Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Ai xem Tàu là bạn?

Basam

Nguyễn Văn Tuấn
Càng hiếm thấy một quốc gia nào xem kẻ xâm lược mình là bạn. Có lẽ VN là nước duy nhất trên thế giới gọi kẻ tấn công mình, xâm lấn lãnh hải mình, hành hạ và giết ngư dân mình là bạn. Quả thật, bạn mà như thế thì chắc chẳng ai cần thêm kẻ thù”.
13-07-2014
Đến lúc này thì tôi nghĩ bất cứ người dân Việt bình thường nào cũng thấy Tàu không phải và không thể là bạn. Thật ra, đối với rất rất nhiều người Việt, Tàu là một mối đe doạ truyền kiếp đến sự tồn tại của VN. Thế nhưng tôi vẫn nghĩ trong giới cầm quyền, vẫn có người — có thể là số nhiều — vẫn xem Tàu là bạn.


Quan điểm “Tàu là bạn” trong giới cầm quyền đã được phát biểu trong vài diễn đàn. Chúng ta còn nhớ trước đây, một ông cựu đại tá Cục trưởng cục Đông Bắc Á (Bộ Công An) phát biểu rằng “Trong trường hợp nhất định nào đó, mình vẫn có thể giữ nguyên giàn khoan Trung Quốc như một đơn vị nước ngoài vào đầu tư, nhưng phải có nguyên tắc và lợi ích của ta là phải thật đảm bảo” (1). Đối với ông, Tàu là bạn, nên chúng đem giàn khoan vào vùng biển VN thì cũng như là một … đầu tư. Nhưng ông quên rằng chúng đâu muốn khai thác dầu, chúng muốn hiện thức hoá bản đồ 9 đoạn (hay 10 đoạn) và muốn dằn mặt VN.

Trong Đối thoại Shangri-La, trong khi tình hình rất căng thẳng ngoài Biển Đông, thì một quan chức cao cấp bình thản tuyên bố rằng quan hệ giữa Tàu và VN vẫn tốt đẹp, và những va chạm ngoài Biển Đông được ví von như … chuyện trong gia đình. Phát biểu này làm không ít người định ủng hộ VN cảm thấy ngạc nhiên và lặng lẽ rút lui. Còn người Việt có điều kiện theo dõi Đối thoại Shangri-La thì phẫn nộ và hoàn toàn thất vọng, vì tuyên bố đó làm vô hiệu hoá tất cả những gì được chuẩn bị để kiện Tàu ra một toà án quốc tế.
Khi tiếp Dương Khiết Trì vào tháng qua, ngài tổng bí thư cũng khẳng định “chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc”. Thật ra, câu này được lặp đi lặp lại rất nhiều lần ở nhiều dịp bởi nhiều nhân vật cao cấp.
Chẳng những coi trọng mà còn mang ơn. Hầu như trong bất cứ cuộc tiếp xúc đoàn Tàu nào, giới lãnh đạo đều phát biểu đại khái rằng đảng, Nhà nước, quân đội mãi mãi ghi nhớ và biết ơn sự giúp đỡ Tàu đã giúp đỡ VN trong thời đánh Pháp và đánh Mĩ Nguỵ. Năm ngoái ông đại tá phó giáo sư tiến sĩ nhà giáo ưu tú Trần Đăng Thanh gây sóng gió qua “bài giảng sổ hưu” mà trong đó ông cũng nhắc lại rằng “Việt Nam phải mang ơn Trung Quốc” và đồng thời rao giảng sự căm thù Mĩ (“Mĩ là một nước gian ác, sự giúp đỡ trong giáo dục đối với Việt Nam là hành động “Diễn biến hòa bình” cần phải cảnh giác”).
Qua những phát biểu trên (và còn rất rất nhiều phát ngôn khác), chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng nhà cầm quyền VN vẫn xem Tàu cộng là bạn, có khi là bạn thân thiết. Đối với nhiều người trong đảng, có lẽ họ theo quan điểm của ông Đỗ Mười, rằng “tuy Trung Quốc nó đánh ta nhưng nó cùng là cộng sản” (2). Nó là cộng sản, ta cũng là cộng sản, suy ra ta với nó là bạn.
Nhưng Tàu có xem VN là bạn? Trước mặt các quan chức VN thì phía Tàu lúc nào cũng nói rằng Tàu coi trọng “và luôn mong muốn phát triển quan hệ tốt đẹp, ổn định lâu dài với Việt Nam”. Họ dĩ nhiên lúc nào cũng lặp lại 16 chữ vàng + 4 tốt. Những chữ này dù chẳng có ý nghĩa gì và do chúng sáng chế ra nhưng cũng thuyết phục được khối người nhẹ dạ ở VN. Có những người tin và phát biểu về những chữ này một cách mê sảng.
Nhưng Tàu cộng nổi tiếng là kẻ sống 2 mặt. Do đó, trong thực tế thì họ làm ngược lại 180 độ so với những gì họ nói. Họ không bao giờ coi trọng VN; ngược lại họ rất khinh VN. Họ cho báo chí tấn công thủ tướng VN và xuyên tạc tổng bí thư VN. Mới hôm nay, họ còn cho báo chí bêu rếu Chủ tịch Nước VN. Họ bật đèn xanh cho vài tướng diều hâu lên báo đài ngông nghênh tuyên bố doạ đánh VN. Dương Khiết Trì khi ở VN thì cười cười, nhưng vừa về đến Tàu là đổi thái độ ngay, y nói y đến VN là để lên lớp chứ không có đàm phán. Khó kể hết những hành động và phát ngôn “mất dạy” của các quan chức Tàu đối với VN. Nói chung, thái độ trịch thượng và khinh bỉ VN của các quan chức cho thấy Tàu cộng xem VN như một loại “thuộc quốc” chứ không phải là bạn. Và, họ có lí do khinh VN, bởi vì họ nói gì VN cũng chẳng có phản ứng. Sự im lặng của giới lãnh đạo VN trước những tấn công của Tàu phải nói là lạ lùng, chưa từng có trong lịch sử bang giao quốc tế. Hiếm thấy một quốc gia nào chịu nhẫn nhục đến độ đó.
Càng hiếm thấy một quốc gia nào xem kẻ xâm lược mình là bạn. Có lẽ VN là nước duy nhất trên thế giới gọi kẻ tấn công mình, xâm lấn lãnh hải mình, hành hạ và giết ngư dân mình là bạn. Quả thật, bạn mà như thế thì chắc chẳng ai cần thêm kẻ thù.
Điều lạ lùng là lãnh đạo VN không lên tiếng phản đối Tàu, nhưng lại có quan chức yêu cầu nước khác lên tiếng phản đối. Bà Thị Ninh trong một phỏng vấn với báo chí Âu châu cho rằng EU nên can thiệp vụ giàn khoan HD-981! Trước đó, còn có trò kí tên để kiến nghị Mĩ yêu cầu Tàu rút giàn khoan. Cũng lạ, xem Mĩ là kẻ thù mà lại trông chờ vào kẻ thù giúp mình! Toàn những trò chẳng đâu vào đâu. Chuyện của mình, mình không lo, mà suốt ngày cứ trông chờ vào người khác. Mới đây, khi Mĩ ra nghị quyết về Biển Đông, phía VN hí hửng ra tuyên bố ủng hộ, trong khi Quốc hội VN thì không dám ra nghị quyết về Biển Đông. Nhưng Mĩ ra nghị quyết là vì quyền lợi của họ chứ có phải vì VN đâu. Có thể xem đó là một kiểu ăn mày ngoại giao vậy.
Quan điểm (hay chính sách?) xem Tàu là bạn đã đẩy VN vào một tình thế nguy hiểm. Hiện nay, VN không có đồng minh. Tàu không bao giờ xem VN là đồng minh. VN cũng chẳng có bạn thân. ASEAN hầu như vô dụng vì chẳng giải quyết được vấn đề gì, và vẫn còn nghi ngờ thái độ tiền hậu bất nhất của VN. Với cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” và chủ trương theo đuổi chủ nghĩa cộng sản làm cho nhiều nước muốn chơi với VN cũng ngần ngại suy nghĩ lại. (Ở nước ngoài, chỉ cần nghe đến chữ communist là người ta đã nhăn mặt và xem như là một cái gì kinh tởm lắm, nhưng ở VN thì có người tự hào là communist). Do đó, cho đến nay, có thể nói là VN rất cô đơn trên trường quốc tế. Từ khi sự việc giàn khoan HD981 xảy ra cho đến nay, chưa có nước nào lên tiếng ủng hộ VN, và cũng chẳng có nước nào quan tâm đến VN. Nếu chiến tranh với Tàu xảy ra, VN sẽ chẳng được ai giúp đỡ.
Bất cứ người VN nào nhìn vào tình hình hiện nay cũng thấy lo ngại cho VN. Về lâu dài, việc chọn một kẻ thù nguy hiểm như Tàu là bạn cũng có nghĩa là VN tự biến mình thành một thuộc quốc của Tàu như Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch từng nói “một thời kì Bắc thuộc nguy hiểm đã bắt đầu” (từ năm 1990).
Rồi đây VN sẽ còn chìm đắm trong tăm tối. Sẽ không có ngày “hoá rồng” như nhiều người mong đợi. Đừng bao giờ nghĩ VN sẽ như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore nếu VN vẫn xem Mĩ là kẻ thù. Ông Lý Quang Diệu đã lắc đầu khi đề cập đến VN và nói “Nên quên đi, tôi đã nói hết với họ rồi, vô ích!” Và đó chính là thái độ của thế giới: quên VN. Nhưng mình là người VN thì làm sao quên được VN.
—–
(1) Xem bài ‘Có thể coi giàn khoan Trung Quốc là 1 đơn vị đầu tư nước ngoài’ trên MTG (đã bị rút xuống) nhưng còn ở đây http://archive.today/IdZM9.
(2) www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2011/06/110609_vietnam_risks.shtml
(3) www.rfa.org/vietnamese/in_depth/opinion-of-usdipl-about-trdthanhs-lect-ml-12232012103827.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét