Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Anh Nguyễn Phú Trọng bắn “tín tiễn” cho Mỹ

Nguyễn khắc Mai – Vietstudies

Buổi sáng, nhân đọc bài “Khát vọng Độc Lập,Thống Nhất Tổ Quốc” của TBT Nguyễn Phú Trọng do báo Tuổi Trẻ (Sài Gòn) trích đăcg và đặt tít, tôi liền nhờ ban bè tìm cho nguyên bản, rồi sang nhà bí thư chi bộ mượn tờ Nhân Dân, đem về đọc đi đọc lại mấy lần.
Để kỷ niệm 30-4, tức 40 năm “giải phóng miền nam, thống nhất đất nước”, bài báo đề cập bốn nội dung chính:


– Một là, đánh giá đường lối chiến tranh nhân dân “hoàn thành độc lập, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên CNXH”.
– Hai là, phương châm chiến lược, củng cố miền bắc, giải phóng miền nam, “khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”.
– Ba là, nghệ thuật quân sự, nhấn mạnh nhân tố quân đội, nhân tố sự lãnh đạo của đảng với quân đội.
– Bốn là, phần nói về tình hình, nhiệm vụ. Phần này dài gần 1/3 bài báo, nói về tình hình thế giới, nói kỷ niệm ngày 30-4 gắn với ĐH XII, nhấn mạnh bài học “kiên định dường lối, mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lê nin, tư  tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, và củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng của đảng.” Nhấn mạnh về xây dựng đảng và xây dựng quân đội. Nhận định tình hình thế giới chỉ mấy dòng và khách quan tuyệt đối như kẻ ngoài hành tinh nhận định về tình hình quả đất vậy. Tuyệt đối không thấy rõ ấn tượng chủ thể của người trong cuộc, đâu là dấu hiệu mới phải khấp khởi mừng thầm. Đâu là chỉ báo  hiểm họa khó lường của chính chúng ta trong cái thời cuộc mới. Nếu  là người lãnh đạo ,nhân dịp này phải nói rõ cho quốc dân cùng nghĩ suy lo lắng với mình chứ!
Đọc đi đọc lại thấy nỗi lên một cảm tưởng và mấy nhận xét như sau.
Tôi có cảm tưởng đây là bài viết do một cây bút bên quân đội viết cho ông. Bài viết nhấn quá nhiều đên vai trò quân đội, coi như nhân tố chủ công làm nên thắng lợi của ngày 30-4. Mà đọc cái tít chính thức trên tờ Nhân Dân, càng thấy rõ điều đó: “Thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của đảng”. Chỉ có Tuổi Trẻ Sài gòn thương ông và cũng muốn nhắc khéo, nên đã đặt cho cái tít có vẽ “tư duy” một chút!
Bài viết tầm thường, nhưng có thể chấp nhận được, nếu nó là bài viết của một tay nghiên cứu, giáo sư tiến sĩ nào đó. Nhưng với cương vị một tổng bí thư, thì thật đáng chê. Với cương vị một chính khách ở tầm lãnh đạo quốc gia không thể phiến diện khi nghĩ và viết về một sự kiên lịch sử trọng đại như ngày 30-4 được. Chỉ riêng cái tính danh của cái ngày đó, thì người trong nước, ngoài nước vẫn còn tranh cãi nhiều lắm. Thế mà 40 năm lịch sử kể từ ngày đó đến nay, với nhãn quan của một người đứng đầu một đảng chính trị lớn, một người ở tầm lãnh đạo quốc gia sao chỉ nhấn mạnh có bấy nhiêu vấn đề? Tôi sẽ không tranh cãi về một số nội hàm của những nhận định. Tỉ như “giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền nam,và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc nhằm một mục tiêu chung là hoàn thành độc lập thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xạ hội.” Tỉ như “Khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân”. Tỉ như “chính trị hóa quân đội.” (Hiện nay luận điểm chống chính trị hóa quân đội thực chất chỉ là luận điểm quân đội phải do đảng cộng sản lãnh đao, tổng bí thư đảng phải là tổng bí thư quân ủy, và chống lại quan điểm văn minh, khoa học là quân đội phải là quân đội của Đất nước, của Dân tộc, đến mức họ đã sửa cả câu nói của Hồ Chí Minh: quân đội, trung với nước, hiếu với dân, thành ra trung với đảng trước rồi mới với nước sau.)
Chỉ nói riêng trong 40 năm ấy, nền độc lập và thống nhất của nước nhà là thế nào. Cớ sao không giữ được biển đảo, cớ sao mất đất biên giới, cớ sao, người ta 30 năm thì đã xong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhà nước pháp quyền, xã hội văn minh,người dân giàu có, tử tế, có dân chủ dân quyền…Còn chúng ta 40 năm vẫn ngỗn ngang trăm mối tơ vò như thực trạng. Sao lại có một sự thoái hóa xuất hiện giữa thủ đô đúng lúc như vậy, khi chỉ có hai ngày tắm miễn phí, mà nam thanh, nữ tú lại trèo rào xô đẩy, chen chúc, chẳng còn gì là thanh là lịch !
Có Độc lập, nhưng mất đất, mất đảo, mất chủ quyền… lại là mặt trái của tấm huân chương. Có thống nhất,mà nhân tâm ly tán, dân tộc vẫn cứ là hai phe. Nền độc lập và thống nhất chưa có đầy đủ những “nghĩa lý” tốt tươi, đẹp đẽ, vẫn đầy “hư hỏng, cũ kỹ”. (Tôi mượn chữ của chính Hồ Chí Minh). Lấp đầy những nội hàm của độc lập, thống nhất sau 40 năm là thế nào. Cớ sao cứ bổn cũ soạn lại, nhắc lại những điều mà thế hệ chúng tôi đã nghe nhàm chán. Qúa khứ chỉ có ích khi biết tích hợp với một tâm thức hiện đại, vừa có nhãn quan của thời đại, vừa có tầm cao của tri thức, và đúng như Tuổi trẻ đã nhắc khéo có khát vọng về một công cuộc phục sinh Dân Tộc,trong thời đại mới.
Thành ra cái cảm giác “bắn tín tiễn” cho Mỹ trước chuyến đi Hoa Kỳ cứ lớn dần trong tôi để rồi nó trở thành một nhận định! (Tín tiễn là mượn chuyện đời xưa, người ta dùng cung tên (tiễn) bắn thư nhắn tin (tín) vào thành cho đối phương). Có thể là cùng một trạng thái tâm lý, một cung bật tư duy, như ông Nghị đem ảnh người ta ở hồ Tây sang tặng, còn ông Trọng lại viết một bài nhân 30-4 mà chỉ nói nghệ thuật sáng tạo đánh Mỹ! Cũng như với Tàu, chúng chẵng nể sợ gì ta, nếu ta không kèm hình ảnh cọc Bạch Đằng vơi một tầm trí tuệ và dũng lược mới quyết tâm xây dựng một Đất nước độc lập, tự chủ có nền chính trị, kinh tế văn hóa không lệ thuộc, đủ sức mạnh nội lực làm chủ và quan hệ bình đẳng với mọi người. Người Mỹ cũng thế, họ sẽ chẳng kính trọng ta hơn, nếu ta lại chỉ biết có một chiêu là chưng cái hình ảnh người lính Mỹ to cao đi bên cạnh cô du kích bé nhỏ, mà không phô cho họ thấy một tâm thế mới, một nhân cách dân tộc mới, văn minh, hiện đại, sẵn sàng hòa bước đi của mình với thời đại. Trong khi cả nhân loại đang lo lắng tìm tòi, kiến tạo một trạng thái văn minh nhân văn mới, cả thế giới đang rất lo cho chủ quyền các dân tộc nhỏ đang bị “ăn hiếp”, thì tín hiệu của mình là gì. Cái xã hội chủ nghĩa là gì, các dân tộc văn minh không chỉ phê phán nó một cách văn hóa như kiểu Andre Gide, và Einstein nhận xét từ nhũng năn 1937, sau khi từ Liên Xô trở về. Ngày nay người ta đã lập tòa án kết tội phi nhân, diệt chủng, tàn bạo, phản nhân loại, phản tiến hóa của nó. Trong khi một trăm năm nữa cũng chưa chắc đã có cái chủ nghĩa xã hội được hoàn thiện!
Là người xứng đáng được gọi là lãnh đao của đất nước hôm nay tôi nghĩ rằng anh Trọng nên chuẩn bị tâm thế mới để không hổ thẹn không làm nhục mệnh Dân Tộc, Đất Nước trong cuộc đi sứ sắp đên. Tâm thế như thế nào hãy một lần làm theo Hồ Chí Minh đi. Hãy hỏi Dân, hỏi Trí thức tinh hoa ở trong và ngoài nước./.

Tác giả gửi ngày 24-4-15

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét