“Nợ công đang lên quá nhanh” -(BBC/ nghe)- TS Lê đăng Doanh
BBC
Nợ công đang lên quá nhanh trong khi luật chi tiêu ngân sách thiếu hiệu quả, theo ý kiến chuyên gia.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 12/6, tiến sỹ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng sự mập mờ giữa quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp sẽ tiếp tục dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch, làm cản trở công cuộc cải cách khối doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính.
Trước đó, hôm cuộc họp hôm 11/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cảnh báo nợ công đang “đe dọa an ninh tài chính vĩ mô”.
Ông Hùng cũng chỉ trích việc biện pháp lấy nợ để chi trả nợ hiện nay là “không an toàn”.
Trong ngày 12/6, Quỹ tiền tệ Quốc tế được tờ Wall Street Journal dẫn lời nhận định nợ công tại Việt Nam đang tăng đến một mức “đáng chú ý” và khuyến cáo chính phủ nên cải thiện chất lượng của các khoản chi tiêu.
Giải thích các khoản chi
BBC: Ông đánh giá thế nào về tình hình nợ công cũng như thâm hụt ngân sách hiện nay?Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Tôi hoàn toàn ủng hộ những ý kiến của các đại biểu quốc hội đã đề cập đến tình trạng đáng lo ngại của nợ công vừa qua.
Hiện nợ công đang lên quá nhanh. Việt Nam lại ở trong tình trạng lấy nợ mới trả cho nợ cũ và các khoản thu ngân sách không đủ cho chi tiêu thường xuyên.
Bộ trưởng Tài chính có nêu lên là phải tăng thu ngân sách đến 12-14% trong những năm tới thì mới đảm bảo được.
Nhưng với tình hình hiện nay thì điều đó rất khó thực hiện.
“Cần cải cách các quy chế quản lý doanh nghiệp nhà nước, tách quản lý nhà nước với chủ sở hữu, tránh tình trạng vừa đá bóng lại vừa thổi còi, vừa là chủ sở hữu, vừa quản lý nhà nước, dẫn đến nhiều điều không minh bạch“
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh
Chính phủ Việt Nam cần trở thành một chính phủ hoạt động có hiệu quả và chuyên nghiệp. Có như vậy mới tránh việc nợ công không kiểm soát được và gây ra những hệ quả về tài chính tiền tệ và khả năng chi trả của ngân sách của Việt Nam.
BBC: Theo ông thì làm sao để cải thiện chất lượng các khoản chi tiêu ngân sách?
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Tất cả các khoản chi tiêu ngân sách đều cần kèm theo trách nhiệm giải trình và phải có kết quả nhất định nào đấy. Không thể nào có những khoản chi tiêu mà không giải thích được.
Ví dụ hiện nay, các khoản chi tiêu ngân sách dùng cho các chuyến đi của các đoàn của Quốc hội, chính phủ đi tham quan, nghiên cứu ở nước ngoài không biết kết quả như thế nào nhưng rất tốn kém.
Hay như việc sử dụng xe công, nhà công vụ và thăm viếng lẫn nhau, cũng hết sức lãng phí.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng những việc này là hoàn toàn không phù hợp với tình hình hiện nay.
Việt Nam đang đứng trước sự xâm lăng thực sự của Trung Quốc nên cần xem xét lại các khoản chi tiêu thưởng xuyên và phải thực sự có một chính phủ tiết kiệm, công khai minh bạch, có sự giám sát của báo chí, của quần chúng.
‘Vừa đá bóng vừa thổi còi’
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Chính phủ thì đã tỏ quyết tâm sẽ cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong vòng hai năm, từ 2014-2015.
Trong hai tháng đầu năm, 30 doanh nghiệp nhà nước đã phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên (IPO).
Tuy nhiên, cả 30 doanh nghiệp này lại không thu hút được nhà đầu tư vì không đủ sự hấp dẫn.
Tôi cho rằng cải cách doanh nghiệp nhà nước thực sự đang diễn ra rất chậm.
Điều quan trọng hơn lúc này là cần cải cách các quy chế quản lý doanh nghiệp nhà nước, tách quản lý nhà nước với chủ sở hữu, tránh tình trạng vừa đá bóng lại vừa thổi còi, vừa là chủ sở hữu, vừa quản lý nhà nước, dẫn đến nhiều điều không minh bạch.
Điều đó đang diễn ra tại Bộ Công thương trong việc quản lý giá xăng dầu và giá điện.
BBC: Quỹ tiền tệ Quốc tế cho rằng tranh chấp trên biển hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Ông nghĩ sao về điều này?
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Nhà cầm quyền Trung Quốc đã giẫm đạp lên tất cả những cam kết mà họ đã ký.
Với những hành động hung hăng và ngày càng hiếu chiến hơn, Việt Nam cần phải tính toán đến phương án xấu nhất và phải có những biện pháp đề phòng để tránh thiệt hại không cần thiết khi Bắc Kinh ra đòn.
Tôi mong rằng những điều đó không xảy ra, nhưng đã là người quản lý doanh nghiệp, quản lý nhà nước thì phải tính đến những phương án xấu nhất để có biện pháp đề phòng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét