Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Hòa giải dân tộc – thực tế hiện nay (phần 1 + 2 + 3 )

Hòa giải dân tộc – thực tế hiện nay (phần 1)

Chân Như, phóng viên RFA
Cầu Hiền Lương - Sông Bến Hải - Vĩ tuyến 17, giới tuyến ngày xưa chia cắt 2 miền đất nước.
Cầu Hiền Lương – Sông Bến Hải – Vĩ tuyến 17, giới tuyến ngày xưa chia cắt 2 miền đất nước.   Xomnhiepanh.com
 
Hình ảnh người thương phế binh VNCH không được hưởng bất cứ quyền lợi gì.
Hình ảnh người thương phế binh VNCH không được hưởng bất cứ quyền lợi gì
Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt tròn 40 năm. Cho đến nay những ký ức và hậu quả của cuộc chiến đó vẫn chưa phai nhòa. Giới trẻ trong nước và hải ngoại có cái nhìn thế nào về câu chuyện lịch sử đau thương này và suy nghĩ của họ về sự hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc trong hiện tại và tương lai ? Đó chính là những điều mà tạp chí diễn đàn bạn trẻ mong muốn được truyền tải đến quý vị và các bạn cho đến hết ngày 30/4/ 2015.Tuần này chúng tôi bắt đầu mời quý vị đến với phần hòa hợp và hòa giải dân tộc, cái nhìn của giới trẻ về vấn đề này.

Chân Như: Theo các bạn cảm nhận, sau 40 năm kết thúc cuộc chiến, dân tộc Việt Nam hiện nay có thực sự đoàn kết, hòa giải hay chưa ? Lã Việt Dũng: Sau 40 năm kết thúc cuộc chiến tôi cảm thấy chưa có đoàn kết và chưa hòa giải thật sự. Thậm chí việc mâu thuẫn cũng như mất đoàn kết còn gia tăng, bởi vì dân tộc chúng ta cũng rất bi thương ở cuộc chiến mà đối với cộng sản miền Bắc là cuộc chiến giải phóng đất nước, nhưng với nhiều người là nhồi da xáo thịt.  Và sau kết quả của cuộc chiến thì từ năm 1976 chúng ta có đến hơn hai triệu đồng bào phải vượt biên tị nạn ở các nước khác.  Điều này tạo ra sự khó khăn trong vấn đề về xã hội ở Việt Nam. Bây giờ, theo tôi cảm nhận các vấn đề về hòa giải hòa hợp và đoàn kết chưa giải quyết được bao nhiêu mà đang có xu hướng mâu thuẫn và tăng lên nhiều.
Nhật Thành: Em cũng bổ sung thêm cụ thể những vấn đề gây ra mất đoàn kết.  Thứ nhất vấn đề giữa hai  thể chế cũ và mới vẫn chưa hòa hợp thật sự. Vấn đề quan trọng hơn là về các dân tộc (thiểu số) vì theo mình biết những dân tộc như Chăm, H’mong vẫn tồn tại những mâu thuẫn rất lớn vì phía chế độ CS họ can thiệp quá nhiều vào đời sống (của người dân tộc).Vì thế  âm ỉ trong người dân tộc vẫn còn có những sự chia rẽ nhất định, càng ngày họ càng bức xúc nhiều.
Quang Sơn: Theo em sau 40 năm công cuộc hòa giải của đất nước Việt Nam mình vẫn chưa được hoàn thiện và hầu như rất chậm chạp giữa những người Việt trong nước và người Việt ở hải ngoại. Ngay chính bên trong đất nước Việt Nam này họ cũng đang có sự không hòa hợp được với nhau.  Ví dụ đơn giản: người miền Bắc ghét người miền Trung, người miền Nam thì ghét người miền Bắc. Ngay chính bản thân nội tại trong một đất nước nó đã không hòa hợp hòa giải với nhau rồi thì nói gì đến việc người Việt Nam trong nước hòa hợp được với người Việt Nam ở hải ngoại, chính quyền cũ hòa hợp với chính quyền mới. Chúng ta thấy rằng dân tộc mình rất là bi ai ở chỗ là nếu mà nhìn sang nước Mỹ chẳng hạn em thấy lịch sử nước Mỹ từng có một cuộc nội chiến phân chia Nam Bắc, mà tại sao khi họ thống nhất được với nhau rồi đến bây giờ chính ngày tưởng niệm đó thì người dân nước Mỹ đâu có phân biệt miền Nam miền Bắc đâu. Họ tưởng niệm chung cho tất cả các chiến sĩ đã hy sinh cả hai vùng miền. mà tại sao dân tộc Việt Nam của mình lại không được như thế thì công cuộc hòa giải này nó rất còn lâu lắm.
Chân Như: Vậy thì, điều gì đã khiến cho quá trình hòa giải dân tộc, hàn gắn vết thương chiến tranh giữa người Việt và người Việt diễn ra chậm chạp và khó khăn đến vậy ?
Lã Việt Dũng: Trước khi nói về nguyên nhân, thì tôi vẫn nghĩ là cái tác nhân nào đã gây ra việc hòa giải diễn ra chậm chạp và khó khăn. Theo tôi thấy người Việt Nam từ trước tới nay có một nguyện vọng rất là mãnh liệt và chính quyền cộng sản đã dung chính điều đó: nguyện vọng thống nhất đất nước.  Chúng ta thấy bảo người miền Bắc ghét người miền Nam hay ghét người miền Trung hay giữa các dân tộc ghét lẫn nhau thì tôi thấy về mặt con người thì chắc không phải như vậy. Con người chúng ta thường là hiền hòa nhân hậu và rất là thân ái với nhau; Chúng ta luôn luôn có xu hướng muốn đoàn kết gắn bó và hòa hợp với nhau, thống nhất với nhau.  Quan trọng nhất vẫn là tác nhân cuối cùng :chính quyền.  Có hai yếu tố gây ra làm việc hòa giải chậm và khó khăn- một là yếu tố chính trị- hai là yếu tố văn hóa.  Yếu tố chính trị thì cũng như Sơn vừa nói là trong cuộc nội chiến  của nước Mỹ chẳng hạn, chúng tôi được biết là sau kết thúc chiến tranh người miền Bắc thắng trận thì họ đứng lại và chào người miền Nam. Họ tạo ra  cảm xúc cho người miền Nam rằng là đây không phải là cuộc chiến thắng thua mà đây là một cuộc chiến để chúng ta thống nhất để cùng xây dựng lại nước Mỹ.
Trong cuộc nội chiến của nước Mỹ chẳng hạn, chúng tôi được biết là sau kết thúc chiến tranh người miền Bắc thắng trận thì họ đứng lại và chào người miền Nam. Họ tạo ra cảm xúc cho người miền Nam rằng là đây không phải là cuộc chiến thắng thua mà đây là một cuộc chiến để chúng ta thống nhất để cùng xây dựng lại nước Mỹ
Lã Việt Dũng
Thế nhưng ở Việt Nam đến ngày 30/4 thì những người CS họ kỷ niệm ngày gọi là giải phóng còn những người phía miền Nam, đặc biệt là những người phải đi ra nước ngoài thì đó là ngày quốc hận.  Và đến ngay Võ Văn Kiệt cũng phải nói một câu ngày 30/4 là “một ngày có hàng triệu người vui và có hàng triệu người buồn”. Do đó tôi cho rằng vấn đề về góc độ chính trị, nếu đảng CSVN không thay đổi góc nhìn về những gì mà họ đã gây ra, những gì mạ họ sẽ tiếp tục tuyên truyền, rêu rao đấy là thắng lợi mà họ không nhìn cụ thể vấn đề quan trọng của một đất nước, của một dân tộc bây giờ chính là cần hòa giải hòa hợp, thì việc hòa hợp hòa giải sẽ rất là khó.
Một anh bộ đội miền Bắc đứng gác bên này dòng sông Bến Hải trước năm 1975
Một anh bộ đội miền Bắc đứng gác bên này dòng sông Bến Hải trước năm 1975
Vấn đề thứ hai tôi nói về văn hóa. Như anh Thành cũng nói giữa các sắc tộc Việt Nam và như Sơn nói giữa các vùng miền, thì đúng là có những vấn đề về sắc tộc như vậy nhưng nó vẫn xuất phát từ quan điểm rằng nếu chúng ta nhìn nhận Việt Nam là một đất nước đa văn hóa đa sắc tộc thì chúng ta hoàn toàn có thể  thấu hiểu nhau hơn, có những chia sẻ, thương yêu nhau hơn trong một nền tảng Việt Nam chung.  Tôi cũng rất không hài lòng với việc chính quyền CSVN thường xuyên tổ chức ngày quốc tổ ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, nhưng đấy là ngày quốc tổ của người Kinh, chứ hoàn toàn không phải là của người Chăm, Khmer hay H’mong mà những ngày của người Khmer hay H’mong của những (sắc tộc) khác thì họ không tổ chức làm cứ như cả Việt Nam là dân tộc của người Kinh vậy.  Tôi thấy đó chính là tác nhân mà chính quyền thiếu trong những việc về chính trị và văn hóa vì những cách hành xử như vậy nó làm cho quá trình hòa hợp hòa giải rất là khó khăn.
Nhật Thành: Thành thấy vấn đề hòa giải quan trọng nhất là hai bên phải nhìn nhận những cái ưu và khuyết của nhau. Về phía CS hiện nay họ chủ trương hòa giải nhưng vẫn đứng trên phương diện là một người thắng cuộc muốn hòa giải. Cái đó dẫn đến bế tắc tại vì hòa giải thì không thể nào là một bên hoàn toàn đúng và các bên kia là sai hoàn toàn.  Họ đứng ở quan điểm đó nên công cuộc hòa giải nó sẽ không đi được một kết quả.
Quang Sơn: Em hoàn toàn đồng tình với anh Lã Việt Dũng.  Em cũng rất đồng tình ở quan điểm là do chính quyền CS này bởi vì em cảm giác rằng hình như họ đang cố tình có những chính sách gây chia rẽ dân tộc với mục tiêu chia để trị.  Em thấy nguyên nhân chính là do những chính sách và do chính quyền cộng sản nó làm cho những diễn biến của công cuộc hòa giải nó chậm chạp.
Chân Như: Qua theo dõi trên các diễn đàn trên mạng xã hội và đặc biệt là trên Facebook, chúng tôi thấy rằng: có rất đông những người bình luận gây chia rẽ dân tộc giữa người trong nước với hải ngoại, giữa những người thích và không thích chế độ Cộng sản hiện nay, giữa người Bắc và người Nam, … Nói chung, từ cả hai phía đều có thành phần như vậy. Các bạn nghĩ gì về điều này ?
Nhật Thành: Em nghĩ vấn đề tranh cãi cũng là vấn đề tuyên truyền và giáo dục. Phần đông giới trẻ trong nước hiện nay họ bị giảng dạy về lịch sử như vậy nên họ nhìn theo góc độ một chiều. Em nghĩ để mà thấu hiểu nhau hơn thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là giáo dục.
Nếu đảng CSVN không thay đổi góc nhìn về những gì mà họ đã gây ra, những gì mạ họ sẽ tiếp tục tuyên truyền, rêu rao đấy là thắng lợi mà họ không nhìn cụ thể vấn đề quan trọng của một đất nước, của một dân tộc bây giờ chính là cần hòa giải hòa hợp, thì việc hòa hợp hòa giải sẽ rất là khó
Lã Việt Dũng
Quang Sơn: Theo em ngoài lực lượng dư luận viên chịu sự tuyệt đối của ban tuyên giáo và đảng thì đa phần những bạn trẻ lên trên mạng comment hoặc bình luận những lời lẽ chia rẽ như vậy thì đa phần họ là những sản phẩm của sự nhồi sọ liên tục và họ đang bị ảo tưởng bởi chính những quá khứ huy hoàng, những quá khứ đánh thắng giặc Mỹ đánh thắng Pháp, và họ cho rằng họ có quyền lên mặt.  Theo em họ chính là sản phẩm của sự nhồi sọ.
Lã Việt Dũng: ý kiến của Sơn lúc nãy Sơn cho rằng gần như đây là một âm mưu để chia rẽ.  Thật ra thì tôi cũng không nghĩ đến như vậy, nhưng chỉ nghĩ rằng là chính quyền CS họ cũng rất cố gắng nhưng bất lực trong việc hòa hợp hòa giải. Bởi vì đúng như góc độ họ nhìn, như Thành nói, nhìn như người thắng cuộc và họ ban phát cái sự hòa giải đó cho những người khác và cách làm như vậy thì hai bên sẽ không bao giờ có sự hòa hợp hòa giải với nhau được.  Còn theo dõi trên các trang mạng, chúng tôi thấy rằng giữa việc tranh cãi, bình luận gây chia rẽ dân tộc thì chúng ta nhìn có 2 góc độ. Thứ nhất, đúng như anh Thành nói đây là góc độ về giáo dục. Giáo dục đây phần lớn là những người mà họ ở trong hệ thống giáo dục một chiều của ĐCSVN thì thực tế, họ không có cái thói quen để tư duy độc lập và họ không có thói quen tìm tòi thông tin do đó họ được dạy như thế nào thì họ sẽ phát biểu như vậy. Tôi cũng rất thông cảm và tỉnh táo bởi vì có rất nhiều người hải ngoại họ đã phải hy sinh cả cuộc đời, hy sinh gia đình tài sản vợ con khi đặt chân lên xứ người. Hiện nay trong quá trình thông tin qua facebook chẳng hạn thì quyền trao đổi thông tin giữa người với người đã được nhiều hơn, họ cũng có một số tương đối cực đoan.
Đầu tiên mình phải nhìn nhận một cách là thông cảm bởi vì phải đặt mình vào địa vị của họ thì mình mới hiểu được.  Tuy vậy, nhiều khi tôi cũng muốn khuyên họ rằng họ cũng phải nhìn vào vấn đề chung khi chúng ta tranh luận, trao đổi thì chúng ta cần phải có một mục đích và việc cực đoan quá nhằm mục đích gì? Với một người Việt ở hải ngoại, đôi khi tôi cũng không biết mục đích của họ khi họ trao đổi như thế thì họ chửi chính quyền CS. Vậy thì mục đích của họ là gì?  Nhưng ví dụ như anh Điếu Cày sang có một tiêu chí rất rõ ràng đó là đấu tranh cho ngày trở về. Và điều đấy nhiều khi đã làm tôi cũng bừng tỉnh ra rằng rõ ràng người hải ngoại rất tha thiết ngày trở về. Nếu họ muốn đấu tranh cho ngày trở về, tôi nghĩ họ phải bớt cực đoan xuống để làm sao đó ngày trở về một là chóng đến hơn hai là khi trở về thì giữa vòng tay của mọi người chúng ta được hòa đồng hơn. Đấy là suy nghĩ của tôi.
Chân Như: Vì tương lai của đất nước Việt Nam, các bạn mong muốn điều gì trong tiến trình hòa giải dân tộc và hàn gắn vết thương chiến tranh ?
Nhật Thành: Điều mà Thành muốn nhất đó là cả hai phía nên nhìn vào một điểm chung đó là vấn đề một Việt Nam tương lai, là một Việt Nam có dân chủ và đầy đủ tất cả các quyền tự do cho mọi người- tùy quan điểm tùy đảng phái họ đều có thể sống ở Việt Nam. Hiện nay, quan điểm của hai bên vẫn là quan điểm loại trừ nhau tức là một là CS hai là Cộng Hòa thì cái đó sẽ không đi đến một giải quyết rốt ráo được.  Thành mong muốn nhất là tất cả mọi người dù ở phía nào nếu mà nhìn được một điểm chung thì sẽ tìm được một giải pháp chung cho Việt Nam và từ giải pháp đó ở trong một vị trí trong một hoàn cảnh của mỗi người thì họ sẽ có những hành động thiết thực hơn.
Điều mà Thành muốn nhất đó là cả hai phía nên nhìn vào một điểm chung đó là vấn đề một Việt Nam tương lai, là một Việt Nam có dân chủ và đầy đủ tất cả các quyền tự do cho mọi người- tùy quan điểm tùy đảng phái họ đều có thể sống ở Việt Nam
Nhật Thành
Quang Sơn: Em với tư cách là một người trẻ em không nhìn nhận quá khứ. Thế hệ bọn em nói chung là chưa đủ tư cách và chưa đủ sự độc lập để phán xét về quá khứ của chính cha ông của mình nên em chỉ nhìn nhận về hiện tại và tương lai. Em thấy với hiện tại và tương lai của Việt Nam quá u tối như vậy và trước mối đe dọa của Trung cộng thì việc hòa hợp hòa giải của dân tộc Việt Nam mình cần hơn bao giờ hết. Muốn được hòa hợp hòa giải được như vậy thì chính quyền CS này họ cũng cần bắt đầu dân chủ hóa, bắt đầu có những chính sách mở cửa.  Và những đồng bào hải ngoại cũng phải có những cái gọi là bớt những tư tưởng tiêu diệt CS và em muốn trong một vài năm nữa hoặc năm nay thì những người đồng bào hải ngoại có thể trở lại Việt Nam trong vòng tay của những người anh em trong nước. Bản thân em em luôn luôn chờ sự trở về của mọi người.
Lã Việt Dũng: Nếu mà gọi là mong muốn thì có 2 mong muốn: một là phía bên trên (cũng như mọi người nói) là ĐCS phải thay đổi, nhìn nhận vấn đề về hòa hợp hòa giải dân tộc là một trong vấn đề rất quan trọng. Họ cần phải thay đổi trong nhận thức trong suy nghĩ và trong các tuyên truyền để đảm bảo được việc đó.  Thứ 2, từ lâu nhiều người dân Việt Nam và chúng tôi cũng không đợi hay đúng hơn là không thể trông mong được cộng sản thay đổi. Bản thân mỗi người chúng ta đều cần phải có ý thức đấu tranh để đòi được quyền lợi của mình.
Chúng tôi cũng mong muốn được làm sao các tổ chức  xã hội dân sự, kể cả tổ chức xã hội dân sự của người Việt ở hải ngoại họ có thể hình thành và họ có thể có những hoạt động để làm sao cho họ và những người trong nước có thể được hòa giải với nhau, được gặp gỡ nhau ở trên chính đất Việt Nam. Hiện nay, tôi thấy rất nhiều người Việt hải ngoại khi lên tiếng phản đối CS thì việc đầu tiên họ lo nhất (và một số người đã bị rồi) là họ không về được Việt Nam nữa. Tôi thấy đó là một điều rất tệ, mà điều tệ đó cũng là của từ chính quyền CS nhưng cũng là từ phía chúng ta nếu chúng ta không hình thành những việc đấu tranh đòi quyền lợi theo mong muốn của chúng ta thì không bao giờ chúng ta có cả.  Đấy là mong muốn của tôi.
Xin cám ơn ba bạn Nhật Thành , Lã Việt Dũng và Quang Sơn đã dành thời gian chia sẻ về đề tài này.
(Mời tham khảo ý kiến độc giả TẠI ĐÂY )
**************************************************

Hòa giải dân tộc – Tuyên truyền và dạy lịch sử (phần 2)

Chân Như, phóng viên RFA
Phòng thi môn sử chỉ có hai thí sinh tại HĐT trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai Q3, TP.HCM chiều 2-6
Phòng thi môn sử chỉ có hai thí sinh tại HĐT trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai Q3, TP.HCM chiều 2-6   Ảnh: Như Hùng/TT
Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt tròn 40 năm. Cho đến nay những ký ức và hậu quả của cuộc chiến đó vẫn chưa phai nhòa. Giới trẻ trong nước và hải ngoại có cái nhìn thế nào về câu chuyện lịch sử đau thương này và suy nghĩ của họ về sự hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc trong hiện tại và tương lai ? Đó chính là những điều mà tạp chí diễn đàn bạn trẻ mong muốn được truyền tải đến các bạn cho đến hết ngày 30/4/ 2015.
Tuần này chúng tôi mời các bạn đến với việc tuyên truyền và dạy lịch sử và tác động của việc này đến sự hòa giải dân tộc ra sao?
Chân Như: Nhìn nhận từ khía cạnh hòa giải dân tộc, các bạn đánh giá thế nào về nội dung tuyên truyền và dạy học lịch sử tại Việt Nam về cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975? Những nội dung đó là khách quan hay phiến diện ? có lợi hay có hại cho quá trình hòa giải ?
Tiến Trung: Theo quan điểm của tôi, sách giáo khoa lịch sử chỉ phản ánh những quan điểm một chiều. Do đó, nó không phản ánh được lịch sử khách quan. Điều này không đem lại những đóng góp tích cực cho quá trình hòa giải; Phải tôn trọng sự thật thì mới hòa giải được.
Nhật Thành: Thành cũng đồng ý với ý kiến Trung. Thành cũng xin bổ sung là ngoài vấn đề sự thật thì vấn đề lịch sử cần phải có góc nhìn đa chiều vì với góc nhìn đa chiều những thế hệ sau người ta mới nhìn rõ được những diễn biến trước đó đã xảy ra với cha ông. Từ đó họ mới có những kinh nghiệm và  những nhận định chính xác để  việc đóng góp cho tương lai và hiện tại được hợp lý và được tốt đẹp hơn.
Duy Lâm: Tôi cũng có ý kiến giống như lời của anh Trung và anh Thành.  Tức là để có cái nhìn tổng quan và đúng đắn về lịch sử như những gì đã diễn ra; Không tô hồng, không bóp méo, không cường điệu. Chúng ta cần có một cách viết sử và một cách dạy và học lịch sử một cách hoàn toàn khác so với những gì “lịch sử” ở Việt Nam đang giảng dạy ở nhà trường.Tôi nghĩ là phải xuất phát từ những thông tin mà đúng đắn và nó phải thuộc về bản chất một cách khách quan nhất của lịch sử thì người ta mới có thể có căn cứ để mà thực hiện hòa hợp hòa giải dân tộc được.
Kathy Nguyễn: Mình cũng đồng ý với ý kiến của ba bạn vừa rồi. Tuy nhiên, theo ý kiến của mình thì sách lịch sử mình đã từng học qua rồi thì  họ chỉ nêu phiến diện một chiều thôi và miệng thì cứ hô hòa hợp hòa giải nhưng trong quá trình giáo dục họ không có làm một  việc gì đó cụ thể để chứng minh cho mục tiêu là hòa hợp hòa giải dân tộc.  Với giáo dục như vậy thì khó mà thực hiện việc hòa hợp hòa giải.
Chân Như: Khi nhắc tới các chủ đề liên quan đến lịch sử, ngay như trên các diễn đàn và đặc biệt trên Facebook, chúng ta đều thấy có những cuộc tranh luận bởi nhiều phía, từ nhẹ nhàng cho đến gay gắt, từ có văn hóa cho đến văng tục, chửi bậy. Các bạn cảm nhận thấy điều này do đâu ?
Theo quan điểm của tôi, sách giáo khoa lịch sử chỉ phản ánh những quan điểm một chiều. Do đó, nó không phản ánh được lịch sử khách quan. Điều này không đem lại những đóng góp tích cực cho quá trình hòa giải; Phải tôn trọng sự thật thì mới hòa giải được
Tiến Trung
Duy Lâm: Tôi nghĩ là, đối với những người trẻ mà tôi có dịp tiếp xúc trên facebook thì hễ có một sự kiện nào liên quan tới lịch sử thì họ có những nhận định hoàn toàn trái ngược nhau, và hai bên đó thì không bên nào chịu bên nào.  Đối với tôi là cách nhìn của một người sinh sau đẻ muộn sau năm 1975 thì hầu hết những gì mà tôi biết được ở lịch sử diễn ra thì nó đều là những sự kiện mà được kể lại.  Tuy nhiên, những người sinh sau như tôi người ta có dịp tiếp xúc với lịch sử từ những cách tuyên truyền như thế nào đó, có lợi cho phe nào đó thì họ sẽ như là một tờ  giấy trắng họ ghi dấu vào đó những niềm tin mà từ trước tới giờ họ cứ nghĩ như thế là đúng. Vì vậy, giữa họ sẽ xuất hiện những xung đột niềm tin mà tôi tạm gọi là mâu thuẫn về niềm tin. Thật ra cũng là về mâu thuẫn của chuyện viết lịch sử nó không được khách quan mà ra. Tôi cho rằng để những người này có được những cuộc tranh luận mà tôi nghĩ mang tính chất xây dựng hơn và có được những thông tin khách quan hay đa chiều hơn thì mọi người từ mọi phía cần tìm hiểu nhiều hơn là những gì từ trước đến giờ mình vẫn tin là đúng.
Báo VNExpress đăng bài - Lịch sử không phải để thù hận.
Báo VNExpress đăng bài – Lịch sử không phải để thù hận.
Tiến Trung: Theo quan điểm của tôi đây là hậu quả của một nền giáo dục vừa thừa và vừa thiếu:  thừa sự áp đặt và thiếu tự do trong thể hiện tư tưởng cá nhân nên mới dẫn đến tình trạng như vậy.
Nhật Thành: Thành cũng đồng ý kiến với Trung. Sở dĩ việc chửi bậy thì thật ra nó cũng xuất phát từ giáo dục vì trong môi trường giáo dục ở Việt Nam thì nó không tạo được cho mọi người một cái gọi là văn hóa tranh luận và vấn đề đặt câu hỏi trong những vấn đề về lịch sử.  Lịch sử họ thu nhận theo cái hướng chỉ nghe mà không phản biện nên dần già thành như một niềm tin; Nó tạo ra tâm lý chán sử và chính vì chán sử họ không tìm hiểu sử và như thế không có nhiều góc nhìn khách quan. Vấn đề nữa là vấn đề tâm lý, khi bàn về sử thường tâm lý là muốn thắng chứ không phải tâm lý muốn tìm ra vấn đề. Do tâm lý như vậy nên sẽ chỏi lẫn nhau và sinh ra mâu thuẫn hơn.  Còn nếu tranh luận trên phương diện để tìm ra hoặc bổ sung thêm kiến thức mình đang thiếu thì cái tranh luận sẽ đi đến một kết quả tốt hơn.  Hiện nay tranh luận gần như là để bảo vệ quan điểm của mình chứ không phải để tìm ra hướng để mà để biết nhận biết lịch sử mới hơn.
Kathy Nguyễn: Theo em, các cuộc tranh luận trên facebook hoặc trên diễn đàn mạng xã hội về vấn đề lịch sử có một số bạn tạm gọi là hồng vệ binh tranh luận rất gay gắt, rất khó chịu; thậm chí buông những lời thấp kém.  Em nghĩ đó là do từ nền giáo dục nhồi sọ, mang tính chất cực đoan nhìn về một phía làm cho các bạn không chịu mở lòng ra để tiếp thu những ý kiến mới, những điều tốt đẹp hơn. Theo em, đây là hệ quả của việc giáo dục mà ra.
Chân Như: Về những chủ đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, các cuộc tranh luận cũng diễn ra tương tự. Các bạn có cảm nhận được rằng, dường như người Việt chúng ta có nhiều điểm khác nhau về các quan niệm, cách nhìn nhận về dân chủ, nhân quyền? Do đâu lại vậy ?
Tiến Trung: Theo tôi căn nguyên của vấn đề là do có sự tồn tại của hai luồng thông tin trái chiều tại Việt Nam.  Một là từ phía nhà cầm quyền và một từ nguồn thông tin tự do trong thời đại thế giới phẳng ngày nay.
Duy Lâm: Tôi nghĩ sở dĩ có những cách nhìn khác và thậm chí là mâu thuẫn đi đến văng tục hay là xung đột thì thật ra cũng từ việc là do giáo dục mà nên.  Tôi lấy ví dụ nền giáo dục mà tôi nói cụ thể  là môn lịch sử được giảng giạy từ tiểu học cho tới đại học thì không có tập cho sinh viên hay học sinh một cách một thói quen đặt vấn đề tức là họ hoàn toàn tiếp nhận thông tin một cách một chiều và chính từ những  hiểu biết một chiều đó họ sẽ có những niềm tin rằng từ trước tới giờ những gì họ học những gì thầy cô giảng cho họ là đúng. Vì thế, khi họ tiếp cận với những luồng thông tin trái ngược thì họ sẽ có những cú sốc và họ sẽ phản ứng để bảo vệ những niềm tin của họ.  Tôi nghĩ để thay đổi vấn đề này, cái vấn đề về tư duy phản biện nó như là một điều bình thường ở trong bất kỳ một xã hội bình thường nào, nhưng nó lại rất thiếu tại Việt Nam và tôi nghĩ chính việc thói quen đặt vấn đề sẽ giúp hóa giải mâu thuẫn này.
Nhật Thành: Thành xin bổ sung thêm về vấn đề tinh thần dân chủ và vấn đề văn hóa dân chủ. Cái đó nó quan trọng và nhiều người chưa nhận ra vấn đề đó vì cuối cùng dân chủ là  tôn trọng sự khác biệt chứ, chứ dân chủ không phải là vấn đề một thể chế dân chủ hay một khái niệm về dân chủ mà dân chủ thì chung quy tôn trọng sự khác biệt. Nhiều người vẫn chưa có tinh thần như vậy nên trong mọi cuộc tranh luận đều đi đến vấn đề mâu thuẫn.
Tôi nghĩ chính việc tôn trọng tự do ngôn luận, tự do học tập nó sẽ là một trong những yếu tố cần thiết để đi đến những công trình khảo cứu hay những công trình nghiên cứu để có những bộ sách giáo khoa lịch sử hay có những cách nhìn lịch sử đúng đắn hơn và từ đó sẽ đi đến hòa hợp và hòa giải dân tộc được
Duy Lâm
Kathy Trần: Mình cũng đồng ý với ý kiến của Duy.  Mình xin bổ sung thêm là với cách giáo dục ở Việt Nam không khuyến khích cho sinh viên học sinh đặt câu hỏi ngược lại mà chỉ chấp nhận điều đó là đúng, là định lý. Do vậy, sinh viên ở Việt Nam bị rơi vào trạng thái là bị động, phụ thuộc vào giáo viên quá nhiều nên khi có thắc mắc một câu hỏi nào đó được đưa ra thì họ sẽ không có khả năng phản biện lại mà bảo vệ lập luận của họ. Từ đó, tạo ra một thói quen chung cho mọi người ở Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ hiện nay khi bước vào cuộc tranh luận. Đặc biệt là vấn đề nhìn nhận về dân chủ hiện nay thì họ bất đồng quan điểm và họ cảm thấy khó chịu khi mà những đề tài này được đưa ra.
Chân Như: Theo các bạn, để quá trình hòa hợp dân tộc, hàn gắn vết thương sau chiến tranh diễn ra thuận lợi, bền vững hơn, thì cần có thái độ thế nào với lịch sử và nghiên cứu, giảng dạy lịch sử, cũng như đối với các giá trị phổ quát của nhân loại về dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam?
Tiến Trung: Theo tôi phải có cái nhìn khách quan, trung thực toàn diện và nhiều chiều đối với lịch sử cũng như là với các giá trị phổ quát của nhân loại về dân chủ nhân quyền như vậy mới có thể hòa hợp dân tộc thật sự được.
Nhật Thành: Em nghĩ vấn đề để hòa hợp thì tôn chỉ đầu tiên vẫn phải tôn trọng sự thật và trong tôn trọng sự thật đó phải tôn trọng sự khác biệt. Tôn trọng sự thật và tôn trọng sự khác biệt thì mới dẫn đến việc thông hiểu nhau và thông cảm thì mới hòa hợp được.
Duy Lâm: Đối với việc hòa hợp hòa giải dân tộc thì tôi nghĩ đây là cả tiến trình và vì vậy phải có yếu tố “cần và đủ”để nó xảy ra. Trong suốt quãng thời gian dài nhà nước Việt Nam kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc nhưng họ chưa có chuẩn bị những yếu tố “cần và đủ” để đi tới được cái điều mà họ muốn. Tất nhiên là một trong những yếu tố “cần và đủ” đó là tôn trọng sự thật, tôn trọng lịch sử khách quan như là những gì đã xảy ra, không tô hồng, không đánh bóng, không bóp méo; Giữa một giới hạn về không gian tự do ngôn luận và tự do học thuật nó bị trói buộc và bó hẹp như ở Việt Nam thì tôi nghĩ rằng dẫu người ta có nhìn nhận lịch sử theo cách mà không giống như là lịch sử của chính quyền viết thì nó vẫn là điều rất khó khăn. Tôi nghĩ chính việc tôn trọng tự do ngôn luận, tự do học tập nó sẽ là một trong những yếu tố cần thiết để đi đến những công trình khảo cứu hay những công trình nghiên cứu để có những bộ sách giáo khoa lịch sử hay có những cách nhìn lịch sử đúng đắn hơn và từ đó sẽ đi đến hòa hợp và hòa giải dân tộc được.
Kathy Trần: em đồng tình với ý kiến anh Thành là để tiến tới tiến trình hòa hợp hòa giải dân tộc thì trước tiên chúng ta phải biết tôn trọng sự thật. Sau đó, các bạn phải mở lòng ra trong các cuộc tranh luận để tiếp thu ý kiến mới, từ đó có cách nhìn nhận tốt hơn, đa chiều hơn về một vấn đề.
Xin cám ơn phần chia sẻ của bốn bạn Kathy Trần, Nhật Thành, Duy Lâm và Tiến Trung.
******************************

Hòa giải dân tộc – Hành xử của chính quyền với hòa giải dân tộc (phần 3)

Chân Như, phóng viên RFA
2015-04-23
Cầu Hiền Lương - Sông Bến Hải - Vĩ tuyến 17, giới tuyến ngày xưa chia cắt 2 miền đất nước.
Cầu Hiền Lương – Sông Bến Hải – Vĩ tuyến 17, giới tuyến ngày xưa chia cắt 2 miền đất nước. -Xomnhiepanh.com
Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt tròn 40 năm. Cho đến nay những ký ức và hậu quả của cuộc chiến đó vẫn chưa phai nhòa. Giới trẻ trong nước và hải ngoại có cái nhìn thế nào về câu chuyện lịch sử đau thương này và sự hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc trong hiện tại và tương lai? Đó là những điều mà tạp chí diễn đàn bạn trẻ mong muốn được truyền tải đến quý vị và các bạn cho đến hết ngày 30/4/ 2015.
Và trong kỳ này mời quý vị cùng đến với những suy nghĩa của giới trẻ về hành xử của chính quyền với hoà giải dân tộc. Cùng với 3 bạn khách mời, Đắc Đạt, Lê Văn Nước và Lý Hùng.
Chân Như: Các bạn có biết về những phát biểu hay hoạt động từ phía chính quyền liên quan tới vấn đề hòa giải dân tộc hay không ? Những phát biểu và hoạt động đó nhắm tới những ai ? có tác dụng hay không ?
Đắc Đạt: Theo em được biết bộ chính trị ban chấp hành trung ương ĐCSVn đã ra nghị quyết 36-NQTW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài có nêu lên nghị định, em xin trích dẫn ở đây cho mọi người cùng nghe: “Cộng đồng người Việt ở nước ngoài có tiềm lực kinh tế nhất định, có mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp tổ chức kinh tế ngoài quốc tế.  Nhiều trí thức có trình độ học vấn và chuyên môn cao một số người giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan, cơ sở nghiên cứu đào tạo, các công ty tổ chức quốc tế.  Vì thế công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần phải được thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết của dân tộc. Cơ sở đại đoàn kết là ý thức người dân về lòng yêu nước, lòng tự hào của dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam và giữ vững nền độc lập dân tộc thống nhất của tổ quốc, làm cho đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, xóa bỏ mặc cảm định kiến, phân biệt đối xử quá khứ hay thành phần giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở tôn trọng thông cảm và tin trợ lẫn nhau”.  Khi đọc được thông tin này em thấy là chủ yếu tập trung vào những người Việt Nam đang sống ở hải ngoại.
Chính quyền cũng đã có một số việc làm đó là tổ chức nhiều sự kiện liên quan đến việc hoà giải hoà hợp dân tộc này. Em đưa ra một số dẫn chứng ở đây là mối quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ đã thay đổi cách nhìn về vấn đề hoà hợp hoài giải dân tộc của các thế hệ người Việt trong và ngoài nước.  Thứ hai trong chuyến thăm cộng đồng người Việt tại Mỹ năm 2012, thứ trưởng bộ ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cũng công khai kêu gọi những người được xem là những người chống đối nhà nước VN.  Sau đó chính phủ VN đã nhiều lần đưa người Việt ở nước ngoài đến thăm Trường Sa, rồi ngày 27 tháng 4 năm 2014 chính phủ VN cũng đã tổ chức cho đoàn kiều bào đến viếng nghĩa trang liệt sĩ Bình Dương và nghĩa trang Bình An, hay còn gọi nghĩa trang quân đội Biên Hoà thời VNCH.  Em thấy là chính phủ VN cũng có một số việc làm để nhắm đến những đối tượng người Việt ở hải ngoại nhằm hướng tới việc hoà giải dân tộc
Lê Văn Nước: Theo em những hoạt động này chủ yếu từ chính phủ CHXHCNVN yêu cầu những người ở hải ngoại họ muốn hòa giải nhưng hoà giải một cách vô điều kiện; Tức là có nghĩa bên ngoài họ phải theo chính phủ của VN chứ không phải là hai bên cùng ngồi lại với nhau để giải quyết những vấn đề về hòa hợp hoà giải dân tộc. Chính vì thế nên em thấy hiệu quả của nó không hề như những gì mà người ở trong nước cũng như người ở ngoài nước mong muốn. Đó chỉ gọi là  màu mè cho nó có.
Thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn, chủ nhiệm UBNNVNVNONN đã đưa đoàn khách Việt kiều, đa số là từ Hoa Kỳ, tới tỉnh Bình Dương, đến viếng thăm nghĩa trang liệt sĩ Bình Dương và nghĩa trang Bình An, tức nghĩa trang quân đội Biên Hoà thời VNCH
Thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn, chủ nhiệm UBNNVNVNONN đã đưa đoàn khách Việt kiều, đa số là từ Hoa Kỳ, tới tỉnh Bình Dương, đến viếng thăm nghĩa trang liệt sĩ Bình Dương và nghĩa trang Bình An, tức nghĩa trang quân đội Biên Hoà thời VNCH
Lý Hùng: Theo em thì nhà nước cũng kiểu kêu gọi đồng bào người Việt bên hải ngoại gởi (tiền) về nước để xây dựng phát  triển đất nước. Đấy là mời gọi như thế nhưng chỉ là kiểu đấy thôi chứ không phải là thiện chí kêu gọi kiều bào về, nó không có tác dụng gì hết.
Chân Như: Theo những gì các bạn biết và tìm hiểu, chính quyền đã làm những gì để hòa giải dân tộc, hàn gắn quá khứ chiến tranh với những người từng ở phía bên kia chiến tuyến đang sinh sống ở trong nước – đối với cả người sống cũng như người đã khuất ?
Đắc Đạt: Theo em được biết thì khi có chính sách hoà giải hoà hợp dân tộc thì nhà nước Việt Nam có chính sách cởi mở hơn điều kiện cho đồng bào đóng góp cho quê hương đất nước. Nhưng đối tượng ở đây chỉ là những kiều bào còn đang sinh sống ở nước ngoài, cụ thể về một số vấn đề về văn hoá nghệ thuật thì chính quyền có nới lỏng một số tác phẩm nghệ thuật hay các chương trình ca múa nhạc; Cụ thể có một số ca sĩ ở hải ngoại cũng có thể về VN tổ chức liveshows được .  Tuy nhiên, đó là những đối tượng hiện đang sinh sống công tác làm việc ở nước ngoài.  Còn đối với những người lính của chế độ VNCH cũ thì ngược lại, họ bị đối xử rất tàn tệ, không như những người thuộc bên phiá quân đội nhân dân VN, tức là của chính quyền CS.  Những người thương phế binh của chế độ VNCH thì gần như họ phải tự bươn chải để kiếm sống, cho nên em thấy đây là môt chính sách rất là bất cập và nó chỉ mang hình thức là để tiếp đón những người có tiền, có điều kiện để về đóng góp tài chính thôi còn gần như là những người sống trong nước thì hoàn toàn họ không được cái sự đối đãi tử tế nào từ chính quyền.
Chân Như: Đợt kỷ niệm 40 năm ngày 30.4 năm nay, chính quyền sẽ tổ chức rất hoành tráng hơn mọi năm trước. Theo các bạn, việc làm những lễ kỷ niệm như vậy, có khoét sâu thêm vết thương của dân tộc hay không ? Vì sao ?
Lê Văn Nước: Theo em ngày 30 tháng 4 này chính quyền sẽ cho tổ chức rất to, bắn pháo hoa này nọ. Thật sự em thấy kiểu như khoét sâu thêm nỗi đau cho những người ở bên kia chiến tuyến hầu như những cái đó thì không nên.  Ngày 30 tháng 4 đáng lẽ phải là ngày cùng nhớ lại những người đã mất, chứ không phải là ngày mà để gọi là mọi người ăn mừng hay này nọ, nó thực sự làm thêm (…cà thịt lên ) nỗi đau của người khác, nó hơi dã man.
Lý Hùng: 30 tháng 4 đối với các chiến sĩ và các anh em bên VNCH thì họ xem đấy là một ngày quốc hận, một ngày chính quyền của họ bị mất. Đối với đại đa số nhân dân miền Nam và đồng bào người Việt bên hải ngoại thì đấy là một vết thương, một vết thương khó để hàn gắn được.  Chính quyền năm nay tổ chức hoành tráng như thế là một sai lầm. Làm như thế như kiểu khoét thêm nỗi đau vào nhân dân miền Nam, và những chiến sĩ VNCH.  Hoà giải kiếu đấy thì thật ra nó không mang ý là hoà giải mà là khoét sâu thêm vết thương lòng.
Hình ảnh người thương phế binh VNCH không được hưởng bất cứ quyền lợi gì.
Hình ảnh người thương phế binh VNCH không được hưởng bất cứ quyền lợi gì
Đắc Đạt: Em rất đồng ý với ý kiến của anh Hùng và anh Nước vừa rồi. Em xin đưa một số ý kiến: không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều người VN hải ngoại thường nói chính quyền VN là ăn mày dĩ vãng bởi vì họ rất say sưa chiến thắng trong lịch sử mà nhiều khi họ quên đi những cái việc làm trước mắt là phải làm gì để hướng tới tương lai.  Cho nên trong những cuộc kỷ niệm và nhất là những năm chẵn họ thường tổ chức rất hoành tráng.  Đối với những người thuộc chế độ cũ ngày xưa khi giải phóng thì những sĩ quan đi lính trong chế độ VNCH, khi họ đã buông súng đầu hàng rồi nhưng chế độ mới vẫn đưa họ vào những trại cải tạo. Không những không cải tạo được con người mà ra còn chuốc thêm thù oán, rồi thì hàng trăm nghìn, hàng chục nghìn người phải bươn ra ngoài biển, những thuyền nhân ấy phải bươn ra ngoài biển bất kể sống chết.  Cho nên hàng năm chính quyền nhắc đến những sự kiện 30 tháng 4 thì em nghĩ đấy nó là sự kiện mà nó làm cho người ta khoét sâu vào nỗi đau người ta thêm rất nhiều.
Chân Như: Như những gì chúng ta cảm nhận, quá trình hòa giải dân tộc sau 40 năm vẫn còn có nhiều vướng mắc, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Các bạn mong muốn ở chính quyền điều gì nhằm thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn, thuận lợi hơn ?
Lý Hùng: Sau 40 năm thực sự nỗ lực hoà giải rất là thấp cho nên muốn thúc đẩy quá trình hoà giải nhanh hơn thì chính quyền phải có những hành động thiết thực. Chẳng hạn như thay đổi cơ chế đối với kinh tế để phải tạo điều kiện tốt nhất cho những nhân sĩ trí thức, doanh nghiệp và kiều bào về nước để xây dựng nước, để bớt thủ tục hành chính, hợp lý hơn, bớt thời gian, tránh tình trạng tham nhũng.
Lê Văn Nước: Em muốn chính quyền phải đặt lợi ích của  những người trước kia và kể cả những người ở cộng đồng hải ngoại. Trong phía họ, kiểu như là họ có nghĩ là bên kia là phải phụ thuộc vào chính quyền, nên họ làm một cách hời hợt. Họ đã đặt lợi ích của những người mà họ muốn hòa giải lên cái kiểu như làm sao cho quá trình hoà giải nó tiến tốt nhanh hơn.  Thực ra hiện nay em thấy họ cũng dẫn dựa và vị tha lắm chứ họ không có chuyện ôm hận đến 30 – 40 năm nay mà vẫn như thế; Chẳng qua là do chính sách nó thiếu sự tin tưởng giữa cả hai bên. Em nghĩ họ cần phải có sự tin tưởng thêm giữa cả hai bên để đầy nhanh quá trình hoà giải.
Đắc Đạt: Theo em hoà hợp dân tộc chỉ xảy ra khi một chính thể cởi mở. Trong chính thể đó có nhiều tổ chức xã hội quy tụ nhân dân, chính quyền và nhân dân cùng phấn đấu một mục đính chung, đòi hỏi sự minh bạch để nhân dân tin tưởng là một chính quyền trong sạch. Và từ đó tin tưởng sự đóng góp của mình để xây dựng và bảo vệ tổ quốc, giúp đỡ cộng đồng chứ không phải để nuôi một nhóm người hay một đảng phái nào đó. Em nghĩ, do đó, hòa hợp dân tộc còn phải dựa trên tinh thần phản biện từ tâm lý hay tính sùng bái cá nhân hoặc tâm lý đám đông. Chính vì vậy, em nghĩ với chính quyền VN hiện tại thì chuyện hòa hợp hoà giải dân tộc thì khó có thể xảy ra trong một sớm một chiều em nghĩ nó phải trải qua một quá trình rất dài.
Cám ơn phần chia sẻ của ba bạn Lý Hùng, Lê Văn Nước và Đắc Đạt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét