Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Vài suy nghĩ vụn về chủ nghĩa tư bản nhân ngày 14-7

 Boxitvn

Nguyễn Ngọc Lanh
Thời sự
Hà Nội đang có chủ trương đề bạt cán bộ xuất thân công nhân (cách mạng và trong sạch). Ai dám bảo chủ nghĩa lý lịch chết từ đời tám hoánh? Tuy nhiên, chúng ta chẳng cần lo hão rằng phen này giai cấp lãnh đạo sẽ ùn ùn vào trung ương. Điều lo nhãn tiền là, hàng triệu công nhân vừa phải tất bật kiếm sống, lại vừa phải làm thiên chức vinh quang: Chứng minh “hiện nay là thời đại đi lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới“…
Lứa tuổi 80, chúng tôi hiếm ai có lý lịch “trong sạch”, vì ít nhất đã 10 – 15 năm sống và học hành dưới thời thuộc Pháp. Thời đó, cứ đầu tháng 7 là chúng tôi náo nức làm sao được xem Tây duyệt binh nhân dịp “cát tó zuy zê” (quatorze juillet). Chúng tôi thích nhại mấy bác “bồi, bếp”, chứ đã học lớp 3 trở lên (bậc tiểu học 6 năm) là đủ trình độ viết những bài “luận” (rédaction) dài vài trang bằng Pháp văn; đồng thời phát âm khá chuẩn.


Học trung học trong kháng chiến, với các thầy đều do Pháp đào tạo, nhưng giác ngộ lý tưởng cách mạng vô sản, nên cách mạng tư sản bị phê dữ. Chẳng qua là, thay một chế độ bóc lột bằng một chế độ bóc lột khác… mà thôi. Thạo tiếng Pháp, các thầy đọc sách Marx, Lénine từ “gốc”, và dùng tiếng Pháp nói lại câu của Lénine cho đám học trò đủ trình độ lĩnh hội: Chế độ ta dân chủ gấp triệu lần chế độ tư bản… Chúng tôi tin sái cổ.
Thế mà lạ! Cũng câu trên, 60 năm sau, một vị vừa là GS, vừa có địa vị ngất ngưởng trong chính quyền, phát ngôn bằng tiếng Việt, lại giảm bớt sự huênh hoang cả ngàn lần… (thay “triệu” bằng “ngàn“) nhưng chúng tôi lại cười khẩy. Già, ai chả gàn?
Nhiều thầy của chúng tôi đã mất, mang theo cả niềm tin vô bờ xuống cõi âm. Nhưng cũng có thầy tới nay vẫn thọ (trên 90) lại vứt béng những điều đã một thời tin tưởng. Có lẽ, các cụ đã lẩn thẩn. Thôi, chấp gì đám già nua, lẫn cẫn. Hơn nữa, đụng đến các cụ, các cụ chửi đâu ra đấy, chẳng lẫn tí nào sất…
Những từ ngữ tưởng đã hiểu thấu đáo
Biết chút ít ngoại ngữ cũng khổ. Các nhà cách mạng Tàu và Ta đã dịch sang Hán văn và Việt văn vô số từ ngữ do cách mạng tư sản sáng tạo ra. Nghĩa và ý của chúng đã định hình rồi – nhất là khi đã quen dùng… Tuy nhiên, đúng là đến tuổi dở hơi, chúng tôi cứ muốn hiểu tận gốc các từ để biết ý nghĩa thật của chúng và sử dụng cho đúng.
Ví dụ, cái từ capital. Dịch sang tiếng Việt một cách văn hoa, là “tư bản”; còn dịch nôm na, chỉ đơn giản là “vốn” hoặc “vốn riêng”. Khốn nỗi, nếu gọi là “tư bản”, hình như chỉ một số ít người đạt tới; chứ gọi là “vốn” thì – không nhiều thì ít – ai mà chẳng có? Vốn “tự có” của các sex worker cũng là vốn, chứ sao? Được gọi là “nhà tư bản” chẳng qua vì tích lũy được nhiều vốn và sử dụng nó hiệu quả – cũng giống như “nhà thơ” thì có nhiều thơ và thơ hay hơn người khác… Những “nhà” này tốt hay xấu lại là chuyện khác.
Còn capitalism, tất nhiên dịch là “chủ nghĩa tư bản”. Chủ nghĩa này bị Marx, Lénine, Staline, Mao… căm ghét. Đó là thứ chủ nghĩa bênh vực bóc lột: Cho phép dùng tư bản (vốn riêng) để chiếm hữu tư liệu sản xuất, hoặc cho vay lấy lãi… nhằm bóc lột. Capitalist, tất nhiên dịch là “nhà tư bản”… Loại người này – theo cách hiểu của ta – khó mà tốt được. Thật may, tiếng Việt không thiếu từ biểu cảm; do vậy thời xưa chúng tôi sẵn sàng dịch thành “tên tư bản”, “bọn tư bản”; “tụi tư bản”, “đồ tư sản”…
Bản chất và mục tiêu của chủ nghĩa tư bản (tư bản = vốn riêng)
Dưới chế độ phong kiến, vua chúa nắm mọi quyền (lập pháp, hành pháp, tư pháp) và do vậy chiếm dụng mọi của cải (từ đất đai, tài nguyên, sức lao động… kể cả tính mạng người dân). Mọi sở hữu cá nhân (tư hữu) chỉ trên danh nghĩa. Ngay cả mạng sống của mình cũng có thể bị vua đòi lại (thu hồi) bất cứ lúc nào, huống hồ tài sản, đất đai. Ở châu Á còn nghiệt ngã hơn: Lớn nhất là tội bất trung = tội chết. Vua đã xử “chết” mà không chịu chết, là bất trung (quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung). Đây là phần cứng trong khái niệm “Lễ”. Mọi thần dân dưới chế độ phong kiến đều phải “tiên học Lễ”.
Chủ nghĩa tư bản (chủ nghĩa “vốn riêng”) chủ trương mỗi cá nhân phải có quyền sở hữu, trước hết là sở hữu “vốn”. Luật pháp phải thừa nhận quyền này để khỏi bị xâm phạm, cắt xén; hoặc lạm dụng.
Để chế độ phong kiến chết tiệt nọc, cách mạng tư bản nhất thiết thực hiện hai điều: 1) Tam quyền phân lập; và 2) Thừa nhận quyền tư hữu cá nhân. Tuổi già dễ bảo thủ. Đến nay, chúng tôi cứ khư khư quan điểm: Ba quyền không tách bạch là dấu hiệu của chế độ phong kiến, dù trá hình cách nào.
Thế nào là “vốn”?
Những thứ sở hữu chỉ để phục vụ sinh hoạt (ví dụ đồ gia dụng, áo quần, cây đàn…) không gọi là “vốn”. Đơn giản, “vốn” là phương tiện để kiếm sống. Có thể đó là tiền bạc, là sức khỏe, tri thức, kỹ năng, sự khéo léo, giọng hát…, miễn là dùng để kiếm sống, làm giàu. Những người suốt đời làm thuê cũng phải có “vốn” để người ta thuê. Còn đám nô lệ xây kim tự tháp hoặc đắp Vạn Lý trường thành thời xưa không có quyền có “vốn”. Sức lao động của họ bị trưng dụng. Họ được nuôi sống – nhưng không gọi là trả công.
Đơn giản, chủ nghĩa tư bản đấu tranh để sức lao động của những người này – dù chỉ là sức cơ bắp – phải được coi là “vốn riêng” (tức tư bản). Vậy, ai muốn sử dụng phải qua mặc cả (thương lượng: mua và bán). Khổ thân bọn tôi, lúc trẻ được dạy rằng công nhân dưới chế độ tư bản phải “bán sức lao động”… Nhưng đây là một quyền không thể có dưới chế độ phong kiến. Vua không trưng mua đất, mà thu hồi.
Gây dựng vốn riêng
Bỏ công sức học hành, luyện tập để “vốn” của mình tăng thêm giá trị là điều chính đáng. Một cầu thủ do khổ công luyện tập khi về hưu sở hữu 20 triệu đô la phải được xã hội tôn trọng, vì anh ta đã chịu thuế thu nhập lên tới 40%. Một nhà tư bản dày công kinh doanh, nếu tích lũy được số vốn 200 triệu đô la đáng được tôn vinh gấp 10 lần, vì đã kinh doanh đem lại “ích dân, lợi nước” và đã chịu thuế thu nhập 50%.
Tước đoạt và con người XHCN
Marx chủ trương tước đoạt của “bọn tư bản”, với lập luận rằng “vốn liếng mà chúng có là nhờ tước đoạt”. Có lẽ, đó là khi Marx viết Tuyên Ngôn (1848) hoặc khi Lénine làm cách mạng tháng 10. Chuyện đúng hay sai của các vị vẫn cần thảo luận. Nhưng nếu hôm nay cụ Marx sống lại, hẳn cũng không dám tước đoạt vốn của anh cầu thủ và nhà tư bản ở ví dụ trên.
Mục tiêu của giáo dục VN từ 40 năm nay là: Đào tạo con người XHCN. Nếu “đạt” thì xung quanh ta đang nhan nhản con người XHCN – trừ chính ta, vì ai mà dám vỗ ngực tự xưng là con người XHCN? Nếu chẳng ai tự nhận thì té ra GDVN đã thất bại?
Hãy coi lại tiêu chuẩn “con người XHCN”. Đẹp tuyệt! Phát triển toàn diện. Đức trọng, tài cao. Lý tưởng trong sáng… Nhưng tiêu chuẩn số 1 là không nguôi căm thù bọn tư bản. Một khi bước vào biên giới nước tư bản, có lẽ anh này chỉ lăm lăm tìm cách phá hoại?
Hai tầng áp bức?
Marx mô tả rất đúng trong Tuyên Ngôn CS: công nhân khổ hết biết. Nhưng nói cho ngay: Họ vốn là những cố nông cùng khổ triền miên ở quê; nay – nhờ công nghiệp hóa – mới có cơ hội chọn một cuộc sống ít khổ hơn. Khi tư bản Pháp mở đường sắt Hà Nội – Lào Cai (đầu thế kỷ XX), dân nghèo làng tôi nô nức đi làm phu (công nhân). Nói đâu xa, ngay năm 2014 ở Việt Nam, cùng một cường độ lao động thì giá ngày công ở quê vẫn thấp hơn ở thành phố.
Học Sử, tôi được dạy rằng khi thực dân Pháp chiếm nước ta, dân ta bị “hai tầng áp bức”. Câu nói đầy hình tượng, nghe xuôi tai vì phù hợp với nỗi lòng người mất nước. Không thể biện hộ cho chế độ thực dân, nhưng đây là chế độ tiến bộ hơn chế độ phong kiến. Nó hạn chế sự khắt khe, nghiệt ngã của chế độ phong kiến, nhờ vậy người dân dễ thở hơn… Nếu không thế, làm sao ta dám đánh giá cao đường lối giành độc lập của cụ Phan Chu Trinh?
Tôi không khuyên giới trẻ chớ có tin sách giáo khoa Sử, nhưng tôi khuyên các thầy viết sử cho khoa học, khách quan… để mọi người tin.
N.N.L.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét