DCVOnline
Quang Thi TruongEm có biết còn biết bao nhiêu chị Dậu ở cái đất nước này đang đi buôn lậu thân thể của họ khắp thế giới hay không? Có những chị Dậu chỉ có ngày ra đi nhưng không có ngày về hay không?
Viết sau khi đọc bài thơ HOA của Võ Tấn Cường.
Cô gái bán hoa dành ngàn bạc lẻ
Mua nhành Huệ viếng mộ mẹ mình
Cô đau nghĩ đồng tiền ô uế
Lại mua về vẻ đẹp trắng trinh.
Chị Dậu ngày xưa còn có mấy con chó để đem ra chợ bán; chị Dậu thời nay chó cũng bị chúng nó bắt trộm mất rồi. Vào đường quẩn bách, chẳng còn cách nào khác, chị đành phải đem thân đi bán. Khổ nỗi thân này là cha mẹ chị sanh ra, danh chính ngôn thuận nó là tài sản của chị. Nhưng đã nói đến chuyện mua bán thì nó thuộc phạm trù kinh doanh, mà đã kinh doanh thì phải dựa trên cơ sở luật pháp, và phải đóng thuế cho nhà nước.
Nhà nước chưa có luật kinh doanh cho ngành bán thân, nên chị đành thông qua lũ cò mồi, ma cô, đem thân bán chui vào thị trường chợ đen. Tạm gọi nghề bán thân của chị là buôn lậu, trốn thuế.
Mà đã buôn lậu thì có chuyến được chuyến mất. Chuyến nào trót lọt thì chị được chia 50/50 với lũ cò mồi, chuyến nào bị quỵt thì coi như chị mất trắng. Rồi một ngày kia, chị bị bắt quả tang khi đang bán cái tài sản của mình. Chị bị đưa vô trại phục hồi nhân phẩm. Mà nhân phẩm là cái thứ vô hình ảnh, không sắc, không mùi vị. Nó đâu phải cái xe, cái máy hay những dạng vật chất hữu hình để mà đem ra phục hồi đơn giản. Nó là cả một quá trình giáo dục, từ khi con người ta vừa mới chào đời, bằng sự cố gắng của cả nhân loại. Từ gia đình, trường học, xã hội. Thế nhưng, cái nhân phẩm của chị vẫn được đem ra để nguyên cứu phục hồi.
Khốn thay! Những kẻ phục hồi nhân phẩm cho chị không phải là những kỹ sư tâm hồn, mà lại chính là những kẻ đã từng là khách hàng mua thân của chị, trong những ngày tấm thân còn phẩm chất. Nay họ khoác trên mình cái áo của kẻ bề trên. Họ rao giảng cho chị về những cái giá trị bla bla bla … Những cái điều mà bản thân chị biết rành hơn họ, chị từng trải qua nhiều hơn họ…
Rồi nhân phẩm của chị cũng đã hết thời hạn phục hồi, chị ra về với cái nghề may nửa quê nửa tỉnh. Cầm tấm giấy giới thiệu, chị đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm để tìm nơi tiếp nhận cái nghề của chị. Đi tới đâu chị cũng gặp những ánh mắt e dè, những cái bĩu môi khinh bỉ, những tiếng xầm xì của làng xóm mỗi khi chị đi ngang. Thời gian không chờ chị, đồng hồ vẫn cứ quay, và cái bụng nó vẫn cứ sôi òng ọc mỗi khi tới bữa.
Nghề của chị không có đất để xài, nhưng thân của chị thì vẫn còn có giá, dù nó không được săn đón như ngày xưa nữa. Bằng chứng là lũ ma cô vẫn cho chị vài chục mỗi khi chị quá bữa, đói lòng.
Rồi trong cái vòng xoáy của cuộc đời, ở cái nơi không ai chờ ai đó, chị lại cùng với đám ma cô quay về với cái nghề bán thân của chị. Dân gian vẫn quen gọi là “ngựa quen đường cũ”. Nhưng đâu phải chị vì quen đường cũ mà cố tìm lối quay về. Chỉ là phía trước chẳng thấy có con đường nào cho chị, hoặc giả có con đường mới, nhưng sức khoẻ thể trạng và sức khoẻ tâm thần đã không còn đủ để chị phát dọn một lối đi mới cho riêng chị nữa. Ừ thì chị ngựa quen đường cũ.
Và những lần buôn lậu thân xác chị, lại vẫn diễn ra dưới sự bảo kê của đám giang hồ, vẫn tỉ lệ 50/50, vẫn những lần bị quỵt, vẫn đôi khi gặp lại những cố nhân từng phục hồi cái nhân phẩm của chị. Khi đến mua thân chị, họ không còn mang chiếc áo của kẻ bề trên nữa, mà họ hiện nguyên hình con quỷ dâm gian với bộ mặt nham nhở. Và có lẽ, sẽ có một ngày chị lại vào nơi ấy, để đem cái nhân phẩm kia cho bọn họ phục hồi.
Ừ thôi! Kệ mẹ nó đi em!
Đời chị chưa có gì là chưa trải qua, chưa chuyện gì là chưa nhìn thấy. Chỉ tiếc là cái nhân phẩm rách bươm này, chưa một lần chị đem ra tự giặt.
Mà giặt làm cái gì cơ chứ? Em có biết còn biết bao nhiêu chị Dậu ở cái đất nước này đang đi buôn lậu thân thể của họ khắp thế giới hay không? Có những chị Dậu chỉ có ngày ra đi nhưng không có ngày về hay không?Và cả những chị Dậu đến cái xác còn không được tìm thấy kia em! Họ chưa một lần được nhắc đến, trừ cái tên của họ, đôi lần được ghi vội trên những tờ bảng kê lúc gửi tiền về.
Nguồn: Chị Dậu. Quang Thi Truong. Facebook, December 12, 2014. DCVOnline đề tựa, minh họa và chú thích.
DCVOnline | Trong cái xã hội của Chị Dậu của tác giả Quang Thi Truong còn rất nhiều điều bất trắc. Một trong những vấn đề đó là nạn trộm cắp tràn lan; từ trộm chó bán cho quán nhậu, trộm xe bán lấy tiền cờ bạc, v.v. còn một thứ trộm cắp không do đói cơm, thiếu áo đó là bọn ăn cắp tài sản trí tuệ của người khác, bất kỳ đó là một bài thơ ngắn, hay một đoản văn.
Tình cờ, chính tác giả tùy bút “Chị Dậu thời nay” trở thành nạn nhân bị ăn trộm và thủ phạm cũng là một nhân vật trên mạng Facebook, khai là người gốc Hà Nội đang làm việc ở HUTECH, ĐH Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh. Kẻ trộm bài đã chép và dán nguyên văn (kể cả lỗi chính tả và hỏi ngã) lên tường nhà và nhận là của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét