Blogger Phạm Đoan Trang
Trà Mi-VOA
Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son ngày 24/4 tuyên bố Việt Nam có nhân quyền và tự do báo chí hơn nhiều nước khác.Truyền thông nhà nước dẫn phát biểu của ông Nguyễn Bắc Son trước cử tri xã Đại Đồng, (Thạch Thất, Hà Nội) bác bỏ những cáo giác của các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới cho rằng Việt Nam không có tự do báo chí.
Ông Son nói ‘Đó là họ nói không đúng và nhìn nhận không đầy đủ.’
Người đứng đầu ngành thông tin-truyền thông của Việt Nam khẳng định ‘Thực ra ta có nhân quyền và báo chí ở ta tự do hơn họ rất nhiều.’
Ông Son dẫn chứng ‘hiếm có nước nào có nhiều tờ báo và truyền hình như Việt Nam hiện nay’, ‘các hội, các ngành đều có một tờ báo riêng’ ‘phục vụ nhu cầu độc giả mọi lứa tuổi’ tuy ông thừa nhận ‘báo chí là phương tiện truyền thông của đảng, nhà nước.’
Bình luận của Bộ trưởng Son gây chú ý công luận giữa bối cảnh Việt Nam trong nhiều năm liên tiếp bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế liệt kê vào danh sách các nước đàn áp tự do báo chí-tự do ngôn luận nghiêm trọng nhất trên thế giới.
Blogger-nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang từng là phóng viên và biên tập viên chuyên trang Tuần Việt Nam của Vietnamnet nay là nhà hoạt động cổ võ cho nhân quyền Việt Nam, phản hồi trước tuyên bố của Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông:
“ Bộ trưởng nói vậy em bật cười, và em nghĩ nhiều nhà báo khác cũng bật cười. Câu nói rằng Việt Nam có tự do báo chí vì Việt Nam có nhiều báo là phép ngụy biện mà nhiều quan chức của chính quyền cộng sản dùng nhiều năm nay rồi. Vấn đề là các tờ báo đó chất lượng thế nào và bản chất hoạt động của báo chí Việt Nam thế nào thì không bao giờ các ông ấy nói đến cả. Có cả ngàn tờ báo mà chỉ có một tổng biên tập. Sự lố bịch và dối trá ấy công khai tồn tại nhiều năm nay rồi.”
Giới hữu trách Việt Nam giải thích do số lượng báo đài trong nước nhiều nên nhà nước cần phải quản lý để hoạt động hiệu quả, ‘đúng tôn chỉ, mục đích.’
Blogger Đoan Trang phản bác quan điểm này:
“Điều này thể hiện một tư duy rất kém về chính sách công, về quản trị đất nước, về chính trị và luật pháp. Em muốn nói họ dốt về chuyện quản lý đất nước, quản trị điều hành. Còn chuyện trấn áp kiểm soát thì họ khá lắm. Quản lý báo chí nên là việc của xã hội, chứ không phải việc của nhà nước. Bao lâu nay báo chí Việt Nam chỉ được kiểm soát bằng nghị quyết, nghị định của đảng. Những chuyện đụng đến chính trị thì bị xử lý, còn chuyện xâm phạm đời tư-vu khống bôi nhọ tràn lan trên mặt báo đâu thấy ai nói gì. Ở đây rõ ràng có vấn đề rất nặng về chuyện luật pháp, hành pháp, cũng như lập pháp.”
Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Việt Nam chỉ ra Việt Nam nằm trong 20 nước trên thế giới có luật về báo chí để nói rằng Việt Nam ‘tự do báo chí hơn nhiều nước khác.’ Tuy nhiên, giới hoạt động cho rằng các luật báo chí của Việt Nam không nhằm bảo vệ quyền tự do báo chí.
Nhà báo độc lập Đoan Trang:
“Cái họ dùng không phải là luật pháp. Nó là luật rừng thì đúng hơn, đầy mơ hồ. Ở Việt Nam thừa luật về quản lý và siết chặt tự do nhưng thiếu luật tốt để xã hội vận hành được. Những luật họ dùng hoàn toàn nhằm bảo vệ lợi ích của đảng và của công an. Luật về báo chí không bảo vệ tự do báo chí hoặc giúp nhà báo vận hành một cách chuyên nghiệp.”
Tháng 10 năm nay, chính phủ Việt Nam dự kiến trình Quốc hội dự thảo Luật báo chí sửa đổi.
Theo lời Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông, Luật báo chí sửa đổi ‘sẽ là công cụ để công tác quản lý báo chí được thực hiện hiệu quả hơn.’
Ông Son cũng kêu gọi cử tri đóng góp ý kiến thêm ‘để công tác quản lý báo chí được làm tốt hơn.’
Giới hoạt động cho rằng Luật báo chí Việt Nam cần sửa đổi để bảo vệ quyền tự do ngôn luận-tự do báo chí của người dân hơn là bảo vệ ‘công tác quản lý báo chí’ của nhà nước.
Thành viên nồng cốt của Mạng lưới Blogger Việt Nam, Phạm Đoan Trang:
“Thấy một cảm giác rất là khó chịu. Những người với trình độ như vậy vẫn cứ giữ các vị trí như vậy, vẫn cứ phát ngôn các câu nói rất tệ hại thể hiện sự thiếu hiểu biết và thiếu tôn trọng các nhà báo như thế. Cảm thấy bực bội thôi chứ không lo ngại. Kể cả Luật báo chí có siết chặt hơn nữa thì cũng không sao vì thật ra các nhà báo Việt Nam cũng quen với việc đó rồi. Bao lâu nay họ vẫn bị siết chặt như thế rồi. Để nói Luật báo chí cần phải sửa đổi thế nào cho phù hợp thì họ phải hiểu về báo chí và hiểu về nhân quyền. Trong lực lượng lập pháp của đảng, không có những người như vậy. Họ không có tư duy về nhân quyền hay tự do báo chí.”
Trong tuần này, Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ công bố phúc trình thường niên tiếp tục liệt kê Việt Nam trong danh sách 10 nước kiểm duyệt báo chí gắt gao nhất trên thế giới.
CPJ nói Việt Nam là một trong những nhà tù lớn nhất cho giới ký giả, với ít nhất 16 phóng viên đang bị cầm tù.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét