Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Đường 9 vạch không phải là chủ thuyết Monroe của Trung Quốc

H1Basam

The Diplomat
Tác giả: James Holmes
Người dịch: Huỳnh Phan
21-06-2014
Đừng uống Kool-Aid mà Bắc Kinh đang rao bán. Đường 9 vạch chẳng có gì giống chủ thuyết Monroe.

Trong bài phát biểu hôm thứ ba ở Newport, nhân vật bí ẩn quốc tế Robert Kaplan kể lại một câu chuyện vốn quá thường trong các giao dịch giữa Mỹ và Trung Quốc. Kaplan thuật lại chuyện một đại tá PLA phát biểu rằng cái mà Trung Quốc muốn đạt được ở biển Đông “không khác” với những gì mà Mỹ muốn thực hiện trong vùng biển Caribbean và Vịnh Mexico thời chủ thuyết Monroe. Bắc Kinh muốn nắm giữ trách nhiệm về các vùng biển quanh mình trong khi hợp tác với cường quốc biển ưu thế hiện nay ở những nơi khác trên bản đồ.


Thấy chưa? Để tránh thói đạo đức giả, Washington nên đứng sang một bên trong cuộc tranh cãi về biển của Trung Quốc với các nước láng giềng.

Ô, không, tôi không thấy. Phương pháp của Trung Quốc giống như cách người Mỹ dùng từ sau nội chiến (1861-1865). Ở một mức độ nào đó. Vào khoảng thập niên 1880, Hoa Kỳ quả đã bắt tay vào việc xây dựng một lực lượng hải quân lớn – một lực lượng hải quân mạnh hơn bất kỳ hải quân châu Âu nào trong vùng biển mà họ quan tâm, cụ thể là vùng biển lớn Caribbean. Trung Quốc đã bắt tay vào việc xây dựng một lực lượng hải quân lớn – một lực lượng hải quân, được sử dụng phối hợp với các loại vũ khí trên bờ, có thể vượt qua bất kỳ hải quân châu Á hoặc bên ngoài nào trong vùng biển mà họ cho là quan trọng, cụ thể là các biển Trung Hoa (Hoa Đông, Hoa Nam).

Vì vậy, ở các cấp độ kỹ thuật và chiến thuật chiến tranh theo Edward Luttwak, viên đại tá đó ít nhiều chính xác. Cường quốc biển: khôn lanh thật!

Tuy nhiên, như nhà văn vĩ đại Mark Twain đã lém lỉnh chỉ ra sự khác biệt giữa từ gần như đúng và từ đúng là sự khác biệt giữa con đom đóm và tia chớp. Sự tương tự lịch sử cũng thế. Những người hội thoại Trung Quốc đang cố dùng mãi những cách so sánh dễ dãi với lịch sử nước Mỹ để có được việc Mỹ đơn phương từ bỏ vũ khí trí tuệ. Nếu chúng ta đã làm điều đó trong vùng biển Caribbean thì sao chúng ta có thể phản đối khi Trung Quốc cũng thực hiện điều đó ở Đông Nam Á hiện nay?

Khôn ngoan thật. Nhưng hãy cẩn thận trong việc học các bài học lịch sử từ các đại diện của một chế độ đã tìm mọi cách để bôi xoá những việc làm sai trái như Đại nhảy vọt, Cách mạng Văn hóa, và Quảng trường Thiên An Môn ra khỏi bộ nhớ chính thức và của dân chúng trong khi tự đóng vai như kẻ thừa kế các truyền thống Nho giáo mà họ đã từng tìm cách xoá bỏ. Đây là những người cố thuyết phục chúng ta rằng con đom đóm với tia chớp là cùng một thứ.

Mặc dù phương pháp của Trung Quốc trong vùng biển gần có một số điểm tương đồng với cách của Mỹ hồi cuối thế kỷ 19, nhưng mục tiêu của họ lại khác hơn nhiều. Sự khác biệt là giữa các vùng biển kín và vùng trời do một quốc gia ven biển hùng mạnh thống trị với sự tự do của những vùng biển chung. Cả hai chủ thuyết đều về vùng biển mặn, nhưng sự giống nhau chỉ dừng ở đó. Sự giống nhau của con đóm và tia chớp.

Hoặc, nếu thích hơn, sự khác biệt giữa tầm nhìn về luật biển của Mỹ và của Trung Quốc là sự khác biệt giữa nhà lý luận luật quốc tế Hà Lan thế kỷ 17 Hugo Grotius và đối thủ người Anh, luật gia John Selden. Grotius khẳng định các vùng biển không thuộc vào chủ quyền quốc gia – đúng ra là sở hữu – trong khi Selden tuyên bố Anh có chủ quyền đối với các vùng biển đang vỗ sóng vào các đảo của nước Anh. Một thế kỷ trước, cũng như bây giờ, Grotius là bộ mặt của chính sách của Mỹ trong các vùng biển chung. Selden có thể cũng là tiên tri về luật biển của Trung Quốc.

Không tin ư? Thì hãy xem: Hoa Kỳ đã tự ứng xử thế nào trong khi vươn lên vị trí ưu thế trên biển? Họ dùng sức mạnh trên biển đang phát triển của mình để làm gì? Vâng, có một điều là họ không bao giờ tuyên bố quyền sở hữu vùng biển lớn Caribbean, tuy nhiên nhiều phần họ thèm muốn có ưu thế đó. Mỹ lúc đó không có cái tương tự như đường 9 vạch.

Mặc dù thỉnh thoảng có liếc nhìn về phía Cuba và các đảo khác nhưng Washington cũng không coi những món trang sức này của vùng biển Caribbean là tài sản hợp lẽ của Mỹ. Bất kỳ trường phái tư tưởng đối ngoại quan trọng nào cũng không xem vùng biển phía Nam như một phần mở rộng ra biển của đất liền Bắc Mỹ. Chính sách chính thức coi biển là lãnh thổ có chủ quyền hoặc “đất xanh quốc gia” (blue national soil), mượn cụm từ phổ biến của Trung Quốc đối với các vùng biển tiếp giáp, lại còn ít hơn.

Thay vào đó, chủ thuyết Monroe là một đường lối đơn phương ngăn các đế chế châu Âu chiếm lại các nước cộng hòa châu Mỹ đã giành được độc lập. Chủ thuyết này đã được châu Mỹ Latinh yêu chuộng trong nhiều thập kỷ. Chẳng hạn, vào năm 1906, chính phủ Brazil xây dựng điện Palácio Monroe tại Rio de Janeiro. Dinh thự hoành tráng này tôn vinh di sản của James Monroe vào dịp Hội nghị Liên Mỹ lần thứ ba.

Có thể tưởng tượng rằng Philippines sẽ dựng Palácio Tập Cận Bình tại Manila để tán dương hành vi của Trung Quốc ở Đông Nam Á? Tôi cho rằng không. Chỉ trong thập niên 1910 chủ thuyết Monroe mới thực sự đánh mất uy tín ở Mỹ Latinh. Đó là khi các nhà lãnh đạo Mỹ đã lạm dụng nó như là một cái cớ để can thiệp ngoại giao và quân sự hơn là việc phòng thủ chung của các nước châu Mỹ.

Tuy nhiên, các chính khách Mỹ không cứng đầu bám chặt vào chủ thuyết thậm chí yêu chuộng nhất này trong các chủ thuyết đối ngoại. Vào thập niên 1920, chủ thuyết Monroe vốn được Tổng thống William Howard Taft và Woodrow Wilson viện dẫn như một giấy phép để can thiệp vào công việc nội bộ các nước vùng Caribbean, đã được Washington thu lại thành “hệ luỵ” Theodore Roosevelt. Tổng thống Herbert Hoover và Franklin Roosevelt sau đó mở ra hệ thống phòng thủ liên-Mỹ vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay.

Thật ra Hoover và Roosevelt đã quốc tế hóa chủ thuyết Monroe, tranh thủ các nước châu Mỹ như những người đồng bảo hộ an ninh ở Tây Bán Cầu. Có thể tưởng tượng Bắc Kinh sẽ rút lại đường 9 vạch của mình theo cách tương tự? Người ta có thể hy vọng – nhưng đừng quá kỳ vọng.

Vì vậy, chúng ta đừng uống Kool-Aid mà Bắc Kinh đang rao bán. Khi nào họ rút lại tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với biển Đông, đảo ngược chính sách lâu dài sang ủng hộ quyền tự do của các vùng biển và vùng trời, và quan trọng nhất, giành được sự chấp nhận từ các nước láng giềng châu Á thì tôi sẽ hân hoan chào đón các so sánh giống như những so sánh được viên đại tá của Kaplan vẽ ra.

Chưa đến lúc đó … thì hãy quên chuyện này đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét