Mao Trạch Đông và Krushev – tình anh em trong phút chốc
Mùa thu 1958, Mao Trạch Đông đã cao ngạo mặc quần tắm để tiếp
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Khrusev tại bể bơi riêng của mình ở
Trung Nam Hải – khác hoàn toàn với những nghi lễ ngoại giao đặc biệt
trân trọng mà Khrusev đã dành để nghênh đón Mao Trạch Đông tại thủ đô
Moskva cách đó chưa lâu…
Các tác giả cuốn Bốn người vợ của Mao Trạch Đông đã dẫn lời Mao Trạch Đông chỉ trích Giang Thanh: “Con người Giang Thanh đầy rẫy chủ nghĩa cá nhân, thích chơi trội, ra dáng ta đây”. Nhưng ở một góc nhìn khác – Tân Tử Lăng (tác giả “Mao Trạch Đông – Ngàn năm công tội”, tài liệu đã dẫn ở Kỳ 2), hàm
ý nhận định: nếu “chủ nghĩa cá nhân” của Giang Thanh giới hạn ở phạm vi
“quốc nội”, thì Mao Trạch Đông đã đưa “chủ nghĩa cá nhân” của mình vượt
khỏi biên giới Trung Quốc, đến tầm mức “quốc tế” – vì “ông ta nôn nóng muốn làm lãnh tụ của phong trào cộng sản thế giới” – dẫn chứng qua vài sự kiện ngoại giao sau:
Trước ngày thành lập nước CHND Trung Hoa (tháng 7.1949), Lưu Thiếu Kỳ bí mật sang Liên Xô gặp Stalin (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô) và được Stalin nêu ý kiến về “trung tâm cách mạng thế giới đã từ phương Tây chuyển sang phương Đông, nay lại chuyển sang Trung Quốc”.
Nhận định đó của Stalin là một trong những “đòn bẩy tinh thần” đưa Mao Trạch Đông vào giấc mộng làm lãnh tụ thế giới “tiêu
diệt nước Mỹ, lật đổ toàn bộ chế độ tư bản chủ nghĩa (…) trở thành
người thầy vĩ đại và lãnh tụ vĩ đại của nhân dân cách mạng toàn cầu”. Ảo tưởng đó càng củng cố để Mao ngã hẳn sang Liên Xô trong buổi đầu của cuộc hành trình “không bao giờ tới đích” ấy.
Sau ngày thành lập nước CHND Trung Hoa (1.10.1949), việc đầu tiên của Mao là “sang thăm Moskva, mừng thọ Stalin, ký Hiệp ước đồng minh tương trợ Trung – Xô”. Khi Stalin từ trần 5.3.1953, Mao cho rằng: “Thượng đế sẽ trao nhiệm vụ lớn cho ông ta, chỉ có Mao đủ tư cách lấp chỗ trống do Stalin để lại” – nên tỏ ra xem thường những nhân vật lãnh đạo cao nhất của Liên Xô sau Stalin – điển hình qua hai sự kiện do Tân Tử Lăng nêu ra:
1. Từ 16 –
19.11.1957, Khrusev (Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô) chủ trì hội nghị
64 đảng cộng sản và công nhân (trên thế giới). Khi phát biểu, mọi người
đều lên bục, riêng Mao cứ ngồi nói tại chỗ, để thể hiện thân phận mình
khác người. Mao nói về quan hệ đồng chí, chiến lược sách lược chiến
tranh thế giới và tình hình Trung Quốc, bấy giờ một số người lắc đầu
nhưng cũng có nhiều người gióng tai nghe, cứ xem Mao như “Lê-nin thời
nay”. Với quá trình hoạt động truyền kỳ, vị trí lãnh tụ nước lớn, học
vấn uyên bác, phong độ lãnh tụ không ai sánh kịp, Mao trở thành trung
tâm của hội nghị này. Tuyên ngôn viết: ”Liên Xô đứng đầu, nhưng trong
hội nghị Mao là trung tâm”. Kết thúc mỗi phiên họp, khi Mao đứng dậy mọi
người mới đứng dậy và họ đứng yên nhường Mao đi trước. Đó là điều
Khrusev không chịu nổi.
Thời điểm đó, Liên Xô đã “tuyên bố
thử nghiệm thành công bom H có sức công phá tương đương 1 triệu tấn
thuốc nổ TNT vào 26.11.1955 (…) đưa máy bay ném bom chiến lược TU-16 có
thể mang 2 quả bom nguyên tử và hơn 9 tấn bom thông thường vào trang bị
cho quân đội (…) và máy bay chiến lược TU-20 có vận tốc tối đa gần
1000km/giờ, có khả năng mang 4 quả bom H và hơn 20 tấn bom thông thường
vào năm 1956 (…). Phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên Spoutnik vào quỹ đạo
trái đất với vận tốc 24.500km/giờ quay vòng quanh trái đất trong 95 phút
vào 4.10.1957” – theo tài liệu của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, 2003.
Dầu có thế mạnh vũ lực hơn hẳn Trung Quốc thời ấy như thế – nhưng theo Tân Tử Lăng: “bấy
giờ không phải Liên Xô hiếp đáp Trung Quốc, hoặc Khrusev ức hiếp Mao
Trạch Đông, mà do Mao cố tình gây ra, nhằm giành giật vị trí minh chủ
trong phong trào Cộng sản quốc tế”.
Riêng Khrusev tỏ ra “thận trọng khiêm nhường, có gì trục trặc liền giải quyết qua con đường hiệp thương” và đã cử chuyên gia Liên Xô sang giúp Trung Quốc “phát triển vũ khí hạt nhân và công nghiệp quân sự”. Nhưng tất cả bắt đầu xấu đi kể từ chuyến viếng thăm Trung Quốc của Khrusev như đề cập dưới đây.
2. Ngày 31.7.1958,
Khrusev đến Bắc Kinh, Mao Trạch Đông bất chấp mọi lễ nghi ngoại giao tối
thiểu, bố trí hội đàm với nhà lãnh đạo Liên Xô ngay cạnh bể bơi riêng
trong Trung Nam Hải. Khi được mời vào, Khrusev thấy Mao mặc quần tắm,
khoác khăn tắm, nhàn nhã hút thuốc lá, giống như Quốc vương Roma gặp sứ
thần thuộc quốc của mình. Thật khác một trời một vực với sự tôn trọng
và lễ nghi đặc biệt mà Khrusev dành cho Mao vào mùa đông 1957 tại
Moskva. Cách làm cố ý chọc tức này dẫn tới quan hệ xấu giữa hai nước
Trung – Xô”. Và buộc Khrusev “tỏ thái độ”:
Nguyên khoảng một năm trước buổi Mao
“mặc quần tắm” để đón Khrusev, Khrusev đã có thiện chí cử Mikoyan sang
TP. Hàng Châu gặp Mao Trạch Đông giữa năm 1957 thông báo về một số thay
đổi trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô lúc đó và được Mao cam kết ủng
hộ. Đáp lại “Khrusev đồng ý giúp Trung Quốc phát triển bom nguyên tử, tên lửa, nghiên cứu chế tạo máy bay tiêm kích kiểu mới”. Những hứa hẹn của đôi bên chính thức hóa bằng một hiệp định về việc “Liên Xô viện trợ kỹ thuật tên lửa và hàng không cho Trung Quốc” ngày 15.10.1957.
Nhưng do Mao Trạch Đông khiếm nhã, có
thái độ ngạo mạn đối với Khrusev như trên (7.1958), cộng với những lý do
nội tại khác, Liên Xô đã “quyết định hủy hợp đồng cung cấp mẫu bom nguyên tử và tư liệu kỹ thuật sản xuất bom nguyên tử cho Trung Quốc”. Đến
đây, sự rạn nứt giữa hai nước khó cứu vãn được, dẫn đến việc Mao Trạch
Đông lên tiếng phê phán toàn diện Liên Xô vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày
sinh Lê-nin ! Để rồi, không chỉ “khẩu chiến”, mà tranh chấp đã thật sự
“nổ lớn” ở vùng biên giới của “hai nước anh em”… (còn nữa)
Giao Hưởng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét