Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

NỀN TẢNG QUỐC GIA

Luân Lê FB
13-8-2016

Chúng ta đang tồn tại trong một trạng thái mà hầu như không còn tôn trọng luật pháp. Mọi sự vi phạm đều trở nên công nhiên, thách thức và hầu như là trút xuống đầu dân đen.
Luật pháp là một thứ quý giá của quốc gia và cũng là tấm áo choàng nói lên sự văn minh của một đất nước. Không phải là những toà nhà lớn, nhà máy, xí nghiệp to, hiện đại là chúng ta có văn minh, có thứ đó, như ông Fukuzawa đã nói, đó đơn giản chỉ là có phần xác mà chưa có phần hồn. Phần hồn của một quốc gia mà tạo nên sự văn minh thực sự của đất nước đó chính là thái độ của người dân, ý chí độc lập của người dân một nước.


Chúng ta đang thiếu phần hồn của một quốc gia. Chúng ta chỉ có một vài dự án, nhà máy, xưởng sản xuất, sân bay, cảng vụ có chút hiện đại, nhưng chúng ta còn thiếu sinh lực nội tại của một quốc gia. Người dân thì sợ chính phủ và phục tùng chính phủ một cách giả tạo. Họ sợ hãi chứ không phải bằng thái độ tôn trọng vì những gì hà khắc, những hành xử bất chấp luật pháp, những sự cai trị bằng nhiều chính sách thuế, phí, lệ phí khiến người dân còng lưng gánh chịu mà hiện còn có xu thế tăng cao, từ học phí, viện phí đến cả lộ phí đi đường (thông qua các trạm BOT, thuế xăng dầu, phí kiểm định, thuế xuất nhập khẩu).
Chúng ta chưa có văn minh, vì việc xây dựng những toà nhà, nhà máy, xí nghiệp, sân bay hay các công trình khác thì có tiền là xây lên được, vay mượn cũng xây lên được như các nước phương Tây, nếu không tự mình làm được thì thuê nước ngoài làm hộ. Tuy nhiên, cái sự học hỏi và làm việc của người Việt còn quá kém cỏi và trì trệ. Ý chí tự lập, ý chí vươn lên và cảm giác biết xấu hổ vì lạc hậu, đói kém cũng như sự thiếu hiểu biết về học thuật so với thế giới không có nên gần như chúng ta không thể khai phá hay sáng tạo được gì. Chúng ta cứ ngày một thụt lùi xa hơn so với thế giới, kể cả thu nhập bình quân có tăng lên 3.500 ÚD/người như dự tính vào năm 2025 thì điều đó cũng trở nên vô nghĩa.
Luật pháp rối rắm, chồng chéo, thay đổi liên tục là điều xấu cho một quốc gia, nó tạo ra sự bất ổn định ngay cả cho Chính phủ chứ chưa nói đến người dân chỉ biết sống dựa vào luật pháp. Và trong quá trình tạo ra luật pháp thì lại có quá nhiều sai sót, nhiều khiếm khuyết, việc thi hành không nghiêm tạo nên những bất công, nên thành ra người dân không biết đường nào mà lần. Làm ăn cũng lo lắng nơm nớp vì sợ phạm luật. Rồi họ lại cấu kết với nhiều công chức mà làm ăn bất chấp, vậy là tạo ra bất công xã hội, mà nếu không loại bỏ được thì người dân sẽ ngày càng mất dần niềm tin vào chính phủ.
Chúng ta phải thay đổi nền giáo dục, không được tạo ra rào cản nào với thế giới để con người Việt được tiếp cận, tương tác với tri thức toàn cầu, nó đem lại lợi ích nhiều hơn cho chính phủ và đời sống cán bộ, vì người dân có giàu lên thì chính phủ mới có nhiều tiền thuế để duy trì và đời sống công chức ắt hẳn nâng cao lên. Mà muốn thay đổi giáo dục theo hướng tích cực nêu trên thì càn phải ban hành chính sách thông qua luật pháp sao cho thật đơn giản, dễ hiểu nhưng phải thực thi nghiêm minh.
Chúng ta phải xây dựng một chính phủ liêm chính, ban hành luật pháp tiến bộ, người dân có ý chí độc lập với vị thế của một người làm chủ đất nước, chịu khó học tập và có trách nhiệm quốc dân là biết phản kháng trước những bất công chứ không chịu khuất phục trước những sai trái của chính phủ hay người làm cho chính quyền mà mình uỷ thác cho.
Có nền tảng đó, chúng ta mới có một quốc gia văn minh. Nếu không, tất cả chỉ là giả tạo và đặt dưới sự cai trị của quyền lực chính trị bằng sự sợ hãi không hơn không kém.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét