Peter Navarro, Ph.D., World Affairs Journal số mùa Đông năm 2016
Trịnh Y Thư dịch
Lời người dịch: Sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực đưa ra phán quyết bác bỏ tính hợp pháp của tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò chín đoạn” của Trung Quốc – đòi chủ quyền 90% lãnh hải Biển Đông, một vùng biển rộng cả triệu dặm vuông, hải sản và tài nguyên phong phú, và cũng là một hải tuyến giao thương quan yếu mỗi năm 5 nghìn tỉ đô la hàng hóa
qua lại – Trung Quốc vẫn tiếp tục xem thường công luận quốc tế, duy trì
thái độ hung hăng cố hữu, không ngừng tập diễn quân sự tại các hòn đảo
nhân tạo cưỡng chiếm quanh quần đảo ám tiêu san hô Trường Sa, đồng thời
tích cực vận động ngoại giao để lôi kéo đồng minh về phe mình.
Hành động này của Trung Quốc hiện đang là đề tài
cho không ít những tranh nghị, tuy không làm thành bản tin nóng hổi hằng
ngày trên các kênh truyền hình nước Mĩ nhưng ở hậu trường nó là vấn đề
nhức nhối vô cùng nghiêm trọng và được quan tâm tối đa trong giới lãnh
đạo và học giả chuyên gia Hoa Kì. Đã có không ít giấy mực tuôn ra với
nhiều luận điểm khác nhau trên các diễn đàn chính trị kinh tế, điển hình
là bài viết phân tích đầy đủ và sâu sắc của Giáo sư Tiến sĩ Peter
Navarro dưới đây. Dẫn chứng các học giả, phân tích gia chiến lược,
chuyên gia chính trị và kinh tế thuộc các học viện và “think-tank” danh
tiếng, ông đưa ra cái nhìn sáng suốt và thực tiễn về thực trạng quan hệ
chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kì, về hiểm họa chiến tranh có thể xảy
ra giữa hai cường quốc kinh tế – quân sự này, và đáng chú ý nhất, về
cán cân lực lượng chiến lược giữa đôi bên, về những thách đố khó khăn
Hoa Kì phải đương đầu. Phần cuối bài viết, ông đề xuất chính sách chiến
lược Hoa Kì nên áp dụng trong những thập niên sắp tới hầu có thể đối phó
với con hổ phục Trung Quốc đang giơ nanh múa vuốt với mưu toan chinh
phục chẳng những vùng Châu Á – Thái Bình Dương mà cả toàn thế giới.
Mặc dù tác giả viết bài này từ góc nhìn của Hoa Kì
nhưng đây là bài viết đáng đọc cho người Việt quan tâm đến vấn đề Biển
Đông bởi vì vị trí đặc biệt của Việt Nam ở vùng tranh chấp và dù muốn
hay không Việt Nam vẫn nằm trong quỹ đạo chiến lược của hai siêu cường
ấy.
Giáo sư Peter Navarro tốt
nghiệp Đại học Harvard với cấp bằng Tiến sĩ Kinh tế học, hiện giảng dạy
tại Đại học California-Irvine (UCI). Từ nhiều năm nay ông được biết đến
như một chuyên gia Kinh tế vĩ mô xuất sắc, tác giả của mười một cuốn
sách đã xuất bản. Cuốn mới nhất có nhan đề Con hổ phục: Chủ nghĩa quân phiệt của Trung Quốc có ý nghĩa gì với thế giới, mà ông đã dựa vào để thực hiện bài viết dưới đây, đăng trên quý san World Affairs Journal
số mùa Đông năm 2016. Ông viết nhiều về Châu Á, có thời gian sinh sống
và công tác nơi đó. Ông từng xuất hiện trên các kênh truyền hình như BBC, CNN, CNBC, MSNBC, NPR, và chương trình “60 Minutes” của kênh CBS. Ông cũng viết tham luận cho các tờ báo danh tiếng như New York Times, Wall Street Journal và Washington Post. Đặc biệt, ông còn chính tay thực hiện một cuốn phim tài liệu nhan đề “Death by China” (Vì Tàu mà chết) do nam tài tử nổi tiếng Martin Sheen giữ phần thuyết minh. (Bạn có thể stream cuốn phim này trên Netflix.)
Xin có đôi lời về bản dịch. Khi dịch cụm từ South
China Sea, tôi không dịch là Biển Đông mặc dù đấy vẫn là tên gọi vùng
biển này của người Việt xưa nay, mà dịch là biển Nam Hoa, lí do vì không
muốn nhầm lẫn với East China Sea trong ngữ cảnh toàn bài. Hình ảnh
trong bài là do tôi thu nhặt từ Từ điển Bách khoa Wikipedia và
cuốn sách nói trên của tác giả. Thêm vào đó, tôi dựng bảng chú thích để
giúp phần nào hiểu thêm văn bản nguyên tác. Phần chú thích, nếu có sai
lầm hoặc sơ sót mong được quý độc giả chỉ giáo.
*
Giáo sư Peter Navarro
Sẽ có chiến tranh với Trung Quốc không? Câu trả lời
có lẽ tùy thuộc ai là người thắng cử vào Tòa Bạch Ốc năm nay, và chính
sách nào chính phủ mới sẽ đem ra áp dụng.
Mối đe dọa một cuộc xung đột xảy ra không hẳn là
hoang tưởng. Chuyên gia chính trị Stefan Halper thuộc Đại học Cambridge
không muốn “báo động” nhưng ông ghi nhận là có những “khác biệt sâu sắc”
Trung Quốc quyết tâm chuẩn bị giải quyết vấn đề bằng vũ lực. Ông Graham
Allison thuộc Đại học Harvard cũng cảnh giác tương tự về một cái “bẫy
Thucydides”1 mà trong đó một Trung Quốc đang trên đường tiến
lên địa vị cường quốc sắm vai trò Athens để kình chống lại Sparta Hoa
Kì, và từ mối quan ngại có thể sẽ dẫn đến cuộc chạy đua võ trang và cuối
cùng là chiến tranh. Ông Michael Green thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến
lược Quốc tế thì đưa ra lời đánh cuộc như sau: “Hoa Kì phải tiên kiến
một tương lai nhiều khả thể với Trung Quốc, có thể hòa hoãn, thân thiện
nhưng cũng có thể cực kì khó khăn, khốc liệt, và ở trường hợp tệ hại
nhất, một Trung Quốc hung hãn, thù địch.
Với gia tốc bành trướng quân sự như đang thấy, nếu
Trung Quốc chỉ tìm cách bảo vệ lãnh thổ và phát triển những tuyến giao
thương toàn cầu để quốc gia thêm thịnh vượng thì thế giới có thể ngủ
yên. Nhưng nếu Trung Quốc cùng lúc quyết tâm theo đuổi chủ nghĩa bành
trướng, tìm cách đẩy lui quân đội Hoa Kì ra khỏi vùng Châu Á – Thái Bình
Dương, cưỡng chiếm lãnh thổ, lãnh hải, cùng tài nguyên từ các quốc gia
lân bang, thì có lẽ khó tránh được xung đột.
Sách lược tăng cường lực lượng quân sự để bảo vệ lãnh thổ của Bắc Kinh có căn nguyên từ ý thức “Thế kỉ Nhục nhã”2.
Từ những năm 1830 cho đến khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, Trung Quốc
nằm dưới sự áp bức tàn bạo của ngoại nhân. Từ người Anh, người Nga,
người Nhật cho đến người Đức, người Pháp, người Mĩ, tất cả hiếp dâm,
chặt đầu, chiếm cảng, giành đất của người Trung Quốc. Ông Toshi
Yoshihara thuộc Đại học Quân sự Hải quân Hoa Kì bảo, “Bài học lịch sử
người Trung Quốc học được là ‘không bao giờ để tái diễn.’ Trung Quốc sẽ
không bao giờ để mình yếu kém nữa bởi vì yếu kém có nghĩa là mời gọi
ngoại nhân vào ức hiếp mình.”
Sách lược bành trướng quân sự cần thiết cho việc bảo
vệ các tuyến giao thương cũng bắt nguồn từ lịch sử. Ngay từ khi Đặng
Tiểu Bình khởi động tái thiết Trung Quốc, từ một quốc gia xã hội chủ
nghĩa, tự lực cánh sinh, một bán cường quốc vùng để trở thành một siêu
cường kinh tế toàn cầu như ngày nay, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc lúc đó,
Đô đốc Lưu Hoa Thanh [Liu Huaqing], đã bắt tay xây dựng một lực lượng
hải quân tiên tiến để giúp họ Đặng củng cố và duy trì một Trung Quốc
kinh tế hùng mạnh. Trong mắt nhìn của ông Yoshihara và ông James Holmes
cũng thuộc Đại học Quân sự Hải quân Hoa Kì thì họ Lưu là một nhà quân sự
Mahan, một danh hiệu lấy từ tên họ ông Alfred Thayer Mahan, một chiến
lược gia lí thuyết người Mĩ sống vào thế kỉ XIX, người đề xuất chiến
lược dùng lực lượng Hải quân toàn cầu như một phương tiện hỗ trợ phát
triển kinh tế.
Lưu Hoa Thanh đề xuất chiến lược ba bước mà hình như
Trung Quốc kiên trì theo đuổi từ đó cho đến nay. Ở bước đầu, Trung Quốc
sẽ phá vỡ mắt xích quần đảo thứ nhất, đó là hải tuyến chạy dài từ quần
đảo Kuril và Nhật Bản xuyên qua tâm điểm Đài Loan băng ngang eo biển
Luzon đến Philippines và xuống tận đảo Borneo của Malaysia. Về điểm này
học giả Dean Cheng thuộc Sáng hội Heritage cho chúng ta biết, “Nếu mắt
xích quần đảo thứ nhất nằm trong tay những quốc gia thù địch chống lại
Bắc Kinh thì nó là cái rào cản không cho Trung Quốc khả năng đi ra biển
khơi.”
Bước thứ hai Trung Quốc sẽ chặt đứt mắt xích quần đảo
thứ hai, tức là hải tuyến chạy dài từ quần đảo Kuril xuống tận Tân
Guinea, đâm thẳng qua cái neo của lực lượng quân sự Hoa Kì ở Châu Á:
thành trì đảo Guam.
Hai mắt xích quần đảo Lưu Hoa Thanh muốn phá vỡ
Sau cùng, vào quãng năm 2050, hạm đội Trung Quốc sẽ bao trùm toàn cầu phóng chiếu quyền lực ra toàn thế giới.
Nếu Trung Quốc thật sự thành công kiểm soát toàn thể
lãnh hải Châu Á – Thái Bình Dương, họ chỉ có thể làm được bằng cách đánh
bại Hoa Kì hoặc bắt Hoa Kì bằng lòng mà không có một thái độ phản kháng
nào. Dĩ nhiên, hậu quả sẽ là một Trung Quốc càng hiếu chiến hơn với các
quốc gia lân bang, tương tự như Nga với Đông Âu ngày nay.
Với “trò chơi lớn” mới này, hiểm họa chiến lược và
kinh tế là vô cùng lớn lao. Về mặt chiến lược, kẻ nào kiểm soát cửa ngõ
biển Nam Hoa ra Ấn Độ Dương, đi luồn qua eo biển Malacca nhỏ hẹp và trắc
trở, kẻ đó kiểm soát luôn Đông Nam Á, và có lẽ cả Đông Á, bởi đa phần
dầu khí dùng thắp đèn cho Nhật Bản và Nam Hàn đều phải đi qua vùng biển
Nam Hoa này.
Thêm nữa, con đường buôn bán “lụa và hương liệu” hiện
đại là hải trình của một phần ba tổng số lượng hàng hóa chuyên chở toàn
cầu, chưa kể biển Đông Hoa và Nam Hoa còn là vùng biển có nhiều cá.
Trong lúc đó, nằm bên dưới hơn một triệu dặm vuông đáy biển có thể là
những túi dầu hỏa sánh ngang với vịnh Ba Tư.
Ở biển Nam Hoa, Trung Quốc đã “thái dồi” xong quần
đảo Hoàng Sa trong tay Việt Nam và ngang nhiên kéo những giàn khoan dầu
nổi có cả hạm đội tàu chiến yểm trợ vào vùng biển mà Hà Nội vẫn xem là
thuộc Việt Nam. Cùng một nước cờ, Trung Quốc cưỡng chiếm bãi đá ngầm
Macclesfield Bank và bãi cạn Scarborough Shoal3 của
Philippines, bãi cạn Thomas Thứ Nhì vẫn còn dằng dai trong vòng tranh
chấp chủ quyền giữa đôi bên. Thậm chí Trung Quốc còn để mắt đến vùng
biển giàu khí đốt thuộc quần đảo Natuna của Indonesia, cách xa Hoa Lục
cả nghìn dặm.
Tương tự như thế ở vùng biển Đông Hoa, Nhật Bản cũng
đang lâm vào tình trạng dằng co càng lúc càng găng với Trung Quốc về đảo
Senkaku, một quần thể năm hòn đảo nhỏ với tổng diện tích không quá hai
dặm vuông. Vụ tranh chấp gay gắt này, được tô đậm bởi tinh thần quốc gia
cực đoan, đã dẫn đến những cuộc biểu tình bài Nhật vĩ đại ở Hoa Lục
cũng như những vận động của Tokyo nhắm đến một khả năng quân sự hùng
mạnh hơn. Nó cũng đe dọa một viễn ảnh Hoa Kì bị lôi kéo vào vòng tranh
chấp.
Nhiều quan sát viên tỏ vẻ hoang mang không hiểu lí do
tại sao Trung Quốc lại càng lúc càng hung hăng tìm cách cưỡng chiếm vài
“tảng đá bé xíu nằm chơ vơ trên mặt biển” như thế. Kì thực, chiếu theo
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển kí kết năm 1982 thì quốc gia nào sở
hữu những bãi đá mà có thể duy trì cuộc sống đều được hưởng quy chế
“Vùng Đặc quyền Kinh tế”, một đặc quyền khai thác tất cả tài nguyên
thiên nhiên trong vòng 200 dặm. Bởi thế, theo giải thích của học giả
Stefan Halper thuộc Đại học Cambridge, một cường quốc lục địa như Trung
Quốc có thể bành trướng chủ quyền hàng hải nhanh chóng và sâu rộng nhờ
những “vòng tròn đồng tâm” với “hiệu ứng nhảy cừu.” Để đạt mục tiêu họ
chỉ cần cưỡng chiếm những hòn đảo nhỏ đang tranh chấp.
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cũng gây phức
tạp rất lớn cho quan hệ giữa Hoa Kì và Trung Quốc. Trung Quốc đơn phương
đưa ra khẳng định không cho tự do hàng hải, kể cả tàu chiến và máy bay
quân sự, chẳng những trong phạm vi cách đất liền 12 dặm mà cả Vùng Đặc
quyền Kinh tế 200 dặm, một điều không hề được nói đến trong Công ước.
Nếu chủ thuyết “ngăn biển” này của Trung Quốc được chấp nhận, Trung Quốc
sẽ nắm trọn quyền kiểm soát tuyến giao thương lợi lộc nhất trên thế
giới.
Bản đồ Biển Đông (theo cách gọi của Việt Nam)
với đường “lưỡi bò chín đoạn” mà Trung Quốc áp đặt trong mưu toan thâm
độc cưỡng chiếm 90% lãnh hải.
Sự tranh chấp về thẩm quyền này đã dẫn đến nhiều vụ
va chạm. Năm 2001 Trung Quốc bắt giữ phi hành đoàn một máy bay thám
thính của Hoa Kì bị rơi. Gần đây hơn, chiến đấu cơ Trung Quốc bay những
phi thức lộn vòng nguy hiểm cố tình khiêu khích một máy bay tuần tra của
Hoa Kì. Dưới biển Trung Quốc cũng cho tàu chiến bám đuôi tàu USS Impeccable, một chiếc tàu không võ trang chỉ có nhiệm vụ giám sát đại dương. Chưa hết, Trung Quốc còn chặn tàu USS Cowpens, một tuần dương hạm trang bị phi đạn tự hành, không cho tàu chiến này hoạt động trong hải phận quốc tế.
Sở dĩ không có quả bom nguyên tử nào thả xuống mặt
đất trong thời kì Chiến tranh Lạnh, là vì Hoa Kì và Liên Xô nói chuyện
với nhau. Thí dụ, giữa Tổng thống Hoa Kì và Thủ tướng Liên Xô có một
“đường dây nóng” bắt đầu hoạt động từ năm 1963, và các chỉ huy trưởng
Hải quân thường xuyên liên lạc với nhau “từ đài chỉ huy này sang đài chỉ
huy kia.”
Giữa Trung Quốc và Hoa Kì ngày nay, không hề hiện hữu
một cái “cầu dao” như thế. Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Kurt Campbell lên
khung dị biệt chiến lược này như sau: “Hoa Kì chủ trương phô trương sức
mạnh. Xem này, chúng tôi mạnh mẽ là nhường nào, các ông chớ có mà vọng
động.” Ngược lại, Trung Quốc “tìm thế ngăn chặn các lực lượng thù địch,
thông thường là qua phương cách tạo sự bất định, không chắc chắn, khiến
không ai biết rõ họ có khả năng gì.” Học giả David Lampton thuộc Đại học
John Hopkins nói thêm: “Chúng ta tự khiến mình tin là sự sáng tỏ sẽ
ngăn ngừa xung đột, nhưng Trung Quốc thì lại tin chính sự mơ hồ và không
minh bạch mới đem lại kết quả tốt cho họ.”
Tương tự như thế, có sự dị biệt chiến lược khi các
tàu chiến Hoa Kì và Trung Quốc chạm trán nhau trên đại dương, và những
sự cố như thế ngày càng gia tăng. Từ quan điểm của Hoa Kì, liên lạc với
nhau “từ đài chỉ huy này sang đài chỉ huy kia” là quan trọng vì nó giúp
tránh những tính toán sai lầm. Tuy nhiên, theo giải thích của bà
Stephanie Kleine-Ahlbrandt thuộc Học viện Hòa bình Hoa Kì thì, đối với
Trung Quốc, đường dây trao đổi thông tin ấy chỉ là “dây cài bảo hiểm cho
những kẻ phóng xe quá tốc độ.”
Đúng thế, giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc tin tưởng
là sẽ có lợi cho Trung Quốc hơn nếu cứ để các nhà quân sự Hoa Kì lo
lắng, phân vân, không biết phản ứng của Trung Quốc sẽ như thế nào. Làm
thế phía Hoa Kì sẽ thận trọng hơn. Đôi khi hình như họ quên mất một điều
là “sự việc có thể vuột ra ngoài tầm kiểm soát” như giáo sư Campbell
nói.
Hai cột trụ chống đỡ chiến lược quân sự của Trung
Quốc – ngăn vùng và chiến tranh bất đối xứng – cũng nhắm vào những xung
đột có thể xảy ra trong tương lai.
Chuyên gia Mark Stokes thuộc Học viện Nguyên cứu Chiến lược hiểu các thuật ngữ quân sự “chống xâm nhập” và “ngăn vùng”4
là “ngăn cản.” Theo bà Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến
lược Quốc tế thì mục tiêu của Trung Quốc là ngăn chặn các quốc gia khác,
đặc biệt là Hoa Kì, để không nước nào có khả năng can thiệp vào lãnh
địa hay lãnh hải gần Trung Quốc một khi biến động khủng hoảng xảy ra.
Còn theo ông Bill Gertz thuộc tổ chức Washington Hải
đăng Tự do thì chiến lược bất đối xứng đi kèm theo của Trung Quốc không
có mục đích “chống lại guồng máy chiến tranh của Hoa Kì trên cơ bản
một-chọi-một, như đã từng xảy ra trong thời kì Chiến tranh Lạnh giữa Hoa
Kì và Liên Xô.” Thay vào đó, “Trung Quốc tập trung năng lực thiết lập
những hệ thống vũ khí thích dụng.” Ông Toshi Yoshihara, một học giả của
trường Đại học Chiến tranh, tuyên bố như sau: “Một phần của cái đẹp đen
tối trong chiến lược chống xâm nhập và ngăn vùng của Trung Quốc là sự
chênh lệch rất xa giữa giá thành của các hệ thống vũ khí. Thí dụ, để
đóng một chiếc tàu sân bay người ta phải tốn nhiều tỉ đô la, trong khi
một giàn tên lửa của Trung Quốc chỉ tốn vài triệu; và chỉ cần một tên
lửa là có thể bắn trúng mục tiêu. Một trận thư hùng như thế, Hoa Kì khó
mà thắng được. Trung Quốc có thể sản xuất ra thật nhiều tên lửa so với
số lượng tàu lớn của Hoa Kì.”
Ông Ashley Tellis thuộc tổ chức Hỗ trợ Hòa bình Thế
giới Carnegie miêu tả chiến lược đặt trọng tâm vào hệ thống tên lửa “mũi
giáo” của Trung Quốc có khả năng tấn công nhiều mục tiêu ở tất cả các
hướng như là “một thí dụ tuyệt hảo về chiến tranh bất đối xứng.” Ông
giải thích thêm, “Điểm thìa khóa các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa tấn
công đất liền giúp tạo thế thượng phong là khống chế khả năng phòng
không của phe địch. Một khi triệt hủy được khả năng phòng không rồi, bạn
có thể đem máy bay ném bom hạng nặng vào trận địa.” Cùng một nhận định
như vậy, ông Dan Blumenthal thuộc Viện Thương mại Hoa Kì bảo, “Vì thế,
cho dù bạn ở Đài Loan, hay Nhật Bản hay thậm chí Việt Nam, bạn không
ngừng trực diện những giàn tên lửa của Trung Quốc mà có thể bắn trúng
bạn. Mỗi lần thương thảo với người Trung Quốc, ngay đầu bạn lúc nào cũng
có một khẩu súng lăm lăm chĩa vào.”
Không hẳn chỉ những quốc gia láng giềng với Trung
Quốc nằm trong tình trạng nguy hiểm. Trong mắt nhìn của ông Lyle
Goldstein, cũng thuộc Đại học Quân sự Hải quân Hoa Kì, thì loại tên lửa
siêu âm mới, cực kì cơ động, có khả năng lướt ngoài không gian của Trung
Quốc là mối đe dọa đặc biệt đối với các căn cứ tiền đồn và tàu sân bay
của Hoa Kì bởi vì loại tên lửa này có một tốc độ siêu đẳng lúc từ không
gian chui vào thượng tầng khí quyển.” Ông Gertz giải thích thêm: “Tất cả
tên lửa phòng vệ chống tên lửa của quân đội chúng ta đều được chế tạo
để chống tên lửa đạn đạo và các loại tên lửa khác có quỹ đạo tương đối
dễ tiên đoán. Khi phải đối đầu với loại đầu đạn cơ động bay với tốc độ
gấp mười lần tốc độ âm thanh thì các hệ thống chống tên lửa của chúng ta
trở nên tương đối kém hiệu quả.”
Trung Quốc cũng dự trữ trong kho đạn một số lượng
thủy lôi khổng lồ, nhiều nhất thế giới, và hạm đội tàu ngầm gia tăng mỗi
ngày mỗi nhanh của họ thích nghi khít khao với chiến lược này. Mục đích
của chiến thuật thả thủy lôi không phải là đánh đắm tàu địch, mà ngăn
chặn, không cho tàu địch tiến vào hải phận bằng đòn khủng bố tâm lí và
làm chậm tiến độ hải hành vì phải mất nhiều thời gian vét mìn. (Thí dụ,
trong trận chiến Vùng Vịnh, mặc dù Hải quân Hoa Kì đã tốn rất nhiều công
sức vét mìn, nhưng vẫn có hai quả thủy lôi nổ, mỗi quả trị giá không
quá 50 ngàn đô la, làm thiệt hại tuần dương hạm USS Princeton trị
giá một tỉ.) Trong mắt nhìn của ông Bernard Cole thuộc Đại học Quốc
phòng thì thủy lôi là rào cản đặc biệt khó khăn trong trường hợp chiến
tranh xảy ra giữa Trung Quốc và Đài Loan bởi vì cả đảo Đài Loan chỉ có
hai hải cảng. Ông Yoshihara nói: “Nếu Trung Quốc tiên hạ thủ vi cường
thả thủy lôi ngoài khơi hai hải cảng này, Đài Loan sẽ bị xem như cô lập.
Không còn một hải cảng nào khác khả dĩ làm đường tiếp vận giúp Đài Loan
tiếp tục chống đỡ.”
Thủy lôi của Trung Quốc được dùng song hành với hạm
đội tàu ngầm chạy bằng diesel và điện. Đến năm 2020, theo dự báo của Lầu
Năm Góc, Trung Quốc sẽ có một hạm đội tàu ngầm từ 69 đến 78 chiếc. Gần
như tất cả những tàu ngầm mới đóng đều được trang bị máy móc nhập từ
nước ngoài cho hệ thống lực đẩy không tùy thuộc không khí.5 Nhiều
chiếc cũ cũng được tân trang với loại hệ thống máy móc đó. Ông Richard
Fisher thuộc Trung tâm Lượng định và Chiến lược Quốc tế ghi nhận: “Tàu
ngầm chạy bằng diesel và điện loại quy ước vốn dĩ đã khó truy tầm vì
chúng không phát ra tiếng động lớn. Nay lại được trang bị bằng hệ thống
lực đẩy không tùy thuộc không khí, chúng sẽ trở nên thập phần nguy hiểm
hơn, nhất là đối với hạm đội tàu sân bay Hoa Kì.”
Ông Yoshihara hình dung ra một viễn ảnh ác mộng trong
đó các tàu ngầm quy ước của Trung Quốc nằm dưới đáy biển chờ hạm đội
tác chiến tàu sân bay Hoa Kì đến gần rồi đồng loạt phóng ra hàng loạt
tên lửa tầm xa chống tàu chiến để đánh phủ đầu đoàn tàu chiến phòng thủ.
Chiến thuật đó chẳng những khiến người ta nhớ lại phương châm của
Joseph Stalin “số lượng có chất lượng của chính nó,” mà còn đặt nghi vấn
về niềm tin vẫn được bám víu một cách sâu rộng bấy lâu nay, đó là, kĩ
năng vượt trội của guồng máy quân sự Hoa Kì sẽ luôn luôn đem lại chiến
thắng.
Ông Aaron Friedberg thuộc Đại học Princeton cho chúng
ta cái nhìn điềm tĩnh như sau: “Cộng đồng tình báo của Hoa Kì đã ngạc
nhiên hết sức về chất lượng các hệ thống vũ khí do Trung Quốc chế tạo,
và một phần của lí do đó là Trung Quốc đã và đang đánh cắp những sáng
chế mật của Hoa Kì.” Kết quả, ngày nay Trung Quốc có thể chế tạo máy bay
không người lái y như Hoa Kì. Họ cũng bắt đầu cho bay những máy bay tối
tân nhất, như chiến đấu máy bay ném bom Chengdu (Thành Đô) J-20, mà Lầu
Năm Góc đã đánh giá sai lầm là cả nhiều thập niên nữa mới có; và, không
như Hoa Kì bị hạn chế ngân sách (phải chấm dứt kế hoạch sản xuất chiến
đấu cơ tối tân F-22), Trung Quốc sẽ tùy tiện sản xuất với số lượng khổng
lồ bất kì loại vũ khí nào họ cho là cần thiết, tương tự như Hoa Kì đã
làm thời Thế Chiến Thứ Hai để đánh phủ đầu những vũ khí tối tân hơn của
Đức Quốc.
Chiến đấu cơ tàng hình thế-hệ-thứ-năm Chengdu J-20 của Trung Quốc
Trung Quốc công khai áp dụng chiến lược hai-gọng-kìm
“giết tàu sân bay” để ngăn chặn, không cho lực lượng Hoa Kì xâm nhập
vùng biển Châu Á – Thái Bình Dương bằng cách đi cưỡng chiếm các hòn đảo
trong vòng tranh chấp thuộc vùng biển Đông Hoa và Nam Hoa. Trung Quốc
cũng lăm le xâm lấn những ngọn đồi vùng biên giới Bắc Hàn, thậm chí còn
muốn lấy đất của bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, vùng đất mà Trung
Quốc gọi là “Nam Tạng.”6
Làm thế nào để duy trì hòa bình dưới những sức ép
càng lúc càng gia tăng như thế? Chắc chắn Hoa Kì đã đánh cuộc khá lớn
vào sức mạnh phát triển kinh tế trong ý định chuyển hóa Trung Quốc từ
một chế độ độc tài, hiếu chiến thành một cơ cấu dân chủ tự do. Tuy vậy,
theo lời ông Ian Fletcher thuộc Liên minh cho một Quốc gia Hoa Kì Thịnh
vượng thì: “Phát triển kinh tế ở Trung Quốc không đưa quốc gia này đến
chỗ dân chủ hơn. Nó chỉ giản dị biến thành một thể chế độc tài tinh vi
và giàu có hơn.”
Quan trọng là sự am hiểu tinh tường về vai trò của
tính liên thuộc kinh tế trong việc ngăn chặn – hay gây nên – xung đột.
Nếu một quốc gia như Trung Quốc tùy thuộc nhiều vào việc buôn bán những
món hàng quan yếu cho nền an ninh quốc gia, quốc gia ấy rất có thể chọn
giải pháp chiến tranh một khi sự liên thuộc kinh tế gia tăng. Chính sự
liên thuộc như thế đã khiến Đức mở cuộc tấn công khơi mào cho Đại Chiến
Thứ Nhất năm 1914 vì Đức e sợ cả Pháp lẫn Anh không chịu bán thực phẩm,
quặng sắt và dầu khí cho mình để phát triển kinh tế. Đây cũng không chỉ
giản dị là sự nghi ngờ hoang tưởng bên phía Đức: Cả Pháp lẫn Anh đều
công khai thảo luận việc cấm vận trước khi chiến tranh bùng nổ, rất
giống đường lối các phân tích gia ngày nay như ông T.X. Hammes thuộc Đại
học Quốc phòng đưa ra khuyến nghị “bóp nghẹt kinh tế” Trung Quốc trong
trường hợp biến cố xung đột xảy ra.
Học giả Aaron Friedberg thuộc Đại học Princeton có
đưa ra vài ghi nhận dè dặt đáng nhắc lại nơi đây: “Những quốc gia có
quan hệ giao thương tốt không nhất thiết trở thành đối tác chiến lược và
chính trị tốt; lịch sử chứng minh điều đó, những quốc gia có quan hệ
giao thương tốt lại thường đi đến chỗ gây chiến với nhau.”
Về tranh nghị các quốc gia không dám mạnh tay vì nguy cơ chiến tranh hạt nhân sẽ tiêu diệt cả hai phe7
thì ông Ashley Tellis thuộc viện Carnegie đưa ra lập luận phản bác như
sau. Ông nói Trung Quốc ngày nay trên khán trường quốc tế sở hữu một lực
lượng nguyên tử khả tín, nguy cơ một cuộc chiến tranh nguyên tử có thể
là không lớn, nhưng thật ra nguy cơ một cuộc chiến tranh quy ước lại gia
tăng “vì Trung Quốc đã và đang liên tục tiếp thu những khả năng ngăn
chặn không cho Hoa Kì nhảy vào trợ giúp các quốc gia bạn ở Châu Á.”
Ông Toshi Yoshihara giải thích tính nghịch lí “bình
ổn-bất bình ổn” nằm bên dưới nguy cơ ấy như sau: “Nếu Trung Quốc có khả
năng áp đặt chiến lược chống xâm nhập của họ, rất có thể họ sẽ tạo được
một không gian chiến lược để chĩa mũi tiến công trong một cuộc chiến
tranh quy ước tại vùng biển Châu Á. Và do đó, có vũ khí nguyên tử trong
tay không nhất thiết có nghĩa là đảm bảo không có chiến tranh. Nó chỉ
giản dị mở ra khả thể cho những loại chiến tranh khác.”
Nếu chúng ta không thể trông mong vào mối quan hệ hỗ
tương kinh tế, vào sự liên thuộc giao thương, vũ khí hạt nhân cũng không
làm Trung Quốc giảm bớt hung hăng, vậy còn lại là con đường nào khác
khả dĩ duy trì hòa bình? Chắc hẳn có người bảo là thay vì xoay trục sang
Châu Á, Hoa Kì nên ở lại nhà và phó mặc vùng đất ấy cho Trung Quốc.
Nhưng theo luận điểm của ông Gordon Chang, người phụ trách chuyên mục
của tạp chí Forbes, thì “tuyến phòng thủ địa đầu của Hoa Kì không
phải là Alaska hay California mà là Nam Hàn và Nhật Bản,” và những căn
cứ tiền đồn đóng vai trò chiến lược quan yếu trong công tác phát hiện và
ngăn chống tên lửa. Ở đây, chúng ta cũng đừng quên Hoa Kì từ hồi nào
đến giờ vẫn là một quốc gia sở dĩ hùng cường là nhờ ngoại thương; một
Châu Á tự do ra vào là những thị trường thuộc loại phát triển nhanh nhất
trên thế giới.
Không chấp nhận giải pháp rút lui vào vòng cô lập,
vậy thì chính sách của chúng ta phải như thế nào? Bất kì câu trả lời nào
đều phải bắt đầu bằng nhận định sau: Nếu Hoa Kì chỉ tìm cách bắt kịp
Trung Quốc theo kiểu “mày một viên đạn, tao cũng một viên đạn” thì kết
quả rất có thể sẽ là một cuộc chạy đua võ trang càng lúc càng găng, và
rốt cuộc một hoặc cả hai bên cùng kiệt quệ, hoặc sau cùng đi đến chỗ
choảng nhau chí tử và tận diệt.
Ông Michael Pillsbury, một phân tích gia thuộc Lầu
Năm Góc đưa ra lời cảnh báo tỉnh táo như sau: “Sẽ chẳng có cách nào ngăn
chống nổi một nghìn cái tên lửa chống tàu chiến của Trung Quốc chĩa vào
mặt chúng ta. Thế giới chúng ta đang bước vào là thế giới trong đó nền
kinh tế của Trung Quốc đã qua mặt chúng ta và đang lớn mạnh để có ngày
to gấp hai chúng ta. Điều đó có nghĩa là nếu muốn, họ có thể dễ dàng gia
tăng ngân sách binh bị nhằm tập trung vào chúng ta và ngân sách này có
thể cao hơn chúng ta.”
Làm thế nào để vị Tổng thống kế nhiệm đối phó với
tình trạng Trung Quốc bao vây càng lúc càng quyết liệt đây? Câu trả lời
nằm nơi khái niệm mà chính người Trung Quốc gọi là “tổng hợp quốc lực,”8
một khái niệm có căn nguyên sâu xa bắt rễ từ câu nói nổi tiếng của Tôn
Tử, “Không đánh mà làm khuất phục được quân của người, ấy là người giỏi ở
trong những người giỏi.”9 Ông Ngô Xuân Thu [Wu Chunqiu]
thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc thì nói như sau: “Bất chiến
tự nhiên thành không có nghĩa là hoàn toàn không có chiến tranh. Chiến
tranh mà người ta phải chiến đấu là chiến tranh chính trị, chiến tranh
kinh tế, chiến tranh khoa học và kĩ thuật, chiến tranh ngoại giao. Mặc
dù sức mạnh quân sự là một yếu tố quan hệ, trong thời bình thông thường
nó chỉ được dùng như một lực lượng hỗ trợ.”
Thí dụ, hãy thử xem xét sức mạnh tổng hợp của quốc
gia tối cần chỉ để xây dựng những lực lượng quân sự hỗ trợ. Một sức mạnh
tổng hợp như thế phải bắt đầu bằng một nền kinh tế mạnh có khả năng vừa
sản xuất vũ khí vừa thu thuế để trang trải những khoản kinh phí khổng
lồ. Tuy nhiên, để có một nền kinh tế mạnh, quốc gia phải có một lực
lượng lao động có có kỹ năng cao – và do đó, một nền giáo dục mạnh tương
đương.
Cùng lúc, những tiến bộ nhanh chóng về sáng kiến và
kĩ thuật chỉ có thể xảy ra trong một hệ thống tài chính dồi dào đầu tư
vào các công trình nghiên cứu và phát triển, một chế độ thuế khóa nâng
đỡ các hoạt động kinh doanh. Và không nền kinh tế nội địa nào có thể
phát triển nếu không có tự do đi vào các thị trường nước ngoài. Để đi
vào những thị trường như thế đòi hỏi chẳng những một liên minh mạnh giữa
những đối tác mà còn sự tự do hải hành. Điều sau này ngay lập tức bẻ
lái tiến trình tổng hợp sức mạnh trở lại trọng điểm hàng đầu là làm thế
nào để có một lực lượng quân sự hùng mạnh hầu giữ vững và rộng mở hải
không phận cho việc giao thương.
Ông David Lampton, một học giả thuộc Đại học John
Hopkins, nói rằng Trung Quốc sẽ tôn trọng Hoa Kì nếu sức mạnh quốc gia
của Hoa Kì được duy trì ở đường lối toàn diện như vậy. Tuy nhiên nếu Hoa
Kì suy thoái thì sẽ vô cùng khó khăn đương đầu với Trung Quốc.
Song, một quốc gia với một nền kinh tế thịnh vượng,
một hệ thống giáo dục hoàn hảo, một trật tự chính trị bình ổn, một kho
tài nguyên thiên nhiên phong phú, một lực lượng lao động tốt, mà binh bị
yếu kém thì vẫn là miếng mồi ngon cho bất kì kẻ thù địch võ trang đầy
đủ nào với ác tâm xâm lấn, chiếm đoạt. Ông Patrick Cronin thuộc Trung
tâm Tân Bảo an Quốc gia miêu tả một “lực lượng cân bằng cho thế kỉ XXI”
mà Hoa Kì cần có “ở những số lượng cần thiết” để duy trì hòa bình bằng
sức mạnh quân sự như sau: “Tôi cần tàu sân bay, máy bay, tàu ngầm. Tôi
cần kĩ thuật tàng hình, tôi cần khả năng tuần tra các tuyến hàng hải.
Cùng lúc tôi cần tiếp tục đầu tư vào kĩ thuật tin học, kĩ thuật không
gian và máy bay không người lái, kể cả loại máy bay không người lái tầm
xa bởi vì những kĩ thuật đó toàn là những thứ có thể ‘thay đổi cuộc
chơi.’”
Ông Aaron Friedberg thuộc Đại học Princeton cũng tỏ ý
quyết liệt không kém khi đưa ra quan điểm phải giảm bớt nhược điểm của
những căn cứ tiền đồn của Hoa Kì ở Châu Á bằng một chiến lược tứ giác
gồm: làm cho cứng, phân tán mỏng, đa dạng hóa, và tái cấu trúc lực
lượng.
“Làm cho cứng” là di chuyển những căn cứ hậu cần và
kho vũ khí xuống lòng đất thật sâu, máy bay cũng thế, tất cả phải được
đưa xuống hầm an toàn, rồi đổ xuống hàng tấn xi măng cùng hàng tấn thép
để tăng độ cứng của phi đạo, nhà cửa, doanh trại, cầu tàu.
“Phân tán mỏng” là tái bố trí cả căn cứ địa lẫn tàu
chiến, làm thế nào để Trung Quốc vấp phải nhiều khó khăn khi nhắm bắn
mục tiêu. Thí dụ, ông Toshi Yoshihara đưa ra đề nghị, thay vì duy trì
hai căn cứ to đùng sờ sờ trước mắt là Okinawa và Guam thì hãy dùng quần
đảo Ryukyu của Nhật Bản và rải mỏng thành một quần thể những căn cứ nhỏ
hơn nhiều.
“Đa dạng hóa” là mở rộng những căn cứ và cơ sở sang
những quốc gia mà sự có mặt của Hoa Kì chưa đông đảo, như Philippines và
Việt Nam. Ông Dan Blumenthal nói như sau: “Nếu giới lãnh đạo Trung Quốc
phải suy nghĩ về việc nhắm bắn mục tiêu trên nhiều quốc gia khác nhau,
điều đó sẽ khiến họ chùng bước hơn là chỉ vài căn cứ ở Nhật Bản hay một
chiếc tàu sân bay.”
Ông Friedberg cũng muốn xoay bàn chiến tranh bất đối
xứng và chiến lược ngăn vùng về phía Trung Quốc bằng phương cách “tái
cấu trúc lực lượng.” Về điểm này ông James Holmes đưa ra khuyến nghị
không dựa vào hạm đội tác chiến tàu sân bay nữa, vốn là bảo bối của các
sếp lớn Hải quân nhưng nằm ỳ trên biển cả cho người ta bắn như vịt trời,
mà nên dựa vào hạm đội tàu ngầm lớp Virginia chuyên tấn công, bố trí
tại những điểm nghẽn trọng yếu dọc theo hai tuyến mắt xích quần đảo thứ
nhất và thứ hai.
Về các hệ thống vũ khí khác, một trong những vấn đề
lớn nằm trong chương trình nghị sự của vị Tổng thống nhiệm kì sắp tới có
lẽ là một chiếc máy bay ném bom chiến lược mới. Hôm tháng Mười vừa qua,
công ti Northrop Grumman kí một hợp đồng 21,4 tỉ đô la để điều nghiên
dự án cho ra đời một chiếc máy bay ném bom mới. Nhưng câu hỏi chưa được
trả lời là cuối cùng sẽ có bao nhiêu chiếc, và người kế vị ngồi trong
Tòa Bạch Ốc năm 2017 sẽ phải dứt khoát trả lời câu hỏi này. Ông Michael
Auslin thuộc Học viện Kinh doanh Hoa Kì là người ủng hộ dự án, ông nói:
“Chiếc máy bay ném bom B-52 mới nhất của chúng ta
cũng đã 50 tuổi rồi và chúng ta có đến ba thế hệ – ông, cha, con – cùng
lái một chiếc máy bay. Đấy là loại máy bay tốt, nhưng chúng không thể
nào thoát hiểm khi phải đương đầu với những hệ thống phòng thủ tên lửa
tự động ngày nay. Thêm vào đó, chúng ta chỉ có vỏn vẹn 20 chiếc B-2, và
chúng cũng chẳng mới mẻ gì. Bởi thế chúng ta cần chế tạo và sản xuất một
loại máy bay ném bom mới, và thật nhiều chiến đấu cơ F-35 để khai quang
mặt đất và bầu trời trong trường hợp cần thiết. Chúng ta cần làm việc
này bởi những lí do quân sự cũng như chính trị. Nó sẽ giúp đem lại sự
bình ổn cho Châu Á nhiều hơn chứ không kém đi.”
Nhìn xa hơn những bước cụ thể này, Giảng viên Phillip
Karber thuộc Đại học Georgetown kêu gọi một chính sách “phản ứng đối
ứng” kiểu vis-à-vis đối đầu với Trung Quốc: “Các ông tính
chuyện tài binh cắt giảm lực lượng đi, lúc đó chúng tôi cũng sẽ cắt giảm
lực lượng của chúng tôi. Còn các ông chủ trương gây hấn có những hành
động như sản xuất thêm tên lửa và đe dọa các căn cứ cùng đồng minh của
chúng tôi thì chúng tôi sẽ có phản ứng ngay.”
Trớ trêu thay, những lời răn đe như thế nhắc nhở đây
là thời điểm tốt để bắt tay với đồng minh, song những lời hứa hẹn suông
và những quan hệ bị bỏ quên đã làm phung phí cơ hội một cách liều lĩnh
và ngu xuẩn.
Cứ nhìn vào sự thất bại của chính sách “xoay trục”
sang Châu Á của chính quyền Obama thì biết. Được long trọng đề xuất năm
2011, theo dự kiến, Lầu Năm Góc sẽ gia tăng 60 phần trăm tổng số tàu
chiến thuộc hạm đội Thái Bình Dương. Tuy nhiên, vì hạm đội ấy càng lúc
càng thu nhỏ nên vào năm 2020 tổng số tàu chiến Hoa Kì trong vùng sẽ ít
hơn con số lúc chính sách được công bố năm 2011. Ông James Holmes mỉa
mai, “Cứ xét những tín hiệu ngoại giao và ngăn chặn thì chuyện xoay trục
xem ra có vẻ như trò trẻ con chơi bóng.”10
Ông Pat Mulloy, cựu thành viên của Ủy ban Xét duyệt
Kinh tế và An ninh Mĩ-Trung, còn đi xa hơn một bước khi ông phê bình
chính sách “xoay trục” xem-quân-sự-là-chính của Tòa Bạch Ốc. Ông bảo
chiến lược xoay trục ấy để lộ ra sự thiếu hiểu biết cơ bản của Hoa Kì về
yêu cầu bức xúc tái thiết sức mạnh quốc gia tổng hợp. Ông đưa ra nhận
định sau: “Tổng thống bảo chúng ta phải xoay trục sang Châu Á vì Trung
Quốc đang vươn lên. Nhưng Trung Quốc vươn lên vì chúng ta để cán cân mậu
dịch nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. Do đó, phải chăng sẽ hợp lí hơn
nhiều nếu chúng ta quân bằng cán cân ấy bằng cách chấm dứt ngay tình
trạng giới tiêu thụ Mĩ tiếp tục nuôi cho Trung Quốc đi lên? Đấy mới là
phương cách xoay trục sang Châu Á thật sự thông minh.”
Để chống đỡ một cách hòa hoãn những thách đố khó khăn
về các vấn đề kinh tế và an ninh nghiêm trọng gây nên bởi sự tiến bộ
nhanh chóng của Trung Quốc, trước hết phải có sự đồng thuận chính trị.
Tuy thế, sự đồng thuận như thế rất khó thực hiện trong một nền dân chủ
mở nơi những nhóm tranh giành ảnh hưởng kinh tế chia nhau đặc quyền
trong việc buôn bán với Trung Quốc, những nhóm “chính trị hành lang” sẽ
tranh giành lẫn nhau chứ không chịu ngồi chung bàn để cùng hướng về một
mục đích chung. Thêm nữa, trong khi chính phủ độc tài Trung Quốc có toàn
quyền dùng báo chí truyền thanh truyền hình làm cái loa cho luận điểm
của mình thì giới truyển thông Tây phương và các trường đại học Hoa Kì
đều tự áp đặt một chế độ kiểm duyệt.
Sự thật là, “căn nhà chia rẽ” này đã từ lâu giải
thích tại sao các nền dân chủ Tây Phương, nhất là Hoa Kì, đã tỏ ra vô
cùng chậm chạp phản ứng lại một Trung Quốc hận thù ấp ủ nhất quyết tiến
lên chiếm lĩnh vai trò độc bá thế giới.11 Tuy nhiên, nếu tình trạng vùi-đầu-xuống-cát này tiếp diễn mãi thì kết cuộc của câu chuyện e là rất tệ.
P. N.
––––––––––––––––––
Chú thích của người dịch:
1 Thucydides Trap: Nhà chính trị học người
Mĩ Graham Tillett Allison (sinh 1940) đề xuất thuật ngữ này để ám chỉ
nước cờ một quốc gia đang tiến lên địa vị hùng cường (như Trung Quốc)
lừa bẫy bằng cách gây mối quan ngại cho một quốc gia khác hùng mạnh và
độc bá từ lâu (như Hoa Kì). Từ quan ngại sẽ dẫn đến vận động chiến
tranh. Allison mượn điển tích cuộc chiến giữa hai trung tâm quyền lực
thời cổ đại Hi Lạp là Athens và Sparta.
2 Ý thức này được nhà văn Lỗ Tấn dùng làm mô-típ chính trong cuốn truyện vừa AQ chính truyện
viết năm 1921. Nhân vật AQ lúc nào mở miệng cũng chê bai kẻ khác nhưng
bị tất cả mọi người trong làng từ trên xuống dưới làm nhục mà tự mình
thì không biết nhục. AQ là ẩn dụ ám chỉ một nước Trung Hoa phong kiến
hèn kém bị liệt cường xâu xé, làm nhục. Ý thức này ăn sâu tâm khảm người
Trung Quốc suốt hai thế kỉ qua.
3 Bãi đá ngầm Macclesfield Bank người
Trung Quốc gọi là Trung Sa (Zhongsha) quần đảo, và bãi cạn Scarborough
Shoal của Philippines là Hoàng Nham Đảo (Huángyán Dăo).
4 Thuật ngữ quân sự “chống xâm nhập” và
“ngăn vùng” được tạm dịch từ cụm từ tiếng Anh “anti-access” và
“area-denial”, thường được viết tắt là A2/AD.
5 Hệ thống lực đẩy không tùy thuộc không khí (Air-independent propulsion systems), tàu ngầm chạy bằng diesel và điện trang bị hệ thống máy móc hiện đại này có khả năng lặn dưới biển lâu hơn.
6 Southern Tibet.
7 Nguyên vế câu văn này dịch thoát từ thuật ngữ chính trị “nuclear deterrence”,
một chủ thuyết quân sự đề xuất vào thời kì Chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kì
và Liên Xô. Vì sức tàn phá của bom hạt nhân là vô cùng khủng khiếp, do
đó theo chủ thuyết này, một lực lượng nguyên tử nhỏ yếu hơn vẫn có thể
cầm chân được phe địch nếu lực lượng được bảo vệ kĩ càng, không bị thiệt
hại nặng nề trong một cuộc tấn công bất thần. Nó là chiến lược ngăn
ngừa, răn đe phe địch không được vọng động vì nếu chiến tranh nguyên tử
xảy ra thì cả hai cùng chết. Ý niệm hệ quả của chủ thuyết này là MAD
(Mutual Assured Destruction).
8 “Tổng hợp quốc lực” là một khái niệm
mới, gần đây luân lưu khá sâu rộng trong giới lãnh đạo và học giả Trung
Quốc, dịch sang tiếng Anh là Comprehensive National Power. Khi dịch sang tiếng Việt, tôi trở lại Trung văn dưới dạng Hán-Việt.
9 Trong nguyên tác, vế câu tiếng Anh là “to subdue the enemy without fighting is the acme of skill.”
Khi dịch sang tiếng Việt, thay vì dịch sát nguyên văn, tôi mượn câu văn
trong thiên Mưu Công của Tôn Tử Binh Pháp. Trong phép dụng binh, Tôn Tử
nhấn mạnh đến mưu mẹo chiến lược để chống địch chứ không chủ trương
dùng sức mạnh quân sự. Tôn Tử mở đầu thiên Mưu Công với câu nói: “Phàm dụng binh chi pháp, toàn quốc vi thượng, phá quốc thứ chi,”
mà có thể hiểu là “Trong phép dụng binh, khiến cho toàn bộ nước địch
đầu hàng là thượng sách, còn đánh cho tan tành nước ấy chỉ là thứ sách.”
10 Ông Holmes dùng cụm từ “bush-league” để
mỉa mai chính sách “xoay trục” Châu Á của chính quyền Obama.
Bush-league là tên gọi chung các liên đội bóng chày của thanh thiếu niên
Mĩ.
11 Ở đây tác giả sử dụng thuật ngữ “revanchist” để gọi đích danh Trung Quốc. Nguyên vế sau câu văn tiếng Việt này tán rộng ý nghĩa của thuật ngữ. “Revanchism” (từ gốc revanche
tiếng Pháp có nghĩa là trả thù) là một chủ thuyết chính trị kêu gọi
lòng yêu nước để phục hưng quốc gia, tinh thần dân tộc, sự thịnh vượng,
v.v. sau khi bị thua trận, mất đất đai vào tay ngoại nhân. Gọi Trung
Quốc là revanchist, trong mắt nhìn của tác giả, Trung Quốc sẽ
không từ bỏ bất cứ phương tiện nào để đạt vai trò độc bá trên thế giới
vì tâm thức “Thiên triều” và mối thù suốt trên thế kỉ bị Tây Phương và
Nhật Bản giày xéo.
Dịch giả gửi BVN.
http://boxitvn.blogspot.com/2016/08/con-ho-phuc-trung-quoc-hanh-ong-mi-quoc.html#more
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét