Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Di chúc Hồ Chí Minh : từ bản thứ nhất tới bản thứ hai (I)

Nguyễn thị Từ Huy – RFA

Trong bài này tôi tập trung vào hai vấn đề mà Hồ Chí Minh đã cắt bỏ và sửa đổi khi viết bản di chúc thứ hai, vào dịp sinh nhật năm 1968.
Như bài trước đã nói, văn bản cho phép nhận xét rằng di chúc năm 1968 là một di chúc mới, được viết lại hoàn toàn, viết lại từ phần mở đầu, có cấu trúc riêng, lô gic riêng. Đó là một văn bản mới, dùng để thay thế cho văn bản năm 1965, chứ không phải là để bổ sung cho văn bản năm 1965.


Chính trên cơ sở nhận xét này, trên quan niệm rằng đó là hai văn bản khác nhau, bản sau dùng để thay thế bản trước, mà tôi tiến hành các đối chiếu dưới đây. Ở đây tôi chỉ đề cập đến hai điểm, dĩ nhiên còn có những điểm khác.
  1. Cắt bỏ những nội dung liên quan đến Đảng trong di chúc 1968
Bản di chúc đánh máy năm 1965, sau phần mở đầu là phần nói về Đảng, với sự nhấn mạnh của Hồ Chí Minh, bằng cách gạch dưới cụm từ : « Trước hết nói về Đảng ». Phần nói về « việc riêng », tức là việc chôn cất, ông để ở đoạn cuối cùng của di chúc.
Như vậy có thể thấy, vào thời điểm năm 1965, Đảng là mối quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh. Ưu tiên số một trong di chúc dành cho Đảng. Và ông Hồ viết các ý sau đây về Đảng : đầu tiên ông ca ngợi công lao của Đảng, sau đó là một số lời khuyên nhằm xây dựng Đảng vững mạnh trong tư cách là « đảng cầm quyền » : phải đoàn kết, thực hành dân chủ, phê bình và tự phê bình, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải trong sạch, và phải là người đầy tớ của nhân dân.
Tiếp đó, sau « Đảng ta » ông nói đến « Đoàn viên thanh niên ta ». Ông căn dặn phải chăm lo bồi dưỡng đoàn viên thanh niên thành thế hệ cách mạng, thành những người « vừa hồng vừa chuyên ». Tiếp theo, ông đề cập đến cuộc « kháng chiến chống Mỹ ». Và trước khi nói về « việc riêng », ông nói đến « Phong trào cộng sản thế giới », ông tin rằng Đảng cộng sản Việt Nam sẽ góp phần khôi phục khối đoàn kết giữa các đảng anh em quốc tế.
Trong bản di chúc viết tay năm 1968, Hồ Chí Minh bỏ hết toàn bộ những nội dung liên quan đến « Đảng ta », « Đoàn thanh niên ta », và « phong trào cộng sản thế giới ». Xin lưu ý độc giả là ông Hồ bỏ hoàn toàn những nội dung này.
Thay vào đó, liên quan đến đảng, là mấy câu ngắn ngủi nhằm nhấn mạnh « việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng ».
Điều gì khiến Hồ Chí Minh, trong vòng ba năm từ 1965 đến 1968, có những thay đổi quan trọng trong đánh giá về Đảng, khiến ông đi từ chỗ ca ngợi Đảng tới chỗ thấy rằng Đảng phải được chỉnh đốn lại ?
Việc chỉnh đốn Đảng trở thành việc quan trọng nhất, tại sao ? Hoặc phải đặt câu hỏi theo cách khác : vì sao phải chỉnh đốn Đảng ?
Ta cũng nhận thấy rằng, trong bản di chúc thứ nhất, Hồ Chí Minh chỉ nói đến Đảng, không một lời nào về Chính phủ. Trái lại, trong di chúc thứ hai, cụm từ « Đảng và Chính phủ » được lặp lại nhiều lần. Đảng không còn giữ vị thế độc tôn như trong bản di chúc thứ nhất nữa. Phải chăng trong quan niệm của ông về quyền lực chính trị đã có sự thay đổi : Đảng và Chính phủ là hai thực thể phân biệt và có vai trò ngang nhau trong cán cân quyền lực ?
Ông Hồ cũng xóa bỏ hoàn toàn câu « Đảng ta là đảng cầm quyền ». Ông hoàn toàn không kể đến công lao của Đảng, ông chỉ nói những việc Đảng phải làm đối với xã hội và đối với người dân. Như vậy, phải chăng, trong tư tưởng của Hồ Chí Minh năm 1968, đảng cộng sản không còn được hình dung như là đảng cầm quyền tuyệt đối nữa ? Phải chăng, ông nghĩ rằng, việc chia sẻ quyền lực giữa đảng và chính phủ sẽ giúp giảm bớt các tệ nạn trong đảng ? Các tệ nạn mà ông phải nhìn thấy rất rõ, đến mức điều đầu tiên ông nói về đảng trong di chúc lần này là « chỉnh đốn đảng » ?
Một điểm khác cũng hết sức quan trọng : trong văn bản 1968, Hồ Chí Minh không hề nhắc đến « đạo đức cách mạng ». Đạo đức cách mạng là thứ mà ông nhấn mạnh nhiều lần trong di chúc thứ nhất, nhưng lại đã bị ông loại bỏ hoàn toàn khi viết lại bản di chúc lần thứ hai. Phải chăng ông đã nhìn thấy tính chất nguy hiểm của cái gọi là « đạo đức cách mạng » và không muốn biến nó thành sợi dây thòng lọng thắt cổ các thế hệ tương lai ?
Trong khi bỏ đi toàn bộ những nội dung liên quan đến Đảng, Đoàn và phong trào cộng sản thế giới, thì ưu tiên số một của ông Hồ trong bản di chúc thứ hai là : « Đầu tiên là công việc đối với con người ». Chữ « con người » được nhấn mạnh bằng cách gạch dưới, trong bản viết tay của ông. « Con người » là ai ?
Con người, theo những gì mà bản di chúc thứ hai kể đến, đó là : thương binh, liệt sĩ, thân nhân của họ, thanh niên trong các lực lượng vũ trang nhân dân, phụ nữ, cả các thành phần như : « trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu… », và dĩ nhiên không thể thiếu « nhân dân », ông đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho dân. Và… tất cả những nội dung liên quan đến « con người » đều bị Bộ Chính trị cắt bỏ hết trong bản « di chúc » mà họ đem ra công bố, đồng thời, xin nhắc lại, họ cho công bố những gì mà Hồ Chí Minh đã tự cắt bỏ.
Ông Hồ của năm 1968 không còn tin rằng « các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại », cũng không còn tham vọng « Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em », không còn mong đào tạo thanh niên « vừa hồng vừa chuyên », như ông đã từng bộc lộ vào năm 1965. Và như trên đã nói, ông Hồ không còn nói chút nào về công lao của Đảng, trái lại ông nhấn mạnh vào việc cần phải chỉnh đốn Đảng. Những thay đổi này của Hồ Chí Minh là do « tình hình trong nước cũng như tình hình thế giới có rất nhiều thay đổi », như ông đã viết.
Chúng ta biết tình hình thế giới : năm 1968 là năm của mùa xuân Praha, năm của sự kiện « Tháng 5 năm 68 » tại Pháp. Năm 1968 cũng là thời điểm mà cách mạng văn hóa đẩy Trung Quốc vào tình trạng hỗn loạn dưới sự tung hoành của hồng vệ binh. Còn tình hình Việt Nam : cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân và thảm sát tại Huế. Xin nhắc lại : tôi không phân tích các sự kiện lịch sử. Tôi chỉ liệt kê một số sự kiện quan trọng của lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam ở thời điểm 1968 mà theo tôi có thể có tác động tới sự thay đổi được thể hiện trong di chúc của Hồ Chí Minh.
Một vấn đề khác cũng cần phải quan tâm là : Hồ Chí Minh của năm 1969 nghĩ gì về Đảng ? Ngoài mấy câu mở đầu, ta không còn được biết ông viết gì trong di chúc năm 1969, lúc mà, như ông tự nhận : « tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt ». Ông đã viết gì vào dịp sinh nhật 79 tuổi ? Đã có những thay đổi nào trong suy nghĩ và nguyện vọng của ông ? Những điều cuối cùng mà ông muốn để lại là gì ? Phải chăng chính vì điều đó mà ông đã bị phản bội và bản di chúc chính thức đã biến mất ? Không rõ chúng ta còn cơ hội để có được câu trả lời rõ ràng và thuyết phục không ? Điều này tùy thuộc vào giới sử gia của nước nhà.
Paris, 26/4/2015
Nguyễn Thị Từ Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét