Anh Quân
Khối tài sản khủng của các Ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Ông Trần Văn Truyền, Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ tiếp tục là đề tài thu hút dư luận. Vấn đề là, vật chất không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi. Nhưng chiếu theo nguyên lý này thì người viết thấy thật khó cho Ông Khánh, Ông Truyền trong giải thích nguồn gốc khối tài sản trên. Bởi, chẳng lẽ, Ở Việt Nam, đối với quan chức cỡ bự, vật chất lại sinh ra, mất đi theo quy luật khác…
Liên quan đến kết luận về những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại EVN thời gian qua của Thanh tra Chính phủ (TTCP), dư luận tiếp tục đòi hỏi TTCP, cá nhân Ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng TTCP, các Bộ, Ngành Công Thương, Tài chính, Văn phòng Chính phủ (VPCP), EVN và Thủ tướng Chính phủ công khai làm rõ: Vì sao hàng loạt sai phạm hết sức nghiêm trọng tại EVN lại được bỏ qua dễ dàng như thế; vì sao một cuộc thanh tra kéo dài, tốn nhiều công sức và tiền bạc nhưng kết luận lại mỗi lúc một khác như trò hề, bất chấp luật pháp như thế?
Còn nhớ, cuộc thanh tra được mở đầu từ năm 2011, đến ngày 31/10/2012, TTCP có văn bản 2835/TTCP-VI do Phó Tổng Nguyễn Văn Sản ký, báo cáo Thủ tướng về dự thảo kết luận thanh tra tại EVN. Theo đó, số tiền sai phạm cần xử lý hơn 7.000 tỷ đồng. Gần tháng sau, ngày 30/11/2012, VPCP thông báo Thủ tướng đồng ý với kết luận thanh tra (VB 2024/VPCP-V1). Vậy nhưng 11 tháng sau đó, Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh đã ký kết luận thanh tra số 2181/KL-TTCP ngày 30/9/2013. Theo kết luận này, hơn 6.500 tỷ đồng sai phạm đã được hợp thức hoá.
Giải thích về kết luận thanh tra đã lược bỏ gần 6.500 tỷ đồng do các sai phạm cố ý, có hệ thống, có tổ chức tại EVN, Ông Ngô Văn Khánh, trong cuộc họp báo ngày 15/10/2003 liền vấy ngay cho tập thể. Ông Khánh nói Ông dựa trên ý kiến của Vụ Giám sát Thẩm định và cuộc họp của tập thể lãnh đạo TTCP đã quyết định việc cắt giảm này. Kỳ thực thì đây là kết luận thanh tra có nhiều biểu hiện mất dân chủ, thiếu công khai, minh bạch; có dấu hiệu bao che, chạy tội cho EVN. Hầu hết các thành viên đoàn thanh tra đều không đồng tình với bản kết luận này. Họ đã không được giải thích đầy đủ vì đâu mà có sự sai khác quá lớn giữa 2 bản kết luận thanh tra, được ký cách nhau gần 1 năm giữa 2 phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Sản và Ngô Văn Khánh. Hơn nữa, khi thay đổi kết luận thanh tra, hẳn nhiên, hệ thống các biên bản làm việc với đối tượng và các số liệu đi kèm bắt buộc cũng phải ký lại theo quy định. Vậy nhưng lần này thì Ông Ngô Văn Khánh đã bất chấp…
(http://nguoicaotuoi.org.vn/phap-luat/lien-quan-den-ket-luan-thanh-tra-tap-doan-dien-luc-viet-nam-evn-ong-ngo-van-khanh-pho-tong-ttcp-cat-giam-6-500-ti-dong-nham-muc-dich-gi.html)
Để hiểu rõ hơn, hãy xem những sai phạm nào của EVN đã được Ông Ngô Văn Khánh và TTCP “linh động” bỏ qua?
1. Để giảm bớt khó khăn cho ngành điện, Chính phủ đã bảo lãnh cho EVN vay 8.170 tỷ đồng (giá trị vay bằng đồng yên Nhật, theo tỷ giá tạm tính tại thời điểm 31/12/2012) (Vốn ODA của Nhật bản, lãi suất 1,7%/năm). Mục đích của Chính phủ là giúp EVN giảm chi phí từ đó kéo giá thành điện xuống để góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển và cải thiện đời sống nhân dân. Nhưng không, EVN đã lợi dụng ưu đãi này làm vụ “áp phe” vi phạm pháp luật nghiêm trọng. EVN đã luân chuyển lòng vòng nguồn vốn này: Cho nhà máy nhiệt điện Phả lại (Nay là Công ty cổ phần nhiệt điện Phả lại, PPC) vay rồi vay lại PPC. Cụ thể, EVN nhận vốn vay từ Chính phủ với lãi suất 1,7%/năm và chuyển cho nhà máy nhiệt điện Phả lại vay cũng với lãi suất ưu đãi đó. Thế rồi bằng các hợp đồng số 03/2010/EVN-PPC ngày 20/11/2010 cho EVN vay 350 tỉ đồng; hợp đồng số 01/2011/EVN-PPC ngày 20/8/2011 cho EVN vay 1.000 tỉ đồng và hợp đồng số 02/2011/EVN-PPC ngày 25/10/2011 cho EVN vay 1.000 tỉ đồng (Tổng cộng, PPC cho EVN vay lại 2.350 tỷ đồng), nhưng chết người ở chỗ lãi suất mà EVN vay lại của PPC lên tới 17%/năm, gấp 10 lần khi EVN cho PPC vay!
Cú “áp phe” này đã làm lợi phi pháp cho PPC cùng nhóm lợi ích EVN và đương nhiên móc túi của người dùng điện ít nhất 300 tỷ/năm. Vô lý đến vậy nhưng TTCP và các Bộ Ngành – Công bộc của dân vẫn cho rằng EVN vô can, EVN đang phát huy nội lực?!
Đây là hành vi cố ý làm trái không thể chối cãi. Vi phạm luật doanh nghiệp. Theo đó, PPC cho EVN vay 2.350 tỷ đồng theo mức lãi suất áp dụng tại các ngân hàng thương mại là sai so với giấy phép đăng ký kinh doanh số 0403000380 ngày 25/01/2008 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải dương cấp. Nói cách khác, PPC không có chức năng kinh doanh tài chính nên không được phép tiến hành hoạt động cho vay và hưởng chênh lệch (trái quy định tại điều 8 luật các tổ chức tín dụng: “Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của Công ty chứng khoán”.
Trong một hoạt động có liên quan, EVN đã cho vay và thu phí theo tỷ lệ áp dụng tại tổ chức tài chính trái quy định 112 tỷ đồng. Bản chất của hoạt động này là EVN tăng thu trái phép đồng thời đã làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh điện thêm 112 tỷ đồng.
Ngoài ra, những năm qua, lãi suất ngân hàng rất cao, có lúc chi phí vốn xấp xỉ 20%/năm thì Ban Tài chính kế toán EVN, vì lợi ích cá nhân, đã móc nối tận dụng dòng tiền thu được mỗi ngày (thu tiền điện hàng ngày), gửi tại các ngân hàng, hưởng lãi suất qua đêm hàng trăm tỷ đồng, mặc cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư lúc nào cũng thiếu vốn. Đáng tiếc việc này đã được một số thành viên đoàn thanh tra sờ tới nhưng đã được chỉ đạo bỏ qua?!
Cần khẳng định, sai phạm này của EVN giống hệt đại án tham nhũng xảy ra tại Công ty ALC II. Công ty ALC II chỉ có chức năng cho thuê tài chính, không được thực hiện nghĩa vụ cho vay. Vậy nhưng, các Bị cáo đã ký hợp đồng cho thuê tài chính núp bóng cho vay, gây thiệt hại 500 tỷ mà toà vừa tuyên 2 án tử hình. Tổn thất mà EVN gây ra (và người dùng điện phải gánh chịu) trong sai phạm này lớn hơn nhiều. Mỗi năm, PPC và EVN thụ hưởng trái pháp luật chừng 500 tỷ đồng còn người dân, dù kiệt quệ, vẫn phải cam chịu vét hầu bao để “cõng” EVN. Thử hỏi, còn nghịch lý nào lớn hơn như vậy?
Hãy so sánh hành vi kinh doanh trái phép này và hành vi kinh doanh của bầu Kiên vừa bị tuyên rất nặng (Tổng cộng 30 năm tù giam trong đó có tội kinh doanh không đúng ngành nghề trong giấy phép hoạt động) sẽ thấy sự bất công, chà đạp pháp luật của TTCP, Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước khác khi cùng một hành vi, thích thì xử không thích thì dùng mọi biện pháp để bao biện, lấp liếm. Phải chăng do EVN độc quyền, hay EVN là DNNN?. Dư luận mong Ban Nội chính và Cơ quan đều tra sớm vào cuộc, loại khoản chi phí trái pháp luật này ra khỏi giá thành ngành điện. Xin các vị đừng “đánh trống bỏ dùi” nữa, vì như thế là nối giáo cho giặc đấy.
2. Hạch toán sai chế độ, sai quy định của nhà nước; dối trên, lừa dưới, không minh bạch; giao chỉ tiêu lỗ cho các đơn vị thành viên để trốn tránh thuế thu nhập doanh nghiệp, trắng trợn biến tiền lãi thành chi phí sản xuất…EVN đã không từ thủ đoạn nào nhằm mục đích đánh lừa dư luận và các cơ quan quản lý để tăng giá điện.
EVN lúc nào cũng tự coi mình là Chính phủ thu nhỏ, bất chấp các Bộ Ngành, bất chấp quy định của nhà nước về quản lý kinh tế. Tự tiện hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn sai quy định tại 11 dự án. Hậu quả là tiền lãi thu được biến thành chi phí sản xuất kinh doanh, tức là làm tăng giá điện có chủ đích để móc túi người dùng điện. Số tiền 224 tỷ đồng.
http://dantri.com.vn/chinh-tri/thanh-tra-khang-dinh-hang-loat-sai-pham-tai-evn-825962.htm
Kinh doanh viễn thông thua lỗ 3.000 tỷ đồng, chưa biết đẩy vào đâu, EVN liền bày trò gian dối chuyển lỗ cho các đơn vị 3.366 tỷ đồng bằng cách tự mình quy định giá bán buôn nội bộ trái pháp luật. Kết quả thanh tra chỉ rõ, theo thông tư 05/2011/TT-BCT ngày 25/2/2011, giá bán buôn theo quy định là 891,4 đồng/kWh nhưng EVN tự ý xác định giá bán bán buôn nội bộ bình quân năm 2011 là 978,78 đồng/kWh, làm cho các Công ty điện lực lỗ 3.366 tỷ đồng. Cũng có nghĩa là EVN thu thêm được từng ấy. Cách biến báo này đã làm nhà nước thất thu 200 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. Tương tự, Chi phí truyền tải của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia cũng được EVN “tự quyết” theo hướng giảm 165 tỷ so với mức được Bộ Công thương phê duyệt, làm cho ngân sách nhà nước thất thu thêm 41,3 tỷ đồng.
http://laodong.com.vn/kinh-te/tien-dien-cua-dan-ganh-nhung-du-an-thua-lo-cua-evn-141701.bld
Tất cả những việc làm sai trái này đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về kế toán, thống kê, làm méo mó và biến dạng giá thành điện năng gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát và quản lý nói chung. EVN làm như vậy nhằm cố ý che dấu khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành trái quy định và kém hiệu quả của EVN đồng thời lừa dối người tiêu dùng để dễ bề tăng giá điện. Ấy vậy mà Ông Ngô Văn Khánh, TTCP và các Bộ Ngành vẫn ngoảnh mặt làm ngơ, bỏ qua hết thảy hoặc có chăng cũng chỉ nhắc nhở qua loa. Dư luận mong các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ, công khai minh bạch để người dân được biết.
3. Là Doanh nghiệp độc quyền, mọi chi phí được dễ dàng hạch toán vào giá điện, sai đúng thế nào đã có người dùng gánh chịu. Tận dụng triệt để lợi thế đó, EVN đã không ngần ngại chi hàng triệu USD để đào tạo thạc sỹ QTKD “chui”, bằng thạc sỹ đến nay vẫn không được công nhận. Kết quả thanh tra đã làm rõ, hợp đồng đào tạo 4 lớp thạc sỹ QTKD với khoa sau đại học, Đại học Quốc gia Hà nội có nhiều dấu hiệu sai phạm. EVN ký hợp đồng đào tạo với Khoa sau đại học, Đại học Quốc gia nhưng thực tế hợp đồng lại do trung tâm công nghệ đào tạo và hệ thống việc làm (ETC) thực hiện; giá cả thoả thuận lúc đầu và giá cả thực hiện theo hợp đồng chênh lệch theo hướng thiệt hại cho EVN, khoản chênh lệch hợp đồng (hơn 5 tỷ đồng) rơi vào túi ai chưa được làm rõ…
(http://www.baomoi.com/Ve-ket-luan-thanh-tra-tai-Tap-doan-Dien-luc-Viet-Nam-EVN-Ong-Ngo-Van-Khanh-Pho-Tong-Thanh-tra-Chinh-phu-cat-giam-hon-6000-ti-dong-tien-vi-pham/45/12908630.epi).
Dư luận băn khoăn vì không có Doanh nghiệp nào hào phóng bỏ hàng triệu USD để tạo tạo thạc sỹ mà đến nay ai cũng biết chỉ có những người mua bán bằng cấp để thăng quan tiến chức mới được đào tạo tại lò này. Phải chăng, các thạc sỹ, tiến sỹ và các nhà quản lý của EVN đều được đào tạo từ đây, hèn gì mà mà chất lượng quản lý càng ngày càng theo hướng biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Vì sao khi ký kết luận thanh tra, Ông Ngô Văn Khánh không gắn sai phạm này tại EVN với hàng loạt sai phạm tại ETC mà TTCP đã có kết luận rất nghiêm khắc trước đó? Nên chăng, những người có trách nhiệm trong thương thảo, ký kết HĐ đào tạo này và các học viên phải trả lại tiền cho EVN. Bởi đơn giản, đó là tiền của dân, Dân không thể tối ngày “đầu tắt mặt tối” trả giá điện cao cho cán bộ ngành điện tung tẩy đi học thạc sỹ chui cốt để lấy tấm bằng tiến thân như vậy.
4. Với việc đầu tư ngoài ngành (EVN telecom) làm cho EVN thua lỗ trầm trọng dẫn đến mất hết vốn. Tính đến thời điểm bàn giao tài sản cho Viettel (29/11/2011), EVN đã đầu tư vào viễn thông hơn 2.425 tỷ đồng, thì phải gánh khoản lỗ lên tới 3.000 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là do lãnh đạo EVN đã có sai lầm khuyết điểm trong việc đánh giá, lựa chọn công nghệ không phù hợp, mô hình tổ chức vẫn theo lối độc quyền, thiếu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, theo các thanh tra viên thì đó chỉ là nguyên nhân bề ngoài. Thực tế cho thấy hàng trăm trạm tiếp sóng, hàng chục tấn thiết bị được EVN nhắm mắt nhập về, 30% trong số đó coi như lãng phí vì lắp đặt xong nhưng không sử dụng. Nhiều lô thiết bị lớn được tranh thủ hết sức để nhập ngay khi biết chủ trương chuyển giao EVN Telecom sang Viettel, và đương nhiên là vô dụng…
Chứng kiến sự sụp đổ của Vinashin và Phạm Thanh Bình, Vinalines và Dương Chí Dũng, nhân dân và công luận đã “xây xẩm mặt mày”. Nhưng tất cả đều không thể so sánh với thất thoát kinh hoàng mà EVN gây ra trong thương vụ EVN telecom. Dư luận mong mỏi Ban Nội chính Trung ương và cơ quan điều tra nhanh chóng vào cuộc làm rõ thất thoát, tham nhũng và các hành vi cố ý làm trái tại EVN liên quan đến đầu tư kinh doanh viễn thông, làm rõ trách nhiệm và thu hồi tài sản cho nhà nước, cho nhân dân.
Kinh doanh viễn thông thì mất luôn vốn như nói ở trên, nhưng khi bàn giao EVN telecom, khoản tiền cho Viettel thuê cột điện, đường chuyền trị giá 10.000 tỷ đồng trong 30 năm, tương đương 350 tỷ/năm) đáng lẽ phải thu về cho EVN để giảm giá thành thì với sự vô trách nhiệm vô hạn với người dùng điện, EVN đã biếu không cho Viettel. Không còn nghi ngờ gì nữa, khoản tiền này Viettel đã được hưởng lợi một cách phi pháp còn người dân thì lại phải nai lưng gánh chịu một cách oan uổng. Đến bao giờ người dùng điện mới thoát khỏi cảnh ngộ bi kịch này? Sao khi ký kết luận thanh tra, Ông Ngô Văn Khánh không quyết liệt yêu cầu khoản lỗ này tuyệt đối không được hạch toán vào giá điện dưới mọi hình thức? Phải chăng đã có sự bôi trơn nào ở đây?
5. Vấn đề đưa cả “bikini” vào giá điện và mua xe sang vượt tiêu chuẩn. Đây là cách ví von hài hước nhưng đắng cay của nhà báo Đào Tuấn trên báo Lao động. Thật đáng kinh ngạc, sai phạm rõ như ban ngày thế rồi mà EVN cứ nói vòng quanh. Sự thiếu trung thực, coi thường dư luận của EVN đã đến mức thượng thừa. Có thể khẳng định nếu không có thanh tra thì 600 tỷ đồng để đầu tư xây dựng biệt thự (đơn lập, song lập…), bể bơi, sân tennis đã được hạch toán êm ru vào giá điện. Trắng trợn và bất chấp luật pháp như thế nhưng Ông Chủ tịch EVN vẫn bao biện là việc cần thiết và nhân văn, lại còn dối trá khi cho rằng EVN hạch toán riêng, không hạch toán vào giá điện…?!
Được ngồi trên tiền, lại không có ai kiểm tra kiểm soát, nếu chẳng may sai phạm thì được anh nọ, chị kia; bộ này, ngành khác chống lưng việc gì EVN cũng dám làm. Pháp luật quy định một đằng nhưng EVN cứ làm một nẻo, chẳng làm gì được nhau. Thì đây, việc mua xe sang gấp 2 – 3 lần quy định là một thí dụ. Lãnh đạo EVN, những người chủ trương chà đạp lên các quy định của pháp luật trong việc mua bán, sử dụng xe công vẫn bình an vô sự. Ông Ngô Văn Khánh và TTCP chỉ đề nghị kiểm điểm qua loa, thế là xong chuyện. Thật đáng tiếc, TTCP chỉ phát hiện được 2 xe vượt tiêu chuẩn tại cơ quan EVN để trang bị cho Chủ tịch và Tổng Giám đốc EVN, thế còn hàng trăm xe khác tại các đơn vị, cũng chỉ để Chủ tịch và Tổng Giám đốc đơn vị đi thì nghiễm nhiên được dội vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năng.
Hàng ngày, hàng giờ những sai phạm trên vẫn đang diễn ra tại EVN. Mỗi năm sai dăm ngàn tỷ. Thế rồi lại chính EVN, Bộ Công thương tìm đủ mọi cách lấp liếm, lừa dối dư luận chỉ để nhằm tăng giá điện, đổ lên đầu nhân dân, làm kiệt quệ nền kinh tế và bần cùng hoá các “ông chủ”. Chủ đạo là thế đấy!
…
Thanh tra là công cụ quan trọng thuộc hàng bậc nhất trong công cuộc phòng chống tham nhũng lãng phí. Mỗi cuộc thanh tra đều kéo dài thời gian hàng 6 tháng – 1 năm, kéo theo rất nhiều tiền của, công sức. Quá trình thanh tra các thanh tra viên đã phải đối mặt và vượt qua nhiều cám dỗ, hiểm nguy. Kết luận thanh tra phải nghiêm minh, công khai minh bạch, phản ánh khách quan diễn biến quá trình thanh tra. Kết luận thanh tra do lãnh đạo TTCP ký ban hành nhưng phải được cả đối tượng thanh tra, các thành viên đoàn thanh tra và nhân dân tâm phục khẩu phục trên cơ sở đối thoại thẳng thắn, công khai dưới sự giám sát của nhân dân, công luận. Thử hỏi Kết luận thanh tra tại EVN vừa qua do Ông Ngô Văn Khánh, phó Tổng TTCP ký ban hành đã đạt được những yêu cầu tối thiểu này chưa, hay chỉ úp úp, mở mở; dấu giếm như mèo dấu…vậy, chẳng khác nào chạy án!
Thanh tra như vậy thì ắt, EVN sẽ ngày càng lấn tới, bất chấp luật pháp hơn. Chẳng thế mà Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc EVN trong lần tiếp xúc báo chí mới đây đã lớn tiếng: “Tìm đâu ra một doanh nghiệp gánh trên vai hơn 90 triệu dân …?!”. Ổng còn nói: “…Nói là Tập đoàn điện lực Việt nam, nhưng bản chất chính là chính phủ Việt nam. Nếu vỡ nợ thì sẽ thế nào…”. Ô hay…
http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/tong-giam-doc-evn-khong-nuoc-nao-cho-nganh-dien-pha-san-2364017/
Mấy hôm nay, dân lại kêu thấu trời vì bỗng dưng hoá đơn tiền điện tăng gấp hai, gấp ba, thậm chí gấp mười lần. Cách giải thích vẫn lòng vòng, trơ tráo theo bổn cũ soạn lại. Quá khứ đã vậy, lần này cũng thế thôi. Nếu có bị nhân dân bắt quả tang, trưng ra bằng chứng không thể chối cãi thì … đành kỷ luật qua loa vài nhân viên thấp cổ bé họng là xong. Xem ra, nhân dân còn khổ dài dài với kiểu cách làm ăn của EVN…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét