Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Từ Trung Quốc nhìn vào Bắc Hàn thấy gì?

– BBC

Một phụ nữ Bắc Hàn lặng lẽ đi dọc bờ sông Áp Lục (hình Frederic J Brown/AFP/Getty)

Chiếc tàu cao tốc của chúng tôi bật điện khởi động, tiếng máy rồ lên và nhạc nhẹ Trung Quốc vang ra. Dưới thân tàu là dòng sông Áp Lục đầy bùn nâu còn phía trên cao, mặt trời tỏa nắng.
Chúng tôi vội vã hướng về cái đích định đến: Tân Nghĩa Châu (Sinuiji) của Bắc Hàn.


Con tàu không cho phép chúng tôi neo đậu tại Bắc Hàn. Về mặt pháp lý, chúng tôi không được đặt chân lên bờ sông bên đó.
Tuy nhiên, chúng tôi được áp sát cách bờ sông của thành phố biên giới Sinuiji chừng ba, bốn mét.
Từ vị trí thuận lợi này, chúng tôi có thể ngó vào đất nước bí mật mà không cần phải xin các loại giấy phép, giấy tờ, hay phải qua kiểm tra nhân thân cùng các thủ tục khác như khi đi theo tour du lịch vào bên trong Bắc Hàn.
Chuyến đi tới Sinuiji khởi hành từ thành phố biên giới Đan Đông của Trung Quốc, nơi bạn có thể tới bằng chuyến tàu hỏa chạy suốt đêm từ Bắc Kinh.
Đan Đông nằm bên bờ sông Áp Lục, và có những chỗ thành phố này chỉ cách chừng vài trăm mét bề rộng của sông là sang tới Tân Nghĩa Châu, nơi được cho là đang có chừng 250 ngàn người sinh sống.

Các tòa nhà cao tầng của Đan Đông khiến nhà cửa của Tân Nghĩa Châu trông càng trở nên lụp xụp (hình: Natalie Behring-Chisholm/Getty)
Là nơi có 750 ngàn dân, Đan Đông có đầy các quán cà phê, quán bar nhộn nhịp, các quầy hàng bán đầy những thứ nhập khẩu từ Bắc Hàn như thuốc lá hay tiền xu.
Vào mùa hè, thành phố đầy ắp khách du lịch, mà tất cả đều bị hấp dẫn tới đây bởi cùng một thứ: cơ hội có cái nhìn thoáng qua vào đất Bắc Hàn.
Khi tôi đặt chỗ trong khách sạn nhìn ra sông, Crown Plaza Dandong, tôi thậm chí còn có thể chọn trả thêm tiền để được căn phòng nhìn vào đất Bắc Hàn.
Những dãy núi xanh của Bắc Hàn nhấp nhô. Không giống như Đan Đông, bên đó không thấy có tòa nhà cao tầng nào, và ta cũng rất hiếm thấy có hoạt động gì diễn ra.
Thực tế thì vật thể cao nhất do con người tạo ra mà chúng tôi có thể nhìn thấy được là vòng quay Ferris.
Người dân địa phương nói rằng họ chưa bao giờ thấy vòng quay này chuyển động; điều đó diễn ra chỉ duy nhất trong một ngày, có lẽ để khoe rằng nơi đó thịnh vượng.

Cầu Hữu nghị nối hai bờ sông Trung-Triều đã bị Mỹ phá hỏng từ hồi Cuộc chiến Triều Tiên (hình: Frederic J Brown/AFP/Getty)

Du khách có thể đi bộ trên cầu Hữu nghị cho tới giữa sông, nơi móng bê tông vẫn còn bị bỏ hoang không sửa chữa (hình: Frederic J Brown/AFP/Getty)
Đống đổ nát của cây cầu Hữu nghị Trung-Triều được thể hiện ở cả hai bên dòng Áp Lục; Được xây hồi 1911 nhằm ăn mừng sự đoàn kết, đồng minh đồng chí giữa Trung Quốc và Bắc Hàn, nhưng nó đã bị Mỹ phá hủy trong Cuộc chiến Triều Tiên.
Ngày nay, cây cầu là một điểm thu hút khách tham quan du lịch. Chi ra 30 nhân dân tệ, bạn có thể đi bộ tới giữa cầu, nơi móng bê tông bị hư hại vẫn bị nằm hoang phế trong dòng nước.
Nhìn thẳng sang bờ sông phía Bắc Hàn, ta thấy một cầu trượt nước lớn màu trắng không bao giờ sử dụng; khá là ngạc nhiên bởi nó mới chỉ được xây dựng vài năm gần đây.
Nếu dùng ống nhòm, bạn có thể nhìn thấy vài người đi bộ bên bờ sông. Du khách thì đứng tạo dáng để chụp hình với lá cờ Bắc Hàn được treo bên phần đất Trung Quốc nhưng có hậu cảnh là đất Bắc Hàn.
Gần đó, một cây cầu khác được dùng để nối liền Trung Quốc với Bắc Hàn; nó được canh gác vô cùng cẩn mật.
Hàng ngày, chỉ có rất ít xe cộ qua lại giữa hai quốc gia. Thỉnh thoảng, một chiếc xe buýt nhỏ chở du khách Trung Quốc chạy qua cầu.
Tuy vậy hầu hết du khách đều không thể đi xe buýt sang bên kia biên giới được. Mà ngay cả với những người có thể, thì việc xin giấy phép cũng vô cùng phức tạp, lằng nhằng.

Bờ sông cũng có cả những con tàu cảnh sát và tàu hải quân của Bắc Hàn bị bỏ hoang (hình: Frederic J Brown/AFP/Getty)
Do vậy, tôi quyết định đi bằng tàu cao tốc: cách duy nhất để tới được gần Bắc Hàn nhất mà không cần phải đặt chân thực sự vào nước này.
Để tránh dân cò mồi lừa đảo chuyên gạt du khách trên đường phố, tôi thuê một trong số các con tàu có mang số hiệu.
Trên chuyến tàu chạy bằng động cơ, cùng với khoảng 30 du khách hiếu kỳ khác, chúng tôi vượt sông, vẫy tay chào các tàu bè hỗn hợp cả của Trung lẫn của Triều đang neo đậu trên sông.
Khi chúng tôi tới gần phía bờ sông của Bắc Hàn, tôi thấy khu vực này trông giống như một thành phố ma trông ra mặt nước.
Một số người dân địa phương ngồi bên thềm nhà, một số khác đào bới gì đó bằng những dụng cụ nho nhỏ bên cạnh cầu trượt nước.
Một bé gái đi đôi giày đỏ chạy ngang qua mặt mẹ bé, và đó là người duy nhất tôi thấy có hoạt động di chuyển, chuyển động.
Tàu chúng tôi chạy dọc bờ sông, ngang qua một thuyền nhỏ rỉ sét của Bắc Hàn. Một người ông đứng trên thuyền đó chậm rãi giơ tay vẫy chào.

Những người dân chài Bắc Hàn trên sông Áp Lục (hình: Frederic J Brown/AFP/Getty)

Lính Bắc Hàn tuần tra rất nghiêm ngặt dọc bờ sông (hình: Frederic J Brown/AFP/Getty)
Khi tàu đi lên phía bắc, tôi thấy những căn nhà kiểu Nhật màu trắng.
Bên ngoài, một số người tắm trong làn nước đục bùn, trong lúc những người lính canh có vũ trang đứng nhìn.
Những người lính đứng yên trong những căn lều nhỏ; Một số người khác đi đều bước, tuần tra dọc sông. Thậm chí cả những quân nhân trông cũng gầy, nhỏ như dân chúng nơi này.
Hành trình tiếp tục, tôi thấy thêm những chi tiết khác nữa: một trường học nhỏ với khung cửa sổ bị vỡ, một con đường bụi bặm dọc bờ sông. Tòa nhà cao nhất mà tôi nhìn thấy thì cao không quá hai tầng. Ngoảnh đầu nhìn phía sau, Đan Đông quả thực đầy đối lập.
Về đêm, Đan Đông sáng rực với những ánh đèn màu. Mọi người đổ ra các quán bar, quán cà phê.
Bóng tối phủ khắp phía bên kia dòng sông Áp Lục, khiến thị trấn Tân Nghĩa Châu trông như thể không có gì.
Nhưng Bắc Hàn vẫn lặng lẽ nhìn sang.
Bản gốc tiếng Anh bài viết này đã được đăng trên BBC Travel.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét