Nguyễn Ngọc Già (Danlambao)
– Sau cái chết của Thầy giáo Đinh Đăng Định với nghi vấn bị đầu độc, Tù
Nhân Lương Tâm Huỳnh Anh Trí cũng đã về với Nước Chúa vào hồi 13 giờ 30
ngày 5/7/2014. Cả hai Tù Nhân Lương Tâm nói trên, trong những ngày cuối
đời, may mắn được thụ nhận làm con của Chúa trong vòng tay thương yêu
từ các vị Linh Mục thuộc Dòng Chúa Cứu Thế.
Cái chết của hai chiến sĩ đấu tranh cho
tự do – dân chủ làm quặn thắt lòng người. Dù thoát khỏi “tù” nhưng
“đày” vẫn đeo đẳng và hành hạ hai Con Người Thánh Thiện cho đến phút
cuối cùng.
Bên cạnh cái chết của Thầy Định tố cáo
tính phi nhân của người cộng sản, sự ra đi của Huỳnh Anh Trí lột tả bản
chất dã man của những [1]“…con thú chỉ có một đam mê duy nhất là liếm cho mượt bộ lông của chính nó…” – Nhà văn Dương Thu Hương đanh thép tố cáo.
Cái chết của Con Người – Huỳnh Anh Trí –
một cái chết không có hộ khẩu, không cần “chứng minh nhân dân”, vẫn đủ
làm nhức nhối tâm can cho bất cứ ai còn tự xem mình là con người.
Cần phải tố cáo tội ác của người cộng
sản trước toàn thế giới, bằng mọi cách và từ tất cả những ai, những tổ
chức nào đang hướng đến một Việt Nam tự do – dân chủ – nhân quyền.
Tù Nhân Lương Tâm? Đã có! Đang có!
Phan Thúy Thanh – người phát ngôn Bộ
Ngoại giao Việt Nam, cách đây 13 năm, khi phản ứng với Nghị quyết Châu
Âu về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, đã “mạnh mẽ” khẳng định [2]: “Tại
Việt Nam, tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn
giáo của người dân được ghi rõ trong Hiến pháp và được tôn trọng trên
thực tế. Một lần nữa xin nhắc lại rằng, ở Việt Nam không có cái gọi là
tù nhân lương tâm, chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam bị xử lý”.
Mười năm sau, năm 2011, Nguyễn Phương Nga cũng với tư cách người phát ngôn, tuyên bố [3]: “Không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” ở Việt Nam”.
Trước đó, Nguyễn Minh Triết, năm 2007,
phát biểu trước người Việt đang sinh sống tại New Zealand, trong tư cách
Chủ tịch nước [4]: “Người dân cũng được bày tỏ ý kiến của mình,
nhưng mà mình xử những người vi phạm pháp luật, người ta có tổ chức, có
quan hệ trong nước ngoài nuớc, người ta có kế hoạch hành động để lật đổ,
rất đáng xử. Việt Nam đã trải qua chiến tranh, đau thương tang tóc rồi,
bây giờ mong muốn hòa bình để phát triển, bây giờ còn ai đó muốn lật đổ
chế độ này, muốn máu đổ, đầu rơi nữa. Hổng được đâu, cái đó hổng được
đâu [...]. Việt Nam đường đường chính chính, chính sách chủ trương rõ
ràng, cho nên người ta mới xử lý như thế. Vị thế của Việt Nam trên
trường quốc tế càng ngày càng cao cho nên mới xử người ta như vậy”.
“Đầu rơi” đã từng, còn “máu đổ” vẫn
lênh láng hàng chục năm qua. “Máu đổ” không chỉ vương vãi trên từng đầu
tóc hoặc thấm đẫm mỗi tà áo của lương dân, “máu đổ” còn len lỏi và âm ỉ
khắp châu thân Người Tù Lương Tâm, dù Họ đang ngắc ngoải sống hay chuẩn
bị chết.
Nguyễn Minh Triết ngày nay, trong “thú
vui điền viên”, sáng sáng ra ao bắt cá trong “ngôi biệt thự đơn sơ” để
chiều chiều nhâm nhi “bữa cơm đạm bạc” với “mép cá chép” [5] làm mồi
nhắm, chắc ông ta đủ thanh thản và không ngơi nghỉ luận bàn cùng “đồng
chí” lời “đường đường chính chính” “mượt mà” như một chú mèo đang tự
liếm láp thân thể (?)
Bác sĩ Phạm Hồng Sơn – Tù Nhân Lương
Tâm đã khuyên [6]: Đừng lầm lẫn “Tù nhân” với “Phạm nhân”, khi một số
thân nhân của Tù Nhân Lương Tâm gọi người thân của mình là “phạm nhân”
(trích):
“Phạm nhân” (person who breaks law,
who commits a crime) là từ chỉ thấy dùng đại trà đối với mọi người tù từ
khi chế độ độc tài cộng sản hình thành trên đất Việt. “Phạm nhân” là từ
có ý miệt thị, thiên lệch ngầm khẳng định một cách tùy tiện người đó đã
“phạm tội” bất biết oan-sai. “Phạm nhân” đã tước đi nguyên tắc suy đoán
vô tội của luật pháp và chà đạp phẩm giá con người.
“Tù nhân” (prisoner) là một từ trung tính, chỉ người bị cầm tù bất cứ vì lý do gì, có tội thực hay bị oan sai, bị bách hại. (Hết trích)
Người cộng sản luôn chạy trốn chữ “tù
nhân” [7] và càng hãi hùng kinh khiếp chối bỏ chữ “Tù Nhân Lương Tâm”.
Tại sao người cộng sản sợ đến thế(?!).
Nếu bạn đọc chưa tin lắm, xin mời đọc
“Luật thi hành án hình sự” [8], trong đó, người cộng sản không hề dám đề
cập đến chữ “tù nhân” (trích):
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người chấp hành án là người bị kết tội và phải chịu hình phạt theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.
2. Phạm nhân là người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân.
3. Thi hành án phạt tù là việc cơ
quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc phạm nhân phải
chịu sự quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo để họ trở thành người có
ích cho xã hội.
4. Thi hành án tử hình là việc cơ quan có thẩm quyền tước bỏ quyền sống của người chấp hành án theo quy định của Luật này. - (Hết trích)
Ngay cả khi bị tử hình, cộng sản cũng né tránh chữ “tử tù”.
Nói về “chữ nghĩa”, “án tù” ngắn gọn và trong sáng hơn so với “án phạt tù”.
Trong “Quyết định tạm đình chỉ án phạt
tù” [9] đối với ông Cù Huy Hà Vũ, người cộng sản vi phạm chính “luật”
của họ viết ra, khi gọi ông Vũ là “người bị kết án” thay vì phải gọi ông
Vũ là “người chấp hành án”.
Người cộng sản tự lố bịch hóa khi biến trò “chơi chữ” trở nên thô lậu và trần trụi.
Đến đây, chắc đông đảo bạn đọc đã phần
nào tạm thấy người cộng sản là những “ảo thuật gia” chữ nghĩa. Tuy
nhiên, đó là những “ảo thuật gia” tồi, vì không qua mắt được “khán giả”.
Do đó, không có gì khó hiểu khi họ xóa sổ chữ “nhà tù”, “trại tù” hay “khám” và thay vào đó là “trại giam”.
Cần một lá cờ cho Tù Nhân Lương Tâm
Người con gái Việt Nam da vàng
Yêu quê hương nên yêu người yếu kém
Người con gái ngồi mơ thanh bình
Yêu quê hương như đã yêu mình
(Người Con Gái Việt Nam Da Vàng – Trịnh Công Sơn) [10]
Đỗ Thị Minh Hạnh đặt chân vào nhà tù ở
tuổi 25 và bước ra khỏi chốn đọa đày vào tuổi 29, sau hơn 4 năm hứng
chịu mọi hình thức trả thù tàn ác vô nhân đạo. Điều này không có nghĩa
Cô hết chịu “kiếp đoạn trường” do cộng sản gây ra [*].
Tuy vậy, điều đó không lấn át được khuôn mặt hiền dịu cùng ánh mắt ngời sáng với nụ cười mộc mạc.
Cô cất tiếng hát trong veo như pha lê, giữa bạn hữu cùng những bó hoa rực rỡ dành cho Cô. Một hình ảnh giản dị mà lung linh.
Lời trần thuật của Minh Hạnh [11] về
những ngày đầu cô cùng những người bạn thân dấn bước trên con đường đấu
tranh cho công nhân đủ làm ngậm ngùi cho người theo dõi. Những thanh
niên thời đại này, nếu không có Họ, quê hương sẽ ra sao???
Dường như còn thiếu một lá cờ, lẽ ra nên trao tặng Minh Hạnh, bên cạnh những bông hoa tươi thắm.
Đó phải chăng là điều mà Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo cùng Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm [**] cần nghĩ tới?
Kết
Có thể nghĩ đến một lá cờ với:
- Nền trắng, biểu trưng cho tấm lòng trung trinh của Tù Nhân Lương Tâm?
- Trên nền trắng tinh khôi đó, một trái tim được cách điệu chan chứa ân tình, trang trọng đứng giữa “Tâm” lá cờ?
Lá cờ tựa như ghi ơn các thế hệ Tù Nhân
Lương Tâm đã và đang đấu tranh, chịu hy sinh thân mình cho Quê Hương và
Dân Tộc Việt Nam.
Lá cờ đó cũng nên được phủ lên quan tài
những Tù Nhân Lương Tâm đã nằm xuống như Đinh Đăng Định, Huỳnh Anh Trí
v.v… và cũng được sử dụng để vinh danh trong “Ngày Tù Nhân Lương Tâm”?
Cuối cùng, một nhạc khúc “Lương Tâm Ca”
hình như cũng là điều thiết thực đang chờ đợi các nhà soạn nhạc? Đó
chính là lời kêu gọi hàng triệu con tim Việt Nam cùng tiến lên giành lấy
Quyền Con Người?
_____________________________________
Chú thích:
[*] Trang blog của nhà báo Huỳnh Ngọc
Chênh cho biết: “…Minh Hạnh không cao lắm, lại đột ngột tăng cân một
cách khó hiểu từ hai tháng trước ngày được tự do nên trông khá mập tròn,
không còn hình dáng thon mảnh như trong các bức ảnh chụp trước đây khi
chưa vào tù…”.
Đó là dấu hiệu lạ cần phải lưu ý và cẩn trọng với những xét nghiệm tức thời và nghiêm túc.
[**] Nhân đây, người viết đề nghị “Hội
Cựu Tù Nhân Lương Tâm” nên suy nghĩ về chữ “cựu”. Ở một góc độ nào đó,
khi chữ “Cựu Tù Nhân Lương Tâm” được sử dụng, dễ làm cho người ta hiểu
lầm, ý nghĩa đó như là “việc ở tù đã xong”, họ không còn trực tiếp chịu
những đày đọa thể xác và tinh thần thường xuyên. Trong khi tất cả những
ai mang danh “Tù Nhân Lương Tâm”, dù ra khỏi nhà tù hay án treo, quản
chế, họ vẫn đang gánh chịu nặng nề từ chế độ cộng sản.
Việc sử dụng “Cựu Tù Nhân Lương Tâm” cũng vô hình chung làm họ bị “đứt gãy” cả quá trình hy sinh, đấu tranh cho dân cho nước.
Vì thế, “Cựu Tù Nhân Lương Tâm”, thiết
nghĩ không nên sử dụng cho bất kỳ trường hợp nào liên quan đến đấu tranh
dân chủ – nhân quyền, bất kể họ ở tù, hết án, quản chế, qua đời hay
đang ở trong “nhà tù lớn”.
Có vẻ chữ “Cựu Tù Nhân Lương Tâm” chỉ đúng ý nghĩa, một khi chế độ độc tài toàn trị cáo chung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét