Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Thương Phế Binh VNCH trong dịp 40 năm 30 tháng 4

Việt Hùng/ Người Việt

SÀI GÒN (NV)Trên đường phố Sài Gòn ngày nay người ta không khó để có thể bắt gặp hình ảnh những người đàn ông tật nguyền, đi lại bán vé số, chạy xe ôm, lượm ve chai… Thế nhưng ít ai biết rằng họ đã có một thời oai hùng, dành trọn tuổi thanh xuân của mình để có mặt trên khắp chiến trường từ vĩ tuyến 17 cho đến tận cùng mũi Cà Mau.
TPB Lê Hiệp Nam (bên phải) trong căn nhà rách nát của mình. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)


Họ đã âm thầm chiến đấu anh dũng và một số người không may đã nằm xuống vĩnh viễn trong lòng đất mẹ, còn một số không ít để lại một phần thân thể trên chiến trường, đó là những người lính của quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Tự hào là một người lính VNCH
Những ngày này trên đường phố Sài Gòn, đâu đâu cũng thấy những băng rôn, khẩu hiệu cái gọi là ngày “giải phóng miền Nam.” Chính quyền CSVN đang gấp rút để tổ chức “ăn mừng.”
Thế nhưng trái ngược với những hình ảnh hào nhoáng kia, lại là những con người lầm lũi, ngày đêm mưu sinh bằng mồ hôi sức lực trên chính than thể không lành lặn của mình.
Chúng tôi gặp thương phế binh (TPB) Lê Hiệp Nam (sinh năm 1956, lính Trinh Sát Sư Đoàn 22, bị thương tháng 12 năm 1974 tại Bồng Sơn, Tam Quan, Huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cụt cánh tay trái) khi anh đang đi bán nhang dạo ở Sài Gòn trên chiếc xe 3 bánh.
Anh tâm sự, “Nhà anh ở tận Bà Rịa-Vũng Tàu, một căn nhà quá ọp ẹp, mưa dột nắng nóng, phải che bạt thay trần nhà… Hằng ngày anh làm nghề bán nhang để kiếm sống. Cuộc sống có vất vả, nhưng dù sao anh vẫn con may mắn hơn nhiều TPB khác. Có nhiều người bây giờ còn phải nằm liệt giường, cụt tay, cụt chân, thương tâm lắm.”
TPB Nguyễn Đức Bình (trái) và Thạch Ba (phải), cả 2 đều bị mất cả 2 chân trong chiến tranh. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Anh cho biết thêm, “Vết thương ngoài da thì có thể lành, nhưng vết thương trong lòng thì khó mà lành hẳn. Càng gần đến 30 tháng 4 là tim anh như quặn thắt lại. Những ngày này anh chỉ muốn ở nhà, vì ra đường là lại nghe loa phường xã hát hò về ngày ‘chiến thắng.’ Thật sự họ vẫn coi các anh như kẻ thù vậy.”
Còn thương phế binh Thạch Ba, sinh năm 1935, SQ 55/108089, KBC 6411, trung sĩ nhất, quân y sư đoàn 21, bị thương 1974 cụt cả 2 chân.
Chúng tôi gặp ông vào ngày 25 tháng 4 trong dịp ông lặn lội từ Sóc Trăng lên phòng công lý hòa bình Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) Sài Gòn nộp hồ sơ cho mình và cho thêm 2 TPB khác nữa là Lâm Phai, SN 1952, SQ 52/659396, binh nhì, tiểu đoàn 422, địa phương quân, bị thương 1973 và Sơn Sóc, SN 1954, SQ 74/127.076, Tiểu đoàn 1 nhảy dù, bị thương 1974.
Ông nghẹn ngào cho biết, “Đã 40 năm nay, từ ngày tàn quân ngũ, đây là lần đầu tiên ông lên lại Sài Gòn. Ông lên đây để ghi tên mình vào chương trình Tri Ân TPB VNCH của DCCT, và xin nộp hồ sơ cho 2 người bạn già yếu không thể đi lên Sài Gòn được. Hiện nay hằng ngày ông vẫn làm nghề bán vé số ở Sóc Trăng.”
Ông cho biết thêm, “Ông luôn nhớ lời ghi nhớ khi còn khoác áo chinh y, đó là tổ quốc – danh dự – trách nhiệm. Mặc dù bây giờ miền Nam không còn là của VNCH nữa, nhưng với ông thì nó luôn hiện diện trong tim. Cuộc sống có vất vả, nhưng không đi ăn xin một ai, ông vẫn đi bán vé số bằng sức lao động của mình, đó là danh dự của ông.”
Cùng tâm tình như vậy, thương phế binh Nguyễn Đức Bình, số quân 5376880, là lính nhảy dù thuộc sư đoàn 11, bị mất cả 2 chân trong mùa Hè đỏ lửa 1972 ở mặt trận Quảng Trị.
Ông bùi ngùi, “Mặc dù miền Nam đã mất đi, nhưng tôi vẫn luôn tự hào mình là một người lính VNCH. Điều tôi mong mỏi nhất trong những ngày sắp đến 30 tháng 4 này là chính quyền CSVN hãy thật tâm muốn hòa giải. Họ hãy nhớ rằng chúng tôi cũng đã bỏ một phần than thể mình trên chính quê hương này.”
Nỗi lòng của các TPB
Đã 40 năm trôi qua sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, thời gian chưa phải là dài trong một giai đoạn lịch sử, nhưng cũng không phải là ngắn để có thể nhận ra thực tâm hòa giải của “bên thắng cuộc.”
TPB Nguyễn Văn Quang, bị mất cả 2 chân đang bán vé số trên đường phố Sài Gòn. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Thương phế binh Nguyễn Văn Quang, người đã phải bỏ lại chiến trường cả 2 chân, ông bùi ngùi cho biết, “Với tôi, tất cả hình như chỉ còn có kỷ niệm sau cuộc chiến. Là định mệnh mà chúng tôi, những kiếp trai thời loạn phải gánh chịu theo vòng đời nổi trôi của dòng sông lịch sử, dù vô lý, dù hờn căm, dù bất công thương hận.”
Ông tha thiết, “Chiến tranh đã đi qua 40 năm rồi, điều chúng ta cần làm trong ngày 30 tháng 4 là tổ chức họp mặt cho các an em ngày xưa ở hai đầu chiến tuyến, để họ có dịp bắt tay, trao nhau nụ cười, chứ không phải là những màn ăn mừng, bắn phao hoa, diễu binh dương oai…”
Có tiếp xúc trực tiếp với các Thương Phế Binh VNCH mới thấu hiểu được nổi lòng của họ. Có là thương phế binh mới thấm thía được nỗi buồn của một kẻ tàn tật, mất tất cả, ngoài người mẹ già từ quê xa, đang đợi con trở về.
Cách đây 3 thể kỷ, nhà thơ Đặng Trần Côn đã viết “Dấu binh lửa nước non như cũ, Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương lòng,” trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm.
Hai câu thơ nói lên nổi niềm của người lính thất trận vẫn còn nguyên giá trị mà các TPB VNCH ngày nay, có lẽ, vẫn thuộc nằm lòng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét