Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Mọi đối phó phi tự nhiên đối với “tính trời” trước sau sẽ chỉ uổng công (thư Nguyễn Huệ Chi)

Văn Việt

Nguyễn huệ Chi
Thưa các anh chị,
Hiện tượng mà nhà thơ Đỗ Trung Quân bạch hóa trong lá thư trên trang Quê choa, theo tôi có lẽ cũng là hiện tượng không hiếm gặp ở tất cả những ai đã ghi danh vào BVĐ của Văn đoàn Độc lập chúng ta trong vòng ba tháng qua, dầu rằng có thể có người biết mà chẳng muốn nói ra (như tôi, vì cho là chuyện hài hước vô nghĩa) hoặc vì không biết nên không nói.


Trường hợp bản thân tôi, biết rất sớm, do tôi được một người thân quen trong chi bộ Tổ dân phố nơi tôi cư trú kể lại rằng, trong một cuộc họp chi bộ, người ấy được nghe phổ biến: Huệ Chi là một trong 6 nhân vật “sừng sỏ” của Văn đoàn (?!!!). Một cuộc họp khác của Chi hội Hội Cựu chiến binh khu phố, cơ quan chức năng còn phái người đến giao nhiệm vụ cho Chi hội này phải “theo dõi” tôi, nhưng ông Chi hội trưởng là người đứng đắn và cũng rất cứng rắn, nói rõ Chi hội Cựu chiến binh không phải sinh ra để làm nhiệm vụ an ninh mật.
Lại một vài lần tôi tiếp xúc trực tiếp với một vị Hội trưởng một Hội văn nghệ quốc doanh khá danh giá ở Hà Nội (vốn cũng là vị lãnh đạo từng trải ở các thứ hội đoàn này nên rất hiểu nhân tình thế thái) thì có nghe ông Hội trưởng ấy cho biết Ban Tuyên giáo có dặn rất kỹ, những người có tên trong BVĐ của Văn đoàn nhất thiết không thể xuất hiện trên một diễn đàn chính thống nào kể từ nay (tức là từ sau khi BVĐ ra đời).
Như vậy, có thể thấy, cả bí mật và bán công khai người ta đang cố tình o ép Văn đoàn chúng ta và những gì mà anh Đỗ Trung Quân đã phải chịu đựng là chuyện quả không phải cá biệt.
Để tìm nguyên nhân, theo tôi, ngoài sự phản ứng dây chuyền theo lệnh trên mà ta từng thấy trước nay đối với một tổ chức dám ngang nhiên xuất hiện độc lập không cần “đứng trong hệ thống”, cúi mình chịu “sự bảo bọc” của hệ thống, đây hẳn còn phản ánh nỗi sợ bản năng của ai ai đó (những người đang dần mất đi tính chính danh) trước tinh thần tự do sáng tạo vốn là máu thịt muôn đời của người văn nghệ sĩ. “Tự do: đó là một trong những từ khó chịu, mang trong nó giá trị nhiều hơn là ngữ nghĩa, nó ca lên [từ trong tâm khảm] hơn là nói ra bằng lời” (Liberté: c’est un de ces détestables mots qui ont plus de valeur que de sens, qui chantent plus qu’ils ne parlent – Paul Valéry, 1871-1945). Chắc chắn mọi đối phó phi tự nhiên đối với cái mà Nguyễn Du đã gọi bằng một từ Việt rất đắt là “tính trời” trước sau sẽ chỉ uổng công.
Tất nhiên một sự bố cáo chính thức và nghiêm chỉnh của Chủ tịch Nguyên Ngọc với bàn dân thiên hạ vẫn rất cần thiết, tuy có hơi muộn một chút; lẽ ra nếu muốn lên tiếng, bộ phận thường trực BVĐ phải nắm được tình hình để lên tiếng sớm hơn.
Nguyễn Huệ Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét