Boxitvn
Hoàng Hưng
1. Với tư cách là một trong số những người sáng lập
Ban Vận động Văn đoàn độc lập, không biết ông có thể giúp các độc giả
trẻ của Phía Trước hiểu được mục tiêu mà Văn đoàn độc lập hướng tới
trong quá trình cải thiện văn hóa xã hội tại Việt Nam hiện nay?
- Trước nhất, xin minh định rằng những ý kiến trả lời
Phía Trước ở đây hoàn toàn là ý cá nhân Hoàng Hưng, không đại diện cho
tập thể Ban Vận động VĐ ĐL (xin viết tắt là BVĐ).
Thứ hai, xin minh định rằng Văn đoàn ĐL VN chưa ra
đời, vì chưa hội đủ điều kiện chủ quan cũng như khách quan. Mọi hoạt
động của BVĐ từ khi ra mắt (3/3/2014, đúng vào ngày truyền thống của Nhà
văn Thế giới – World Writers Day) có mục đích chuẩn bị các cơ sở cần
thiết cho sự ra đời trong tương lai của VĐ ĐL VN.
Mục tiêu của VĐ ĐL VN đã thể hiện rõ trong tuyên bố
ngày 3/3/2014 của BVĐ: “… góp phần tích cực xây dựng và phát triển một
nền văn học Việt Nam đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập
với thế giới, có thể đóng vai trò tiền phong đúng như nó phải có trong
sự nghiệp phục hưng văn hóa, phục hưng dân tộc mà lịch sử đang đòi hỏi”.
Mục tiêu của chúng tôi xem ra rất to lớn, nếu xét
thực trạng văn học VN hôm nay: Một nền văn học VN đích thực nghĩa là một
nền văn học không bị chính trị hoá, đạo đức hoá, cũng không tháp ngà
hoá. Tính chất căn bản của nó là nhân bản, dân chủ, hiện đại. Tham vọng
của nó là đóng vai trò tiền phong trong sự nghiệp phục hưng văn hoá nước
nhà.
Nhưng vai trò mà chúng tôi tự đặt ra cũng rất khiêm
tốn: “góp phần xây dựng và phát triển” một nền văn học như thế, nghĩa là
cùng với các tổ chức văn học khác và các nhà văn độc lập không ở tổ
chức nào, chung sức phấn đấu cho nền văn học ấy. Không bao giờ chúng tôi
có ý “độc tôn” vai trò của mình, hay “đối lập” với những tổ chức khác
mà tôi tin rằng không ít thì nhiều cũng tán thành mục tiêu như chúng tôi
đề ra.
2. Nhiều người cho rằng nguyên nhân khiến Văn đoàn
độc lập bị chính quyền cản trở là do hai chữ “độc lập”. Ông nghĩ sao về
nhận định này?
- Nhận định này là một suy đoán, nhưng là một suy
đoán có cơ sở. Bản thân tôi cũng nhiều lần hỏi những người của “cơ quan
chức năng”: Vì sao luôn luôn có các động thái “vận động” thành viên BVĐ
(gây sức ép với cá nhân và cơ quan làm việc của họ) rút ra khỏi BVĐ? Vì
sao đặt tường lửa nghiêm ngặt với trang web vanviet.info của BVĐ trong
khi bài vở của nó rất ít trực tiếp bàn về các vấn đề chính trị “nhạy
cảm” mà chủ yếu chỉ là những sáng tác và phê bình, nghiên cứu văn học,
văn hoá? Vì sao có “chỉ thị miệng” ngăn cản tên tuổi các thành viên BVĐ
xuất hiện trên báo chí chính thống? Vì sao có việc phổ biến khắp nơi cho
hội viên các hội văn nghệ “tránh xa” BVĐ? Vì sao có sự vu cáo BVĐ là tổ
chức chính trị nhận tiền nước ngoài? Vì sao có cả một tờ báo “chính
thống” ngang nhiên vu khống BVĐ tạo ra “tổ chức đối lập” để kêu gọi nhà
văn xuống đường làm “cách mạng hoa nhài”? Vì sao BVĐ lại trở thành một
“đối tượng” mà cơ quan an ninh phải “chăm sóc” trong khi thành viên của
nó gồm rất nhiều nhà văn nổi tiếng, có uy tín, và đảng viên lâu năm của
ĐCS?
Chỉ có thể vì hai tiếng “độc lập”. “Độc lập” có ý nghĩa gì mà “họ” sợ thế? Theo riêng tôi, nó có hai nghĩa:
1/Từng nhà văn trong VĐ đều độc lập về quan điểm
chính trị, quan điểm nghệ thuật với các thành viên khác. Điều này khiến
VĐ ĐL VN khác với các nhóm, các phái văn chương tập hợp nhau vì có chung
hay gần gũi về đường lối sáng tác như Tự lực Văn đoàn, Xuân Thu Nhã
tập, Sáng Tạo…
2/ Tổ chức VĐ ĐL VN độc lập với mọi thiết chế, tổ chức trong, ngoài nước.
Vấn đề chính là ở vế thứ hai. Có thể nói: trong lãnh
thổ thuộc quyền toàn trị của đảng CSVN từ trước đến nay, chưa từng có
một hội đoàn dân sự nào “dám” tuyên bố “độc lập”, tức là không chịu phụ
thuộc, chịu dưới quyền lãnh đạo, chi phối của đảng ấy thông qua các cơ
quan do đảng ấy dựng lên. Chắc chắn họ sẽ cho đây là một hành động “phạm
thượng” không thể chấp nhận, có thể “đầu têu” cho những hội đoàn có
tinh thần độc lập tương tự.
Khốn nỗi, “độc lập” là điều kiện trước tiên để mỗi
nhà văn có thể làm nên một tác phẩm đúng như mình mong muốn. Sự thiếu tư
duy độc lập, quan điểm độc lập, ngược lại, cái “vòng kim cô” tạo nên
tâm thế “tự kiểm duyệt” để khuôn theo đúng “đường lối”, chính là những
điều vẫn còn cản trở nhà văn VN đi đến hết mình trong sáng tác. Một nhà
văn có tên tuổi đã phát biểu: “Vòng kim cô siết chặt đầu tôi quá lâu
rồi. Tôi đã và đang tự bứt phá. Việc gia nhập VĐ ĐL giúp tôi dứt khoát,
thoát hẳn nó.”
Độc lập cũng là bản chất của một hội đoàn dân sự, nếu
nó thật sự là đoàn thể tự nguyện của mọi người tập họp nhau một cách tự
giác, không phải là tổ chức “ngoại vi” của nhà nước hay thậm chí là cơ
quan nhà nước trá hình, với đủ các chức quan, các ban bệ… ăn vào tiền
thuế của dân như hiện nay.
Mặc dù đang có sự ngăn chặn của chính quyền, xu hướng
“độc lập” chắc chắn sẽ chiến thắng trong tương lai không xa, nhà nước
sẽ phải chấp nhận sự tất yếu ấy. Việc vận động cho một Văn đoàn Độc lập
nhìn về bản chất chẳng khác việc “khoán hộ nông dân” của ông Kim Ngọc
trước ngày đảng CS chịu “đổi mới” về kinh tế.
3. Theo ông, vai trò của các trí thức, văn nghệ sĩ
trong xã hội là gì? Muốn đảm nhiệm tốt vai trò ấy, trí thức, văn nghệ sĩ
cần phải có phẩm chất như thế nào?
- Trí thức, văn nghệ sĩ ở mọi quốc gia bao giờ cũng
kết tinh trí tuệ, tâm hồn của nhân dân. Vai trò của họ chính là giữ gìn
bộ óc lành mạnh, con tim nhân ái của cộng đồng, thức tỉnh lương tri con
người trong những hoàn cảnh tối tăm, dự báo chiều hướng phát triển của
xã hội. Phẩm chất cao nhất của trí thức, văn nghệ sĩ là giữ được tính
độc lập để tự do sáng tạo, vì chỉ có như thế họ mới có hy vọng đóng được
vai trò trên, nhiều ít phụ thuộc tài năng từng người. Trong hoàn cảnh
nước ta, sự độc lập của trí thức văn nghệ sĩ bị tước đoạt đã quá lâu do
thể chế chính trị toàn trị, chỉ số ít người có bản lĩnh dám chấp nhận
thiệt thòi, thậm chí bị đối xử tàn tệ, để giữ lấy độc lập tự do nội tâm.
Biết bao người suốt một đời cam phận ra rìa hoặc ở trong bóng tối, đến
cuối đời mới công bố được tác phẩm tâm huyết. Họ phải trả giá đắt cho
bản lĩnh của mình, nhưng xã hội cũng phải trả giá không kém vì đã “ăn
thịt những đứa con ưu tú” của mình.
4. Ông có cho rằng có sự khác biệt rất lớn giữa các
văn nghệ sĩ, trí thức ở thế hệ trước và các thế hệ trẻ không? Ông nghĩ
đâu là nguyên nhân và có cần thiết phải xóa nhòa sự khác biệt này không?
- Khác biệt thế hệ là một quy luật xã hội, không thể
xoá và cũng không cần xoá. Chính sự khác biệt ấy tạo nên tiến hoá, phát
triển, đặc biệt là trong lãnh vực nghệ thuật. “Cái mới” là một yếu tính
của sáng tạo nghệ thuật. Nếu thế hệ trẻ lại giống y như hoặc na ná thế
hệ trước thì họ chỉ là các cụ non, mà cụ non thì kinh hơn cụ già nhiều!
Tôi ghi nhận sự khác biệt lớn của thế hệ 9X với các thế hệ trước, họ là
thế hệ của thời “big data”, thời của không gian ảo, thời của sự “cô đơn
trên mạng”. Ở các nước chắc cũng thế, riêng ở VN thì sự khác biệt còn
lớn hơn rất nhiều vì cho đến nay, có đến mấy thế hệ ra đời trong cách
mạng-chiến tranh liên miên, vẫn bị trói buộc ít nhiều bởi tư duy, não
trạng ý thức hệ, phe phái, “chính trị là thống soái”… và lạc hậu về kiến
thức, mỏi mòn vì tuổi tác, mà vẫn đang chiếm lĩnh mọi vị trí quyết định
đời sống tinh thần, văn hoá của đất nước!
5. Có một thực trạng ở các kênh truyền thông thúc đẩy
dân chủ đó là mặc dù chúng ta nói rất nhiều đến tự do tư tưởng, tự do
học thuật, tự do sáng tạo, tự do ngôn luận… nhưng đến nay tất cả các giá
trị đó mới dừng ở mức độ… truyền thông. Ông nghĩ sao về thực trạng này?
- Nếu câu hỏi hàm ý coi “mức độ truyền thông” là thấp
thì tôi không tán thành, nhất là trong thời đại mà truyền thông đã trở
thành một “quyền lực
mềm” có tác động rất lớn với xã hội. Nói chính xác,
trình độ tự do tư tuởng, học thuật, sáng tạo, ngôn luận của nước ta mới ở
“mức độ truyền thông cực kỳ hạn chế” do đường lối kiểm soát truyền
thông vô cùng gắt gao của nhà nước. Nhưng dẫu sao, từ dăm năm nay, người
dân cũng đã xây dựng được cho mình một “nền dân chủ truyền thông” sơ
cấp, và đó là bắt đầu của mọi bắt đầu. Tuy bị ngăn chặn quyết liệt,
truyền thông “lề dân” đã tác động ít nhiều đến việc thay đổi não trạng
của xã hội, có những lúc đã góp phần tác động tới sự thay đổi trong điều
hành của chính giới.
6. Yếu tố quan trọng để giải quyết thực trạng này là
chính quyền phải cho người dân nói chung và các học giả nói riêng các
quyền tự do ấy. Tuy nhiên, đó mới là yếu tố cần chứ chưa đủ. Theo ông,
còn có các nhân tố xã hội nào khác để xây dựng một nền văn hóa nhân bản
và tự do cho Việt Nam?
- Có không ít người đã nói: dân nào chính phủ ấy. Mọi
người dân đều phải chia sẻ trách nhiệm về tình trạng yếu kém mọi mặt
của nước nhà, trong đó có yếu kém về tự do và nhân bản của văn hoá. Mọi
người viết văn đều phải tự trách mình trước hết vì não trạng “phò chính
thống”, “tự kiểm duyệt”, tự tước đoạt quyền tự do sáng tác. Chỉ cần 30%
trí thức văn nghệ sĩ đồng tâm khước từ bả vinh hoa phù phiếm và thoát
khỏi nỗi sợ như ma ám để phụng sự Chân lý, tôn thờ Nghệ thuật thì tình
hình đã có thể thay đổi cơ bản. Tất nhiên nói thế là lý tưởng hoá, là
nói lý thuyết, chứ thực tế chưa thể có ở một nước chưa thoát khỏi ý thức
phong kiến đã lâm vào ý thức độc tài toàn trị còn kinh hơn phong kiến!
Dân chủ là một quá trình giác ngộ khá dài. Diễn biến mấy mươi năm qua ở
nước Nga cho ta thấy rất rõ điều ấy. Mới đây thôi, sau vụ Nga chiếm
Crimea, nhà văn-nhà giáo dục Phạm Toàn và tôi có làm một cái test nhanh
với một số bạn hữu là trí thức văn nghệ sĩ tên tuổi từng học ở Liên Xô
về đánh giá Putin. Kết quả rất sốc: 100% ngưỡng mộ kẻ độc tài cựu KGB!
Cũng như 80% dân Nga vẫn tín nhiệm ông Tổng thống có tư duy của Thế kỷ
19 như nhận xét của nữ Thủ tướng Đức.
7. Trong tương lai, Văn đoàn độc lập sẽ có chiến lược như thế nào để thúc đẩy dân chủ và kiến tạo nền văn hóa Việt Nam?
- Việc trước mắt chúng tôi nhắm tới thật giản dị (mà
cũng rất khó khăn vì bị cản trở đủ cách): Tạo được một diễn đàn tự do,
độc lập, để mọi người viết không phân biệt quan điểm chính trị và nghệ
thuật, không phân biệt già trẻ, không phân biệt trong hay ngoài nước, có
thể công bố tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa mà không bị ai “lãnh đạo”,
“định hướng”, “kiểm duyệt”. Tức là chúng tôi cố gắng tạo lại một cái nền
tảng rất tự nhiên của đời sống văn hoá đã bị xoá bỏ trong quá nhiều năm
trường. Nhưng chúng tôi tin rằng trên cái nền ấy, chúng tôi, nhất là
những thành viên trẻ trong BVĐ và trong Văn đoàn sau này sẽ cùng với mọi
nhóm hội khác xây dựng được một chiến lược hữu hiệu để thúc đẩy dân chủ
và kiến tạo một nền văn hoá VN xứng đáng, không thua kém các nước châu Á
như Hàn Quốc chẳng hạn.
Người trả lời phỏng vấn gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét