Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Chính trị / Xã hội, Hội nghị TƯ ĐCSVN lần 10, RFA, ĐCSVN

Nhóm phóng viên tường trình từ VN -RFA

2015-01-09
Những người dân tộc ở chợ Sapa
Những người dân tộc ở chợ Sapa  RFA
Your browser does not support the audio element.
Thị trấn Sapa có lượng khách đông đúc vượt bậc và hàng loạt khách sạn cháy phòng, du khách phải thuê sân nhà dân để căn lều trại ngủ qua đêm trong giá lạnh là một trong những thông tin vui cho ngành du lịch Lào Cai. Nhưng thông tin này lại không hề có ý nghĩa gì đối với những nông dân làm vườn cũng như người đồng bào H.Mong, Thái Trắng, Dao Đỏ ở Sapa. Nếu nhìn một cách khách quan, sự thắng lợi trong kinh doanh du lịch lại một lần nữa cứa vào vết thương chưa kịp lành của đồng bào thiểu số. Vết thương này là gì?

Mùa khốn khó bắt đầu



Một người bạn Dao Đỏ tên Miền, chia sẻ: “Người nghèo thì nhiều lắm, ba phần thì có hai phần rồi, ở đây nghèo lắm. Làm ruộng, trồng rau ăn, các thứ thì đi mua nhà nước rồi về bán, lãi một xu hai xu, một đồng hai đồng để ăn. Cứ ăn hết lại đi mua. Như các thứ đồ dệt, mình mua rồi bán lại, như mua hai mươi ngàn, bán hai lăm ngàn, lãi năm ngàn thì ăn”.
Người nghèo thì nhiều lắm, ba phần thì có hai phần rồi, ở đây nghèo lắm. Làm ruộng, trồng rau ăn, các thứ thì đi mua nhà nước rồi về bán, lãi một xu hai xu, một đồng hai đồng để ăn. Cứ ăn hết lại đi mua. Như các thứ đồ dệt, mình mua rồi bán lại, như mua hai mươi ngàn, bán hai lăm ngàn, lãi năm ngàn thì ăn.
-Bạn Miền
Với kinh nghiệm làm vườn lâu năm, chị Miền dự đoán rằng năm nay sẽ có tuyết rơi vào dịp Tết âm lịch, và đó cũng là dịp khó khăn nhất cho người nông dân. Thường thì người nông dân miền núi không có nhiều ruộng như nông dân miền xuôi, bên cạnh đó, cũng chưa bao giờ được mùa như nông dân miền xuôi. Thường mỗi gia đình có không tới hai sào ruộng bậc thang gồm nhiều thửa lẻ tẻ dọc các triền núi để trồng lúa. Và mỗi sào chỉ thu hoạch được từ hai đến ba trăm ký lúa. Nếu được mùa, bội thu thì được ba trăm ký.
Và với sáu trăm ký lúa, giã thành gạo còn lại được gần bốn trăm ký gạo nếu như được mùa, mất mùa thì số lượng gạo dùng trong vòng sáu tháng của một gia đình năm, sáu người chỉ còn chừng hai trăm ký. Trong trường hợp thức ăn giàu dinh dưỡng thì hai trăm ký gạo vẫn có thể đắp đổi được. Nhưng với nông dân miền núi, vấn đề dinh dưỡng vẫn còn rất xa tầm tay, chính vì thiếu dinh dưỡng nên thay vì ăn một bát cơm, người ta phải ăn lên hai bát, ba bát mới lấp nổi cái bụng đói.
Và cũng chính vì lẽ này, trong những ngày trời lạnh, nguy cơ thiếu ăn, đói ăn của nhiều gia đình đồng bào thiểu số là rất cao. Trong khi đó, mọi súc vật, gia cầm sẽ chết hàng loạt vào những ngày trời băng giá, thay vì bán lợn, gà, vịt, ngan để mua lương khô, mì gói, người ta phải muối thịt để ăn qua ngày nhưng cũng chẳng được mấy ngày vì thời tiết thất thường, ngày hửng nắng, đêm tuyết rơi, tủ lạnh thì chẳng gia đình nào có. Ngay cả cái ăn còn thiếu huống gì là tủ lạnh.
Hơn nữa, mùa giá rét, rau cải, từ su hào cho đến hoa hồng, thậm chí măng giang đều bị chín nhũn vì tuyết lạnh. Hầu như chẳng còn gì để bán mà tồn tại, người H.Mong, người Thái Trắng, người Dao Đỏ lại một lần nữa mang bị, mang gậy chống ra khỏi bản để bán quà lưu niệm. Nói là bán quà lưu niệm nhưng trên thực tế, những người này đi ăn xin một cách trá hình.
sapa-400.jpg
Một người mẹ Dao Đỏ ở gần chợ Sapa. RFA PHOTO.
Mặc dù rất buồn vì đồng bào của mình lại cam phận làm ăn mày trá hình nhưng chị Miền cũng ngậm ngùi thừa nhận là không còn cách nào khác, nhiều bà mẹ mới sinh con vài ngày cũng phải bồng con đi kiếm ăn, có người ăn xin, cũng có người đi lượm ve chai. Tụ điểm của họ là hai con phố sầm uất trong thị trấn Sapa, phố Fansipan và phố Cầu Mây. Ở đây, vào cuối tuần, khi các xe rác hụ còi, những đồng bào thiểu số sẽ xúm xít chờ người ta mang rác đi vứt để sục sạo tìm những vỏ hộp, những thức ăn thừa và nếu may mắn thì có nhiều thứ vỏ lon vứt đi, những thứ này kiếm được nhiều tiền hơn.
Những ngày khác trong tuần, những người mẹ lại cõng con đi lang thang khắp các nẻo phố để kiếm ăn, nếu may mắn gặp khách du lịch thươgg tình cho vài đồng, xem như ngày đó trúng đậm. Nhưng đáng ngại nhất vẫn là cái lạnh, họ ăn mặc phong phanh, người lớn xám môi, trẻ em run lập cập, riết thành quen, cái lạnh chẳng còn khiến cho người ta sợ chết mà không dám ra đường kiếm ăn nữa.

Vết thương phẩm hạnh bị tấy đau

Một người đàn ông Dao Đỏ tên A Khương, chia sẻ:“Lạnh lắm, thường thì khoảng 2 độ đến 5 độ, nhiều khi còn có 0 độ. Chuyện thiếu ăn thì có, nhiều bản xa hơn ở đây còn khó hơn nữa. Chuyện thiếu ăn là chuyện thường, chết đói thì chưa đến nối nhưng thiếu ăn thì thường xuyên. Chủ yếu thì ăn ngô với nếp, trồng được ở ruộng bậc thang. Phải dự trữ nhưng vẫn thiếu ăn. Đâu có đất đâu mà trồng nhiều.”
Chuyện thiếu ăn thì có, nhiều bản xa hơn ở đây còn khó hơn nữa. Chuyện thiếu ăn là chuyện thường, chết đói thì chưa đến nối nhưng thiếu ăn thì thường xuyên. Chủ yếu thì ăn ngô với nếp, trồng được ở ruộng bậc thang. Phải dự trữ nhưng vẫn thiếu ăn. Đâu có đất đâu mà trồng nhiều.
-A Khương
Theo ông A Khương, vấn đề đau lòng nhất của bà con dân tộc thiểu số Tây Bắc, ven những vùng du lịch không phải là chuyện thiếu đói, vì thiếu đói vốn là căn bệnh mãn tính ở đây, không cần bàn tán gì thêm nữa. Vấn đề là lương tri, bản tính hồn nhiên đã hoàn toàn mất dấu trong tâm hồn những đồng bào thiểu số quanh các khu du lịch. Đây là căn bệnh đáng sợ nhất.
Nếu như các cô gái đều mang giấc mơ học giỏi tiếng Anh để làm hướng dẫn viên và kiếm chồng Tây thì không thiếu những phụ nữ ở tuổi 40, 50 cố tình học tiếng Anh điể tiếp cận nhưng ông Tây sồn sồn mà bán dâm. Có lẽ chính vì thế mà khái niệm “chơi dân tộc”, “chơi mọi” được giới ăn chơi nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây. Khái niệm gia đình không còn sâu sắc và thiêng liêng đối với nhiều phụ nữ đồng bào thiểu số nữa. Họ bắt đầu nghĩ đến những ông chồng giàu ở xứ khác và mơ những giấc mơ đổi đời bằng con đường lấy chồng xứ lạ.
Đây là vết thương mưng đau của đồng bào thiểu số, bởi suy cho cùng, với họ, thứ duy nhất khiến họ yêu quí đời sống và gắn với núi rừng thiêng liêng, bản làng thân thuộc, vượt qua mọi khổ ải chính là tính hồn nhiên, thủy chung và nếp sống chân chất, mộc mạc giữa người với người. Rất tiếc, chuyện ấy đang dần trở thành quá khứ, người thiểu số cũng bắt đầu học đòi quay cuồng theo đời sống vật dục nhưng lại không có bất kì kiến thức gì về đời sống này cũng như không có đủ những phương tiện văn hóa căn bản nhất để theo đuổi giấc mộng hão huyền của mình.
Vô hình trung, sự thành công của ngành du lịch lại đẩy những bản làng hồn nhiên trở nên phức tạp, giảo hoạt và tụt hậu, lún sâu vào những vấn đề tệ hại nhất của loài người. Và điều đó nổi trội mỗi khi lượng khách du lịch Sapa nhiều lên thất thường, mọi sự quản lý chểnh mảng, những trò rủ rê, chèo kéo khách du lịch lại diễn ra ở các bản làng.
Suy cho cùng, nếu như băng giá làm cho ngành du lịch trở nên thịnh vượng thì đôi khi, chính sự thịnh vượng này lại làm cho tâm hồn con người trở nên đóng băng, đẩy những nhóm dân tộc thiểu số vào chỗ lạnh lùng và tật nguyền vĩnh viễn. Không có gì đáng sợ hơn một sự giàu có của người này kéo theo một nỗi tật nguyền của người khác, không có lối thoát!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét