Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Leo thang kiểm duyệt

Lê Phan – Nguoiviet

Hôm đầu tháng 7, Giáo Sư Elliot Sperling, một chuyên gia về Trung Á, đáp một chuyến bay 12 giờ đồng hồ từ New York đến Bắc Kinh, ông đã bị công an biên phòng đưa vào một phòng riêng hỏi cung trong hơn một tiếng đồng hồ. Sau đó họ dẫn độ ông lên cùng chuyến phi cơ United Airlines mà ông đã bay đến, và trục xuất ông, mặc dù ông có một visa du lịch có hiệu lực một năm.

Giáo Sư Sperling tin là ông đã bị “trừng phạt” vì ông đã ồn ào ủng hộ cho Giáo Sư Ilham Tohti, một giáo sư kinh tế học người sắc tộc Uighur, vốn mới đó đã bị chính quyền Bắc Kinh cáo buộc tội ly khai và bắt ông trong một vụ đã tạo nên một làn sóng phản đối. Sự việc Giáo Sư Sperling bị trục xuất và chiếu khán của ông bị hủy là bằng cớ rõ ràng nhất là Bắc Kinh đang tìm hết cách để làm im tiếng những người ủng hộ Giáo Sư Tohti ở ngoại quốc.


Sự việc ông bị bắt đã khiến phát ngôn nhân Jen Psaki của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa ra một thông cáo đặc biệt. Với tựa đề “Sự mất tích của Ilham Tohti,” bà Psaki bày tỏ quan ngại sâu xa trước tin là cảnh sát Bắc Kinh đã bắt giữ giáo sư kinh tế nổi tiếng Ilham Tohti cùng với ít nhất sáu sinh viên của ông. Thông cáo viết, “Việc bắt giữ ông Tohti, vốn đã lên tiếng ủng hộ nhân quyền cho những người Hoa gốc Uighur, có vẻ là trong chiều hướng đáng ngại bắt bớ và giam cầm những luật sư nhân quyền, các nhà tranh đấu trên internet, các nhà báo, các lãnh tụ tôn giáo, và bất cứ ai thách thức ôn hòa các chính sách và hành động của Trung Quốc.”
Việc Trung Quốc ngày càng dùng việc từ chối nhập cảnh để “trừng phạt” những học giả, nhà báo và những người khác đã dám viết hay nói lên những điều mà các viên chức Trung Quốc coi là không chấp nhận được về phương diện chính trị có vẻ ngày càng leo thang. Chiến thuật này đã dẫn đến gia tăng lo ngại là các nhà trí thức có thể tự kiểm duyệt mình để duy trì được việc tiếp tục ra vào Trung Quốc, một việc khiến một số các nhà trí thức Hoa Kỳ đang kêu gọi chính phủ phải gây áp lực để Trung Quốc đừng làm vậy nữa. Ðiều còn đáng nói hơn nữa là việc Bắc Kinh trục xuất Giáo Sư Sperling xảy ra vào đúng lúc mà các viên chức Hoa Kỳ đang chuẩn bị đến Bắc Kinh để nhóm họp về đối thoại Mỹ Trung về chiến thuật và kinh tế.
Giáo Sư Sperling giải thích, “Vấn đề đối với tôi không phải là việc tôi bị từ chối nhập cảnh -Tôi có thể tiếp tục công cuộc nghiên cứu của tôi không cần đến Trung Quốc – nhưng điều tôi lo là cố gắng gây áp lực đối với những ai lên tiếng ủng hộ cho Ilham để họ phải im tiếng, hay ít nhất để cô lập họ.”
Giáo Sư Sperling, 63 tuổi, dạy lịch sử Tây Tạng ở viện đại học Indiana, trước đó đã thu xếp để mời Giáo Sư Tohti sang làm giáo sư thỉnh giảng một năm cho trường đại học, vốn có một ban chuyên nghiên cứu về vùng Trung Á. Hai ông đã làm quen rồi thành bạn sau một cuộc gặp gỡ ở Hoa Kỳ hồi năm 2012. Nhưng ông Tohti bị công an giữ lại hồi tháng 2 năm 2013 khi ông đến phi trường để lên phi cơ đi Hoa Kỳ. Con gái ông, cùng đi với ông, thì được cho đi và hiện nay đang theo học tại viện đại học Indiana.
Ông Tohti sau đó bị chính thức cáo buộc tội đòi ly khai. Căng thẳng sắc tộc và chính trị giữa người Uighur và người Hán cai trị họ đã gia tăng nhiều trong những năm gần đây, và đụng độ bạo động thường xảy ra ở vùng Tân Cương, vốn là quê hương của người Uighur. Giáo Sư Sperling nói Giáo Sư Tohti là một người đã cố khuyến khích đối thoại giữa người Uighurs và người Hán, và chưa bao giờ đòi độc lập cho Uighur cả.
Chiếu khán vào Trung Quốc trên Passport của Giáo Sư Sperling, vốn có hiệu lực đến tháng 6 năm 2015, nay có một chữ “hủy bỏ” in đè lên trên bằng mực xanh. Mấy tên công an còn sợ chưa rõ, đã vẽ tay một chữ X bằng mực đen lên visa của ông. Ông Sperling thì cười giải thích, “Tôi gọi đó là giải thưởng nhân quyền của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc.” Ông cũng bảo ông không tranh cãi làm gì với họ vì những tên công an ở phi trường chỉ là kẻ thừa hành. Và ông cũng tin chắc là lý do ông bị từ chối nhập cảnh là vì ông đã lên tiếng bênh vực ông bạn Uighur của mình.
Giáo Sư Sperling cũng thêm là ông không nghĩ ngành nghiên cứu của ông về Tây Tạng, cũng là một đề tài tế nhị đối với chính quyền Bắc Kinh, là vấn đề chính. Cho đến nay, ông đã thường xuyên ra vào Trung Quốc với visa du lịch. Ông đã đến Trung Quốc hồi năm 2010 theo lời mời của các học giả Trung Quốc để chủ trì một hội nghị tư về Tây Tạng. Năm 2011, ông lại trở lại với visa làm việc và trong bốn tháng là học giả tại Viện đại học Bắc Kinh. Trong giai đoạn đó, ông đã có những lớp giảng dạy về Tây Tạng ở nhiều học viện ở Bắc Kinh, kể cả nhân dân đại học và viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc.
Nhưng Giáo Sư Sperling không phải là trường hợp độc nhất. Ông đã tham gia danh sách những nhà khoa bảng bị từ chối nhập cảnh Trung Quốc. Hai vị giáo sư Perry Link và Andrew J. Nathan, vốn đã đồng chủ biên cuốn “The Tiananmen Papers,” một cuốn sách với tài liệu từ bên trong đảng cộng sản tiết lộ về vụ đàn áp ở Quảng Trường Thiên An Môn hồi năm 1989, cũng không làm sao xin được visa vào Trung Quốc. Một học giả khác, Orville Schell, cũng hợp tác trong cuốn sách đó, chỉ xin được visa vào ngắn hạn thôi.
Ðặc biệt, 13 nhà học giả đã đóng góp cho một tuyển tập hồi năm 2004 về Tân Cương đã bị cho tên vào sổ đen. Chỉ có bốn hay năm người trong nhóm họ xin được chiếu khán nhập cảnh trong những năm gần đây. Một trong những nhân vật này, Giáo Sư Gardner Bovingdon, một bạn đồng nghiệp của Giáo Sư Sperling ở Indiana, cho biết hồi tháng 5 năm 2013, nhờ bạn bè vận động, ông xin được visa vào Trung Quốc. Nhưng khi ông đến Bắc Kinh thì đã bị công an biên phòng trục xuất y hệt như ông Sperling. Ngày nay Giáo Sư Bovingdon phải làm công việc nghiên cứu của ông từ Kazakhstan vì không vào được Trung Quốc. Giáo Sư Bovingdon không nghĩ là việc ông bị từ chối visa là vì liên hệ của viện đại học với ông Tohti, nhưng là vì tuyển tập về Tân Cương vốn có vẻ đã làm Bắc Kinh tức giận và cho ông vào sổ đen.
Gần đây, Bắc Kinh đã có những hành động hung hăng với các nhà báo và có khi nguyên cả một cơ quan ngôn luận về việc cấp visa để tìm cách chặn việc tường thuật về những vấn đề tế nhị. Hai nhà báo lâu đời ở Trung Quốc, Paul Mooney của Reuters và Melissa Chan của Al Jazeera English, đã bị buộc phải rời Bắc Kinh khi visa họ mãn hạn. Chính quyền cũng từ chối từ hai năm nay việc cung cấp visa thường trú cho tờ New York Times và Thông Tấn Xã Bloomberg, vốn đã phổ biến những bài tường thuật hồi năm 2012 về gia tài bí mật của các gia đình lãnh tụ Trung Quốc.
Giáo Sư Sperling thì nói là không biết lúc nào ông mới được trở lại. Ông kết luận, “Tôi không biết có cách nào để ra khỏi sổ đen đó hay không, nhưng tôi không thấy có lý do gì để thay đổi hành vi của mình cả. Tôi không làm gì sai trái ngoài việc chống đối, tôi công nhận là ồn ào, nhưng tôi cũng chỉ dùng lời nói thôi, và không có ý định gì tuân thủ những tiêu chuẩn độc tài chỉ để làm sao có được một cái visa vào Trung Quốc.”
Hy vọng các học giả khác cũng noi gương ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét