Boxitvn
Thiện Tùng
Cách đây không lâu, tôi có bài viết “Trung Quốc cần Việt Nam hơn Việt Nam cần Trung Quốc” đăng trên Bauxite Việt Nam.
Giải thích cho vấn đề này: Bành trướng để bá quyền là bản chất cố hữu
của nhà cầm quyền TQ. Bởi bản chất ấy, họ ít bạn nhiều thù. Bạn của họ
có chăng cũng do sợ mà phủ phục, chớ thực chất “đồng sàng dị mộng”. Từ
lâu cũng như hiện nay, TQ tứ bề thọ địch: phía Bắc có Nga; phía Đông có
Nhật, Nam Hàn và cả Đài Loan; phía Tây có Ấn Độ; phía Nam có khối Asean.
Asean là khối 10 nước nhỏ, nhưng lại là vùng đất béo
bở. TQ bung ra hướng Nam này nằm trong khả năng nếu thu phục được VN. Về
tương quan, từng nước trong khối không phải là địch thủ đối với TQ,
nhưng nếu 10 nước đồng lòng với nhau thì TQ phải sợ. Bởi vậy, chia để
trị, để thôn tính là ngón nghề của TQ, họ thích bàn thảo song phương,
tối kỵ đa phương.
Thu phục VN trở thành ý đồ chiến lược bao đời của
giới cầm quyền TQ. Bành trướng về hướng Nam mà không thu phục được VN là
mộng không thành. Do vậy, về sách lược, TQ khi cứng lúc, mềm đối với
VN, quyết không để VN vuột khỏi tầm tay mình.
Lối hành xử của TQ “mềm nắn, rắn buông”. Không phiền
nhắc đến chuyện xa xưa: dùng lời ngon tiếng ngọt dụ khị không được, năm
1979, TQ xua 600 ngàn quân tràn sang biên giới phía Bắc VN “dạy cho VN
một bài học”. Thằng học trò ngỗ nghịch chẳng những không chịu học mà còn
quơ “thước” phang lại thầy máu me be bét, mang đầu máu chạy.
Dùng biện pháp cứng không được thì mềm: TQ bí mật cử
đặc phái viên thuộc Cục tình báo Hoa Nam sang VN vuốt ve lãnh đạo đảng
CSVN và mời họ sang Thành Đô mật bàn “đại cục” giữa 2 đảng và 2 nước.
Đối với lãnh đạo đảng CSVN, hội nghị Thành Đô có lợi lộc gì không làm
sao biết được, chớ đối với nhân dân VN nó là một thảm họa – thảm họa như
thế nào không cần nói mọi người cũng đã biết.
Sau gần một phần tư thế kỷ (1990-2014) vuốt ve, thấy
lãnh đạo VN có vẻ “phủ phục” Bắc triều, TQ nôn nóng kéo giàn khoan vào
hải phận VN, gọi là thăm dò dầu khí chớ kỳ thực thăm dò phản ứng để độc
chiếm biển Đông theo đường lưỡi bò mà họ tự vạch. Không ngờ, chẳng những
nhân dân VN mà gần như các nước trên thế giới đều đồng thanh phản ứng.
Đáng nói, những người lãnh đạo đảng CSVN không quản được dân mình, để
chúng biểu tình la hét om sòm, buộc giới lãnh đạo VN, không cách nào
khác, từng bước thay phiên nhau phản đối TQ – người phản đối sau chót
đúng 2 tháng khi TQ đặt giàn khoan là Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú
Trọng.
Thấy nuốt không trôi và sợ VN vuột khỏi tay mình, TQ
hộc tốc rút giàn khoan trước dự định 1 tháng. Họ coi việc rút giàn khoan
ra khỏi lãnh hải VN là thượng sách, vừa tránh búa rìu dư luận đối với
mình, vừa cứu đảng CSVN một bàn thua trông thấy. Quả vậy, việc TQ rút
giàn khoan như cấp cho lãnh đạo đảng CS VN viên thuốc hồi sinh, các vị
bắt đầu nói năng “mạnh miệng” hơn một chút với dân mình.
Có lẽ vì “đại cục” giữa 2 đảng anh em do mật nghị
Thành Đô mang lại, lãnh đạo đảng CSVN cử đặc phái viên Lê Hồng Anh sang
gặp giới cầm quyền TQ. Họ tiếp tục “đi mây về gió” theo phương cách hội
nghị Thành Đô, nói mà không cho người ta biết mình nói nội dung gì và
muốn làm gì. Theo Tân Hoa Xã: “Hai bên đã đạt được nhận thức chung nguyên tắc 3 điểm về tiếp tục phát triển quan hệ Trung-Việt:
1/ Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ tiếp tục tăng
cường chỉ đạo trực tiếp phát triển quan hệ song phương, thúc đẩy quan hệ
Việt-Trung trước sau như một, phát triển lành mạnh ổn định.
2/ Hai bên phải tiếp tục sâu sắc giao lưu giữa 2
Đảng, nhìn về lâu dài, khôi phục và tăng cường hợp tác trong các lĩnh
vực quốc phòng, kinh tế, thương mại, an ninh, hành pháp, nhân văn, v.v.
3/ Hai bên đồng ý tuân thủ nhận thức chung quan
trọng đạt được giữa lãnh đạo 2 Đảng và 2 nước; nghiêm túc thực hiện thỏa
thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa 2
nước Việt-Trung, vận dụng tốt cơ chế đàm phán Chính phủ về biên giới
Việt-Trung, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể
chấp nhận được, tích cực nghiên cứu và thương lượng về vấn đề cùng khai
thác, không áp dụng hành động phức tạp và mở rộng tranh chấp, giữ gìn
đại cục của quan hệ Việt-Trung cũng như hòa bình và ổn định của Biển
Đông (mà TQ gọi là Nam Hải)”.
Kết thúc chuyến đi, Lê Hồng Anh chuyển lời Tổng bí
thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời Chủ tịch đảng
và cũng là Chủ tịch nước Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam.
Qua hiện tượng trên, người ta có quyền nghi ngờ kịch
bản Thành Đô sẽ tái hiện. Vì mật nghị giữa 2 Đảng, trước đây không nhất
thiết gặp nhau ở Bắc Kinh mà gặp ở thủ phủ tỉnh Vân Nam – Thành Đô, thì
sắp tới có lẽ hai Đảng sẽ gặp nhau không nhất thiết ở Hà Thành mà có thể
Sài Thành hay tỉnh lỵ nào đó của Việt Nam không chừng.
Ngày nào 2 đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc còn
đi đêm với nhau và nói không cho dân hiểu thì ngày đó chẳng những nhân
dân VN có quyền nghi ngờ lãnh đạo của mình và bè bạn thế giới cũng được
quyền nghi kỵ đối với Việt Nam.
31/08/2014
T.T.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét