Baron Trịnh
1. Trả lời phỏng vấn báo Đất Việt, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho rằng “Hoa quả Trung Quốc nhiễm độc… vẫn an toàn”.
Theo ông Hồng, dư lượng hóa chất độc hại sử dụng để bảo quản hoa quả
cao hơn quy định 2÷3 lần vẫn “cực kỳ an toàn” và “nên ăn” vì “chưa ảnh
hưởng đến sức khỏe”(?).
Đây không phải là lần đầu tiên ông Hồng phát ngôn như thế. Năm ngoái ông này cũng có những phát ngôn gây sốc để “bảo vệ” các loại rau củ quả nhập từ Trung Quốc với mức dư lượng hóa chất bảo quản độc hại cao hơn hàng chục lần so với quy định.
Đối với người dân, họ không cần biết
chất độc như thế nào. Họ tin vào sự khuyến cáo của quan quản lý, của các
chuyên gia, nên khi thấy khuyến cáo mức độc nằm trong ngưỡng an toàn
thì phần lớn họ yên tâm và… ăn.
Nhưng một người đứng đầu một cục chuyên
về bảo vệ và kiểm định thực vật như ông Hồng thì không thể không biết
rằng, các chất độc sử dụng trong bảo quản rau củ quả khi thâm nhập vào
cơ thể thông qua đường thức ăn sẽ tích tụ tại trong các mô mỡ, mô máu.
Và khi lượng tích tụ đủ lớn sẽ gây ra nhiễm độc mãn tính đối với cơ thể
người.
Đó chính là lý do các quốc gia phát
triển sử dụng các hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn việc nhập khẩu các loại
rau củ quả có tồn lưu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (cho dù lượng tồn
lưu cực kỳ thấp) nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân của họ.
Đáng ra ông ta phải có những khuyến cáo
để người dân phòng tránh các loại thực phẩm độc hại. Chỉ đạo cho các bộ
phận chức năng của Cục công khai danh mục các loại hóa chất độc hại sử
dụng trong bảo quản thực phẩm và các công ty xuất/nhập các loại thực
phẩm độc hại để người dân biết. Đàng này, ông ta lại còn khuyến khích
người dân ăn thực phẩm độc hại.
Theo thống kê từ các bác sỹ ở
Singapore, số lượng người Việt sang chữa trị bệnh ung thư nhiều nhất
trong khu vực. Ở trong nước, cần-lao chen chúc nhau vào các bệnh viện
ung bướu đang ngày một quá tải.
Cần-lao An-nam vì cái lợi riêng đầu độc đồng bào của mình
đã đành, lại thêm quan chức “thiểu năng chuyên môn” khuyến khích
cần-lao tiếp tục dùng thực phẩm độc hại với lý do vẫn “cực kỳ an toàn”.
Dân tộc này không quặt quẹo, ốm yếu và ung thư mới là lạ!
Độc tâm lẫn độc khẩu như thế, tại sao vẫn lãnh đạo ngành chống độc?
2. Trả lời chất vấn trước Quốc hội về vấn đề giá xăng dầu trong nước, ông Đinh Tiến Dũng – Bộ trưởng Tài chính nói: “Đồng bào, nhân dân cả nước, các cơ quan đơn vị đã quen với giá xăng dầu thường xuyên lên xuống”.
Điều ông Dũng nói đúng với thực tế, và
có lẽ ông Dũng không có ý xem thường cần-lao. Nhưng người nghe không nén
được tiếng thở dài chua xót cho thân phận cần-lao ở xứ thiên đường.
Các chính thể thường được dựng lên từ
xương máu của cần-lao, nên về lý thuyết chính thể đó là thành quả của
cần-lao. Những người nắm quyền là do cần-lao bầu lên, thay mặt họ, đại
diện cho họ để điều hành đất nước. Và dĩ nhiên, việc điều hành phải thỏa
mãn ở mức độ số đông cần-lao.
An-nam vẫn có câu: “Dân biết, dân bàn,
dân làm, dân kiểm tra”. Thế nhưng tuyệt đại đa số cần-lao chỉ được
“quyền” làm. Còn biết, bàn và kiểm tra là một điều gì đó quá xa xỉ trong
thân phận của họ – những “ông chủ”, vì đây là đặc quyền của những người
được coi là “đầy tớ”.
Việc tăng giá, giảm giá là việc của cơ
quan chức năng. Cần-lao không thể phản đối, vì họ được quyền cấm phản
đối. Họ cũng được quyền không tiêu dùng hàng hóa đó nếu họ không muốn.
Nhưng khốn khổ rằng, những hàng hóa mà “nhà nước” quản lý và điều tiết
như xăng dầu lại không thể không sử dụng trong công cuộc kiếm cơm của
cần-lao, nơi mà trung bình 0,8 người lao động/1 xe máy.
Có lẽ những người như ông Dũng, chưa một ngày ở thân phận cần-lao(?).
3. Cũng trong cuộc trả lời chất vấn
trước Quốc hội, ông Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng Giáo dục đã khiến cho những
người còn lương tri với nền giáo dục nước nhà không khỏi chửi thề.
Những câu nói ngớ ngẩn, luôn né tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho cấp dưới
và xem người nghe (kể cả lãnh đạo cao cấp lẫn đại biểu quốc hội) như trẻ
nít đã được người viết tổng hợp lại ở bài “Bộ trưởng Luận và những câu nói ấn tượng”.
Không hiểu một ông bộ trưởng, đã từng
có thâm niên lãnh đạo một trường đại học với học hàm học vị cao nhất lại
có thể phát ngôn một cách phi giáo dục, phi khoa học và phi logic đến
như thế?
Không hiểu tại sao một kỳ thi tốt
nghiệp với những hội đồng thi ngoại ngữ không có thí sinh nào do đây là
môn tự chọn lại là “một sự đột phá trong cải cách giáo dục”? Trong khi
chính mồm ông nói “Cách dạy ngoại ngữ tại trường học của chúng ta hiện
nay không giống ai”.
Không hiểu “thực tế khách quan”
của ông Luận là gì đối với hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sỹ thất
nghiệp? Phải chăng thực tế khách quan chính là phần lớn các trường đại
học của An-nam đào tạo theo kiểu thu học phí-cấp bằng mà chưa quan tâm
đến chất lượng? Hay việc mở trường, mở lớp tràn lan đến mức không thể
kiểm soát chất lượng? Và ở vị trí bộ trưởng giáo dục ông không có liên
quan gì đến thực tế khách quan này?
Không hiểu với tư cách là một nhà giáo,
một nhà khoa học thì ông có cảm thấy “nhục” không khi có “niềm tin vững
chắc” rằng những yếu kém của giáo dục xứ An-nam sẽ được giải quyết bằng
một cái nghị quyết? Chả lẽ cái nghị quyết này là cây đũa thần?
Không hiểu một người làm trong ngành
giáo dục có thâm niên như ông, lại ngồi ghế tư lệnh ngành giáo dục mà
không phân biệt nổi “hạnh kiểm” trong giáo dục với “đạo đức”? Để rồi
phát ngôn một câu cực kỳ thiểu năng là “học kém thì không thể đạo đức tốt được”.
Chắc chắn, không ít những ông/bà lãnh đạo từ cao cấp trung ương đến lìu
tìu địa phương lẫn đám nghị gật có học lực kém đến phải bổ túc, chuyên
tu, tại chức để hợp lý hóa bằng cấp. Phải chăng họ đều là những người
đạo đức kém?
Nhắc lại câu nói trên: Phi giáo dục, phi khoa học thế, sao vẫn lãnh đạo ngành giáo dục?
4. Dù không phải trả lời chất vấn trước
Quốc hội trong kỳ này, nhưng trong văn bản trả lời chất vấn gửi đại
biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Y tế giải thích lý do
không thể từ chức là vì: “Toàn ngành y tế đang tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch bệnh”.
Đồng thời vẫn dày mặt mà nhai lại điệp khúc cũ rích rằng: “Tôi được
Đảng và Nhà nước bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế theo quy trình
quy hoạch cán bộ”.
Những phát ngôn thiểu năng trí tuệ, những sự yếu kém đến mức không thể chấp nhận được của ngành y tế
trong hơn nửa nhiệm kỳ bộ trưởng của bà Tiến đã được nói quá nhiều ở cả
nghị trường, chính phủ, báo chí, dư luận xã hội,… Chưa từng có một bộ
trưởng nào trong thể chế này bị từ các báo chí chính thống đến dư luận xã hội kiến nghị từ chức một cách nhục nhã như bà Tiến.
Ấy thế mà bà này vẫn mặt dày chống chế,
tham quyền cố vị. Nếu bà ta thực sự giỏi, đủ bản lĩnh lãnh đạo ngành Y,
thì ngửa mặt trước quốc hội và đại đồng cần-lao mà tinh tướng rằng:
“Với sự nát bét của ngành y như bây giờ, không có ai làm tốt hơn tôi
thời điểm này, nếu các vị chỉ ra ai làm giỏi hơn, tôi sẽ từ chức để họ
làm”.
Dĩ nhiên trong thể chế này của An-nam,
việc quan chức ở tầm trung ương ủy viên không phải cứ muốn là được từ
chức. Và đáng ra bà ta phải dựa vào điểm mạnh này để vớt vát tý sĩ diện
và tự trọng, chứ không phải là bi bô những điều xuẩn ngốc để suốt ngày ăn gạch.
Cổ nhân có câu: Cáo chết để da, người chết để tiếng. Không hiểu bà Tiến này để lại gì cho ngành Y, cho con cháu của bà ta?
5. Lại thêm một bộ trưởng phát ngôn ngớ
ngẩn và phi thực tế. Trong cuộc họp bàn về chính sách pháp luật giảm
nghèo, ông Giàng Seo Phử – Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc nói người
dân ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long: “đi làm thuê và bán vé số rất phổ biến nhưng có thu nhập cao, họ đủ trang trải cho một ngày ăn”.
Dĩ nhiên, câu nói này ông Phử sử dụng
để so sánh với người nghèo phía Bắc. Thế nhưng cho dù có là so sánh, thì
ngôn từ phải chuẩn chỉnh. Bộ trưởng chứ không phải xe ôm xích lô mà
muốn nói gì thì nói.
Không hiểu nhận thức của ông Phử về “thu nhập cao”
là như thế nào? Chả lẽ thu nhập cao là “đủ trang trải cho một ngày ăn”?
Thêm nữa, từ trước đến nay, chưa có một nghiên cứu, đánh giá, hay phát
ngôn nào nói rằng đi làm thuê và bán vé số mà thu nhập cao cả (Làm thuê ở
đây được hiểu là những người không nghề nghiệp, không có trình độ,
không có công cụ, không có vốn. Họ đi làm thuê thời vụ hoặc công nhật,
chứ trong xã hội ngoài vài ông chủ theo đúng nghĩa, ai mà chả đi làm
thuê).
Nếu khái niệm thu nhập cao hiểu theo
kiểu ông Phử, thế hóa ra lâu nay thông tin về đồng bào dân tộc, người
dân ở vùng sâu, vùng xa, người dân ở khu vực khó khăn mà các thông tin
đại chúng đưa đều không đúng? Và điều này có làm “chạnh lòng” những
người làm thuê, những người bán vé số có “thu nhập thấp”?
Có lẽ phần lớn người nghe đều thông cảm
cho ông Phử, nói còn chưa rõ nghĩa câu thì việc dùng câu từ chưa chuẩn
chỉnh là khó tránh khỏi. Có điều, ông lại được “cơ cấu” ngồi ở cái ghế
đó.
Thế nên, ông ta nói bán vé số có thu nhập cao cũng không có gì lạ cả.
6. Chỉ trong vòng một tuần, cần-lao
An-nam đã bội thực với những phát ngôn ngớ ngẩn, phi thực tế và xuẩn
ngốc của các quan chức chính phủ như đã nói ở trên. Với những bộ trưởng,
cục trưởng như thế này, thì những yếu kém, bất công vẫn tồn tại trong
xã hội là điều khó tránh khỏi.
Điều đau xót nhất là những phát ngôn
này lại nằm hầu hết ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế – những lĩnh vực
quan trọng nhất trong việc hình thành nên một xã hội văn minh và hiện
đại.
Ngày trước cụ Tản Đà đã đau xót thốt
lên rằng: “Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn/ Cho nên quân nó dễ làm quan”.
Chả lẽ gần trăm năm rồi mà xứ An-nam này vẫn thế? Cứ như vậy thì bao
giờ mới có thể ngẩng mặt lên với đại đồng văn minh và tiên tiến trên thế
giới? Trong khi ngoài bể Đông, sóng dữ do Tàu khựa gây ra ngày một
nhiều, đe dọa đến an ninh và sự ổn định đất nước.
Cổ nhân vẫn thường nói: “Dân có giàu,
nước mới mạnh”. Muốn ngăn chặn được tên hàng xóm nham hiểm, tham lam,
xấu tính thì đất nước cần phải hùng mạnh. Đất nước muốn phát triển thì
quan chức phải giỏi giang, cần-lao phải chăm chỉ. Quan chức mà giỏi
giang thì nói ít làm nhiều. Làm cái điều dân cần, nói cái điều dân tin.
Với quan chức như thế này, An-nam bao giờ mới có được điều đó?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét