Báo Bình phước
22/04/2015
BP – Làm việc 12 giờ/ngày, 30 ngày/tháng nhưng không được tính tiền tăng ca.
Làm việc trong môi trường độc hại nhưng không được trang bị bảo hộ lao
động. Công nhân có lỗi hay không cũng không lập biên bản mà âm thầm trừ
lương cuối tháng. Ai có ý kiến thì đuổi việc… Đó là những gì đã diễn ra
tại Công ty TNHH Nantong XinFei (Việt Nam) Textile.
Nhiều quy định bất hợp lý
Công ty Nantong sản xuất sợi vải, vải dệt thoi và hoàn thiện sản phẩm dệt thành lập ngày 28-5-2012, đặt tại lô F1, F2 Khu công nghiệp Minh Hưng – Hàn Quốc. Để đảm bảo sản lượng, Công ty Nantong hoạt động 24/24 giờ.
Theo phản ánh của công nhân, trong năm 2014 và đầu năm 2015, công ty tuyển quản lý mới và từ đó có nhiều chính sách bất hợp lý. Cụ thể, công nhân phải làm việc 30 ngày/tháng, mỗi ngày làm việc khoảng 12 giờ nhưng không tính giờ làm thêm. Môi trường lao động không đảm bảo, như tiếng ồn, bụi vải… Mới đây, lãnh đạo công ty họp công nhân và nói sẽ cắt tiền lương cơ bản, công nhân chỉ làm việc ăn theo sản phẩm. Ngày chủ nhật Công ty Nantong không cho nghỉ, phải làm việc 18 tiếng, từ 7 giờ sáng đến 1 giờ trưa, sau đó làm tiếp từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau. Đã thế, những người đấu tranh đòi quyền lợi cho tập thể bị công ty “điểm mặt” và đuổi việc.
Công nhân tập trung trước Công ty Nantong ngày 18-4
Công nhân N.T cho biết: “Em làm việc tại Công ty Nantong từ đầu năm
2014. Mỗi ngày em phải điều khiển 4 máy dệt trong vòng 12 tiếng nhưng
tiền lương chỉ được hơn 200 ngàn đồng. Công ty còn bắt vệ sinh máy liên
tục, nếu không vệ sinh sạch sẽ, quản lý phát hiện phạt 50 ngàn
đồng/máy”.Phạt như vậy công nhân lấy tiền đâu để ăn và chi tiêu? Điều đáng nói là dù công nhân có vi phạm lỗi hay không cũng không lập biên bản mà âm thầm trừ vào lương cuối tháng, gây bức xúc. Nếu nghỉ làm việc không lý do thì bị công ty trừ tiền tương đương 3 ngày công. Công nhân bị bệnh xin nghỉ cũng không được chấp nhận hay quan tâm đúng mức.
Môi trường làm việc rất ồn và nhiều bụi vải nhưng công ty không trang bị đồ bảo hộ lao động đầy đủ. Công nhân H.T.T.H làm việc tại xưởng dệt cho biết: “Chúng em mà làm việc từ sáng tới tối, người như mới chui từ dưới cống lên, mình dính đầy sợi vải và bụi. Môi trường làm việc như vậy nhưng công ty không phát khẩu trang và dụng cụ đeo chống tiếng ồn cho công nhân. Những hôm có đoàn kiểm tra đến công ty chống đối bằng cách phát dụng cụ chống ồn và tắt bớt máy dệt (công nhân thay vì điều khiển 4 máy thì chỉ điều khiển 1 máy). Khi đoàn kiểm tra về thì đâu lại vào đó, dụng cụ đeo chống ồn cũng bị thu lại. Mới đây, công ty phát đồ bảo hộ lao động cho công nhân bằng vải rồi yêu cầu tự bỏ tiền túi ra may”.
Giải quyết không thỏa đáng
Vừa qua, vì công ty thông báo cắt lương cơ bản của công nhân lên trụ (đưa các cuộn sợi vải lên máy dệt) ở xưởng dệt nên đồng loạt 8 công nhân bộ phận này viết đơn xin nghỉ việc. Sau đó, công đoàn, Ban quản lý khu kinh tế, công an vào làm việc với Công ty Nantong thì lãnh đạo công ty yêu cầu số công nhân này lên rút đơn và làm việc trở lại, đồng thời hứa không cắt lương cơ bản, không đuổi việc. Tuy nhiên, ít hôm sau, người của công ty xuống thu 8 tờ đơn lại và cho 8 công nhân lên trụ nghỉ việc. Đồng thời cho một số công nhân thường xuyên đấu tranh đòi quyền lợi nghỉ làm. Sự việc đã khiến công nhân trong xưởng bức xúc và ngưng làm việc để phản đối.
“Chúng em là người chứ đâu phải cái máy, phải có lúc này lúc kia. Vậy mà bệnh xin nghỉ thì quản lý nói “Cứ làm việc đi, tôi lấy tính mạng mình ra đảm bảo cho”. Giữa tháng 2 vừa rồi, khi em ngất xỉu tại xưởng, giữa đêm, nhưng quản lý công ty bắt công nhân chở em đi cấp cứu bệnh viện bằng xe máy. Nhiều người phản đối, mãi sau công ty mới đưa xe ôtô xuống. Em phải nằm viện nhiều ngày nhưng lãnh đạo công ty hay công đoàn không đến thăm hỏi một lần. Sau khi xuất viện, em nộp toàn bộ giấy tờ lên công ty nhưng đến nay không được thanh toán viện phí”. Công nhân N.T.N.O |
Sau khi nhận được thông báo, công nhân vẫn không hài lòng vì lãnh đạo công ty không giải quyết được các vấn đề căn bản, như: bảo hộ lao động cho công nhân, cải thiện môi trường làm việc bằng cách giảm tiếng ồn, bụi vải trong không khí; thời gian làm việc cơ bản và tăng ca; chế độ nghỉ làm việc ngày chủ nhật; phạt tiền công nhân khi vi phạm các lỗi; đuổi công nhân không lý do…
“Nếu công ty không giải quyết các vấn đề này trong thời gian tới, tình trạng công nhân ngưng làm việc tập thể để phản đối công ty là khó tránh khỏi” – công nhân H nói.
Nhất Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét