Đôi lời:
Về quá trình bình thường hóa quan hệ VN-TQ, nhiều năm qua đã có những
tiết lộ về vai trò của TBT Nguyễn Văn Linh và đại tướng bộ trưởng Quốc
phòng Lê Đức Anh qua 2 cuộc gặp riêng với đại sứ TQ Trương Đức Duy ngày 5
và 6/6/1990 *.
Thế
nhưng mới đây, viên đại sứ này còn tiết lộ thêm mấy cuộc tiếp xúc “bí
mật” nữa ngay sau đó, theo nghi thức rất lạ, mà xem ra giới chức chóp bu
VN khi đó hoàn toàn không biết *. Để rồi chỉ mươi ngày sau đã có cuộc
gặp cấp cao Trung-Việt tại Thành Đô đầu tháng 9/1990, qua lời mời cũng
rất lạ của TQ với các vị “nguyên thủ” VN trước chuyến thăm chỉ có 5
ngày. Thực hư chuyện này tới đâu, tại sao phía TQ lại tung ra bản gọi là
“hồi ký” của họ Trương vào lúc này, đó là điều cần phải làm rõ.
(Những đoạn tô đậm là do Ba Sàm thực hiện để độc giả tiện theo dõi. Mời xem thêm các tài liệu liên quan ở cuối bài).
—
Mạng Báo buổi sáng Liên hợp, Trung Quốc – 中越高层成都会晤的前前后后
TRƯỚC VÀ SAU CUỘC GẶP CẤP CAO TRUNG-VIỆT Ở THÀNH ĐÔ
21-11-2011
(Ghi lại việc giải quyết vấn đề Campuchia và khôi phục quan hệ bình thường giữa hai nước [Trung-Việt])
Tác giả: Trương Đức Duy
Người dịch: Quốc Thanh
Tóm tắt về tác giả:
Sinh năm 1930 ở huyện Tân Hội, tỉnh Quảng Đông, từng là Hoa kiều học
tại Việt Nam. Năm 1948 tham gia Đội công tác chính trị thuộc Biên khu
Việt Quế[1], năm 1949 được Tung đội Biên khu Việt Quế điều vào tham gia
bộ đội Việt Nam, sau đó điều vào làm trong Đoàn cố vấn chính trị, quân
sự giúp Việt Nam chống Pháp của Trung Quốc. Năm 1954, tham gia thành lập
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, phụ trách phần phiên dịch và điều
tra nghiên cứu. Năm 1964, lại được phái về giữ chức Bí thư thứ ba ở Đại
sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Năm 1967, giữ các chức Thư kí Tổ chăm
sóc y tế cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí
Minh.
Từ
tháng 7 năm 1985 đến tháng 3 năm 1983, làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền
tại Vương quốc Thái Lan kiêm Đại sứ tại Campuchia dân chủ, đồng thời là
Đại diện thường trú của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Khu vực Châu Á-Thái
Bình Dương của Liên Hiệp Quốc; từ tháng 4 năm 1989 đến tháng 3 năm 1993,
làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam. Từ tháng 6 năm
1993 về hưu cho đến nay, từng trải qua các chức vụ Phó chủ tịch Hội hữu
nghị Trung-Việt, Chủ tịch các khóa 3, khóa 4, khóa 5 và Chủ tịch danh dự
Hội hữu nghị Hoa kiều Việt Nam, Campuchia, Lào.
Lời người biên tập:
Năm nay nhân dịp kỉ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước
hai Đảng Trung-Việt, xin đặc biệt đăng tải một bài hồi ký của tác giả
viết sau ngày rời bỏ chức vụ ở Việt Nam, nhằm cung cấp cho độc giả một
sự hiểu biết khá tường tận về sự kiện lịch sử trọng đại này.
Chuyến bay huyền bí
Sớm ngày 3 tháng 9 năm 1990, Hà Nội – Thủ đô Việt Nam, mưa phùn lất phất.
8
giờ 10 phút (10 giờ 10 phút giờ mùa hè Bắc Kinh), một chiếc chuyên cơ
Tu-134 màu bạc cất cánh từ Sân bay quốc tế Nội Bài tĩnh lặng, chầm chậm
bay lên không trung, lặng lẽ hướng thẳng tới biên giới Trung-Việt. Đây
là chiếc máy bay dân dụng Việt Nam đầu tiên bay tới Trung Quốc kể từ 20
năm nay, còn hành khách trên máy bay lại là các nhà lãnh đạo tối cao của
Việt Nam – Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam
Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ chính trị Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam,
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chính phủ Đỗ Mười, Cố vấn Ban chấp hành
Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, nguyên Thủ tướng chính phủ Phạm Văn
Đồng. Có thể dự đoán được hành động này sẽ có ảnh hưởng hết sức quan
trọng đến mối quan hệ Trung-Việt. Tuy nhiên, trên sân bay không có đông
người ra tiễn, không có nhà báo, lại càng không có cảnh tượng quần
chúng. Tất cả những điều đó đã khoác lên một màu sắc huyền bí cho
chuyến bay này.
Cuộc
gặp Thành Đô giữa lãnh đạo Trung-Việt (3-9-1990). Hàng trước từ trái
sang: Hoàng Bích Sơn, trưởng ban đối ngoại T.Ư.(1), Phạm Văn Đồng, cố
vấn BCHTƯ (3), Nguyễn Văn Linh, tổng bí thư (4), Giang Trạch Dân (5), Lý
Bằng (6), Đỗ Mười (7), Hồng Hà (9), …
Chuyến
đi Trung Quốc bí mật lần này của các nhà lãnh đạo tối cao Việt Nam,
theo lời mời của Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản
Trung Quốc Giang Trạch Dân và Ủy viên Bộ chính trị Trung ương Đảng cộng
sản Trung Quốc, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Bằng, là tới Thành Đô để tổ
chức hội đàm nội bộ về vấn đề Campuchia và mối quan hệ Trung-Việt. Những
người đi theo phía Việt Nam có: Ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Việt
Nam, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng
cộng sản Việt Nam, Thứ trưởng thứ nhất Bộ ngoại giao Đinh Nho Liêm. Tôi
với tư cách là Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đã đi theo tới và tham gia
cuộc hội đàm một cách ngẫu nhiên.
Máy
bay bay an toàn, trong khoang rất yên tĩnh, mọi người không nói chuyện
nhiều, dường như đều đang trầm tư, hình dung xem chuyến đi này sẽ có ảnh
hưởng như thế nào đến mối quan hệ Việt-Trung. Tôi nhìn từng đám từng
đám mây lùi lại phía sau bên ngoài cửa sổ máy bay, trăm mối suy nghĩ,
những việc đã qua hiện về trong đầu…
Ôn
lại mối quan hệ Trung-Việt, từ buổi đầu thành lập nước Cộng hòa nhân
dân Trung Hoa cho đến giữa thập niên 70 của thế kỷ 20, mối quan hệ hai
nước hai Đảng luôn hết sức tốt đẹp và thân thiện. Trong các cuộc Chiến
tranh chống Pháp và Đấu tranh chống Mỹ cứu nước lâu dài của Việt Nam,
trong quá trình khôi phục và xây dựng kinh tế toàn diện của Việt Nam,
Trung Quốc đều có sự ủng hộ và chi viện lớn nhất. Nhất là trong thời
khắc ngặt nghèo khi quân xâm lược Mỹ đem bom rải khắp Việt Nam, Chủ tịch
Mao Trạch Đông đã trịnh trọng tuyên bố: “Bảy trăm triệu nhân dân Trung
Quốc là hậu thuẫn vững chắc của nhân dân Việt Nam, đất Trung Quốc rộng
rãi bao la là hậu phương đáng tin cậy của nhân dân Việt Nam”. Đồng thời,
đã điều hơn 32 vạn Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc tới Miền Bắc Việt Nam,
kề vai sát cánh cùng quân dân Việt Nam chống trả lại những trận ném bom
rải thảm của bọn giặc trời Mỹ. Cố Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói một
cách thấm thía: Trung Quốc đối với Việt Nam là “Trăm ơn ngàn nghĩa vạn
tình” và đã dùng câu thơ sâu sắc “Mối tình thắm thiết Việt Hoa, Vừa là
đồng chí, vừa là anh em” để mô tả mối quan hệ thắm thiết giữa hai nước.
Nhưng, ai mà biết được chữ ngờ, sau lưng Hồ Chí Minh, khi đã
giành được thắng lợi trong cuộc Đấu tranh chống Mỹ cứu nước và hoàn toàn
thống nhất, bè đảng do Lê Duẩn cầm quyền đã từ bỏ con đường đúng đắn
của Hồ Chí Minh, trắng trợn thi hành chính sách xâm lược Campuchia, phản
Hoa bài Hoa, làm cho mối quan hệ Trung-Việt cực kì xấu đi, để đến nỗi
nhìn nhau như kẻ thù. Từ đó, mối quan hệ không bình thường đầy bi kịch giữa hai nước đã kéo dài suốt hơn 10 năm.
Làm Đại sứ Việt Nam với đầy trọng trách
Tháng
4 năm 1989, tôi nhận nhiệm vụ làm Đại sứ tại Việt Nam, gánh trên vai
một sứ mệnh quan trọng, đó là quán triệt phương châm mà Trung ương đã
định ra là: Trước hết, Việt Nam phải thực sự rút sạch quân ra khỏi
Campuchia, thực sự giải quyết công bằng vấn đề Campuchia theo chủ trương
của cộng đồng quốc tế, thực sự thay đổi chính sách đối với Trung Quốc,
thì mới có thể gạt bỏ được mọi trở ngại mà khôi phục lại mối quan hệ
bình thường Trung-Việt, đây chính là then chốt. Căn cứ vào toàn bộ cục
diện quốc tế, cục diện khu vực và động hướng chuyển biến về chính sách
của ban lãnh đạo mới của Đảng cộng sản Việt Nam do Nguyễn Văn Linh đứng
đầu, cần sớm thúc bách Việt Nam rút quân triệt để khỏi Campuchia, đồng
thời giải quyết công bằng vấn đề Campuchia theo chủ trương của cộng đồng
quốc tế, từ đó mà mở đường cho việc khôi phục lại mối quan hệ bình
thường Trung-Việt. Cần thấy rằng, điều kiện lúc này đã cơ bản đầy đủ.
Nhưng, qua một thời gian tìm tòi và làm việc kể từ khi tới nhậm chức,
tôi cảm thấy muốn giải quyết được hai vấn đề đại sự này vẫn còn những
khó khăn không nhỏ, nguyên nhân là do tàn dư thế lực của Lê Duẩn vẫn còn gây quấy nhiễu từ nhiều phía,
mối quan hệ Trung-Việt vẫn còn ở trạng thái đối lập và đối kháng, tranh
chấp biên giới vẫn còn xảy ra đôi lúc; giữa hai nước ngoài quan hệ
ngoại giao ra, mọi mối quan hệ khác đều đã bị đoạn tuyệt.
Song,
vũ đài ngoại giao rất rộng lớn, tôi đã mở hoạt động bằng nhiều phương
thức, tận dụng hết những mối quan hệ cũ, tới thăm khắp những người lãnh
đạo các cấp các ngành để làm việc xoay quanh các vấn đề nói trên. Trải
qua bao nỗ lực, tuy cũng có được một vài tiến triển, nhưng
Nguyễn Cơ Thạch khi ấy là Ủy viên Bộ chính trị Trung ương Đảng cộng sản
Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ
ngoại giao lại đang nắm đại quyền ngoại giao của Việt Nam. Tôi đã nhiều
lần bàn bạc trao đổi với ông ta về vấn đề Campuchia nhưng không bao giờ
tới nơi, vấn đề mấu chốt vẫn chưa giải quyết được. Thời gian đã trôi qua 1 năm, làm thế nào bấy giờ?
Lúc này tôi cân nhắc đến việc phải tìm cách thâm nhập chuyện trò với những người lãnh đạo cấp cao hơn bên phía Việt Nam.
Trong thời gian này, tôi từng thông qua con đường ngoại giao bình
thường để đề xuất nguyện vọng tới thăm chủ tịch nước và thủ tướng chính
phủ, nhưng do mối quan hệ hai nước hai đảng vẫn đang ở trạng thái không
bình thường, cho nên Bộ ngoại giao Việt Nam đều không sắp xếp. Vì thế,
tôi nghĩ đến Nguyễn Văn Linh đang giữ chức Tổng bí thư Trung ương Đảng
cộng sản Việt Nam, trong thời kì Đấu tranh chống Mỹ của Việt Nam từng bí
mật tới thăm Trung Quốc với tư cách là nhà lãnh đạo chủ yếu của Miền
Nam Việt Nam, khi gặp mặt các nhà lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh, tôi
từng đảm nhận vai trò phiên dịch cho ông ta, ông ta chắc vẫn còn nhớ
tôi, thế là tôi bày tỏ ý muốn được tới thăm ông thông qua bạn bè. Quả
nhiên không lâu sau, Nguyễn Văn Linh đã tiếp tôi vào ngày 5 tháng 6 năm
1990. Khi gặp mặt, ông bắt tay tôi rất lâu và nhiệt tình, tỏ ra hết sức
thân thiết. Tự đáy lòng, ông vẫn nhớ mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước
hai Đảng trong quá khứ, đồng thời bày tỏ hết sức trân trọng mối tình hữu
nghị tốt đẹp Việt-Trung, hi vọng mối quan hệ này sẽ được khôi phục
trong thời gian sớm nhất. Tôi trình bày theo đúng tinh thần của Trung
ương là lãnh đạo Trung Quốc luôn coi trọng mối quan hệ và tình hữu nghị
truyền thống giữa hai nước Trung-Việt, hi vọng phía Việt Nam sớm áp dụng
những biện pháp thiết thực để giải quyết tốt vấn đề Campuchia…, đồng
thời mở đường cho việc khôi phục mối quan hệ bình thường giữa hai nước
Trung-Việt. Nguyễn Văn Linh nói, ông cũng có nguyện vọng giống như lãnh
đạo Trung Quốc, đồng thời bày tỏ nguyện vọng được đi thăm Trung Quốc
theo đường nội bộ, để đích thân trao đổi trực tiếp với lãnh đạo cấp cao
Trung Quốc về những vấn đề cùng quan tâm. Ở lần gặp mặt này, vì
có nhiều người đi theo cùng có mặt, nên Nguyễn Văn Linh chưa bàn sâu đến
vấn đề Cam puchia và quan hệ giữa hai nước. Nhưng sau đó, mọi việc đã
có bước tiến triển mới.
Lời nhắn quan trọng chuyển rõ ý
Sau
đó không lâu, vào ngày 16 tháng 8, một cán bộ Viện khoa học xã hội Việt
Nam là Hoàng Nhật Tân (con trai Hoàng Văn Hoan) tới sứ quán gặp tôi
(ông cùng với mẹ tới Bắc Kinh thăm bố mình vừa về), xúc động nói: “Tối
ngày 13 tháng 8, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cho xe tới đón tôi đến nhà
ông nói chuyện một tiếng đồng hồ, hỏi thăm kĩ lưỡng về tình hình sinh
hoạt và sức khỏe của bố tôi, hết sức thân thiết. Tổng bí thư còn
nói, ông muốn được gặp Đại sứ Trương lần nữa, nhưng Bộ ngoại giao nói
chưa cần và đã ngăn lại. Vì thế, ông ấy nhờ tôi ghi lại một lời nhắn.
Khi Tổng bí thư nói, tôi đã ghi lại hết sức tường tận. Cuối cùng còn
đọc lại một lượt và đã được sự xác nhận của ông ấy”. Sau đó, Hoàng Nhật
Tân trịnh trọng chuyển cho tôi lời nhắn của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh,
nội dung chủ yếu như sau:
“Tháng
10 năm ngoái, đồng chí Khải Sơn đã chuyển đến tôi lời thăm hỏi của đồng
chí Đặng Tiểu Bình và lòng mong mỏi sớm được thấy sự bình thường hóa
mối quan hệ Trung-Việt của đồng chí Đặng Tiểu Bình, tôi nghe thấy rất
phấn khởi. Tôi cũng tha thiết mong mỏi mối quan hệ tốt đẹp Việt-Trung có
thể được khôi phục trong nhiệm kì Trung ương khóa 6 Đảng cộng sản Việt
Nam do tôi chủ trì, để mở đầu một giai đoạn mới cho quan hệ hai nước khi
tiến hành Đại hội 7 của Đảng cộng sản Việt Nam. Làm được việc này thì
mới khỏi phụ sự tín nhiệm của nhân dân Việt Nam và các Đảng viên Đảng
cộng sản Việt Nam đối với tôi. Tôi muốn nói một cách thẳng thắn
rằng, sở dĩ trở ngại về vấn đề Campuchia cứ bị kéo dài chưa được giải
quyết là vì có những người trong Đảng luôn làm sai lệch sự việc, chưa
quán triệt được tinh thần chủ yếu của Trung ương. Tôi hi vọng
phía Trung Quốc cho mời tôi và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười cùng
Cố vấn Phạm Văn Đồng tới thăm Trung Quốc theo con đường nội bộ, để trao
đổi trực tiếp và sâu hơn với lãnh đạo Trung Quốc về việc giải quyết vấn
đề Campuchia…, tin rằng những vấn đề này nhất định sẽ được giải quyết
thật tốt, từ đó mà thực hiện được bình thường hóa quan hệ hai nước
Việt-Trung. Tôi sẽ đi theo con đường của Hồ Chủ tịch, vun đắp tình hữu
nghị Việt-Trung tốt đẹp, bảo vệ cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam và những lợi ích cách mạng chung giữa hai nước Việt-Trung, sẽ đi
tiếp một cách kiên định không lay chuyển”.
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gặp Đại sứ Trương Đức Duy (5-6-1990)
Sau
khi đã chăm chú nghe lại lời nhắn từ Nguyễn Văn Linh, tôi nói với Hoàng
Nhật Tân: Nếu có cơ hội, nhờ anh chuyển lời lại cho đồng chí Tổng bí
thư Nguyễn Văn Linh rằng tôi hiểu được ý tứ và nỗi lòng của ông ấy, tôi sẽ báo cáo ngay với Trung ương chúng tôi.
Tiễn
chân Hoàng Nhật Tân xong, tôi quay về phòng làm việc suy nghĩ mãi về
một vấn đề. Ngày 5 tháng 6, tôi từng báo cáo về trong nước là khi Nguyễn Văn Linh gặp tôi có đề xuất yêu cầu được đi thăm Trung Quốc theo đường nội bộ.
Trả lời từ trong nước là phải giải quyết trước hai vấn đề mấu chốt còn
lại trong vấn đề Campuchia (đó là: Việt Nam phải rút quân triệt để khỏi
Campuchia và giải pháp chính trị công bằng cho Campuchia), rồi sau đó
mới bố trí cuộc gặp cấp cao hai nước theo đúng trình tự và hợp lí. Bây
giờ lại đã xuất hiện những tình huống và nhân tố mới, vậy tôi nên đưa ra
quan điểm và kiến nghị ra sao đây? Suy nghĩ mãi, tôi thấy vẫn nên đề
xuất kiến nghị tích cực hưởng ứng yêu cầu của Nguyễn Văn Linh, để lãnh
đạo tham khảo ra quyết sách. Trong báo cáo, tôi chủ yếu phân tích mấy
điểm sau: Một là Nguyễn Văn Linh luôn thân thiện với Trung Quốc. Việc
ông ta mong sớm giải quyết vấn đề Campuchia và khôi phục mối quan hệ tốt
đẹp Trung-Việt là chân thành. Hai là vấn đề Campuchia bị để dây
dưa không giải quyết, nguyên nhân quan trọng là do Nguyễn Cơ Thạch cùng
Bộ ngoại giao do ông ta nắm quyền ngăn chặn khắp nơi. Nguyễn
Văn Linh muốn vượt qua được tầng chướng ngại vật này thì phải có sự bàn
định từ lãnh đạo tối cao của hai nước trước, rồi sau đó mới tìm cách
nghĩ ra các biện pháp, điều này phù hợp với thực tế trước mắt của Việt
Nam. Ba là Nguyễn Văn Linh hi vọng chúng ta mời cả Đỗ Mười, Phạm Văn
Đồng cùng đi, dụng ý là để tăng thêm độ uy quyền của chuyến đi và tiện
cho việc quyết ngay tại chỗ những vấn đề trọng đại, đồng thời cũng cho
thấy ông hết sức coi trọng những vấn đề này. Bốn là phán đoán từ tình
hình đối nội và đối ngoại mà phía Việt Nam hiện tại đang ở vào, thì với
việc tổ chức hội đàm nội bộ giữa lãnh đạo hai nước vào lúc này, xác suất
có thể đạt kết quả tốt là rất lớn.
Ngày
hôm sau, nhận được điện trả lời chỉ thị muốn tôi phải lập tức kiểm tra
độ xác thực của nội dung lời nhắn, đề xuất với người tin cậy bên Nguyễn
Văn Linh là “đích danh Đại sứ muốn được gặp riêng Tổng bí thư Nguyễn Văn
Linh trong một ngày gần đây”, để trực tiếp tìm hiểu ý đồ thực của
Nguyễn Văn Linh. Hơn 10 năm qua, quan hệ Trung-Việt ở trạng thái không
bình thường, sứ quán không có mối liên hệ nào với người tin cậy bên
Nguyễn Văn Linh, vậy thì nên thông qua con đường nào đây để yêu cầu được
gặp riêng một cách ổn thỏa hơn? Tôi triệu tập ngay cuộc họp Đảng ủy mở
rộng, mời mọi người bàn bạc ra mưu sách. Ý tưởng thông qua con đường Vụ
đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thì sợ sẽ không giữ được bí
mật, mà cũng khó để thực hiện “gặp riêng”. Có đồng chí nêu xem xem có
thể thông qua con đường quân đội được không? Tôi cho như thế sẽ khá là
ổn thỏa, lại càng có lợi hơn cho việc bảo mật. Thế là tôi liền
nghĩ tới Thiếu tướng Vũ Xuân Vinh Cục trưởng Cục đối ngoại Bộ quốc phòng
mà tôi khá thân thiết, từ ngày đến Việt Nam lần này, tôi đã gặp ông ta
vài lần, quan hệ rất tốt, có thể thông qua ông ta để yêu cầu được gặp
Đại tướng Lê Đức Anh (Ủy viên Bộ chính trị Trung ương Đảng cộng
sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ quốc phòng) thân thiết với Nguyễn Văn Linh,
rồi xin Lê Đức Anh giúp đỡ bố trí cho tôi bí mật gặp Nguyễn Văn Linh.
Mọi người thấy biện pháp này có thể được. Thế là tôi lập tức cho Tùy
viên quân sự Triệu Nhuệ liên hệ chính thức với Cục trưởng Vũ Xuân Vinh.
Khi gặp Cục trưởng Vũ Xuân Vinh, Tùy viên quân sự Triệu đã trịnh trọng
đề xuất: “Đại sứ Trương có việc gấp và quan trọng muốn được gặp Bộ
trưởng Lê Đức Anh. Xin Cục trưởng bố trí cho ngay”. Chiều hôm đó, Vũ
Xuân Vinh trả lời Tùy viên quân sự Triệu rằng: “Đồng chí Đại tướng rất
vui lòng được gặp đồng chí Đại sứ, 8 giờ sáng hoặc 7 giờ tối mai đều
được. Đại tướng còn nói, sau này đồng chí Đại sứ có muốn gặp ông thì cứ
Cục đối ngoại Bộ quốc phòng bố trí là được”.
Vào
8 giờ sáng ngày 20 tháng 8, xe của tôi chạy thẳng vào Bộ quốc phòng.
Thiếu tướng Vũ Xuân Vinh đón đợi ở cổng tòa nhà, dẫn tôi vào phòng tiếp
khách của Bộ trưởng rồi lui ra, khép chặt cửa lại. Tôi đang tiến thẳng
vào thì Bộ trưởng Lê Đức Anh cũng bước vào phòng khách từ một cửa khác,
khi gặp nhau Lê [Đức Anh] bắt tay, ôm tôi rất nhiệt tình. Tôi nói xã
giao: “Thực sự được xin lỗi, mới sáng ra đã tới làm phiền đồng chí Đại
tướng”. Đại tướng Lê [Đức Anh] mỉm cười bảo: “Đại sứ đến lúc nào tôi
cũng tiếp”. Trong phòng khách ngoài hai chúng tôi ra, không có ai đi
theo. Chuyện trò hàn huyên xong tôi chuyển ngay sang chủ đề chính, đầu
tiên bày tỏ lãnh đạo Trung Quốc rất coi trọng mối quan hệ Trung-Việt,
hiện nay tình hình quốc tế phát triển rất nhanh, thời gian không chờ đợi
mình, cả hai bên cần chớp lấy thời cơ, nhanh chóng loại bỏ trở ngại là
vấn đề Campuchia, từ đó thực hiện bình thường hóa quan hệ Trung-Việt.
Sau đó tôi nhắc đến lời nhắn của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã được ghi
lại gửi cho tôi, tôi cảm thấy hết sức quan trọng, cho nên mong được gặp
riêng Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh để trực tiếp lắng nghe ý kiến của
Tổng bí thư, đồng thời tôi cũng có một vài điều nữa cần nói với Tổng bí
thư. Tôi nói, hiện giờ mà thông qua con đường khác sẽ có khó khăn, cho
nên xin phiền đồng chí Đại tướng giúp cho. Lê Đức Anh nói rất thoải mái:
“Đây quả thực là việc hết sức quan trọng, hôm nay tôi sẽ báo cáo lại
yêu cầu của Đại sứ với Tổng bí thư”. Tiếp đó, Lê Đức Anh cũng nói về hai
quan điểm, đại ý là: Thứ nhất, nhấn mạnh Nguyễn Văn Linh rất có tình
cảm với Trung Quốc, luôn chủ trương thân thiện với Trung Quốc, từ sau
khi nhậm chức Tổng bí thư vào năm 1986 đã làm rất nhiều việc để khôi
phục lại mối quan hệ giữa hai nước hai Đảng. Trước tình hình thế giới
phức tạp như hiện nay, việc thực hiện bình thường hóa quan hệ giữa hai
nước lại càng trở thành niềm mong muốn ấp ủ của ông ấy. Thứ hai, bước đi
đầu tiên trong việc giải quyết vấn đề Campuchia là phải thành lập Hội
đồng tối cao toàn quốc Campuchia, nhưng nếu hai đảng cộng sản ở
Campuchia không thực hiện hòa giải, thì có thành lập ra Hội đồng tối cao
cũng không thể thực sự giải quyết được vấn đề, các phái sẽ vẫn còn tiếp
tục tranh cãi, thậm chí còn lại đánh nhau. Cho nên, cả hai phía
Trung-Việt cần cùng nỗ lực khuyên giải hai đảng cộng sản ở Campuchia hòa
giải, để nước Campuchia tương lai có thể bình yên được lâu dài.
Gặp riêng Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh
Chiều
hôm đó, Cục trưởng Vũ Xuân Vinh hẹn gặp gấp Tùy viên quân sự Triệu, nói
rằng: “Theo chỉ thị của Đại tướng Lê Đức Anh, xin chuyển lời tới Đại sứ
Trương. Vào 19 giờ 30 phút ngày 22, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh
sẽ gặp riêng Đại sứ Trương tại phòng khách Bộ trưởng Bộ quốc phòng. Cả
hai bên đều không đem theo phiên dịch và thư kí. Đề nghị Đại sứ Trương
đổi sang một chiếc xe nhỏ, không cắm quốc kỳ, đi vào từ cửa bên Bộ quốc
phòng”.
Mọi
sự được tiến hành thuận lợi hơn dự kiến. Tối đó, tôi theo hẹn đúng giờ
đến Bộ quốc phòng. Trong cuộc gặp hơn 40 phút, Tổng bí thư Nguyễn Văn
Linh nói chuyện với tôi hết sức thân mật và thẳng thắn, ông đã chứng
thực cho lời nhắn mà Hoàng Nhật Tân đã ghi lại. Nguyễn [Văn Linh] nói:
Trong công cuộc đấu tranh cách mạng dài lâu và trong các cuộc chiến
tranh chống Pháp, chống Mỹ, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ và viện
trợ to lớn từ lòng tấm chân thành của Trung Quốc. Bản thân tôi trước sau
đều cho rằng, Việt Nam cần giữ mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Thời
kì Đại hội IV Đảng cộng sản Việt Nam năm 1976, vì không đồng tình với
một vài cách làm làm xấu đi mối quan hệ Việt-Trung mà tôi đã bị chỉ
trích là “hữu khuynh”. Thời kì Đại hội V năm 1982, lại
chỉ vì không tán thành chính sách bài Hoa và chủ trương ở giai đoạn hiện
tại cần cho phép nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại mà tôi đã bị ra
khỏi Bộ chính trị. Khi ấy, tôi rất khó lí giải được vì sao lại
phải áp dụng thái độ đó với Trung Quốc. Nếu như Bác Hồ còn sống khỏe
mạnh, thì dứt khoát sẽ không xuất hiện chuyện quái gở như vậy. Rồi còn
chính sách đối xử với người Hoa và Hoa kiều cũng là sai lầm. Người Hoa,
Hoa kiều đã có những đóng góp quý báu cho sự nghiệp cách mạng và xây
dựng của Việt Nam, khi thắng lợi rồi chúng tôi lại kỳ thị họ, xua đuổi
họ, thật là cạn tàu ráo máng.
Nguyễn
Văn Linh còn nói đến cả chuyện khi lên làm Tổng bí thư vào năm 1986,
ông liền quyết tâm khắc phục mọi trở lực, từng bước chỉnh sửa những sai
lầm trong quá khứ, khôi phục lại tình thân thiện với Trung Quốc. Ông
nói, đầu tiên ông thuyết phục Ban chấp hành Trung ương kiến nghị với
Quốc hội xóa bỏ những nội dung chống Trung Quốc trong Hiến pháp,
đồng thời sửa đổi những chính sách sai lầm đối với người Hoa và Hoa
kiều. Sau đó, lại làm công tác từ các phương diện, để rồi cuối cùng đã
ra được quyết định rút quân khỏi Campuchia.
Trong
tình hình thế giới hiện nay, việc Việt Nam cùng với Trung Quốc, trung
tâm xã hội chủ nghĩa vững mạnh, thiết lập và phát triển nên mối quan hệ
hữu nghị, hợp tác, đoàn kết đã trở nên ngày càng quan trọng và cấp
thiết. Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh, niềm mong mỏi ấp ủ lớn nhất của ông
là tới Đại hội VII Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức vào năm 1991 sẽ thực
hiện được bình thường hóa quan hệ Việt-Trung, đây sẽ là một việc lớn gây
phấn chấn lòng người đối với toàn Đảng toàn dân Việt Nam.
Về
vấn đề Campuchia, Nguyễn Văn Linh nói, ông thấu hiểu được tầm quan
trọng và tính bức thiết của việc giải quyết vấn đề này, vì thế, nhiệm vụ
đầu tiên mà ông dự định tới Bắc Kinh lần này là muốn thảo luận với phía
Trung Quốc về vấn đề Campuchia, cho nên thử xem xét để mình ông cùng
với một hai vị lãnh đạo cao cấp thân cận tới Bắc Kinh trao đổi bàn bạc
trực tiếp với Tổng bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng theo kiểu
đồng chí, với thái độ chân thành tâm giao, nhằm tìm ra phương án giải
quyết tối ưu. Nguyễn Văn Linh cho rằng, khi giải quyết vấn đề Campuchia
nên xem xét từ hai phương diện: Trước hết, thỏa mãn yêu cầu rộng khắp
của cộng đồng quốc tế, để cho Sihanouk đứng đầu, bảo đảm cho Campuchia
trong tương lai sẽ trở thành một đất nước hòa bình, độc lập, trung lập
và không liên kết, giữ được mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với các nước.
Thứ đến, thúc đẩy các phái ở Campuchia đi đến xóa bỏ hiềm thù, hòa giải
thực sự theo tinh thần hướng tới tương lai. Làm như vậy không có nghĩa
là phe này đầu hàng phe kia, và cũng không tồn tại vấn đề ai thôn tính
ai, mà là các phái xắn tay hợp tác để cùng tạo nên tương lai. Ông nhấn
mạnh, điều hết sức quan trọng là không được để cho Campuchia trong tương
lai bị rơi vào tay Mỹ, trở thành bàn đạp cho chủ nghĩa đế quốc thực
hiện diễn biến hòa bình ở Bán đảo Đông Dương.
Nguyễn
Văn Linh còn nói một cách sâu sắc rằng: Cả Mao Chủ tịch và Thủ tướng
Chu [Ân Lai] đều không còn nữa, khi nào cùng với các đồng chí Đỗ Mười,
Phạm Văn Đồng đi thăm Trung Quốc theo đường nội bộ, ông mong sẽ được gặp
đồng chí Đặng Tiểu Bình, được đích thân lắng nghe mọi ý kiến và kinh
nghiệm từ đồng chí ấy.
Tôi
nghe hết sức chăm chú từng chi tiết buổi nói chuyện của Nguyễn Văn
Linh, đồng thời ghi lại những nội dung quan trọng mà ông đã nói. Cuối
cùng tôi đã bày tỏ rằng vô cùng cảm động khi được nghe buổi nói chuyện
hết sức thân mật của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, tôi nhất định sẽ báo
cáo ngay lại với Trung ương chúng tôi về những ý kiến và yêu cầu của
đồng chí Tổng bí thư .
Đồng ý mời lãnh đạo cấp cao Việt Nam đi thăm Trung Quốc theo đường nội bộ
Chiều
này 28 tháng 8, sứ quán chúng tôi nhận được điện trả lời từ trong nước
về việc đồng ý mời các vị lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười,
Phạm Văn Đồng đi thăm Trung Quốc theo đường nội bộ từ ngày 3 đến ngày 4
tháng 9. Làm sao trực tiếp nói với riêng Nguyễn Văn Linh về quyết định
quan trọng này của Trung ương bây giờ? Lúc này thời gian đã rất gấp, chỉ
còn cách ngày lên đường đi Trung Quốc của đoàn Nguyễn Văn Linh có 5
ngày. Thế là tôi liền quyết định vẫn thông qua kênh Bộ quốc phòng Việt
Nam, như thế là nhanh chóng và ổn thỏa nhất. Không cho phép được chậm
trễ một giây, tôi bảo ngay Tùy viên quân sự Triệu lập tức hẹn gặp Cục
trưởng Cục đối ngoại Vũ Xuân Vinh. Thật là không may, Vũ Xuân Vinh đi
Hải Phòng mất rồi, ngày hôm sau mới về Hà Nội. Tùy viên quân sự Triệu
nhanh chóng quyết định lập tức đổi sang hẹn với trung tá Vũ Tần Vụ
trưởng của Cục đối ngoại. Sau đó anh ta báo lại với tôi, tôi nói anh làm
rất đúng, phải hết sức tranh thủ thời gian.
Vào
9 giờ tối hôm đó, Tùy viên quân sự Triệu vừa gặp mặt trung tá Vũ Tần đã
nói thẳng vào vấn đề luôn rằng Đại sứ Trương có việc hết sức gấp và
quan trọng, mong được gặp ngay Đại tướng Lê Đức Anh, xin đồng chí trung
tá giúp bố trí cho. Vũ Tần bảo Đại tướng tối nay tham dự Hội nghị toàn
thể Ban chấp hành trung ương khóa 9 Đảng cộng sản Việt Nam, không biết
lúc nào tan. Tôi sẽ đến ngay nhà ông ta xem sao. Khi Đại tướng định giờ
gặp một cái là tôi sẽ gọi ngay điện thoại báo cho anh biết. Tùy viên
quân sự Triệu vừa về tới sứ quán chưa được bao lâu đã nhận ngay được trả
lời điện thoại của Vũ Tần: “Đúng 8 giờ sáng mai Đại tướng sẽ gặp Đại sứ
Trương, địa điểm vẫn ở chỗ cũ”.
Tổng bí thư Đỗ Mười gặp Đại sứ Trương Duy Đức (7-1991)
Sáng
ngày 29, tôi đến phòng khách Bộ trưởng Bộ quốc phòng đúng giờ. Khi gặp
mặt, Đại tướng Lê Đức Anh nói một cách dí dỏm: “Trông bộ dạng Đại sứ
Trương vui thế kia, chắc là đem tin tốt lành đến cho chúng tôi rồi”. Tôi
nói: “Chiều tối qua, tôi nhận được chỉ thị quan trọng của Trung ương.
Cho nên, hôm nay vừa mới sáng ra đã lại tới làm phiền anh rồi”. Tiếp đó,
tôi thông báo lại với Đại tướng Lê Đức Anh việc Tổng bí thư Giang Trạch
Dân, Thủ tướng Lý Bằng mời Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng đi
thăm Trung Quốc theo đường nội bộ, xin Lê Đức Anh chuyển lời mời đồng
thời bố trí cho tôi được gặp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh một lần nữa, để
trả lời trực tiếp với đồng chí ấy. Lê [Đức Anh] bày tỏ: “Đây quả thực
là một tin tốt lành, tôi nghe mà cảm thấy rất phấn khởi. Xin đồng chí
Đại sứ cứ yên tâm, tôi sẽ báo cáo ngay với Tổng bí thư. Chuyến đi thăm
lần này hết sức quan trọng, chúng tôi phải có những nỗ lực lớn nhất để
chuyến đi thăm được thành công.”. Khi chuyện trò tiếp, tôi nhắc đến
việc 5 nước thành viên thường trực của Liên hợp quốc đã thông qua các
văn bản khung về giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia, hi vọng phía
Việt Nam thể hiện sự ủng hộ rõ ràng cho vấn đề này, đồng thời thúc đẩy
phía Phnom Penh tiếp nhận. Lê [Đức Anh] bày tỏ là đã hiểu, đồng thời nêu
lại một lần nữa việc giải quyết vấn đề Campuchia cần xem xét tới hai
phương diện, một là hòa giải trong nội bộ Campuchia, hai là thỏa mãn đòi
hỏi của cộng đồng quốc tế. Hi vọng cả hai nước Việt-Trung sẽ cùng nhau
nỗ lực, tạo mọi điều kiện để các phái ở Campuchia thực hiện hòa giải.
Sau
khi cáo từ Lê Đức Anh về sứ quán được khoảng hơn 1 tiếng, Trung tá Vũ
Tần ở Bộ quốc phòng Việt Nam đã hẹn với Tùy viên quân sự Triệu rằng:
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh sẽ cùng với Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ
Mười gặp Đại sứ Trương vào 4 giờ chiều nay. Đại sứ có thể chính thức đề
xuất yêu cầu được gặp mặt với Ban đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản
Việt Nam. Tôi lập tức hẹn gặp luôn với Phó Ban đối ngoại Đảng cộng sản
Việt Nam Trịnh Ngọc Thái, nói rằng có chuyện gấp yêu cầu được tới thăm
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười, hi
vọng anh ta sẽ báo cáo ngay. Một lúc sau, Vụ Lễ tân Ban đối ngoại Trung
ương Đảng cộng sản Việt Nam liền thông báo cho sứ quán tôi: Theo yêu cầu
của Đại sứ Trương Đức Duy, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội
đồng bộ trưởng Đỗ Mười sẽ gặp Đại sứ Trương Đức Duy vào 4 giờ chiều tại
nhà khách Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.
Vào
3 giờ 55 phút chiều, tôi ngồi trên chiếc xe có cắm quốc kỳ tới cổng tòa
nhà Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Ban đối
ngoại Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Phạm Quang Anh dẫn tôi vào nhà
khách, lúc này Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười đã có mặt, họ đều lần lượt bắt tay và ôm tôi rất thịnh tình. Theo đề nghị từ phía Việt Nam, lần này vẫn không bố trí phiên dịch, thư ký và người đi cùng. Trước
hết tôi cảm ơn hai vị đã dành thời gian đón tiếp tôi trong muôn vàn bận
rộn. Nguyễn Văn Linh nói: Theo báo cáo từ Ban đối ngoại Trung ương,
đồng chí Đại sứ có việc gấp cần trao đổi với chúng tôi, chúng tôi rất
vui được gặp anh. Tôi nói: Chiều tối qua, tôi có nhận được chỉ thị từ
trong nước, yêu cầu tôi nhanh chóng chính thức chuyển ý kiến của Tổng bí
thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng mời các đồng chí Tổng bí thư
Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng đi thăm Trung Quốc theo
đường nội bộ từ ngày 3 đến ngày 4 tháng 9. Để tiện cho việc bảo mật, sẽ bố trí địa điểm ở Thành Đô.
Sau đó, tôi lấy văn bản từ trong cặp ra đọc rành rọt từng chữ tờ đính
kèm đánh máy bằng tiếng Việt rõ ràng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh còn đòi
tôi đưa cho tờ đính kèm ấy, đọc xong rồi chuyển cho đồng chí Đỗ Mười
xem. Hai vị Nguyễn [Văn Linh], Đỗ [Mười] bàn bạc ngay tại chỗ xong,
Nguyễn Văn Linh bày tỏ: “Tôi và Chủ tịch Đỗ Mười rất phấn khởi, rất hoan
nghênh, rất cảm ơn lời mời của Tổng bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng
Lý Bằng. Chúng tôi hết sức vui mừng khi nhận được lời mời, đồng ý với
sự bố trí thời gian, địa điểm và những việc có liên quan do phía Trung
Quốc đề xuất. Chúng tôi sẽ báo cáo ngay lên Bộ chính trị, nhanh chóng
xác định danh sách đoàn đại biểu và bắt tay vào công tác chuẩn bị, thậm
chí ngay cả đồng chí Phạm Văn Đồng, nếu như tình trạng sức khỏe cho
phép, cũng nhất định sẽ tiếp nhận chuyến đi thăm theo lời mời này”. Cuộc
gặp mặt được diễn ra hơn nửa giờ trong bầu không khí thân mật, Tổng bí
thư Nguyễn Văn Linh còn đề xuất một lần nữa nguyện vọng được gặp đồng
chí Đặng Tiểu Bình, được đích thân lắng nghe những ý kiến và kinh nghiệm
quý báu từ đồng chí ấy.
Tối
ngày 2 tháng 9, Nhà khách Phủ Chủ tịch đèn sáng rực. Chủ tịch Hội đồng
bộ trưởng Đỗ Mười chủ trì cuộc chiêu đãi nhân ngày Quốc khánh Việt Nam,
Cố vấn Phạm Văn Đồng đứng trên bàn chủ tịch. Bộ trưởng Hoàng Bích Sơn
đưa tôi đến trước mặt Phạm Văn Đồng nói: “Kính chúc đồng chí Cố vấn khỏe
mạnh sống lâu!” Tôi chuốc rượu cùng Phạm Văn Đồng . “Anh Duy đấy à? Tôi
nhận ra tiếng anh”. Mắt Phạm Văn Đồng đã không còn nhìn rõ nữa, nhất là
về buổi tối, chỉ có thể nhận ra người khác bằng thính giác. Ông kéo tôi
lại nói khẽ: “Thời gian tôi còn sống chẳng nhiều nữa đâu, lần này mà
được đi Trung Quốc, được gặp mặt lãnh đạo Trung Quốc, thì quả thực là
một việc hết sức phấn khởi, nhất là mong sẽ được gặp đồng chí Đặng Tiểu
Bình, nói những lời tâm huyết…”
Cuộc gặp “Thành Đô” mấu chốt
Ngày
3 tháng 9, đúng 11 giờ theo giờ Bắc Kinh, chiếc chuyên cơ của phía Việt
Nam hạ cánh yên ổn xuống sân bay chuyên dụng Nam Ninh. Khi tôi đưa các
vị lãnh đạo Việt Nam do Nguyễn Văn Linh dẫn đầu xuống máy bay, Thứ
trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc Tề Hoài Viễn, Trợ lí Bộ trưởng Từ Đôn
Tín, Thứ trưởng Ban liên lạc đối ngoại Trung ương Chu Thiện Khanh… đã
tới đón các vị khách trước thang máy bay. Cũng là vì để bảo mật, nên các vị lãnh đạo vùng Quảng Tây đã không xuất hiện.
Sân bay được bố trí hết sức chặt chẽ, chúng tôi xuống khỏi chuyên cơ
của phía Việt Nam xong là lên ngay chuyên cơ của phía Trung Quốc, bay
tới Thành Đô.
Vào
1 giờ chiều, chiếc chuyên cơ hạ cánh đúng giờ xuống Sân bay Thành Đô.
Khi đoàn đại biểu tới Nhà khách Tỉnh ủy Tứ Xuyên, Tổng bí thư Giang
[Trạch Dân] và Thủ tướng Lý [Bằng] đứng trước cửa nhà khách đón khách.
Sau khi chủ và khách đã ngồi cả trong nhà khách, hai bên hỏi han lẫn
nhau đồng thời tiến hành trao đổi đơn giản. Tổng bí thư Giang [Trạch
Dân] giải thích: “Đồng chí Đặng Tiểu Bình đi nghỉ ở xa, nên lần này
không gặp các vị được”. Cuộc gặp mặt đơn giản kết thúc xong thì nghỉ
ngơi một lúc, đến 3 giờ chiều, hai bên bắt đầu tiến hành hội đàm chính
thức vòng đầu. Tổng bí thư Giang [Trạch Dân] bắt đầu bằng một phát biểu
ngắn, tiếp theo Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đọc lời mở đầu theo một bản
đã chuẩn bị sẵn. Sau đó, Tổng bí thư Giang [Trạch Dân] trình bày một
cách có hệ thống về giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia và mối quan
hệ Trung-Việt;
Thủ
tướng Lý [Bằng] phát biểu kĩ hơn về giải pháp chính trị cho vấn đề
Campuchia. Sau khi nghỉ 15 phút, Nguyễn Văn Linh làm một bài phát biểu
dài, nhấn mạnh trước đây Trung Quốc đã dành sự ủng hộ và giúp đỡ hết sức
to lớn cho cách mạng Việt Nam và các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống
Mỹ, Đảng, chính phủ và nhân dân Việt Nam mãi mãi không bao giờ quên;
ông bày tỏ bây giờ nguyện sẽ cùng với phía Trung Quốc nỗ lực giải quyết
tốt vấn đề Campuchia, sớm thực hiện bình thường hóa quan hệ hai nước,
khôi phục lại mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt-Trung. Chủ tịch Đỗ
Mười cũng có bài phát biểu tương ứng, bày tỏ phía Việt Nam nguyện cùng
với phía Trung Quốc giải quyết thật tốt vấn đề Campuchia, sẽ tiến hành
nghiên cứu kĩ lưỡng phương án giải pháp do phía chúng ta đề xuất. Hội
đàm vòng đầu chủ yếu xoay quanh việc Việt Nam rút quân triệt để khỏi
Campuchia và vấn đề thành lập bộ máy quyền lực lâm thời – Hội đồng tối
cao Campuchia (tức phương án phân bổ quyền lực) sau khi rút quân.
Sau
tiệc chiêu đãi tối, các ban làm việc của hai bên đã tiến hành bàn bạc
căng thẳng từng chi tiết trong Phương án giải pháp cho vấn đề Campuchia,
theo chỉ đạo cụ thể của lãnh đạo từng bên, nhằm chuẩn bị tốt cho cuộc
hội đàm chính thức vào ngày hôm sau, đồng thời bên phía ta đề nghị soạn
thâu đêm luôn một bản dự thảo văn kiện chung.
Sáng
ngày hôm sau tổ chức hội đàm vòng hai, trọng điểm là vấn đề Campuchia.
Qua nỗ lực suốt cả một đêm của các ban làm việc hai bên, cả hai bên đã
dần đi đến nhất trí đối với Phương án giải pháp cho vấn đề Campuchia.
Nhưng trong hội đàm vòng hai vẫn còn xuất hiện một điểm bất đồng, đó là
việc lập ra Hội đồng tối cao Campuchia gồm 13 đại biểu do phía ta đề
xuất, phân bổ cụ thể là: 6+2+2+2+1 (tức phái Hun Sen 6 người, phái
Campuchia dân chủ 2 người, phái Sihanouk 2 người và phái Son Sann 2
người + đích danh Sihanouk làm Chủ tịch). Đỗ Mười bày tỏ tán thành để
Sihanouk làm Chủ tịch Hội đồng tối cao Campuchia, nhưng cho rằng nên gộp
Sihanouk vào trong danh mục phái Sihanouk, hai bên mỗi bên một nửa đã
là thiệt cho Phnom Penh rồi, nếu như bên phái đối lập lại còn nhiều hơn 1
người, thì như vậy là không công bằng. Phía ta trình bày theo lý chủ
trương và đòi hỏi rộng rãi của cộng đồng quốc tế, chứng tỏ phương án này
là thích hợp nhất. Trong giờ nghỉ, Nguyễn Văn Linh đã có cuộc hội ý lại
với Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng. Trong buổi tiệc, Nguyễn Văn Linh thay mặt phía Việt Nam bày tỏ sự nhất trí toàn bộ với phương án do phía ta đề xuất,
đồng thời nói sau khi về nước sẽ làm việc ngay với Phnom Penh, đồng
thời cũng mong Trung Quốc thúc đẩy thực hiện việc hòa giải thực sự giữa
Khơme Đỏ với Phnom Penh. Đến đây, vấn đề Campuchia đã được bàn bạc ổn
thỏa, trở ngại lớn nhất trong quan hệ Trung-Việt đã được loại bỏ.
Tiếp
đến, vấn đề khôi phục lại quan hệ giữa hai nước hai Đảng được bàn bạc
trao đổi một cách khá thuận lợi, không gợi lại quá nhiều nợ nần cũ. Sau
khi hai vấn đề lớn trong cuộc hội đàm lần này đã được trao đổi ổn thỏa,
Tổng bí thư Giang Trạch Dân bày tỏ, giữa hai nước chúng ta từ đây có thể
“khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, đồng thời dùng hai câu thơ của
Lỗ Tấn[2] “Độ tận kiếp ba huynh đệ tại/ Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu”[3] làm
lời kết cho cuộc hội đàm nội bộ lần này. Phía Việt Nam bày tỏ hết sức
mĩ mãn và phấn khởi trước thành quả của cuộc hội đàm lần này. Cuối cùng,
Tổng bí thư Giang Trạch Dân đề nghị, hai bên cần kí vào một bản kỷ yếu
về thành quả của cuộc hội đàm lần này, Nguyễn Văn Linh vui vẻ đồng ý.
Chiều hôm đó, trước khi Đoàn đại biểu Việt Nam rời Thành Đô, Tổng bí thư
Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng và Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ
tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười đã cùng nhau kí vào bản “Kỷ yếu hội đàm
Thành Đô” mang ý nghĩa lịch sử.
Sau
khi đoàn Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng nói lời tạm biệt với
Tổng bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng và các đồng chí Tằng
Khánh Hồng, Tề Hoài Viễn, Chu Thiện Khanh…, đã đáp lên chiếc chuyên cơ
của phía ta rời Thành Đô bay tới Nam Ninh, dừng ở Nam Ninh rồi đổi ngay
sang chuyên cơ của phía Việt Nam bay về Hà Nội. Tôi cũng ngẫu nhiên đi
theo Đoàn đại biểu Việt Nam quay về Hà Nội. Trên đường về, không khí
trong khoang máy bay khác hẳn với lúc đến. Các vị lãnh đạo trao đổi bàn
bạc nhiều, những người khác cũng nói cười vui vẻ. Chủ nhiệm Văn Phòng
Trung ương Đảng Hồng Hà phấn khởi nói với tôi: “Cuộc gặp lần này rất
thành công, quá tốt!” Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Hoàng Bích Sơn
cũng tràn đầy phấn khởi nói, về đến Hà Nội tôi sẽ mở tiệc mời đồng chí
Đại sứ thưởng thức toàn những món ăn có tiếng của Việt Nam.
Một
lúc sau, Chủ tịch Đỗ Mười đi lại phía tôi hỏi: “Nguyên văn hai câu thơ
mà đồng chí Giang Trạch Dân trích dẫn đọc thế nào ấy nhỉ?” Tôi dùng ngay
âm đọc Hán Việt (chú thích: Trong Nho học Việt Nam có một phép đọc cố
định đối với chữ Hán) đọc lại một lượt cho ông ấy nghe, ông ấy còn bắt
tôi viết nguyên văn ra, rồi nhờ tôi dịch ra tiếng Việt. Đỗ Mười xem cả
nguyên văn lẫn phần dịch ra tiếng Việt hai lần rồi bảo: “Đồng chí Giang
Trạch Dân dẫn hai câu thơ này vào lúc kết thúc hội đàm là quá xác
đáng!”. Về Hà Nội được ít ngày, tôi lại đọc được một bài thơ do Nguyễn
Văn Linh viết thể hiện tâm trạng cảm khái cùa mình sau thành công của
cuộc “Hội đàm Thành Đô”: “Huynh đệ chi giao sổ đại truyền/ Oán hận
khuynh khắc hóa vân yên/ Tái tương phùng thời tiếu nhan triển/ Thiên
niên tình nghị hựu trùng kiến”[4]
Mao Chủ tịch và Hồ Chủ tịch thân mật chuyện trò (Trương Đức Duy làm phiên dịch năm 1960)
Thực hiện bình thường hóa quan hệ hai nước hai Đảng Trung-Việt
Để
thực hiện nghị quyết của cuộc Hội đàm Thành Đô, trong vòng vài tháng
sau khi trở về Hà Nội, theo chỉ thị từ trong nước, tôi đã 2 lần hẹn gặp
Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười và nhiều lần hẹn gặp Thứ trưởng thứ
nhất Bộ ngoại giao Việt Nam Đinh Nho Liêm để giục phía Việt Nam gấp rút
thúc đẩy phía Hun Sen tiếp nhận nghị quyết mà hai bên Trung-Việt đã đạt
được, nhằm nhanh chóng làm cho vấn đề Campuchia có được giải pháp chính
trị. Tuy nhiên, tiến trình giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia lại
bị trì hoãn mất rất nhiều thời gian, để đến nỗi khiến cho tiến trình
bình thường hóa quan hệ Trung-Việt cũng chịu sự ảnh hưởng nhất định.
Vào
giữa mùa hè năm sau (năm 1991), Đảng cộng sản Việt Nam họp “Đại hội
VII”. Ban lãnh đạo mới đã có sự điều chỉnh rất nhiều. Nguyễn Văn Linh đã
giao ban một cách suôn sẻ, điều đáng tiếc là ông chưa thể thực hiện
được mong muốn ấp ủ của mình vào trước “Đại hội VII” Đảng cộng sản Việt
Nam – chính thức công bố thực hiện bình thường hóa quan hệ hai nước hai
Đảng Trung-Việt trước khi rời khỏi chức vụ.
Chính
vào năm đó, cùng với việc thực hiện giải pháp chính trị toàn diện cho
vấn đề Campuchia và việc thành lập Hội đồng tối cao toàn quốc Liên hợp
bốn bên Campuchia, việc bình thường hóa quan hệ Trung-Việt cũng được
diễn ra hết sức tự nhiên. Tháng 11 năm 1991, theo lời mời của Trung
ương Đảng và chính phủ nước ta, Tổng bí thư Trung ương Đảng cộng sản
Việt Nam Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Võ Văn Kiệt mới nhậm
chức đã dẫn đầu “Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam” chính thức đi thăm
Trung Quốc, các đồng chí lãnh đạo gồm Tổng bí thư Giang Trạch Dân và Thủ
tướng Lý Bằng… đã tổ chức hội đàm chính thức với Đoàn đại biểu Việt
Nam, hai bên đã ra thông cáo chung, tuyên bố bình thường hóa quan hệ hai
nước hai Đảng. Mối quan hệ Trung-Việt từ đây đã mở ra một trang mới.
Nguồn: 中越高层成都会晤的前前后后 - Mạng Báo buổi sáng Liên hợp.
[1] Quảng Đông – Quảng Tây –ND
[2] Chỗ này tác giả nhầm. Đây là hai câu thơ của nhà thơ đời Thanh Giang Vĩnh. – ND
[3] Tạm dịch: Trải qua cơn sóng gió/ tình anh em vẫn còn/ Gặp nhau cười một cái quên hết oán thù . – ND
[4] Tạm
dịch: Anh em chơi với nhau đã mấy thế hệ/ Oán hận trong khoảnh khắc đã
biến thành mây khói/ Khi gặp lại nhau cười rạng rỡ/ Tình nghĩa ngàn năm
xây dựng lại -ND.
Video tham khảo: 中越高层成都秘密会晤 一年后关系正常化 - Cuộc gặp mật cấp cao Trung-Việt ở Thành Đô - Một năm sau, bình thường hóa quan hệ.
Bản tiếng Việt © Việt sử ký 2012
–
Ghi chú:
* Tham khảo: + Hồi ký Trần Quang Cơ, các chương:
10. THUỐC ĐẮNG NHƯNG KHÔNG DÃ ĐƯỢC TẬT. “Ngày 5.6.90,
vài ngày trước khi Từ Đôn Tín đến Hà Nội, TBT Nguyễn Văn Linh đã mời
đại sứ Trương Đức Duy (vừa từ Bắc Kinh trở lại Hà Nội) đến Nhà khách
Trung ương Đảng nói chuyện thân mật để tỏ lòng trọng thị đối với Bắc
Kinh … Sáng 6.6.90, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh lại
gặp riêng và mời cơm đại sứ Trương Đức Duy. Cuộc gặp riêng chỉ giữa hai
người, Trương Đức Duy vốn là thông dịch, rất thạo tiếng Việt nên không
cần có người làm phiên dịch. Nội dung cuộc gặp này mãi đến ngày 19.6
trong cuộc họp BCT để đánh giá cuộc đàm phán 11-13.6 giữa tôi và Từ Đôn
Tín, Lê Đức Anh mới nói là đã gặp Trương Đức Duy để nói cụ thể thêm ba ý
mà anh Linh đã nói với đại sứ Trung Quốc hôm trước (gặp cấp cao hai
nước; hai nước đoàn kết bảo vệ chủ nghĩa xã hội; hai nhóm cộng sản Khmer
nên nói chuyện với nhau). Nhưng trước đó, từ ngày 6.6, phía Trung Quốc
(tham tán Lý Gia Trung và Bí thư thứ nhất Hồ Càn Văn) đã cho ta biết nội
dung câu chuyện giữa Lê Đức Anh và Trương Đức Duy.”
12. MỘT SỰ CHỌN LỰA THIẾU KHÔN NGOAN. “Nhưng
rồi cuộc gặp Thành Đô đã làm lãnh đạo Việt Nam xa rời quan điểm thực tế
này mà ngã hẳn theo Trung Quốc, thậm chí còn định ép PhnomPenh chấp
nhận đòi hỏi quá đáng của Bắc Kinh về vấn đề SNC Campuchia.”
13. CUỘC GẶP CẤP CAO VIỆT – TRUNG TẠI THÀNH ĐÔ.
Đọc chương này sẽ thấy rõ ràng Thứ trưởng Trần Quang Cơ cũng như nhiều
lãnh đạo cao cấp trong Bộ chính trị, Chính phủ của VN hoàn toàn không
biết những cuộc gặp gỡ “bí mật” giữa Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Nguyễn Văn
Linh với đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy từ sáng 29/8/1990 trở về
trước.
14. THÀNH ĐÔ LÀ THÀNH CÔNG HAY LÀ THẤT BẠI CỦA TA ? “Nhìn lại, trong cuộc gặp Thành Đô, ta đã mắc lỡm với Trung Quốc ít nhất trên 3 điểm …”
“Sở
dĩ ta dễ dàng bị mắc lừa ở Thành Đô là vì chính ta đã tự lừa ta. Ta đã
tự tạo ra ảo tưởng là Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ CNXH, thay thế
cho Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và CNXH thế
giới, chống lại hiểm hoạ ‘diễn biễn hoà bình” của chủ nghĩa đế quốc do
Mỹ đứng đầu. Tư tưởng đó đã dẫn đến sai lầm Thành Đô cũng như sai lầm
““giải pháp Đỏ”.
“Cuộc
hội đàm Thành Đô tháng 9.90 hoàn toàn không phải là một thành tựu đối
ngoại của ta, hiện tại đó là một sai lầm hết sức đáng tiếc về đối ngoại.
Vì quá nôn nóng cải thiện quan hệ với Trung Quốc, đoàn ta đã hành động
một cách vô nguyên tắc, tưởng rằng thoả thuận như thế sẽ được lòng Bắc
kinh nhưng trái lại thoả thuận Thành Đô đã làm chậm việc giải quyết vấn
đề Campuchia và do đó làm việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc,
uy tín quốc tế của ta bị hoen ố.”
+ Tướng Việt Nam kể chuyện bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc
(TVN,21/12/2011). Bài của Trung tướng Vũ Xuân Vinh, cựu Cục trưởng Cục
Đối ngoại Quân sự, Bộ Quốc phòng, người “môi giới” các cuộc gặp trên.
Trong bài chỉ nói tới hai cuộc gặp ngày 5 và 6/6/1990 thôi và đặc biệt lại cho là “ngày 19/8/1990,
Đại sứ Trung Quốc gửi thư của lãnh đạo Trung Quốc mời Tổng Bí thư
Nguyên Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng sang thăm
chính thức Trung Quốc”, trong khi bài của cựu đại sứ TQ thì cho biết“chiều này 28 tháng 8,
sứ quán chúng tôi nhận được điện trả lời từ trong nước về việc đồng ý
mời các vị lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng đi
thăm Trung Quốc …”
Có điều lạ
là bài này ra đời khá bất ngờ, sau “hồi ký” trên của Trương Đức Duy đúng
1 tháng, phải chăng là để ngầm “phản bác” lại sự “xuyên tạc”, “bịa
đặt”?
* Về tướng Lê Đức Anh gần đây: + Đại tướng Lê Đức Anh: Nếu sợ thì mất chủ quyền! (Người đưa tin,2/6/2011) + Tướng Việt Nam phân tích tình hình Biển Đông (Đất Việt, 10/6/2011).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét