Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

AI ĐÃ TẠO RA CHỊ DẬU THỜI “THỜI ĐẠI RỰC RỠ”.

14-8-2016


Các mác bóng bẩy của bình đẳng, chủ nghĩa nọ kia chỉ là một cái vỏ giả tạo. Xã hội giờ đây có những kẻ ăn trên ngồi trốc đầy quyền lực, có những kẻ khổ cực, bị bắt ne bắt nẹt đến cái giường nằm cho con nhỏ 5 tuổi còn bị chính quyền xã cưỡng chế mang đi.
Có lẽ chị Dậu của Ngô Tất Tố cũng không khốn khổ và tăm tối bằng câu chuyện xảy ra năm 2010 của chị Toàn ở làng Thành Liên, xã Trường Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa. Những chị Dậu của thời nay hàng ngày chứng kiến thiên hạ đi xe ô tô bóng loáng, xe máy chạy vù vù trong làng, hàng xóm hát Karaoke váng óc, được loa công cộng rót vào tai những điều đẹp đẽ về chăm sóc con người, về sự rực rỡ của thời đại.


Nếu là bạn, bạn sẽ cảm thấy thế nào trước sự chênh lệch mức sống của mình và xã hội? Chị Dậu thời xưa có thể có những người bần nông cùng cảnh ngộ sang an ủi, sự khốn cùng đau khổ còn được tình người xoa dịu khuây khoả, những chị Dậu thời nay sẽ cảm thấy mình nằm dưới đáy cùng của xã hội, bước ra đường là ô tô, xe máy bóp còi inh ỏi như những tiếng hét hắt hủi, chê bai. Về nhà thì tiếng nhạc, tiếng hát Karaoke của hàng xóm sẽ len vào tận giường ngủ, xó bếp như một sự đay nghiến của số phận hèn mạt.
Những gì chúng ta biết chỉ là một phần bé tí trong hàng triệu những số phận khốn khổ. Có phải nơi nào phóng viên, nhà báo cũng đến được đâu. Có những góc tăm tối mà ánh sáng của thông tin, truyền thông chẳng bao giờ tới được. Có hàng tỉ tỉ những giọt nước mắt âm thầm rỏ, những suy nghĩ thắt lòng mà chúng ta, những người đang ngồi trước màn hình máy tính và smart phone chẳng bao giờ biết tới, trí tưởng tượng dù phong phú đến mấy cũng không chạm được đến hiện thực ở những góc khuất ấy.
Nhớ lại những cuộc nhậu nhẹt của cán bộ địa phương trong những lần đi công tác, tôi cảm thấy câu chuyện của chị Toàn là hoàn toàn đáng tin. Chúng thích uống, thích chúc tụng đến mức mà chúng tôi có người phải giả vờ đau bụng, người cương quyết từ chối, bỏ về, người kín đáo rót sẵn nước trắng vào chén để cạn với kẻ từ bàn bên sang chúc tụng.
Nếu lãnh đạo địa phương mà ngày 2 bữa đỏ mặt ngất ngây như vậy thì đầu óc tăm tối, tham lam là điều dễ hiểu. Từ đấy thì những hành động khốn nạn, táng tận lương tâm, bắt nạt dân chúng cũng là điều dễ hiểu.
Trong đầu chúng, chúng là “quan”, tức là chúng có quyền ăn “lộc” của dân, cho dù những thứ được gọi là lộc ấy chính là máu, là mồ hôi và nước mắt của dân nghèo.
Khi đọc những câu chuyện đau lòng này, tôi lại không căm giận những cán bộ địa phương, bởi đối với tôi, rất nhiều kẻ trong chúng không phải là con người. Nhưng tôi căm giận những kẻ có chút chữ nghĩa, bản tính đàng điếm, nịnh bợ, bê đít nâng bi quyền lực. Tôi căm ghét bởi chúng nguy hiểm, bằng những câu chữ lừa mị mà lôi kéo được nhiều người ngu si theo cùng. Chúng mới là vật cản cho sự tiến bộ của xã hội và chính chúng mới là phản động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét