Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Tính chính danh của toà án

http://nguoidothi.vn/tinh-chinh-danh-cua-toa-an.ndt
Trần Kiên, nghiên cứu sinh, đại học Glasgow (Anh) 
Toà án cũng là một cơ quan quyền lực nhà nước, do đó, toà cũng phải chịu trách nhiệm trước công chúng về việc thực hiện quyền lực của mình. Liêm chính, khách quan, công khai và án phải dựa trên lý lẽ là các yêu cầu căn bản để công chúng có niềm tin vào toà án. Nếu không tuân thủ những yêu cầu này, toà án có thể mất đi tính chính danh, đồng nghĩa với việc công chúng sẽ đi tìm công lý ở nơi khác. Tệ hơn, ngay bản thân sự tồn tại của toà cũng sẽ được đặt ra.

Tính chính danh của toà án
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (áo hồng) trước vành móng ngựa. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN
Có lẽ chưa bao giờ toà án lại trở thành tâm điểm chú ý của công chúng như thời gian vừa qua, với một loạt vụ án quan trọng, liên quan đến nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội được đưa ra xét xử. Không chỉ công lý được đặt lên bàn cân mà tính chính danh của toà án cũng trở thành đối tượng xem xét.

Chính danh thể hiện sự tín nhiệm, tin tưởng của công chúng vào các quyết định, chính sách của các cơ quan công quyền, kể cả khi họ không thật sự đồng ý với các quyết định đó. Chính danh là cơ sở cốt lõi để một chính quyền, hoặc một cơ quan, thực thi các quyền lực nhà nước được trao cũng như là điều kiện để công chúng tuân thủ các quyết định công. Mất đi cơ sở này chính quyền hoặc là phải bị thay thế, hoặc nếu vẫn cố nắm quyền thì sẽ bị coi là bất hợp pháp.
Trong một khảo sát gần đây với hơn 1.000 người dân Việt Nam tại ba thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM, ngân hàng Thế giới (World Bank) báo cáo có đến hơn 58% người dân phản hồi về nạn tham nhũng của toà án và tư pháp, và rằng nạn tham nhũng trong ngành toà án, tư pháp ở Việt Nam tệ hơn các nước trong khu vực.
Thông thường, quyền lực nhà nước được phân tách thành các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các quyền này được trao cho các cơ quan khác nhau với các cơ chế chịu trách nhiệm khác nhau. Quốc hội lập pháp sẽ bị thử thách bởi phiếu bầu của cử tri sau mỗi nhiệm kỳ, hoặc có thể bị giải tán giữa nhiệm kỳ. Chính phủ hành pháp có trách nhiệm giải trình trước quốc hội, có thể bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, kéo theo việc giải tán và thành lập chính phủ mới. Trong trường hợp của hành pháp tổng thống, thì tính chính danh cũng sẽ được đánh giá bởi phiếu bầu của cử tri.
Trong trường hợp của toà án, sự tín nhiệm của công chúng không được thể hiện qua phiếu bầu, mà nó được xem xét thông qua các yêu cầu về công khai, khách quan và thuyết phục trong lý lẽ khi xét xử của toà án. Công khai yêu cầu công chúng phải được quyền tiếp cận với toà án, hay đúng ra là các phiên toà, là yêu cầu toà án phải xét xử công khai. Khách quan bó buộc toà án chỉ tuân thủ pháp luật khi xét xử, không được để bị tác động bởi bất kỳ yếu tố bên ngoài nào dù là quyền hay tiền. Nhưng điều đó cũng chưa đủ, một quyết định chỉ thật sự được các đương sự và xã hội chấp nhận và tôn trọng thực thi nếu nó đưa ra các lý lẽ thuyết phục cho quyết định của mình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc quyết định của toà án không chỉ đơn thuần phản ánh ý kiến độc quyền của hội đồng xét xử, nó phải là nơi lý lẽ của các đương sự có cơ hội được cất lên, đánh giá và ghi nhận.
Thật đáng tiếc, dường như toà án Việt Nam thời điểm này đều đang gặp vấn đề với tất cả các tiêu chí nêu trên.
Đầu tiên, trong một khảo sát gần đây với hơn 1.000 người dân Việt Nam tại ba thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM, ngân hàng Thế giới (World Bank) báo cáo có đến hơn 58% người dân phản hồi về nạn tham nhũng của toà án và tư pháp, và rằng nạn tham nhũng trong ngành toà án, tư pháp ở Việt Nam tệ hơn các nước trong khu vực. Đây quả thật là một thông tin đáng lo ngại vì nếu đúng thì có thể một số lượng không nhỏ quyết định của toà án đã bị bẻ cong bởi tiền.
Bên cạnh đó là sự lo ngại về tính khách quan, độc lập khi xét xử của toà án, đặc biệt là trong các vụ án có liên quan đến cán bộ, công chức, nhất là cán bộ cấp cao; các vụ án tham nhũng… do người làm công tác xét xử vừa bị chi phối bởi quy định của luật pháp nhưng đồng thời còn bị chi phối bởi quy định của các tổ chức chính trị trong hệ thống.
Không chỉ có vậy, trong một diễn biến gây nhiều tranh cãi gần đây, yêu cầu về tính công khai của toà án bị thử thách bởi thông tư mới của Toà án nhân dân tối cao về nội quy phiên toà. Theo đó, quyền tiếp cận đưa tin về phiên toà của báo chí có thể bị hạn chế một cách thiếu thích đáng. Trong bối cảnh với đa số công chúng, báo chí là kênh thông tin duy nhất giúp họ tiếp cận và biết được hoạt động xét xử cuả toà, hạn chế báo chí đồng nghĩa với việc đóng cửa toà án đối với công chúng.
Và cuối cùng, qua một loạt các đại án vừa được xét xử trong thời gian vừa qua, khi toà án có cơ hội nhận được sự quan tâm rộng rãi thì dường như toà lại chưa thuyết phục được công chúng về phán quyết của mình. Điều này bắt nguồn từ việc trong một số vụ, toà án bị chỉ trích là đã hạn chế quyền bào chữa của luật sư và bị cáo, dẫn đến việc chứng cứ không được xem xét đầy đủ như trong vụ án bầu Kiên. Hoặc đôi khi toà bị chỉ trích là đã làm thay cả vai trò truy tố của viện kiểm sát. Trong vụ án Huyền Như, chỉ trích hướng đến việc phán quyết của toà bỏ qua một số quy định pháp luật vì yếu tố chính trị nào đó, như việc bảo vệ Vietinbank khỏi phải bồi thường cho hành vi lừa đảo của nhân viên mình bởi Vietinbank có đa số vốn nhà nước.
Phản ứng với những lo ngại này, công chúng đang có biểu hiện quay lưng lại với toà án. Không ít người đang tìm cách xử lý tranh chấp thông qua các kênh phi chính thức, đôi khi là bất hợp pháp. Tự xử, bảo kê, đòi nợ thuê đang nở rộ và trở thành hiện tượng phổ biến, thay thế vai trò của toà án.
“Vô phúc đáo tụng đình”, câu thành ngữ của người Việt đôi khi được nêu ra không chỉ để nói đến sự không may của những ai lỡ có việc phải dính dáng đến toà án, dù với bất cứ nguyên nhân nào,  mà còn hàm ý về một sự may rủi rất lớn khi phải ra trước công đường. Câu thành ngữ ấy còn chỉ ra một thực tế lớn hơn: lòng tin của người dân vào toà án, vào công lý – từ xa xưa – vốn rất giới hạn. Rào cản tạo ra giới hạn ấy chính là sự thiếu vắng tính chính danh cho sự tồn tại, hoạt động của toà án hoặc bất kỳ cơ quan xét xử nào trong lịch sử Việt Nam. Điều này góp phần giải thích vì sao qua suốt ngàn năm phong kiến, toà án không tồn tại với tư cách một thiết chế độc lập ở Việt Nam. Cho đến khi bắt đầu được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 thì toà lúc bị coi là công cụ của chính quyền thực dân để đàn áp, bóc lột, khi thì được xem là bộ phận để thực thi nền chuyên chính giai cấp cho đến tận những năm gần đây.
Đối diện với một lịch sử và tâm lý tiêu cực như vậy, nếu toà án không biết vun vén xây dựng tính chính danh cho mình, tiếp tục với thực tế đóng cửa, tham nhũng và áp đặt thì e là sự tồn tại và vai trò của toà với tư cách là cơ quan thực thi quyền lực tư pháp, bảo vệ công lý cũng sẽ bị xem xét.
Trần Kiên, nghiên cứu sinh, đại học Glasgow (Anh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét