Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Tranh luận về ‘ngược đãi’ sau 40 năm

BBC


Cuộc chiến đã khép lại tròn 40 năm sau khi quân đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975, nhưng hòa giải, hòa hợp giữa hai bên thắng và thua cuộc đã đạt được tới đâu vẫn có thể là câu hỏi?
Bốn mươi năm đã qua kể từ ngày 30/4/1975, giữa thành viên Bên thắng cuộc và thành viên Bên thua cuộc trong cuộc chiến Việt Nam vẫn còn bất đồng nhất định về việc có hay không có ngược đãi hậu chiến của bên thắng đối với bên thua cuộc.


Một Đại tá thuộc Bên thắng cuộc và một Đại úy thuộc Bên thua cuộc hôm thứ Năm đã có những quan điểm khác nhau tại Bàn tròn hôm 23/4/2015 của BBC Việt ngữ.
Trước hết, Đại tá Phạm Hữu Thắng, nguyên cán bộ nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam, bình luận về một số ý kiến mà sử gia từ Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS. TS. Vũ Quang Hiển trao đổi với BBC được công bố gần đây và tại cuộc Tọa đàm.
Ông Phạm Hữu Thắng nói: “Tôi cho rằng sử gia Vũ Quang Hiển cũng nói tương đối đúng thực trạng của hậu 30/4, thực ra cuộc chiến tranh mà đầu tiên do Mỹ gây ra ở Việt Nam.
“Thế và sau 30/4 thì kết thúc cuộc chiến tranh đó, rõ ràng là phía Việt Nam Cộng Hòa và phía nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam là hai lực lượng thù địch nhau.
“Cái nguyên nhân của nó có lẽ không phân tích sâu ở đây, chỉ nói rằng là thời chiến tranh hai bên xác định là kẻ thù của nhau, điều ấy là rất rõ và rõ ràng những người cầm súng phía bên kia, không phải ai cũng buộc phải cầm súng, ai cũng có lòng nhân đạo.
“Và có rất nhiều người tham gia tàn sát, rồi bắn giết nhân dân, về phía Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng như Mặt trận, Quân Giải phóng Nhân dân Việt Nam.
“Đã xác định là đối thủ rồi thì khi khi giải phóng rồi, thì như bên ngoài tuyên truyền là sẽ có một cuộc đàm phán đẫm máu, nhưng thực chất không có tàn sát đẫm máu.
“Mà việc cho một số đi cải tạo, đi học tập, tôi nghĩ là quốc gia nào cũng thế thôi. Còn điều kiện kinh tế Việt Nam thời đó, thì rõ ràng không thể, ngay cả với quân đội, với nhân dân, cũng chưa chăm lo được hết, thì không thể nói là chăm lo được một cách đầy đủ cho những tù binh phía bên Việt Nam Cộng Hòa.

Nhiều người bên kia chiến tuyến (hay bên thua cuộc) vẫn còn ‘tức giận’ về ngày 30/4, theo nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam từ Hà Nội.
“Điều đấy cũng phải hoàn cảnh như thế thôi, chứ còn tôi nghĩ nói là ngược đãi thì cũng có thể có những trường hợp cụ thể, bởi vì thực ra Việt Nam Cộng hòa, trong điều kiên quân đội thì được viện trợ của Mỹ, thì tôi nghĩ rằng cuộc sống có thể khá hơn phía những quân nhân của quân Giải phóng hay Quân đội Nhân dân Việt Nam.
“Cho nên có thể người ta nghĩ đấy là một sự ngược đãi, nhưng điều kiện sống, điều kiện kinh tế của Việt Nam lúc ấy, tôi cho rằng cũng không thể đối xử tốt hơn được,” nhà nghiên cứu từng làm việc tại Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam, nói với BBC.

‘Ngăn cách còn lớn’

Theo Đại tá Phạm Hữu Thắng, cuộc sống của nhiều người dân Việt Nam, trong đó có bản thân ông Thắng đã ‘trở lại bình thường’, và ông bình luận về khác biệt giữa các bên thắng cuộc và thua cuộc.
Nhà nghiên cứu nói:
“Thực ra bản thân chúng tôi sống hiện nay cũng thấy sau 30/4, cuộc sống, sau nhiều biến cố cũng đã trở lại rất bình thường.
“Và thực ra cũng không có một cái gọi là thù hằn và có những hằn học gì với lại phía những người đứng bên kia chiến tuyến.
“Nhưng mà quả thực trên mạng, qua trao đổi, cũng thấy rằng cái gọi là sự tức giận của những người phía bên kia vẫn còn đang quá lớn.
“Và cái gọi là ý thức, hệ tư tưởng của họ vẫn còn đang hằn sâu và vẫn chưa xóa nhà đi được cái từ ‘cộng sản’ trong họ.
“Thực ra chúng tôi bây giờ vẫn mang danh là những người cộng sản, cuộc sống thì cũng bình thường, trong xã hội vẫn hiền hòa, có thể có cái này, cái khác, nhưng mà vẫn cảm nhận là đi lên.

Việc ngược đãi với các thành viên đi ‘học tập, cải tạo’ không phải là ‘chính sách nhà nước’, theo nhà nghiên cứu từ Hà Nội.
“Và chúng tôi đúng thực sự là không thấy hằn học gì với những người bên kia chiến tuyến và có lẽ cái ngăn cách thì chúng tôi cho rằng không còn.
“Nhưng đúng trên mạng và qua trao đổi, chúng tôi thấy ngăn cách giữa phía bên kia vẫn còn rất lớn. Tôi nghĩ cái này có lẽ mọi người cũng phải xem xét lại trong việc chung tay gây dựng dân tộc, xây dựng đất nước.
“Chứ còn chúng ta vẫn giữ cái hận thù như thế, thì có lẽ là hơi khó tiếp cận với nhau,” nhà nghiên cứu lịch sử quân sự nói với BBC.

‘Khủng bố tinh thần’

Trao đổi lại với Đại tá Phạm Hữu Thắng tại Bàn tròn, ông Nguyễn Quý, nguyên Đại úy Sư đoàn Nhảy dù, người có mặt tại Bộ tư lệnh của quân đội Việt Nam Cộng Hòa tại Ngã tư Bảy Hiền, Sài Gòn, vào thời điểm 30/4/2015 và có gần 8 năm đi ‘tù cải tạo’, nói:
“Thứ nhất, tôi xin thưa với Đại tá Thắng là những người Việt Nam ở trong nam và những người Việt hải ngoại hiện tại không có hệ tư tưởng nào hết, không có một hệ tư tưởng về cộng sản hay là không cộng sản, không có tư tưởng.
“Chúng tôi chỉ là những con người nhân bản thôi, không có căm thù, từ trong trại cải tạo, chúng tôi nói ra những cái hà khắc, cái phân biệt đối xử.
“Ngoài chuyện ăn uống không đầy đủ như quý vị nói, thì thông cảm đi. Nhưng cái khủng bố về tinh thần, chúng tôi đi tới mỗi trại tù mới đều có bắn vài người để dằn mặt cái trại đó.
“Bị chuyện ấy là sự thật, trại nào cũng có bắn vài người hết. Không có đánh đập trực tiếp trước sân.
“Nhưng có những vấn đề bắn ở sau rừng và có những trại xử tử ngay tại trong trại như trại Long Giao xử tử ông Đại úy Tịnh chỉ gởi một cái thư về nhắn thăm gia đình thôi, mà đã xử tử ông Nguyễn Văn Tịnh ngay tại Long Giao, thì hàng ngàn người biết chuyện đó.

Một số lượng đông đảo các thành viên binh lính, sỹ quan, nhân viên, quan chức chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã ra trình diện chính quyền mới từ sau 30/4/1975.
“Rồi tại trong trại Ka Tum tôi ở thì có xử tử ông Nguyễn Văn Tuyến và ông Nguyễn Bình Thơ, là những người ngồi gần tôi, họ không làm gì phản đối, chống đối hết.
“Họ chỉ đi làm về trễ hai tiếng đồng hồ thôi mà đem ra bắn bỏ, thì sự bắn bỏ đó là để dằn mặt những người khác không được làm cái gì hết.
“Để ú ớ là bắn chết, trại nào cũng có hy sinh vài người như vậy để dằn mặt anh em chúng tôi, để nằm yên ở trong trại tù đó, và như những đàn cừu. Đó là tôi kể chỉ sơ là chuyện như vậy thôi.
“Quý vị nói là ở trong tù không có phân biệt đối xử hà khắc, thực sự là một sự khủng bố tinh thần, thưa Đại tá Thắng,” ông Nguyễn Quý từ San Diego, California, Hoa Kỳ nói.

‘Không được chứng kiến’

Khi được yêu cầu bình luận ý kiến này của ông Nguyễn Quý, cựu tù nhân cải tạo đã sang Hoa Kỳ định cư từ năm 1994 theo diện HO, chương trình di cư nhân đạo hay chương trình ra đi có trật tự, Đại tá Phạm Hữu Thắng từ Hà Nội, nói:
“Tôi thực ra không được chứng kiến những cảnh ấy, mà thực ra chính sách của nhà nước, thì rõ ràng chúng tôi không (có chính sách ấy), còn trường hợp cụ thể chúng tôi không nắm được, cho nên không thể nói là tôi có thể phản hồi được cái đó của anh.
“Tôi cũng không là người trực tiếp mục thị cái lời kể đó, cho nên là không (có ý kiến) gì, còn về mặt chính sách nhà nước, tôi nghĩ rằng sẽ không có chính sách ấy.
“Và người ta chỉ tập trung cải tạo trong một thời gian nào đấy để xóa bỏ ngăn cách, chứ còn với cái gọi là đối phương, người ta sợ rằng ra sẽ có một cái nguy hiểm cho xã hội thì nó có một chính sách ấy thôi.
“Chứ còn không có chuyện chính sách nhà nước, hoặc pháp luật nhà nước mà đề ra cái việc giết hại để dằn mặt như thế,” nguyên cán bộ nghiên cứu của Viện Lịch sử Quân sự, thuộc Bộ Quốc phòng Quân đội Nhân dân Việt Nam, từ Hà Nội nói với Bàn tròn.
Chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu các ý kiến của khách mời tại cuộc Bàn tròn về ngày 30/4 này.
Quý vị có thể theo dõi toàn văn cuộc Tọa đàm của các vị khách mời với BBC tại đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét