Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Đọc Đèn Cù của Trần Đĩnh

Vietbao

Phan Tấn Hải
Trần Đĩnh không phải là một tác giả quen tên đối với người đọc sách Miền Nam Việt Nam, và cũng khá lạ với độc giả hải ngoại.
Nhưng ông là người đã từng cầm bút viết lên những trang sách nhiều triệu người đọc, ở Miền Bắc.
Trần Đĩnh là người chấp bút Tiểu sử chính thức đầu tiên của Hồ Chí Minh, năm 1960; và chấp bút các cuốn tự truyện, hồi ký cho Phạm Hùng, Lê Văn Lương… trong đó, nổi tiếng với dân Miền Bắc là cuốn “Bất Khuất” (hồi ký tù Côn Đảo của Nguyễn Đức Thuận, 1967). Trần Đĩnh cũng là dịch giả nhiều tác phẩm văn học…

Tại sao dân Miền Nam và hải ngoại ít biết tới Trần Đĩnh? Câu trả lời đơn giản: ông bị bắt, bị cải tạo lao động (trong một xưởng in), bị quản chế nhiều năm vì liên hệ trong “vụ án xét lại” — một vụ án được nhiều người gọi đơn giản là vụ án Hoàng Minh Chính, hay vụ án “tay sai Liên Sô”.

Tại sao ông dính vào “xét lai”?
blank
Tô Hoài (trái) và Trần Đĩnh (hình trang 590, sách “Đèn Cù.”)
Nơi trang 561 của “Đèn Cù,” tác giả Trần Đĩnh giải thích:
“Nhiều người không biết gốc tội chúng tôi là muốn đối thoại với bà con trong Nam chứ không xin máu họ. Cộng sản tồn tại nhờ chuyên chính bạo lực nhưng chúng tôi đòi giải vũ trang đảng, đòi đảng phải chụp bạo lực đi hay từ bỏ vai trò “bà đỡ của cách mạng” hay thôi con đường “chính quyền ra từ nòng súng.” Thực chất đòi dân chủ cho muôn người… chúng tôi đã xung phong làm nghịch tử. Không thích đổ máu người nữa. Thích quyền người.”
Cuốn tự truyện của Trần Đĩnh dày 600 trang, đầy những chi tiết về bản thân ông, một chàng trai theo lý tưởng chống Pháp, tham dự tổng khởi nghĩa do Cộng sản lãnh đạo ngày 19-8-1945 khi mới 15 tuổi, và năm 19 tuổi được đưa vào An Toàn Khu để làm báo Sự Thật bên cạnh các lãnh tụ như Hồ Chí Minh, Trường Chinh…
Tuy là tự truyện, nhưng trước hết đây là một lối viết rất văn học, chú ý tới nhiều chi tiết dễ dàng làm độc giả hình dung ra người và cảnh một cách sinh động.
Thí dụ, nơi trang 84, Trần Đĩnh kể rằng ông Hồ và Trường Chinh tham dự buổi đấu tố cụ bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long): “Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt.”
Cũng như chi tiết áo quan rẻ tiền, không chứa nổi xác bà cụ Nguyễn Thị Năm, nên “Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô…” (trang 86)
Bịt râu và đeo kính râm suốt… Nhảy lên xác cụ bà, vừa giẫm vừa hô…
Đó là những chi tiết văn học, làm đôc giả thấy cảnh hiện ra rõ ràng.
Trần Đĩnh vào nghề làm báo và dược Trường Chinh (Tổng Bí Thư Đảng và là Chủ nhiệm bao Sự Thật) hướng dẫn.
Trần Đĩnh cũng kể về “mối tình” của ông Hồ với cô Phương Mai… Cách kể chuyện của Trần Đĩnh rất văn học, với những chữ như: tự nhiên, mang ba lô, chăn chiếu, tớ được xua về sớm, về muộn, máy Cụ…
Trích trang 30:
“Một dạo Phan Kế An ngày ngày đến vẽ Cụ Hồ. Một chiều về sớm hơn, An nói: À, cái P.M. (Phương Mai) tự nhiên mang ba lô, chăn chiếu đến chỗ Ông Cụ, tớ được xua về sớm. Vài tháng sau, An lại về muộn. Hỏi vì sao thì An nói không thấy P.M. (Phương Mai) đến nữa. Chắc máy cụ yếu, giải đáp thuần túy sinh học. Không tính đến sở thích, gu của cụ”. (hết trích)
Đó là văn học, kiệm lời nhưng đưa sâu vào trí nhớ độc giả.
Phương Mai là ai?
Không rõ có phải Phương Mai đươc Nguyễn Minh Cần (Cựu Phó Chủ Tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội) kể trong bài “Vài mẩu chuyện về cuộc đời HCM”, trích:
“…Xin nói rõ chuyện như thế này: hồi đó, có ý kiến là ông Hồ cần có vợ để việc “giải quyết sinh lý” được điều hòa thì tốt cho sức khỏe. Và sau Hiệp định Genève 1954, người ta chọn một người “kháu” nhất trong số nữ cán bộ trẻ, đó là chị Nguyễn Thị Phương Mai, tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Thanh Hóa và đưa chị từ Khu Bốn ra Hà Nội để tiến cử lên ông Hồ. Và như ta đã biết qua cuộc “loạn đàm,” chị đặt vấn đề phải có hôn nhân đàng hoàng. Thế là… việc không thành. Rồi chị được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ thương binh và ở luôn tại Hà Nội.”(hết trích)
Chị Phương Mai đặt vấn đề? Hay là ông Hồ thấy dan díu đã đủ rồi? Dĩ nhiên, không ai có câu trả lời chỗ này…
Trần Đĩnh cũng kể về cô X. người đứng bên cạnh ông Hồ và đươc ông Hồ xem là “con nuôi.” Cô X. Những cảm xúc của Trần Đĩnh với cô X. đươc kể nơi trang 97-98 và:
“Tôi quả đang vút lên chín tầng mây… Mới hôm qua ở suối lên, dốc trơn, tôi giơ tay ra đỡ X. Bàn tay con gái tôi lần đầu nắm lâu trong đời. Và cảm giác rạo rực theo tôi mãi…”
Cô X. lúng túng, rơi chiếc thìa trên cỏ… Cô X. cũng là người làm Trần Đĩnh mơ mộng, có lúc ký tên với bút hiệu Hoàng X. là vì cô.
Nơi trang 375, Trần Đĩnh kể tiếp:
“…rồi cô cho tôi cái thìa, món kỷ niệm tôi đặt lên trên bụi lạc tiên đầy bụi ở giữa Na Sầm và Đồng Đăng, chờ vượt sang Trung Quốc. Tóm lại tình trong như đã, mặt ngoài còn e…”
Nhưng rồi Trần Đĩnh tiêt lộ, cô X. chính là cô Xuân, chết ở Hà Nội vì bị ô tô đè… (trang 183) Nhiều năm sau, người ta mới biết cô Xuân cũng là một phần giường chiếu của ông Hồ.
Đọc “Đèn Cù” của Trần Đĩnh, chúng ta nhìn rõ hơn về cach công an đàn áp những người “xét lại,” và thấy một sự thật nữa: mỗi lần chuyển biến chính sách đối ngoại, sẽ có một thành phần trong Đảng bị thanh trừng.
Bản “Đèn Cù” tôi đọc tuy có vài trang in nhầm, nhưng 600 trang sách đầy những chi tiết lịch sử đã lôi tôi vào một thế giới hiếm người Miền Nam biết tới: từ nơi An Toàn Khu, Trần Đĩnh làm báo với Trường Chinh, rồi đi Bắc Kinh nhiều năm để học, những cảm xúc của anh với cô diễn viên múa Hồng Linh có cha bị giết oan vì nghi là Tàu Tưởng (phe Tưởng Giới Thạch), rồi về nước làm báo tiếp, bị thanh trừng, đẩy vào một góc xưởng in để “lao động cải tạo” nhưng tất cả các thợ in đều thương cảm…
Nhiều chi tiết lịch sử đươc ghi lại mà chính sử sẽ bỏ qua, trong đó có chuyện Lê Duẩn “trình bày về đề cương về vấn đề con người” riêng cho triết gia Trần Đức Thảo nghe (trang 435-441) và khi xin Giaó sư Thảo có ý kiến… thì:
“Ngơ ngác một lát, Thảo nói: – Tôi không hiểu gì cả.”
Thế là, Lê Duẩn vòng ra sau GS Thảo, vòng tay ôm GS Thảo nhấc lên, giộng xuống đất mấy cái cho hả giận… rồi bỏ vào trong nhà.
Sau đó, GS Trần Đức Thảo kể lại với Trần Đĩnh, Duẩn chẳng hiểu gì về chủ nghĩa Mác… Rồi Trần Đức Thảo thì thầm vào tai Trần Đĩnh: “Làm sao Duẩn lại Mác-xít được?”
Có một chi tiết cũng đã bị chính sử Hà Nội xóa đi: nhà báo Bùi Tín vào Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. Bây giờ, Hà Nội không muốn nhắc tới tên của nhà báo Bùi Tín, người đã vào Dinh Độc Lập và đã tò mò mở cửa một tủ lạnh nơi này…
Đọc cuốn Đèn Cù, sẽ có một số người không hài lòng, vì một số nghi vấn lịch sử không đươc Trần Đĩnh chú ý nhiều.
Người đọc có cảm giác không nghi vấn gì về tập thơ trong tù ký tên ông Hô mà một số học giả nói là của một bạn tù khác, và độc giả cũng không nghi vấn gì về một ông Hồ sau này được nói là gián điệp Hoa Nam giả mạo để càì vào VN.
Ông Hồ trong “Đèn Cù” là một nhà hoạt động với những tham sân si đời thường, và cũng tội nghiệp khi bị Lê Duẩn lấn ép.
Nhưng Trần Đĩnh viết theo trí nhớ, theo những gì ông thấy, ông nghe. Và khi ông viết (thập niên 1990s) lại chưa có Internet để tra cứu tài liệu. Và cũng có thể nêu nghi vấn rằng ông nhớ không chính xác một số chi tiết.
Dù vậy, chúng ta không thể đòi như một tác phẩm nghiên cứu. Đây là một hồi ký, một tự truyện và tận cùng là một tác phẩm văn học; “Đèn Cù” đã ngay lập tức có một vị trí đôc đáo trong dòng văn học Việt Nam.
Trần Đĩnh đã cầm bút lên để viết như một chứng nhân của cách mạng, viết như một nạn nhân của vụ án xét lại, viết như một nhà văn trôi nổi với lịch sử dân tộc, và trong tận cùng là viết như một người con rất mực yêu thương đất mẹ.
Sách đề giá 25 Mỹ Kim, xuất bản bởi Người Việt Books. Có thể vào Amazon.com để mua.
Ngắn gọn, những ngươì quan tâm về lịch sử không thể không đọc sách này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét