Boxitvn
Trần Thạnh
ANZAC Day
Hai nước Úc Đại Lợi (Australia) và Tân Tây Lan (New Zealand) vừa kỷ niệm ANZAC Day[1] ngày hôm qua 25 tháng 4 năm 2015.
Cách đây đúng 100 năm, năm 1915, cũng vào ngày này,
vào lúc hừng đông, quân đội Úc và Tân Tây Lan đổ bộ vào bãi biển
Gallipoli của Đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ hay Turkey ngày nay). Đây là
một trong những trận chiến đẫm máu nhất trong Thế chiến Thứ nhất, giữa
các quân đội thuộc phe đồng minh (gồm Anh, Pháp, Úc, Tân Tây Lan, Ấn Độ,
Newfoundland tức Canada ngày nay) với Đế quốc Ottoman (thuộc phe gây
chiến cùng với Đức, Áo và Hung).
Dự định của phe đồng minh là chiếm bán đảo Gallipoli
để khống chế eo biển Dardanelles (nối Địa Trung Hải và Biển Đen), từ đó
làm bàn đạp đánh chiếm thủ đô Constantinople (nay là Istanbul) của Thổ
Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên sự chống cự quyết liệt của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm thất bại
dự tính của Anh Quốc và phe đồng minh sau nhiều tháng giao tranh. Đây là
chiến thắng lớn nhất của Thổ trong Thế chiến Thứ nhất.
Hơn 10.000 binh sĩ Úc và Tân Tây Lan tử trận. Phe
đồng minh có gần 188.000 chiến sĩ tử trận, bị thương, hay mất tích. Về
phía Đế quốc Ottoman, gần 175.000 binh sĩ tử trận.
Kể từ năm 1915 đến nay, tròn 100 năm, hằng năm lễ
ANZAC Day diễn ra để tưởng niệm những binh sĩ đã hy sinh trong cuộc
chiến này. Những năm về sau, ngày này cũng là ngày tưởng niệm những
chiến sĩ đã hy sinh trong các trận chiến khác, kể cả những binh sĩ Úc đã
tham gia trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Có thể gọi đây là ngày Chiến
Sĩ Trận Vong của Úc và Tân Tây Lan.
Theo thông lệ, hàng năm, hàng ngàn người Úc tự nguyện
đến Gallipoli để dự buổi lễ tưởng niệm vào lúc hừng đông ngày 25 tháng
4, đúng vào giờ mà quân đội ANZAC đổ bộ xuống bãi biển này. Cũng vào lúc
hừng đông ngày này, tại tất cả các thành phố của Úc hàng trăm ngàn
người tự nguyện đến các đài tưởng niệm chiến tranh để tham dự lễ, bất
chấp thời tiết thu đã khá lạnh ở nhiều nơi.
Sau buổi lễ tưởng niệm là cuộc diễn hành của các quân
nhân và cựu quân nhân quân đội Úc cùng quân đội các nước đồng minh từng
tham chiến bên cạnh Úc, trong đó có các cựu quân nhân Quân lực Việt Nam
Cộng Hoà. Hàng trăm ngàn dân đứng dọc hai bên đường vỗ tay tán thưởng
đoàn diễn hành. Không có cảnh các “lãnh tụ” đứng trên khán đài cao chứng
kiến các đoàn diễn hành đi qua. Chỉ có dân chúng, già trẻ, trai gái đủ
mọi thành phần đứng dọc hai bên đường phất cờ và vỗ tay hoan hô.
(Hình có nguồn từ internet)
Vài điều đáng suy ngẫm
Ở bãi biển Gallipoli, hàng ngàn ngôi mộ của các binh
sĩ Úc và Tân Tây Lan tử trận tại Gallipoli được xây cất và chăm sóc cẩn
thận. Tư lệnh quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Gallipoli, Mustapha Kemal, về sau trở
thành Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hoà Thổ, đã nói như sau vào năm
1934 (gần 20 năm sau trận chiến):
Those heroes that shed their blood and lost their
lives … You are now lying in the soil of a friendly country. Therefore
rest in peace. There is no difference between the Johnnies and the
Mehmets to us where they lie side by side here in this country of ours …
You, the mothers who sent their sons from faraway countries, wipe away
your tears; your sons are now lying in our bosom and are in peace. After
having lost their lives on this land they have become our sons as well.
Tạm dịch:
Hỡi những người anh hùng đã hy sinh xương máu và
mạng sống của mình, bây giờ đây các anh đang nằm trong lòng đất của một
đất nước thân hữu. Hãy yên nghỉ. Đối với chúng tôi, không có sự khác
biệt giữa những Johnnies and Mehmets [2]
trên mảnh đất mà họ đang nằm cạnh nhau… Hỡi những người mẹ đã gửi con
mình đi chiến đấu từ những đất nước xa xôi, hãy lau đi những dòng nước
mắt. Con trai của quý bà đang yên nghỉ trong lòng đất nước chúng tôi.
Sau khi hy sinh mạng sống trên mảnh đất này họ cũng đã trở thành những
đứa con của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đó là lời nói và việc làm thật cao thượng, đầy lòng nhân ái.
Cần nói thêm về thủ tục của buổi lễ tại Gallipoli.
Vào đầu buổi lễ, quốc kỳ Úc và Tân Tây Lan được kéo lên đến giữa cột cờ
(half mast, cờ rũ). Không có cờ của Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối buổi lễ, cờ của cả
ba nước được kéo lên cao. Không có những phát biểu khơi lại hận thù từ
cả hai phía. Tất cả đều hướng về việc tưởng nhớ những người đã hy sinh
cho lý tưởng của họ.[3]
Còn không đầy một tuần nữa, người Việt chúng ta ở
khắp nơi, trong nước hay hải ngoại, dù muốn dù không đều nhớ về một ngày
lịch sử đáng nhớ. Nhưng không có ai trong số những người nắm vận mệnh
của đất nước từ cái ngày đáng nhớ ấy đến nay có một câu nói và việc làm
xứng với tầm cỡ của Mustapha Kemal. Câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
“Ngày 30/4 có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn” tỏ ra cảm
thông được phần nào, nhưng việc làm cụ thể thì chưa có. Đã 40 năm qua
đi, những buổi lễ được tổ chức hàng năm tại Việt Nam chỉ làm xé thêm vết
thương chưa kịp lành, khiến lòng người thêm ly tán. Năm nay có lẽ cũng
không khác.
Tại sao những người cầm quyền tại Việt Nam hiện nay
không thể đối xử với những người cùng dân tộc như cách người Thổ Nhĩ Kỳ
đã đối xử với người dân các nước khác đã giao chiến với họ? Cái gì đã
khiến họ đánh mất tinh thần nhân bản của dân tộc Việt Nam?
Sydney ngày 26 tháng 4 năm 2015
T.T.
Tác giả gửi BVN
[1] ANZAC là chữ viết tắt của Australian and New Zealand Army Corps, tức Liên quân Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan.
[2] Hai tên người thông dụng của Úc và Thổ. Ý nói binh lính của cả hai bên.
[3] Tony Wright, “Solemness echoes in the silence””, The Sun-Herald, April 26, 2015.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét