rút về; sau đó, lại mang giàn khoan đến một chỗ khác trên Biển Đông, dừng lại… chơi vài tháng rồi về, không gây ra một cuộc xung đột nào thật lớn, có thể uy hiếp đến chính quyền Việt Nam, rất có nhiều khả năng là chế độ độc tài ở Việt Nam sẽ trở thành cứng rắn và vững mạnh hơn: Họ sẽ viện cớ đoàn kết để chống các hành động gây hấn của Trung Quốc để dẹp tan mọi đòi hỏi dân chủ và nhân quyền, và để siết chặt sự kiểm soát dân chúng trên mọi phương diện.
Hai, nếu Trung Quốc lấn thêm một bước nữa, khiến nhà cầm quyền Việt Nam phải lo lắng, từ đó, đồng ý bắt tay với các quốc gia trong khu vực và ở Tây phương, đặc biệt là Mỹ để tạo thế liên minh hầu chống lại Trung Quốc, họ sẽ mở cửa một chút, chấp nhận tự do và dân chủ một chút, để một mặt, tranh thủ sự ủng hộ của thế giới; mặt khác, huy động sức mạnh của nhân dân hầu đương đầu với Trung Quốc.
Trong cả hai trường hợp kể trên, không có trường hợp nào Việt Nam có thể thay đổi chế độ và trở thành dân chủ hơn.
Thứ hai, liên quan đến tiến trình dân chủ hoá, ở Việt Nam, sẽ có hai khả năng:
Một, thay đổi từ bên trên, khi giới lãnh đạo hoặc một trong những người thuộc giới lãnh đạo Việt Nam quyết định thay đổi để vừa thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc vừa mở đường cho đất nước phát triển theo chiều hướng hiện đại hoá và dân chủ hoá. Khả năng thay đổi này chỉ xảy ra trong hai, hoặc một trong hai trường hợp: Một, do người ta tự thức tỉnh và biết đặt quyền lợi của đất nước trên quyền lợi của chính mình; và hai, dưới sức ép của quốc tế, như một điều kiện để tạo nên liên minh chiến lược hầu chống lại Trung Quốc. Sức ép này, vừa tích cực vừa tiêu cực, đến từ hai nguồn: Tiêu cực, từ Trung Quốc và tích cực, từ Mỹ. Tích cực, từ Mỹ, tương đối dễ hiểu: Để giúp Việt Nam, chính phủ Mỹ cần sự đồng thuận của Quốc hội; để đồng thuận, các dân biểu và nghị sĩ Mỹ cần sự hậu thuẫn của dân chúng vốn là các cử tri trong địa phương. Tiêu cực, từ Trung Quốc, vì đương nhiên Trung Quốc không hề muốn Việt Nam dân chủ hoá; họ cũng không hề muốn Việt Nam thay đổi chế độ. Nhưng Trung Quốc có thể góp phần buộc Việt Nam phải thay đổi nếu họ đẩy chính quyền Việt Nam đến chỗ không còn chọn lựa nào khác ngoài việc ngả theo Tây phương.
Hai, thay đổi từ bên dưới, khi dân chúng đồng loạt đổ xuống đường biểu tình. Ở đây sẽ có hai khả năng: Nếu dân chúng chỉ xuống đường ít; sẽ không có gì thay đổi cả; nhưng nếu dân chúng xuống đường đồng loạt cả vài chục ngàn người, vấn đề sẽ khác hẳn. Về phía dân chúng, khi chỉ có vài trăm người xuống đường: ai cũng sợ; khi có vài ngàn người xuống đường: người ta sẽ bớt sợ; và khi có cả vài chục ngàn người thì sẽ không có ai sợ hãi nữa cả. Điều đó cũng có nghĩa là: sự tụ tập từ vài trăm đến vài ngàn: rất khó; từ vài ngàn đến vài chục ngàn: tương đối ít khó hơn; nhưng sự phát triển từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn người, thậm chí, vài triệu người thì lại rất dễ: Tâm lý quần chúng bao giờ và ở đâu cũng giống nhau: đám đông càng lớn càng có sức thu hút lớn. Về phía công an, trước vài trăm người, người ta rất dễ hành hung; trước vài ngàn người, người ta dè dặt hơn một chút; trước vài chục ngàn người, người ta sẽ đâm ra lưỡng lự; trước vài trăm ngàn người hoặc vài triệu người, người ta sẽ sợ hãi: Không ai dám áp bức cái đám đông khổng lồ ấy cả. Cứ nhìn vào những gì xảy ra ở Trung Đông trong cuộc cách mạng Ả Rập vào đầu năm 2011 thì thấy.
Vấn đề là: Làm sao để biến số người xuống đường từ vài ngàn đến vài chục ngàn người? Câu trả lời, trên lý thuyết, rất dễ: Khi người ta không còn biết sợ. Nhưng trên thực tế, điều ấy lại rất khỏ xảy ra vì tâm lý quần chúng bao giờ cũng sợ hãi quyền lực. Để vượt qua những sự sợ hãi tự phát ấy, lý trí không, chưa đủ. Nghị lực không, cũng chưa đủ. Đối với quần chúng, sự sợ hãi chỉ có thể được vượt qua bằng một thứ cảm xúc khác: phẫn nộ. Cứ tưởng tượng một trường hợp: Khi dân chúng đang xuống đường biểu tình, công an đến dẹp. Như họ đã từng dẹp nhiều cuộc biểu tình trước đây. Nhưng khi lôi kéo, bắt bớ, và nhất là đánh đập những người biểu tình như thế, một viên công an nào đó mạnh tay một chút, khiến một người chết. Ngay tại chỗ. Trước mắt những người biểu tình khác. Trước ống kính của máy chụp hình hoặc máy quay phim. Tình hình lúc ấy sẽ khác hẳn. Như những gì đã xảy ra tại Ai Cập trước đây: Một cái chết gây nên bão tố làm lật đổ một chế độ độc tài từng ngự trị cả hàng mấy chục năm.
Ở trên chỉ là những khả năng. Không ai biết trong các khả năng ấy, khả năng nào sẽ thành hiện thực; hoặc nếu thành hiện thực, khả năng ấy sẽ xảy ra vào lúc nào. Tôi không biết. Và tôi tin: Không ai biết cả. Ai nói biết, bạn tin tôi đi: Họ đang nói dối.
Hoặc khùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét