Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Phạm Chí Dũng : Việt – Mỹ lộ dần những tín hiệu mới


Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel và người đồng nhiệm Việt Nam Phùng Quang Thanh tại Diễn đàn An ninh khu vực ở Shangri-la, Singapore ngày 31/05/2014.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel và người đồng nhiệm Việt Nam Phùng Quang Thanh tại Diễn đàn An ninh khu vực ở Shangri-la, Singapore ngày 31/05/2014. -REUTERS/Pablo Martinez Monsivais/Pool

Thụy My  -RFI

Thời gian gần đây, đã có những chuyển động mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trong các lãnh vực từ giáo dục, quân sự đến ngoại giao. Trong hoàn cảnh bị Bắc Kinh ức hiếp mọi bề, đặc biệt là tình hình Biển Đông luôn căng thẳng, phải chăng khuynh hướng ngả dần về phương Tây đang trở thành một xu thế không cưỡng lại được để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay ? Dư luận đang sốt ruột chờ đợi, vì có lẽ không còn nhiều thời gian cho các nhà lãnh đạo Việt Nam.
RFI Việt ngữ đã phỏng vấn nhà bình luận Phạm Chí Dũng về vấn đề này.



Nhà bình luận Phạm Chí Dũng – Saigon
13/06/2014
by Thụy My
RFI : Thân chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng, rất cảm ơn anh đã dành cho RFI Việt ngữ cuộc phỏng vấn hôm nay. Thưa anh, chính phủ Việt Nam vừa chấp thuận chủ trương cho thành lập trường đại học Fulbright của Hoa Kỳ. Theo anh đây có phải là một tín hiệu đáng quan tâm trong mối quan hệ Việt – Mỹ?
Vấn đề đại học Fulbright tuy chỉ là một việc nhỏ trong nghị trình làm việc giữa hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ, nhưng nếu chúng ta gắn kết sự việc này với những tín hiệu và chuyển động khác thì có thể thấy một “quyết tâm” nào đó, đang manh nha hình thành từ một nhóm chính khách nào đó trong đảng, nhằm thúc đẩy tiến trình giao hảo nhanh hơn đôi chút.
Vào năm 2013, ngau sau chuyến thăm Washington của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ý tưởng lập đại học Fulbright đã bắt đầu được nêu ra. Đây là đại học phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam. Tuy nhiên rất có thể là khi đó quan hệ Việt – Mỹ mới chỉ tái khởi động nên tiến trình xây dựng đại học này vẫn khá chậm, và tính đến nay đã mất gần một năm.
Tuy nhiên tôi vẫn nhận ra một điểm khá đặc biệt: trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình các đại học và cao đẳng ở Việt Nam đã lạm phát đến 400 trường và do đó từ năm 2013 Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương không cho thành lập mới đại học, cả công lập lẫn tư thục, việc xuất hiện chủ trương “đặc cách” cho thành lập đại học Fulbright chính là một dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo Việt Nam đang muốn chứng tỏ đôi chút thiện chí với Hoa Kỳ, đặc biệt trong bối cảnh nguy cơ đe dọa Việt Nam từ Trung Quốc là quá lớn.
RFI : Anh vừa đề cập đến những chuyển động mang tính tín hiệu khác. Đó là tín hiệu nào vậy thưa anh ?
Chính xác là những tín hiệu được chủ động phát ra từ giới quân sự Hoa Kỳ.
Chúng ta có thể nhận ra là không phải vô cớ mà chỉ hai tuần sau khi xảy ra vụ việc giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 và do sức ép liên tục từ Bắc Kinh đối với Hà Nội, Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương – ông Locklear – đã bắn tiếng trên hãng tin Reuteurs về khả năng Mỹ và Việt Nam có thể hình thành “đối tác chiến lược”. Thành thật mà nói, trong tình cảnh nguy nan như hiện nay, một đối tác chiến lược đủ mạnh là một mơ ước của giới chính khách yếu đuối Hà Nội.
Vào năm trước, thỏa thuận chung Việt – Mỹ tuy bao hàm khá nhiều nội dung mang tính “toàn diện”, nhưng cần chú ý là mức độ hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam mới chỉ dừng lại ở cấp độ “đối tác toàn diện” chứ không đề cập gì đến khả năng “đối tác chiến lược”. Nhưng một khi chính người Mỹ chủ động bắn tín hiệu về triển vọng đối tác chiến lược thì có thể hiểu điều đó bao gồm cả yếu tố an ninh và quốc phòng. Đặc biệt là quốc phòng – chính là điều mà nhà cầm quyền Việt Nam và Bộ Quốc phòng quốc gia này đặc biệt trông dựa vào.
Vậy là một lần nữa, lại một lần nữa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ diễn ra “giao lưu hải quân” ở Đà Nẵng. Vào tháng 4/2013, cuộc giao lưu này diễn ra một cách khiêm tốn chỉ với ba tàu hải quân của Mỹ “đến chơi”. Còn lần này, có vẻ không khí chộn rộn hơn, thậm chí Hải quân Mỹ còn giao lưu với cả sinh viên Việt Nam và được báo chí cấp tiến của Việt Nam dành cho những lời lẽ khá nồng nhiệt.
Chỉ có thể xây dựng một quan hệ chiến lược về quốc phòng với Mỹ, người Việt Nam mới nhận được sự hỗ trợ đủ mạnh để đối phó với tham vọng khống chế Biển Đông và cả đất liền của Trung Quốc. Bằng chứng sống động và gần gũi nhất là mới vào cuối tháng 4/2014 ngay trong chuyến công du của Tổng thống Barack Obama đến Philippines, hai quốc gia này đã ký kết với nhau một bản hiệp ước về tương trợ quốc phòng.
Ngay lập tức, những động tác “ném đá dò đường” của Trung Quốc đối với các đảo nhỏ của Philippines lắng hẳn đi, còn Manila tuyên bố không ngần ngại tiếp tục chương trình kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, và trong thực tế họ đã bắt giữ tất cả những tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng lãnh hải Philippines.
Chúng ta cũng thấy rằng không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam lại chọn Manila – nơi diễn ra một diễn đàn kinh tế về hình thức – để lần đầu tiên trong hai nhiệm kỳ thủ tướng, ông đủ cam đảm đưa ra nhận xét về “hữu nghị viển vông” đối với Trung Quốc. Đó là bằng chứng gần nhất và sáng nhất cho thấy Thủ tướng Dũng không còn đường lùi. Đường tiến duy nhất của ông ta hiện nay và trong ít ra vài năm tới chỉ còn là tình hữu nghị không hề viển vông từ phía chính phủ Hoa Kỳ.
RFI : Sau sự bắn tiếng của Tư lệnh Locklear, đến lượt Tổng thống Obama lên tiếng. Đây có phải là tín hiệu không hề viển vông không thưa anh ?
Đó là tín hiệu tốt lành, nhất là trong bối cảnh quá nhạy cảm hiện thời. Nếu Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên lên tiếng “thoát Trung” trong hai nhiệm kỳ thủ tướng của ông, thì Obama cũng lần đầu tiên trong hai nhiệm kỳ tổng thống nói thẳng về khả năng Mỹ có thể đưa quân đến biển Đông. Điều quân để làm gì? Tất nhiên để bảo vệ sự an toàn của công dân Mỹ ở ngoài biên giới Mỹ. Nhưng người Mỹ còn thòng thêm một câu vốn là truyền thống của họ: bảo vệ các đồng minh của Mỹ. Như vậy ai là đồng minh của Mỹ?
Chúng ta đã thấy bài học của Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia đã cộng tác quân sự với Mỹ từ hơn ba chục năm qua. Còn Philippines cũng là một đồng minh quân sự và được Mỹ bảo vệ cho đến giờ này. Tất cả những quốc gia ấy có bị Trung Quốc hiếp đáp như đối với Việt Nam không? Câu trả lời là không hoặc rất ít. Âu đó cũng là một bài học phản tỉnh cho Nhà nước Việt Nam khi họ chọn quan hệ đu dây mà chẳng đi tới đâu, thậm chí còn bị lật ngửa như mới đây.
RFI : Có phải vì không đi tới đâu trong mối quan hệ đu dây mà Hà Nội đã quyết định để Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đi Mỹ ?
Đây lại là tín hiệu phản hồi, xuất hiện từ phía Việt Nam. Hầu như ngay sau khi Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương Locklear lên tiếng về triển vọng “đối tác chiến lược”, một cuộc điện đàm trực tiếp đã diễn ra giữa ông Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Tất nhiên người ta có thể hiểu đó là cuộc điện đàm do ông Minh chủ động đề xuất. Nhưng khác hẳn với lời đề xuất của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh “đàm phán” mà đã bị Tập Cận Bình thẳng thừng từ chối, theo một tiết lộ của báo The New York Times, ông Phạm Bình Minh đã lập tức nhận được lời mời “thăm Hoa Kỳ” của ông Kerry. Sự việc này lại diễn ra ngay sau lời tuyên bố có vẻ hơi can đảm của ông Nguyễn Tấn Dũng ở Manila về thực chất mối quan hệ Việt – Trung.
Người ta cho rằng rất có thể nhóm chính khách ưu tiên chọn lá bài phương Tây đã quyết định phải hành động, phải tiến một bước đủ dài và đủ mạnh để thoát khỏi cái bóng nặng nề vẫn kềm tỏa họ từ lâu nay. Mà muốn như vậy thì chỉ còn cách đi Washington chứ không thể cứ mãi ngồi họp ở Văn phòng trung ương đảng được.
RFI : Nhưng cho tới nay, ông Phạm Bình Minh vẫn chưa đi Mỹ, cũng chưa có lịch trình công du Hoa Kỳ nào được công bố ?
Đây là một bí ẩn. Trước đây có thông tin là ông Phạm Bình Minh đã “xếp hành lý vào va-li” và chỉ còn chờ lên đường ra sân bay Nội Bài. Thế nhưng việc cho tới giờ vẫn bặt tăm hơi chuyến đi Mỹ của ông lại cho thấy một điều gì đó không được ổn lắm. Giới quan sát bình luận rằng có khả năng ông Minh không nhận được sự đồng thuận từ một số ủy viên nào đó trong Bộ Chính trị, cho dù thủ trưởng trực tiếp của ông Minh là ông Nguyễn Tấn Dũng có thể còn sẵn sàng đi xa hơn cả nước Mỹ.
RFI : Thủ tướng Việt Nam còn có thể đi xa đến đâu, theo anh ?
Đến đại hội 12 của đảng vào năm 2016, vì ngay trước mắt có vẻ đại hội này còn quan trọng hơn cả TPP và vấn đề đối tác chiến lược với Mỹ. Nhưng muốn tiến đến đại hội 12 với vị thế một ứng cử viên nặng ký cho chức vụ cao nhất trong đảng, ông Dũng lại phải được lòng dân chứ không chỉ được lòng đa số các ủy viên trung ương. Tôi cho rằng ông Dũng đang phải ngày càng lập trình về yếu tố lòng dân.
Vào thời nhà Hồ bị quân Minh đe dọa, khi Hồ Quý Ly ước ao “có được trăm vạn quân để chống giặc Minh”, con trai Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trừng đã trả lời cha “quân không thiếu, chỉ sợ lòng dân không theo”. Quả báo đã đến với nhà Hồ khi dân chúng, vốn trước đó bị triều đình đàn áp tàn bạo, đã không còn thiết tha gì với vận mệnh xã tắc. Khi gần một trăm vạn quân Minh tràn vào nước Nam, nhà Hồ chỉ cầm cự được hơn 6 tháng thì thảm bại. Đất nước bị nô thuộc, còn cha con Hồ Quý Ly bị bắt đưa thẳng về Trung Quốc.
Bây giờ cũng tương tự vậy thôi. Nếu một cuộc chiến tranh được kích động từ Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liệu có thể dựa vào 3/4 trong số gần 200 ủy viên trung ương đảng để chiến đấu, hay ông ta phải dựa vào 90 triệu dân chúng? Có lẽ đó là lý do để ông Dũng trở thành người duy nhất trong bộ tứ triều đình đưa ra một vài tuyên bố có vẻ cứng rắn đối với Bắc Kinh. Và đó cũng là lý do để ông thấy rằng nếu không biết khoan sức dân thì đến một ngày nào đó sẽ chẳng còn ai đi biểu tình chống Trung Quốc hay chiến đấu với Trung Quốc.
RFI : Điều anh vừa nói có phải là lý do để Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mặc dù đã gật đầu với việc cấm và đàn áp cuộc biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc vào ngày 18/05/2014, nhưng lại chủ động đề nghị Quốc hội đưa Luật Biểu tình vào chương trình luật năm 2015, thay vì để đến năm 2020 như dự kiến cách đây có vài tháng ?
Chính xác là như vậy. Một sự thay đổi đột ngột đến mức khó tin từ phía ông Dũng. Mới vào đầu năm 2014, Chính phủ đã dự kiến sẽ chỉ ban hành Luật Biểu tình sau năm 2016, và theo lộ trình là phải đến năm 2020 mới ra được luật này. Trước đó vào năm 2011 khi Trung Quốc cắt cáp tàu Việt Nam cũng như gây ra hàng loạt thương vong cho ngư dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đăng đàn trước Quốc hội và trở thành người đầu tiên trong Bộ Chính trị yêu cầu cần có luật biểu tình. Thế nhưng từ đó đến nay tất cả vẫn im hơi lặng tiếng, dự thảo Luật Biểu tình được giao cho Bộ Công an soạn thảo nhưng tới giờ vẫn chẳng thấy bóng dáng đâu. Còn ông Dũng có vẻ chẳng còn giữ được “quyết tâm” của ông về ban hành luật này.
Tất cả hầu như là một sự bất nhất đến khó mà cảm thông và còn như sỉ nhục đối với quốc dân đồng bào. Ngay vào kỳ họp Quốc hội tháng 11/2013 khi thông qua Hiến pháp mới, Luật Biểu tình đã không hề được đả động. Nhưng đến tháng cuối của năm 2013, ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – lại bất ngờ thông báo là Quốc hội có thể sẽ ban hành Luật Lập hội và Luật Biểu tình « trong thời gian tới ». Thời gian tới là khi nào thì chẳng ai làm rõ. Hay theo cái cách của Hiến pháp năm 1992, đến nay đã hơn hai chục năm mà vẫn chẳng một ai luật hóa các quyền tự do lập hội và tự do biểu tình?
Nhưng bây giờ thì đúng là “gặp thời thế, thế thời phải thế” – như cụ Ngô Thời Nhậm đã phán. Đến như một ông nghị có truyền thống “phản biểu tình” như Hoàng Hữu Phước mà cũng thay đổi quan điểm chuyển sang ủng hộ Luật Biểu tình chỉ sau một đêm, thì chúng ta có thể thấy thời vận đang thay đổi nhanh thế nào. Khi báo chí trong nước hỏi lý do vì sao ông Phước lại thay đổi quan điểm đột ngột như vậy, ông ta lập tức trả lời rằng đó chỉ là cách hiểu khác nhau về ngôn từ.
Hẳn là tình thế đã trở nên bức bách đến mức mà một đại biểu Quốc hội “kiên cường” như Hoàng Hữu Phước mới phải thay đổi, còn những tờ báo kiên định nhất của đảng cũng mới bắt đầu hé lộ ý tưởng “chấp nhận các khuyến nghị UPR”. Tôi cho rằng đây cũng là một tín hiệu mới. Nếu vào cuộc UPR (kiểm điểm định kỳ phổ quát) vào tháng 2/2014 ở Thụy Sĩ, phái đoàn Hà Nội còn hùng hồn tuyên bố Việt Nam đã thực hiện đến hơn 80% khuyến nghị của các quốc gia trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, thì nay giọng điệu của Bộ Ngoại giao có vẻ đã đổi khác. Âu đó cũng là một sự cách điệu về ngôn từ.
RFI : Với những tín hiệu cách điệu đó, anh có hy vọng câu chuyện dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam sẽ được cải thiện hơn trong thời gian tới?
Vấn đề này lại phụ thuộc vào một tín hiệu khác là Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ mới diễn ra ở Washington vào giữa tháng 5/2014.
Cuộc gặp mặt giữa hai quốc gia cựu thù vào năm nay được dẫn dắt bởi một gương mặt không kém mẫn cảm so với trưởng phái đoàn Hoa Kỳ năm ngoái là Tom Malinowski, phụ trách về dân chủ và nhân quyền và lao động – những lĩnh vực mà Hà Nội không thú vị chút nào.
Điểm đáng ghi nhận đầu tiên chính là sự có mặt trực tiếp của chính Tom Malinowski sau cuộc đối thoại vừa qua, trong khi sau cuộc đối thoại năm ngoái đã không hề xuất hiện Dan Baer – trưởng đoàn Mỹ. Cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ năm 2013 cũng chỉ là bắt đầu cho mối quan hệ được tái lập sau thời gian bị bỏ ngỏ, và vào thời điểm đó các viên chức Mỹ có vẻ không hề hài lòng trước sự trì hoãn cố tật của phía Việt Nam. Dan Baer còn không được gặp gỡ một số nhân vật bất đồng chính kiến mà ông đề nghị đến thăm.
Nhưng vào năm nay thì khác hẳn. Tháng 3/2014, bà Wendy Sherman Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về chính trị còn được gặp Hội Anh em Dân chủ – một tổ chức dân sự độc lập ngay tại Hà Nội. Vào ngày 20/5/2014, Phái đoàn Liên minh châu Âu cũng lần đầu tiên tổ chức được một cuộc hội thảo với một số hội đoàn dân sự độc lập của Việt Nam ngay tại Hà Nội, tạo nên một sự kiện chưa từng có đối với xã hội dân sự ở đất nước này.
Còn sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ vừa qua, Tom Malinowski nhận định: “Sở dĩ có hy vọng cao rằng Đối thoại Nhân quyền năm nay đạt tiến bộ, xuất phát từ đối thoại TPP. Cho nên, cuộc Đối thoại Nhân quyền là cách mà qua đó chúng tôi có thể thảo luận chính xác các bước nào Việt Nam cần thiết phải thực hiện để có thể trở thành thành viên của TPP trong năm nay”.
Thực ra chúng ta có thể chuẩn bị nâng ly chúc mừng Nhà nước Việt Nam. Lần gặp gỡ của Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Penny Pritzker với ông Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội vào đầu tháng 6/2014 – một tháng sau Đối thoại Nhân quyền – đã phác ra một bức tranh không đến nỗi quá xấu xí: TPP có cơ hội được kết thúc vào cuối năm nay, và do đó người Việt cũng có thể tạm gột rửa vết dơ Trung Quốc trên mặt mình.
Thậm chí Tom Malinowski còn cho rằng “Việt Nam có cơ hội, một cơ hội thật sự”. Quả thực, nửa cuối năm nay có vẻ là cơ hội gần cuối cho giới đàm phán Hà Nội, vì nếu đến năm sau khi tất cả các ứng cử viên Hoa Kỳ đều phải tất bật vì chuyện vận động tranh cử, sẽ chẳng còn mấy ai tha thiết vận động cho Việt Nam vào TPP nữa.
Tom Malinowski còn nêu ra một ví von ẩn dụ rất tượng hình: “Giống như một bình nước sôi, sẽ tốt hơn nhiều nếu ta mở nắp để hơi nóng thoát ra thay vì cố gắng đậy lại để rốt cuộc dẫn tới một sự bùng nổ lớn hơn”. Chúng ta nên đặc biệt để ý đến câu nói này. Ví von này mang một phong cách mà chỉ xuất hiện trong hoàn cảnh tự tin của giới chính trị gia phương Tây.
Biểu đạt cảm hứng này cũng gián tiếp cho thấy chưa bao giờ từ năm 1945 đến nay, dân tộc Việt Nam phải chứng kiến một Nhà nước Việt Nam cô đơn và chia rẽ đến thế, bất chấp phương châm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước” và hàng chục đối tác chiến lược toàn diện mà nhà nước này đã “dày công vun đắp” suốt hàng chục năm qua. Họ cô đơn trước quốc tế và cô độc trước cả dân chúng của họ.
Với quốc tế và với đa số trong giới nghị sĩ Mỹ, sẽ không thể có TPP cho Việt Nam nếu không có nhân quyền. Và với 153 nghị sĩ chiếm đến 2/3 đảng Dân chủ vừa nêu ra một thư yêu cầu đối với Đại diện thương mại Mỹ, sẽ không thể có TPP nếu Việt Nam không chấp nhận thành lập công đoàn độc lập cho 5 triệu công nhân. Những người cầm quyền Việt Nam không thể cứ đẩy người dân vào nỗi cô độc vô cùng tận để trám chỗ cho nỗi cô đơn chưa biết làm cách nào giải tỏa của chính thể.
RFI : Lần đầu tiên trong các cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ, trưởng đoàn Hoa Kỳ nhắc tới từ “quân sự” nhằm khẳng định quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiến sâu hơn nữa khi Hà Nội cải thiện nhân quyền. Làm cách nào và ai sẽ xử lý cuộc “khủng hoảng Việt Nam” lần này?
Không ai có thể làm thay cho Nhà nước Việt Nam. Nếu một Bộ trưởng Bộ Quốc phòng như Phùng Quang Thanh đã gây phản cảm nặng nề nơi công luận, bởi biểu hiện buồn thảm và sợ sệt đến thế của viên đại tướng này trong những lời ve vuốt “nước bạn” tại Diễn đàn Shangri-la, làm sao chính thể cầm quyền ở Việt Nam có hy vọng gì dùng quân đội để đối đầu với một lực lượng quân sự đông gấp 3-4 lần của Trung Quốc, nếu một cuộc chiến tranh mang tên “Mười sáu chữ vàng” xảy ra?
Tôi xin nhắc lại câu lời tự sự của Trưởng đoàn đàm phán đối thoại nhân quyền Mỹ: “Liệu nhà nước Việt Nam có thực hiện những bước cần thiết để nắm bắt cơ hội hay không là câu hỏi mà tôi không thể trả lời thay họ được”, và “Chúng ta phải chờ xem bởi vì sự trắc nghiệm không nằm ở chất lượng cuộc đối thoại mà ở các bước sẽ diễn ra trong những ngày sắp tới”. Trong hoàn cảnh nguy cơ từ Trung Quốc ngày càng cận kề, nếu nhà nước và giới quân sự Việt Nam không hành động nhanh chóng, quyết đoán với đôi chút thành tâm, họ sẽ mất đi chút ít cơ hội còn lại và rơi vào lịch sử của nhà Hồ mất nước.
Tuy nhiên với tín hiệu từ cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ vào tháng 5/2014, tôi có thể hy vọng rằng những ngày sắp tới, hay chính xác là những tháng sắp tới sẽ có được một số chuyển biến. Tôi có cảm giác rằng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lại vừa đạt được một thỏa thuận không chính thức nào đó, theo đó sắp tới sẽ có thêm một đợt thả tù nhân lương tâm, tiếp theo đợt thả tù chính trị trong hai tháng Ba và Tư năm nay.
Xu hướng ngả dần về phương Tây cũng dần phải trở thành một xu thế không cưỡng lại được, bất chấp một lực lượng nhân sự “thân Trung” nào đó vẫn có thể tìm cách phá bĩnh. Tiến độ này sẽ cho thấy xu thế hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ được nâng dần về cấp độ, và không loại trừ sự có mặt dày hơn và có ý nghĩa răn đe hơn của Hạm đội 7 ở Biển Đông trong thời gian tới.
Nhưng muốn có được những kết quả đó, nội bộ Việt Nam phải có một đột biến về nhân tố khởi phát cho chuyển động. Nhiều người đang nhìn vào ông Nguyễn Tấn Dũng như một nhân tố có thể xử lý “khủng hoảng Việt Nam”. Thế nhưng cũng nhiều người không kém lại cho rằng ông Dũng chỉ là vị lãnh đạo viển vông khi nêu ra tính từ “viển vông” đối với Trung Quốc, trong khi thực chất ông ta sẽ chẳng làm gì hết.
Nhưng làm gì thì làm và nói gì thì nói, thật ra thời gian chẳng còn nhiều cho bất kỳ chính khách nào. Đã đến lúc cần xác định rằng đã qua thời kỳ “Lũ chúng ta nằm trong giường chiếu hẹp” mà phải thật sự tiến ra đường phố với một lòng thành tâm tối thiểu, cùng một quyết tâm không nhìn về phía sau. Chỉ có thế mới đảm bảo tương lai chính trị cho các chính khách Việt Nam và cũng là phần nào cứu nguy cho cái dân tộc Việt quá nhiều đắng cay này.
Còn nếu giới chính trị cứ bùng nhùng như hiện nay thì tương lai của họ chắc chắn sẽ là “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”.
RFI : Chúng tôi xin rất cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ về vấn đề những tín hiệu mới trong quan hệ Việt-Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét